DỤNG CỤ ĐO DUNG TÍCH BẰNG THỦY TINH DÙNG TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Laboratory volumetric Glassware – Technical requirements
Lời nói đầu
TCVN 326:1988 thay thế cho TCVN 326:1969;
TCVN 326:1988 do Xí nghiệp Thủy tinh Hà Nội biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành;
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
DỤNG CỤ ĐO DUNG TÍCH BẰNG THỦY TINH DÙNG TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM – YÊU CẦU KỸ THUẬT
Laboratory volumetric Glassware – Technical requirements
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho các dụng cụ đo dung tích bằng thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm, gồm các loại sau:
1) Bình định mức;
2) Pipét chia độ;
3) Pipét định mức;
4) Burét;
5) Ống đong định mức;
6) Ống đong chia độ.
Dụng cụ đo dung tích bằng thủy tinh được sản xuất từ thủy tinh trong suốt, không màu, với độ bền nước ở 98 oC không thấp hơn cấp 3, riêng đối với pipet không thấp hơn cấp 4 theo TCVN 1045:1971, với độ bền axit và độ bền kiểm cấp 2 TCVN 1047:1971, TCVN 1048:1971.
Cho phép dùng thủy tinh hơi có màu tùy theo loại thủy tinh.
1.2.1. Dụng cụ được sản xuất theo 2 cấp chính xác
A – Cấp chính xác cao;
B – Cấp chính xác thấp.
1.2.2. Nếu dụng cụ đo cấp chính xác A bị loại ra trong quá trình kiểm định, nhưng sai số dung tích còn nằm trong phạm vi cho phép đối với cấp chính xác B và không có sai sót gì về mặt chế tạo thì có thể vẫn sử dụng như dụng cụ đo cấp chính xác B. Trong trường hợp đó phải thay thế ký hiệu cấp A thành cấp B.
1.3.1. Hình dạng và kích thước phải được quy định trong các tiêu chuẩn đối với từng loại dụng cụ đo cụ thể.
1.3.2. Hình dạng và kích thước của dụng cụ đo cần đảm bảo
1) Khả năng sử dụng của dụng cụ đối với mục đích nhất định;
2) Giữ được dạng của dụng cụ trong một nhóm dụng cụ đo;
3) Khống chế đường kính bên trong ở nơi có vạch chia;
4) Yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa các vạch chia;
5) Dụng cụ đo loại đáy phẳng khi đặt phải đứng vững trên mặt phẳng ngang và không được đổ nếu nghiêng mặt phẳng đi 15º. Trục của dụng cụ khi đặt phải thẳng góc với mặt phẳng nằm ngang;
6) Kích thước cơ bản phải nằm trong khoảng kích thước cho phép.
1.3.3. Dụng cụ đo phải có dạng để chất lỏng sẽ chứa đựng bên trong có thể chảy ra hoặc đổ vào dễ dàng.
1.3.4. Đầu và miệng vòi chảy phải nhẵn, chắc, không gồ ghề.
1.3.5. Dụng cụ đo được làm theo 2 kiểu, kiểu đổ ra và kiểu đổ vào. Dụng cụ kiểu đổ ra dùng để đong chất lỏng sang một dụng cụ khác, dụng cụ kiểu đổ vào dùng để thực hiện công việc thí nghiệm ngay trong dụng cụ đo.
1.4.1. Thuật ngữ và định nghĩa theo TCVN 4284:1986
1.4.2. Trên dụng cụ đo không cho phép, nứt, rạn, sứt mẻ, bọt chọc thủng được bằng vật có độ cứng bằng hay nhỏ hơn độ cứng của thủy tinh, các vật lạ khác có đường kính lớn hơn 1 mm như đã, gỉ, đã kết tinh và bọt nhỏ tập trung thành đám.
1.4.3. Các khuyết tật khác được quy định trong các tiêu chuẩn của từng loại dụng cụ đo cụ thể.
1.4.4. Trên vạch mức hay thang chia độ của dụng cụ đo không cho phép có các khuyết tật làm khó đọc hoặc ảnh hưởng tới độ chính xác của dụng cụ đo.
1.5.1. Thông số dung tích định mức được chọn từ đáy 10; 20; 25; 50 hay bội ước của chúng 10n (trong đó n là số nguyên, âm hoặc dương)
Cho phép thông số dung tích định mức từ đáy 3; 15 hay bội ước của chúng 10n (trong đó n là số nguyên, âm hoặc dương)
1.5.2. Dung tích của dụng cụ đo được quy định ở nhiệt độ 27 oC;
1.5.3. Đơn vị đo dung tích bằng lít (lp), mililít (ml) và microlít (μl).
1.5.4. Phép đong đo được thực hiện bằng nước cất với dụng cụ đo kiểm đổ ra theo qui tắc của dụng cụ kiểu đổ ra với dụng cụ kiểu đổ vào theo quy tắc của dụng cụ kiểu đồ vào.
1.5.5. Đối với các dụng cụ đo kiểu đổ ra cần phải quy định thời gian chảy và trong trường hợp cần thiết, có thời gian đợi.
1.5.6. Đối với các dụng cụ đo không dùng nước cất, mà dùng chất lỏng khác, thì phải dùng thể tích nước cất tương ứng để kiểm tra lại.
1.5.7. Vị trí mặt cong chất lỏng được quy định như sau:
1) Với dụng cụ dùng để đo dung tích các chất lỏng trong suốt, mức đo tính theo điểm thấp nhất của hình khum mực chất lỏng;
2) Dụng cụ đo dùng cho thủy ngân tính theo điểm cao nhất của hình khum mực chất lỏng;
3) Với các chất lỏng nhất và không trong suốt thì mức đo tính theo vòng tiếp xúc giữa mặt của hình khum mực chất lỏng với thành dụng cụ.
1.6. Sai số đối với dung tích định mức
1.6.1. Sai số cho phép của dung tích được quy định trong tiêu chuẩn đối với từng loại dụng cụ đo cụ thể.
1.6.2. Sai số cho phép đối với dung tích của dụng cụ đo loại B không được vượt quá 2,5 lần sai số cho phép của dụng cụ đo loại A.
1.7. Vạch chia và thang chia độ
1.7.1. Vạch chia trên dụng cụ đo phải có chiều rộng như nhau.
1.7.2. Chiều rộng tối đa của vạch chia được quy định trong tiêu chuẩn đối với từng loại dụng cụ đo cụ thể.
1.7.3. Các vạch chia phải được vạch trên phần hình trụ và thuộc mặt phẳng vuông góc với trục đứng của dụng cụ đo.
1.7.4. Trên dụng cụ đo không có thang chia độ thì vạch mức vạch xung quanh chu vi.
1.7.5. Thể tích tương đương của một vạch chia nhỏ nhất cần chọn từ dãy 1; 2; 2; 3; 5 hay bội ước của chúng 10n (trong đó n là số nguyên, dương hoặc âm).
1.7.6. Các vạch chia phải mảnh, đều, rõ nét, không gãy khúc, không đứt quãng rộng.
Cho phép bôi màu vào các vạch chia độ.
1.7.7. Các kiểu và cách vạch thang chia độ được quy định theo Hình 1 và Hình 2
Hình 1
Hình 2
1.7.8. Vạch thang chia độ kiểu 1 cho dụng cụ đo cấp A phải có độ dài:
1) Ngắn – không nhỏ hơn một nửa chu vi;
2) Trung bình – khoảng 65 % chu vi;
3) Dài – cả chu vi. Cho phép khoảng hở không quá 10% chu vi.
1.7.9. Vạch thang chia độ kiểu 2 cho dụng cụ đo cấp A và B phải có độ dài:
1) Ngắn – từ 10 đến 20% chu vi;
2) Trung bình – gần bằng 1/5 lần chiều dài vạch ngắn;
3) Dài – cả chu vi. Cho phép khoảng hở không quá 10% chu vi.
1.7.10. Vạch thang chia độ kiểu 3 cho dụng cụ đo cấp B cần phải có độ dài:
1) Ngắn – từ 10 đến 20% chu vi;
2) Trung bình – gần bằng 1/5 lần chiều dài vạch ngắn;
3) Dài – không nhỏ hơn 2 lần chiều dài vạch ngắn.
1.8.1. Đánh số trên thang cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1) Thang phải có cùng một kiểu chữ;
2) Chữ số phải sắc nét;
3) Vạch thứ 10 phải đánh số;
4) Đánh số phải giới hạn trên vạch dài và ở trực tiếp trên vạch này phía bên phải. Trong trường hợp đánh số trên vạch dài (vạch không hết chu vi ống) thì đánh số ở phía bên phải cuối vạch dài;
5) Đánh số vạch trung bình và vạch ngắn ở bên phải đầu của vạch.
1.8..2 Hình dạng và kích thước của tất cả các vạch chia, ký hiệu, chữ số trên dụng cụ đo phải đảm bảo dễ đọc trong khi sử dụng và bền đối với tác dụng của môi trường.
1.9.1. Van được chế tạo bằng thủy tinh hay bằng chất dẻo trơ.
1.9.2. Van phải đảm bảo để cho mọi việc kiểm tra chất lỏng chảy thật đơn giản và chính xác.
1.9.3. Tất cả các van và nút thủy tinh phải có độ côn 1:10 theo TCVN 1050:1971. Tất cả các bộ phận của van và nút phải kín và trơn.
2. Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản
2.1. Trên mỗi dụng cụ đo cần ghi các ký hiệu sau:
1) Dấu hiệu hàng hóa hoặc tên của xí nghiệp sản xuất;
2) Dung tích định mức;
3) Đơn vị đo dung tích, ml;
4) Ký hiệu đổ vào “V” hay đổ ra “R”;
5) Nhiệt độ chuẩn 27 oC;
6) Cấp chính xác A hoặc B;
7) Ký hiệu và số hiệu tiêu chuẩn.
2.2. Dụng cụ đo dung tích bằng thủy tinh khi đóng gói phải được ngăn cách với nhau và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
2.3. Trên bao bì vận chuyển cần ghi: “cẩn thận” hoặc “hàng dễ vỡ” và ký hiệu theo TCVN 2816:1978.
2.4. Dụng cụ đo kích thước bằng thủy tinh cần được vận chuyển trên các phương tiện sạch, có mái che. Bốc xếp vận chuyển phải nhẹ nhàng.
2.5. Trong mỗi bao bì vận chuyển phải kèm theo một phiếu kiểm tra với nội dung:
1) Tên sản phẩm và xí nghiệp sản xuất;
2) Số lượng sản phẩm;
3) Ngày kiểm tra;
4) Họ tên và chữ ký của người kiểm tra.
2.6. Dụng cụ đo phải được để nơi khô ráo, sạch, tránh mưa nắng và các hóa chất bay hơi.