Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 5141:1990

(CAC/ PR7 - 1984)

NÔNG SẢN THỰC PHẨM

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH PHÂN TÍCH DƯ LƯỢNG THUỐC TRỪ DỊCH HẠI

Codex guidelines on good practice in pesticide residue analysis

Tiêu chuẩn này hướng dẫn các điều kiện thực hành để đảm bảo phân tích chính xác dư lượng thuốc trừ dịch hại bao gồm các điều kiện về:

- Kiểm nghiệm viên

- Các nguồn cơ bản

- Tiến hành phân tích

Tiêu chuẩn này phù hợp với CAC/PR 7 - 1984.

1. Kiểm nghiệm viên:

1.1. Phân tích dư lượng gồm một chuỗi các quá trình mà hầu như một nhà hóa học được đào tạo đều đã biết hoặc đã hiểu, nhưng vì sai số cho phép nhỏ hơn đối với hầu hết các dạng phân tích khác và bất kỳ một sai sót nào cũng có thể làm mất hiệu lực của cả quá trình phân tích, vì thế cần phải chú ý tới từng chi tiết.

Kiểm nghiệm viên trưởng phải có trình độ nghề nghiệp thích hợp, có kinh nghiệm và đủ khả năng trong phân tích dư lượng. Bất kỳ lúc nào, phần lớn các kiểm nghiệm viên cần được đào tạo để sử dụng chính xác các máy móc, các kỹ năng kiểm nghiệm cơ bản và các nguyên tắc phân tích dư lượng. Họ cần phải hiểu mục đích của mỗi công đoạn trong phương pháp đang áp dụng và tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp một cách chính xác như đã mô tả và ghi lại các sai khác không thể tránh khỏi. Cũng cần phải hiểu đúng các thuật ngữ có liên quan.

1.2. Tốt nhất, khi thành lập một phòng thí nghiệm phân tích dư lượng, các phân tích viên cần có thời gian được đào tạo ở một phòng thí nghiệm được trang bị tốt, có khả năng hướng dẫn kinh nghiệm và huấn luyện. Nếu phòng thí nghiệm được xây dựng để phân tích nhiều loại dư lượng thuốc trừ sâu thì cần phải để các phân tích viên thu được kinh mghiệm ở nhiều phòng thí nghiệm đã xây dựng.

2. Các nguồn cơ bản:

2.1. Phòng thí nghiệm:

2.2.1. Điều kiện lý tưởng là phòng thí nghiệm và các trang bị của nó cần được thiết kế để các nhiệm vụ được tiến hành ở những khu vực an toàn nhất và mẫu ít bị nhiễm bẩn nhất. Trang bị phải làm bằng các vật liệu chịu được tác dụng của hoá chất thường dùng ở khu vực đó. Như vậy, ở các điều kiện lý tưởng, cần phải thiết kế các phòng riêng biệt để nhận và bảo quản mẫu, để chuẩn bị, chiết xuất và làm sạch mẫu, và để cho các thiết bị được dùng trong các bước xác định.

ở khu vực được dùng để chiết và làm sạch.

Yêu cầu tối thiểu cho việc phân tích dư lượng thuốc trừ dịch hại là các phương tiện phải tránh được sự nhiễm bẩn.

2.1.2. Sự an toàn trong phòng thí nghiệm cũng cần được xem xét ở mức độ cần thiết và các điều kiện thích đáng vì phải thừa nhận rằng các điều kiện làm việc nghiêm ngặt phải thực hiện trong các phòng thí nghiệm phân tích dư lượng ở một số nơi trên thế giới là hoàn toàn không thể có được ở những nơi khác. Không được phép hút thuốc, ăn uống hoặc dùng mỹ phẩm ở những nơi làm việc. Chỉ có những lượng nhỏ dung môi được để ở nơi làm việc còn khối lượng lớn các dung môi phải đựơc bảo quản riêng biệt xa nơi làm việc chính. Nếu được, cần tránh dùng các thuốc thử và các dung môi gây nhiễm độc mãn tính hoặc rất độc. Toàn bộ số dung môi phế thải phải được bảo quản an toàn và thường xuyên loại bỏ.

2.1.3. Nơi làm việc chính cần được xử lý như một phòng thí nghiệm, dung môi và tất cả các thiết bị như đèn, máy nghiền và tủ lạnh không được để "chạm mát" hoặc phải "chống nổ". Các bước chiết xuất, làm sạch và cô đặc phải được tiến hành ở nơi thông gió tốt, tốt nhất là trong các tủ hốt. Các hốt hút hơi hoặc các vòm kính che trên giá thí nghiệm nói chung là không thể hút hết hơi tới giới hạn an toàn cho làm việc.

2.1.4. Phải có lá chắn an toàn khi sử dụng các dụng cụ thủy tinh dưới điều kiện chân không hoặc áp suất. Phải cung cấp đầy đủ kính bảo hiểm, găng tay và quần áo bảo hộ khác, phải có các phương tiện rửa an toàn và xử lý việc rò rỉ của chúng. Phải dự phòng các thiết bị chống cháy. Tất cả nhân viên làm việc phải được huấn luyện để sử dụng những phương tiện này và biết được những rủi ro có liên quan. Các nhân viên cần nhận thức được rằng nhiều loại thuốc trừ dịch hại có tính gây nhiễm độc cấp hoặc mãn tính và tuy rằng có ít nguy hiểm liên quan đến việc tiếp xúc với hầu hết các mẫu, vẫn cần hết sức thận trọng trong khi tiếp xúc với các hợp chất chuẩn có liên quan.

2.1.5. Các nhân viên phải được kiểm tra sức khoẻ định kỳ

2.2. Thiết bị và việc cung cấp

2.2.1. Phòng thí nghiệm đòi hỏi được cung cấp đầy đủ điện, nước và các loại khí khác từ ống dẫn hoặc từ các bình khí đảm bảo chất lượng. Việc cung cấp đủ các thuốc thử, dung môi, dụng cụ thủy tinh, các pha tĩnh là cần thiết.

2.2.2. Cần có các phương tiện phục vụ cho sắc ký khí như cân, quang phổ kế vv... và có thể bao gồm cả một số phụ tùng cần thiết cũng như một dịch vụ kỹ thuật tốt.

2.2.3. Mặc dù trong điều kiện lý tưởng, trang thiết bị cần phải được hiện đại hoá để theo kịp sự phát triển, thí dụ sắc ký khí có điều khiển bằng máy vi tính, trang thiết bị cần tinh vi đủ để hoàn thành công việc đã được yêu cầu. Như vậy những yêu cầu kiểm tra hàng hoá ghi trong giới hạn dư lượng tối đa theo codex (MRLs) có thể ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với những điều đã yêu cầu trong môi trường nghiên cứu.

2.2.4. Tất cả các phòng thí nghiệm cần phải có một bộ đầy đủ các thuốc trừ dịch hại chuẩn đã được biết và có độ tinh khiết cao hợp lý. Bộ này phải bao gồm các chủng loại gốc mà theo đó phòng thí nghiệm đang kiểm tra các mẫu cũng như các đồng phân đã được ghi trong MRLs.

3. Phân tích:

3.1. Tránh nhiễm bẩn:

3.1.1. Một trong những vấn đề chính làm cho việc phân tích dư lượng thuốc trừ dịch hại khác hẳn với phân tích đa lượng là vấn đề nhiễm bẩn. Lượng nhiễm bẩn trong các mẫu cuối cùng dùng cho giai đoạn xác định của phương pháp có thể làm tăng các sai số như là những kết quả có sai lệch dương, làm giảm độ nhạy và có thể hạn chế các phân tích viên dư lượng đạt được những giới hạn xác định cần thiết. Sự nhiễm bẩn có thể phát sinh từ các vật liệu xây dựng, từ môi trường hoặc từ quy trình phân tích.

3.1.2. Thuốc đánh bóng giá thí nghiệm, kem bôi trơn, xà phòng chứa các chất diệt khuẩn, thuốc diệt ruồi muỗi, nước hoa và mỹ phẩm là tất cả những thứ hàng có thể làm tăng sự nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm và đặc biệt có ý nghĩa khi dùng đầu chỉ thị cộng kết điện tử. Không có giải pháp thực sự nào cho vấn đề này ngoài việc cấm dùng chúng.

3.1.3. Dầu mỡ, các chất làm mềm, nút và ống cao su, đầu từ các đường ống dẫn khí, bình lắng gặn, giấy lọc, bông vải cũng có thể làm tăng độ nhiễm bẩn của dung dịch thử cuối cùng.

3.1.4. Các chất chuẩn thuốc trừ dịch hại phải luôn luôn được bảo quản ở phòng riêng cách biệt với phòng thí nghiệm dư lượng chính. Mẫu ngoài đồng, chuẩn bị mẫu, xây dựng qui trình phân tích cũng phải làm riêng ngoài phòng thí nghiệm dư lượng chính.

3.1.5. Sự nhiễm bẩn dụng cụ thủy tinh, xi lanh và các cột sắc ký khí có thể tăng lên do các mẫu trước để lại. Tất cả các dụng cụ thủy tinh phải được làm sạch bằng chất tẩy rửa, tráng kỹ và sau đó tráng lại bằng dung môi sẽ dùng. Cần có dự trữ riêng các dụng cụ thủy tinh dùng trong phân tích dư lượng thuốc trừ dịch hại.

Các thuốc thử hoá học, các chất hấp phụ và các dung môi thí nghiệm chung có thể chứa các thành phần gây cản trở cho việc phân tích. Có thể cần phải tinh chế các thuốc thử và các chất hấp phụ bằng cách sấy và nói chung cần phải dùng dung môi cất lại. Nước khử ion thường là không đáng tin cậy, nước cất hai lần thì thích hợp hơn. Trong các trường hợp đặc biệt, nước máy hoặc nước giếng cũng có thể thích hợp. Tất cả các dụng cụ thủy tinh, thuốc thử, dung môi hữu cơ và nước phải được kiểm tra về khả năng nhiễm bẩn trước khi sử dụng.

3.1.6. Phải thận trọng với các máy móc chứa polyvihylclorua và nếu có biểu hiện là nguồn nhiễm bẩn thì không được dùng trong phòng thí nghiệm dư lượng. Các vật liệu khác có các chất làm mềm là không đáng tin cậy nhưng PTFE và silicon thường là có thể chấp nhận được. Còn các chất khác trong một vài trường hợp có thể chấp nhận được. Các dụng cụ chứa mẫu có thể gây nhiễm bẩn cho nên phải luôn dùng lọ thủy tinh nút mài. Phải luôn để các dụng cụ trong một phòng riêng biệt. Bản chất và tầm quan trọng của sự nhiễm bẩn có thể phụ thuộc rất nhiều vào dạng và kỹ thuật xác định được sử dụng và mức độ dư lượng thuốc trừ dịch hại cần được xác định. Những vấn đề về nhiễm bẩn này là quan trọng đối với các phương pháp dựa trên sắc ký khí hoặc sắc ký lỏng cao áp và ngược lại có thể ít có ý nghĩa hơn nếu dùng quang phổ. Với các mức dư lượng tương đối cao, sự cản trở do các dung môi và các vật liệu khác có thể không đáng kể nếu so sánh với dư lượng hiện có. Trong đó nhiều vấn đề có thể được giải quyết bằng việc sử dụng các đầu chỉ thị đặc hiệu. Hơn nữa, nếu chất gây nhiễm bẩn không cản trở đối với dư lượng đang xác định thì sự có mặt đó cũng có thể chấp nhận được.

3.2. Tránh sự hao hụt:

3.2.1. Trong điều kiện lý tưởng, các mẫu nên được bảo quản lạnh (3 - 5°C), tránh ánh sáng trực tiếp và được phân tích ngay trong vài ngày. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mẫu có thể đòi hỏi phải bảo quản trong một thời kỳ kéo dài (6- 9 tháng) trước khi phân tích và phải tuân theo các điều kiện sau đây:

3.2.2. Nhiệt độ bảo quản khoảng - 20°C, ở nhiệt độ đó sự phân huỷ dư lượng thuốc trừ dịch hại dưới tác dụng của enjim rất thấp. Nếu có bất kỳ sự nghi ngờ nào, các mẫu thử phải được so sánh với các mẫu bền vững đã được bảo quản trong cùng một điều kiện.

3.2.3. Tất cả các mẫu phải được đồng nhất lại sau khi lạnh đông vì nước có xu hướng bay hơi ra và tập hợp lại dưới dạng các tinh thể nước đá, nếu bị thất thoát sẽ ảnh hưởng tới kết quả phân tích.

3.2.4. Các dụng cụ chứa dùng để bảo quản cũng như các nắp đậy hoặc nút của chúng không được để cho hoá chất đang xác định chảy vào trong các dụng cụ chứa đó. Các dụng cụ chứa không được rò rỉ. Tất cả các mẫu phải được dán nhãn rõ ràng, bền và được ghi vào sổ mẫu.

3.2.5. Các phần chiết và các dung dịch thử cuối cùng không được để dưới ánh sáng trực tiếp.

3.3. Thủ tục tiến hành chuẩn.

3.3.1. Phải có sẵn và được viết ra các qui trình thao tác chuẩn để các phân tích viên sử dụng.

3.3.2. Bất kỳ sự sai khác nào đối với qui trình cũng phải được ghi chép lại và phải được phép của phân tích viên trưởng.

3.4. Sự phê chuẩn phương pháp

3.4.1. Cố gắng để phê chuẩn các phương pháp có phạm vi xác định khác nhau. Trong một phòng thí nghiệm thông thường việc kiểm tra sự tuân thủ MRLs theo codex hoặc các giới hạn quốc gia, các phương pháp tiêu chuẩn hoá sẽ được áp dụng trong hầu hết các trường hợp. Những văn bản này phải được phê chuẩn ngay từ đầu và sau đó được kiểm tra một cách định kỳ.

3.4.2. Trong tất cả các phòng thí nghiệm, phải thường xuyên kiểm tra ảnh hưởng của sự biến động về các nguồn cung cấp hoá chất, dung môi .v.v....

Nội dung của phương pháp phải được kiểm tra bằng cách như soát xét lại tiêu chuẩn, bổ sung các giới hạn phù hợp thông qua cả hai phương pháp đơn lẻ với sự có mặt của mỗi chất nền mới.

3.4.3. Trong phòng thí nghiệm mà có sự phát triển và/hoặc sửa đổi phương pháp, các phương diện khác có thể được nghiên cứu là ảnh hưởng của sự thay đổi kích thước mẫu, hệ số phân bổ.v.v.... hiệu quả, sự phân giải và độ ổn định cột của các hệ thống sắc ký khí và sắc ký lỏng và sự biến đổi hoạt động của các hệ thống cột làm sạch khác. ảnh hưởng của ánh sáng, việc bảo quản ở giai đoạn trung gian của quá trình phân tích, nhiệt độ .v.v... đối với độ ổn định của các thuốc thử và mẫu đều phải được nghiên cứu. Sự đánh giá các hệ thống phát hiện/xác định (thí dụ trong sắc ký khí hoặc sắc ký lỏng) về ảnh hưởng của tốc độ dòng chảy nhiệt độ.v.v... là quan trọng.

3.5. Duy trì việc thực hiện phân tích toàn diện

3.5.1. Trong mọi phòng thí nghiệm có nhiệm vụ phân tích dư lượng thuốc trừ dịch hại có một nhu cầu đánh giá thường xuyên các phương pháp sử dụng cả ở mức độ cho phép và giới hạn thấp hơn của việc xác định.

3.5.2. Thu hồi thuốc trừ dịch hại từ các mẫu "cho thêm thuốc" thường được dùng như một cách đo hiệu quả của việc chiết xuất, nhưng cần thừa nhận rằng những nghiên cứu như thế chỉ có giá trị giới hạn. ở những nơi có thể, phải nhấn mạnh đến việc kiểm tra việc thu hồi khi các dư lượng ở trạng thái "thực", ví dụ : Các mẫu đã được xử lý sơ bộ bằng phương pháp đưa đến việc thu hồi đầy đủ các mẫu đã được cho thêm thuốc cùng với các hợp chất gốc có thể là không thích hợp cho hiệu xuất chiết xuất của các hợp chất gốc và những đồng phân của chúng trong các mẫu " thực ". ở những nơi có thể, việc đánh giá một phương pháp bao gồm việc chiết suất các hợp chất phóng xạ đánh dấu hoặc chiết xuất đối chứng với một phương pháp có hiệu quả đã biết. Mẫu được cho thêm thuốc với hợp chất gốc và một vài đồng phân đã biết có thể được phân tích để xác định việc mất các hợp chất này trong khi phân tích. Việc thu hồi phải trong phạm vi 70 -110% với một giá trị trung bình lớn hơn 80% sau khi loại trừ phần ngoài.

3.5.3. Việc phân tích đều đặn các chất nền đã biết là không có các dư lượng thuốc trừ dịch hại là cần thiết để kiểm tra việc không xảy ra của sự nhiễm bẩn.

3.5.4. Phải cẩn thận để các dung dịch chuẩn của thuốc trừ dịch hại không bị phân huỷ bởi tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ trong khi bảo quản hoặc trở nên đặc hơn do sự bay hơi của dung môi. Cũng cần cẩn thận như trên để đảm bảo độ ổn định của các hợp chất chuẩn so sánh. Việc bơm đều đặn mẫu chuẩn trong phân tích sắc ký khí của một loạt mẫu cho phép kiểm tra các bước xác định.

3.5.5. Bằng cách kiểm tra việc thực hiện một phương pháp (hoặc một phân tích viên) là đưa ra những mẫu kiểm tra theo từng thời gian đều đặn. Những mẫu kiểm tra này, cũng được đưa ra như các mẫu thường dùng mà không có bất kỳ một chỉ dẫn nào về bản chất đặc biệt của chúng.

3.5.6. Các tổ chức quốc gia, quốc tế khác nhau ngày nay tổ chức công tác trong nghiên cứu về các phương pháp đặc biệt và/ hoặc các chương trình kiểm tra mẫu. Gần đây có một phương pháp lý tưởng để các phòng thí nghiệm đánh giá sự thực hiện của họ. Nếu có thể, các mẫu kiểm tra được đưa ra như các mẫu thường dùng sao cho người phân tích có liên quan không có ý định có một nỗ lực đặc biệt nào làm mất hiệu lực các mẫu này như một cách thử về sự thực hành thí nghiệm.

3.6. Thử nghiệm xác nhận

3.6.1. Khi việc phân tích được tiến hành nhằm mục đích điều chỉnh, điều đặc biệt quan trọng là tiến hành thử nghiệm xác nhận trước khi báo cáo ngược lại trên các mẫu có chứa dư lượng thuốc trừ dịch hại không kết hợp một cách bình thường với mặt hàng đó hoặc có biểu hiện đã vượt quá MRLs. Sự nhiễm bẩn mẫu bằng các hoá chất không phải là thuốc trừ dịch hại đôi khi xảy ra và trong một vài phương pháp sắc ký những hợp chất này có thể có các tính chất tương tự như các thuốc trừ dịch hại, và vì thế có thể bị xác định nhầm. Thí dụ trong sắc ký khí có đầu chỉ thị cộng kết điện tử cũng có đáp ứng đối với các este phtalut và các đầu chỉ thị đặc hiệu cho photpho thì có đáp ứng với các hợp chất chứa lưu huỳnh.

3.6.2. Các thử nghiệm xác nhận có thể chia làm 2 loại. Các thử nghiệm định lượng là cần thiết khi có biểu hiện vượt quá MRLs trong khi việc xác nhận định tính của tính đồng nhất cũng cần thiết trong các trường hợp này, và khi gặp phải các dư lượng không điển hình. Các thử nghiệm định tính có thể liên quan đến các phản ứng hoá học hoặc các quá trình tách dễ gây ra mất mát một số dư lượng. Các vấn đề đặc biệt xảy ra đối với việc xác nhận khi đạt được MRLs hoặc xấp xỉ giới hạn xác nhận phân tích.

3.6.3. Nhu cầu về các thử nghiệm xác nhận có thể phụ thuộc vào dạng mẫu hoặc lai lịch đã biết của chúng. Trong nhiều chất nền, một số dư lượng gần như luôn luôn được tìm thấy. Đối với một loạt các mẫu có nguồn gốc tương tự, có thể chỉ cần xác nhận đặc tính của dư lượng ở các mẫu ban đầu. Tương tự, khi đã biết rằng một loại thuốc trừ dịch hại cá biệt được áp dụng đối với một vật mẫu mà ít có nhu cầu xác định đặc tính, dù cho một tỷ lệ ngẫu nhiên của các mẫu vẫn phải được xác nhận.

Khi có sẵn các mẫu kiểm tra, chúng phải được dùng để kiểm tra sự có mặt của các chất cản trở có thể có.

3.6.4. Trong xác nhận định lượng, ít nhất phải sử dụng một quy trình lựa chọn và phải báo cáo với kết quả thấp hơn.

Trong xác nhận định tính, nên sử dụng một kỹ thuật lựa chọn những đặc tính hoá lý khác nhau.

3.6.5. Các bước cần thiết dẫn đến sự nhận biết xác thực là vấn đề phán đoán về phía người phân tích và phải đặc biệt chú ý tới việc lựa chọn một phương pháp có thể loại trừ ảnh hưởng của các hợp chất cản trở.

Phương pháp lựa chọn này phụ thuộc vào các máy móc thích hợp đã có và sự giám định ở phòng thí nghiệm.

Một số quy trình thay đổi được giới thiệu ở đoạn sau nhằm hướng dẫn các phân tích viên.

3.6.6. Các cột sắc khí lựa chọn.

Các kết quả thu được trong phân tích sơ bộ phải luôn luôn được xác nhận về mặt định tính và định lượng, dùng ít nhất một cột lựa chọn gồm một pha tĩnh có độ phân cực khác nhau. Các kết quả định lượng thu được phải nằm trong 20% phân tích sơ bộ và các số liệu thấp hơn phải được báo cáo vì các số liệu cao hơn có thể tăng thêm bởi sự gây nhiễu của vật liệu cùng được chiết xuất. Cần có thêm việc xác nhận định lượng nếu các kết quả sai khác hơn 20% trừ khi MRL được đặt "đúng hoặc xấp xỉ giới hạn xác định " một sự biến đổi lên tới 100% cũng có thể chấp nhận được.

Trong việc chọn vật liệu cột lựa chọn phải có sự cân nhắc tới việc tách bất kỳ hợp chất gây nhiễu hoặc thuốc trừ dịch hại đã biết để có thời gian lưu trong cột ban đầu y hệt như cột dư lượng đã phát hiện.

Cột lựa chọn này có thể là cột nhồi hoặc, tốt hơn là cột mao quản mà có thể sử dụng khả năng phân giải lớn hơn của nó.

Khi việc dùng một cột sắc ký khí lựa chọn không phải lúc nào cũng cho một sự xác nhận dương tính, nó thường bác bỏ nhanh chóng sự nghi ngờ trong nhận biết.

Trong mỗi trường hợp đòi hỏi phải có sự xác nhận thêm để nhận biết dư lượng.

3.6.7. Sử dụng các đầu chỉ thị chọn lọc cho sắc ký khí. Khi có mặt thuốc trừ dịch hại chứa một số nguyên tố hoá học, có thể dùng các đầu chỉ thị hiện có đáp ứng đặc hiệu đối với những nguyên tố đó. Các đầu chỉ thị như là quang kế ngọn lửa (lưu huỳnh, photpho và thiếc) kiềm ion hoá ngọn lửa (photpho và nitơ) và so màu/độ dẫn (nitơ, lưu huỳnh và các halogen) có thể cho thông tin bổ sung có giá trị về dư lượng. Hệ số đáp ứng lưu huỳnh/ photpho thu được bằng cách dùng đầu chỉ thị quang kế ngọn lửa có thể cho thông tin có ích trong trường hợp của photphorothioat.

3.6.8. Sắc ký lớp mỏng (TLC)

Trong vài trường hợp, việc xác nhận những phát hiện của sắc ký khí lại đạt được một cách thuận tiện nhất bằng sắc ký lớp mỏng. Sự nhận biết dựa trên hai tiêu chuẩn là giá trị Rf và phản ứng quang hoá. Tuy nhiên về mặt định lượng của TLC là hạn chế. Việc mở rộng hơn nữa về kỹ thuật này bao gồm việc loại bỏ vùng trên bản mỏng tương ứng với Rf của hợp chất quan tâm, tiếp theo là tách chất rắn từ nguyên liệu lớp và phân tích xác nhận thêm về vật lý, hoặc hoá học. Một dung dịch thuốc trừ dịch hại chuẩn thường phải được chấm trên bản mỏng song song với phần chiết của mẫu để ngăn ngừa bất cứ vấn đề nào không đảm bảo độ lặp lại của Rf. Vết chấm trùng của phần chiết với thuốc trừ dịch hại chuẩn cũng có thể cho thông tin hữu ích. Lợi ích của sắc ký lớp mỏng là nhanh, rẻ và áp dụng được đối với các vật liệu nhạy cảm nhiệt, điều bất lợi là độ nhạy thấp hơn (thông thường) so với sắc ký khí - lỏng và thường xuyên phải làm sạch kỹ hơn.

Vấn đề ở một số nước có thể gặp là khi nhiệt độ cao hoặc độ ẩm cao sẽ không đảm bảo độ lặp lại.

3.6.9. Sắc ký lỏng cao áp (HPLC)

HPLC thường được dùng một cách tiện lợi cho việc xác nhận các dư lượng phát triển lúc đầu bằng sắc ký khí hoặc bởi các kỹ thuật khác và có thể trong một số trường hợp nhất định, đây là kỹ thuật định lượng thích hợp. Sự dẫn xuất hoá trước và sau cột và/ hoặc việc dùng các đầu chỉ thị hiện khác nhau là những sự lựa chọn bổ sung có thể đối với phân tích viên, đặc biệt khi độ nhạy nhiệt hoặc tính bay hơi thấp làm cho hợp chất cần phân tích ít tuân theo hơn đối với sắc ký khí.

3.6.10. Sự phân đoạn cột

Thứ tự của việc tách chất rắn từ các cột sắc ký lỏng có thể giúp kiểm tra việc xác định một hợp chất. Như vậy một yếu tố xác nhận có thể được xây dựng trong quy trình chiết xuất và làm sạch.

3.6.11. Chiết xuất giá trị P

Sự phân đoạn thuốc trừ dịch hại chia thành từng phần vào pha trên khi đã phân bố giữa các thể tích bằng nhau của hai dịch lỏng không trộn lẫn đã được quy định như phần chiết giá trị P và thường là giá trị duy nhất cho một hệ dung môi thuốc trừ dịch hại đã cho.

3.6.12. Dẫn xuất hoá

Phạm vi này của sự xác nhận có thể được xét dưới ba mục lớn:

a) Các phản ứng hoá học

Các phản ứng hoá học ở phạm vi hẹp gây nên sự biến đổi bổ sung hoặc ngưng tụ các sản phẩm thuốc trừ dịch hại, tiếp theo là sự kiểm tra lại các sản phẩm bằng các kỹ thuật sắc ký đã được dùng một cách thường xuyên. Những phản ứng tạo ra các sản phẩm có thời gian lưu khác nhau và/ hoặc đáp ứng của đầu chỉ thị từ các sản phẩm của hợp chất gốc.

Một mẫu của thuốc trừ dịch hại chuẩn phải được xử lý song song với dư lượng nghi ngờ sao cho những kết quả của nó có thể được đối chiếu trực tiếp. Một phần chiết tăng cường cũng phải được đưa vào để chứng minh rằng phản ứng đã xảy ra với sự có mặt của vật liệu mẫu. Các phản ứng hoá học có lợi là nhanh và dễ tiến hành nhưng các thuốc thử đặc hiệu có thể cần phải mua hoặc/và làm cho tinh khiết.

b) Các phản ứng vật lý

Một kỹ thuật có ích là sự biến đổi quang hoá dư lượng thuốc trừ dịch hại cho một hoặc nhiều sản phẩm với một kiểu sắc ký lặp lại được.

Một mẫu thuốc trừ dịch hại chuẩn và phần chiết tăng cường phải luôn được xử lý bằng một cách tương tự. Các mẫu chứa một dư lượng thuốc trừ dịch hại cao hơn có thể dẫn tới những vấn đề trong việc làm sáng tỏ những kết quả. Trong những trường hợp như thế, việc tách trước các dư lượng xác định có thể tiến hành bằng cách sử dụng TLC (3.6.8), HPLC (3.6.9) hoặc phân đoạn cột (3.6.10) trước khi phản ứng.

c) Các phương pháp khác.

Nhiều thuốc trừ dịch hại dễ bị phân hủy hoặc biến đổi bởi các enzim. Ngược với các phản ứng hoá học thông thường, những quá trình này rất đặc trưng và nói chung gồm một trong những phản ứng sau: oxy hoá thủy phân hoặc de- ankyl hoá.

Các sản phẩm có các đặc trưng sắc ký khác nhau từ các thuốc trừ dịch hại gốc và có thể dùng cho mục đích xác nhận nếu đối chiếu với phản ứng của sản phẩm dùng thuốc trừ dịch hại chuẩn.

3.6.13. Khối phổ

Những kết quả thu được bằng dùng trắc khối phổ biểu thị bằng chứng dứt khoát nhất đối với những mục đích xác nhận hoặc nhận biết. ở nơi nào có đầy đủ máy móc, thì đó là kỹ thuật xác nhận được lựa chọn.

Có hai phương pháp chính đưa mẫu vào thiết bị. Phương pháp thích hợp là dùng sắc ký khí tách trước khi đưa vào khối phổ kế. Điều này cho phép phân tích khối phổ đầy đủ của đỉnh quan sát được trong khi phân tích sơ bộ.

Cách khác, mẫu có thể được đưa vào nhờ kỹ thuật đưa mẫu vào trực tiếp. Phương pháp này có thể sử dụng kết hợp với TLC hoặc HPLC khi chúng được dùng như các quy trình xác nhận ban đầu. Các dư lượng được tách trong kỹ thuật này được cách ly và phụ thuộc vào khối phổ.

Các kỹ thuật đã biết như việc phát hiện ion đơn và nhóm ion thường được dùng để tăng độ nhạy đặc biệt là với các thiết bị 4 cực quét nhanh.

Một số vừa đủ các ion mảnh phải được chọn để đảm bảo một sự nhận biết rõ ràng. Có thể thu được độ nhạy tăng cường có tính đến ion phân tử bằng việc sử dụng ion hoá học thay cho va chạm điện tử. Vì khối phổ nói chung là nhạy ở mức độ nanogam, một số phần chiết từ phân tích sắc ký khí, sơ bộ có thể yêu cầu cô đặc trước khi phân tích khối phổ đặc biệt là khi dùng các đầu chỉ thị cộng kết điện tử để định lượng. Trong một vài trường hợp việc làm sạch bổ sung là cần thiết đặc biệt là nếu muốn thu được một phổ đầy đủ.

Những vấn đề có thể gặp phải với các hợp chất nhạy cảm nhiệt trong khi phân tích khối phổ và phải đặc biệt chú ý khi ghép sắc ký khí với khối phổ. Vì hầu như không có đường cong vi phân đối với các hợp chất trong sự phức tạp của phân tích khối phổ có thể xuất hiện với sự có mặt của các chất nhiễm bẩn cùng tách với chất rắn.

3.6.14. Các cách đo phổ

Hiện nay ít dùng phổ học hồng ngoại, Raman hoặc cộng hưởng từ hạt nhân trong phân tích dư lượng thuốc trừ dịch hại. Các kỹ thuật thiết bị dùng những tế bào phản xạ nhiều lần, vi tế bào, vi mẫu thử, tia lade, biến đổi Fourier.v.v... đang được phát triển góp phần cải thiện chất lượng phổ, tăng độ nhạy và có thể mở rộng việc ứng dụng các kỹ thuật này như các phương pháp phát hiện sau cột để nhận biết các hợp chất đã được cách ly bằng các kỹ thuật sắc ký.