Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 5506 – 1991

THUỐC BẢO QUẢN GỖ

YÊU CẦU CHUNG

Wood preservatives

General requirements

Lời nói đầu

TCVN 5506–1991 do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đề nghị và được Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành theo quyết định số 574/QĐ ngày 17 tháng 9 năm 1991.

 

THUỐC BẢO QUẢN GỖ

YÊU CẦU CHUNG

Wood preservatives

General requirements

Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu chung đối với thuốc bảo quản gỗ (gỗ, tre, nứa, song, mây).

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Các chế phẩm được sử dụng làm thuốc bảo quản gỗ phải có ít nhất một trong những tính năng tồn tại lâu dài sau đây:

- phòng chống nấm mốc hại gỗ ;

- phòng chống côn trùng hại gỗ;

- phòng chống hà hại gỗ;

- phòng chống cháy gỗ.

1.2. Khi sản xuất và sử dụng thuốc bảo quản gỗ, phải tuân theo các quy định hiện hành về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

1.3. Phải quy định phương pháp định tính cho từng loại thuốc bảo quản gỗ.

2. PHÂN LOẠI THUỐC BẢO QUẢN

2.2. Tùy theo cấu tạo, hiệu lực và tính ổn định của thuốc trong gỗ mà phân loại thuốc bảo quản thành các dạng khác nhau. Thông thường, dạng cấu tạo được gọi trước, tiếp theo là tính hiệu lực và cuối cùng là tính ổn định.

Ví dụ: Thuốc bảo quản gỗ sunphat đồng, dạng tinh thể, có hiệu lực chống nấm, dễ bị rửa trôi.

2.2. Phân loại theo cấu tạo

Dựa vào cấu tạo, phân loại thuốc bảo quản gỗ thành các dạng dưới đây:

- Thuốc bột: bao gồm các loại thuốc bảo quản gỗ khi đóng gói ở dạng bột. Ví dụ thuốc diệt mối TM-67;

- Thuốc tinh thể: bao gồm các loại thuốc bảo quản gỗ khi đóng gói ở dạng tinh thể. Ví dụ: thuốc chống nấm sunphat đồng (ngậm năm nước);

- Thuốc dầu hỗn hợp…bao gồm các loại thuốc bảo quản gỗ cấu tạo ở thể dầu. Ví dụ thuốc bảo quản gỗ creodot;

- Thuốc cao: bao gồm các loại thuốc bảo quản gỗ khi đóng gói ở dạng cao đặc hoặc sệt. Ví dụ thuốc U-A-P;

- Thuốc viên: bao gồm các loại thuốc bảo quản gỗ khi đóng gói ở dạng viên. Ví dụ thuốc sunphua nhôm.

2.3. Phân loại theo hiệu lực

Dựa vào hiệu lực, phân loại thuốc bảo quản thành các loại dưới đây:

- Thuốc bảo quản phòng chống côn trùng hại gỗ, không có tác dụng phòng chống nấm mốc. Ví dụ thuốc bảo quản gỗ BQG1;

- Thuốc bảo quản phòng chống nấm mốc, ít tác dụng phòng chống côn trùng. Ví dụ thuốc bảo quản florua-natri;

- Thuốc bảo quản phòng chống cả nấm mốc lẫn côn trùng. Ví dụ thuốc bảo quản panta clorua phenon;

- Thuốc bảo quản chống cả nấm mốc, côn trùng và hà biển hại gỗ. Ví dụ creodot;

- Thuốc bảo quản phòng chống côn trùng và phòng chống cháy. Ví dụ thuốc bảo quản P-B-B.

2.4. Phân loại theo tính ổn định

Dựa vào tính ổn định khi đã được đưa vào gỗ, phân loại thuốc bảo quản thành các dạng sau đây:

- Thuốc bảo quản dễ bị rửa trôi. Ví dụ sunphat đồng (ngậm năm nước)

- Thuốc bảo quản ổn định chậm, cần thời gian mới tạo thành phức chất ổn định trong gỗ. Ví dụ thuốc bảo quản LN3;

- Thuốc bảo quản ổn định. Ví dụ creodot.

3. YÊU CẦU KỸ THUẬT

Thuốc bảo quản gỗ khi đóng bao phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật dưới đây:

3.1. Đúng thành phần tỷ lệ quy định.

3.2. Thuốc bột phải tơi mịn, thuốc tinh thể không đóng vón, đóng cục, thuốc hỗn hợp nhiều thành phần phải đồng đều, thuốc dầu và dung môi hữu cơ phải đồng nhất, thuốc cao không đóng rắn.

Các loại thuốc bột, thuốc tinh thể, thuốc hỗn hợp và thuốc viên phải đảm bảo độ ẩm quy định.

3.3. khi pha thuốc để bảo quản, phải đảm bảo nồng độ quy định đã ghi tại các tiêu chuẩn tương ứng.

3.4. Nước dùng pha thuốc phải trong và sạch, dung môi hữu cơ dùng pha thuốc phải loại bỏ chất lắng cặn.

4. BAO GÓI, GHI NHÃN, VẬN CHUYỂN VÀ BẢO QUẢN

4.1. Thuốc bảo quản phải được đóng bao, tùy theo đặc tính của từng loại thuốc mà chọn bao gói bằng giấy, bằng polyêtylen hoặc bằng kim loại.

4.2. Bao gói phải chống ẩm, chống bay hơi rò rỉ.

4.3. Trên bao gói đựng thuốc phải có ký hiệu phòng ngừa, hướng dẫn sử dụng và nhãn.

Nhãn thuốc ghi rõ:

- Tên thuốc;

- ký hiệu tiêu chuẩn;

- Nơi sản xuất;

- Thời gian sản xuất;

- Thời hạn sử dụng;

- Các ký hiệu chống cháy, chống ẩm…, chống ngộ độc, chống quăng quật.

4.4. Khi vận chuyển thuốc bảo quản phải đảm bảo an toàn, không vận chuyển các bao gói bị dò rỉ, trong trường hợp thuốc bị dò rỉ dọc đường vận chuyển, phải nhanh chóng dùng cát hoặc nước tùy theo loại thuốc để thu dọn.

4.5. Kho đựng thuốc phải để xa nơi ở hoặc làm việc, xa nguồn nước và nguồn lửa.

Thuốc phải để nơi khô ráo dưới mái che. Thuốc bột và tinh thể phải kê xếp trên bệ.