CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - KÊNH ĐẤT
- YÊU CẦU KỸ THUẬT TRONG THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
Hydraulics structurers – Earth sanal
- Technical requirements for construction and acceptance
1. Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong thi công, phương pháp kiểm tra và nghiệm thu chất lượng thi công kênh bằng biện pháp đào thủ công, cơ giới, đắp đầm nén bằng thủ công, cơ giới và thi công bằng tầu hút bùn, xáng cạp.
1.2 Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc thiết kế, thi công xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp kênh đất có quy mô lưu lượng thiết kế (Qtk) lớn hơn hoặc bằng 300 L/s hoặc diện tích tưới, tiêu lớn hơn hoặc bằng 150 ha thuộc hệ thống công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước.
1.3 Tiêu chuẩn này không áp dụng trong thi công kênh đất bằng các biện pháp khác không thuộc phạm vi quy định của tiêu chuẩn này.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
2.1 Kênh đất (Earth canal)
Kênh được xây dựng bằng vật liệu đất (bao gồm cả phần đào và đắp kênh), được bọc hoặc không bọc bằng lớp áo gia cố đáy kênh, gia cố mái kênh (mái trong và mái ngoài) dùng để dẫn nước (tưới, tiêu, cấp nước) trong công trình thủy lợi.
2.2 Công trình trên kênh (On-canal structure)
Công trình xây dựng ở trong phạm vi kênh (bờ kênh, lòng kênh hoặc dưới kênh) để lấy nước, chuyển nước, tiêu nước qua kênh hoặc phục vụ các yêu cầu khác của dân sinh v.v...
2.3 Áo kênh (Canal covering)
Lớp vỏ bọc toàn bộ hoặc một phần của mái kênh, đáy kênh.
3. Yêu cầu chung về kỹ thuật thi công kênh
Công tác thi công kênh phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Đảm bảo đúng đồ án thiết kế, sử dụng đất tiết kiệm;
b) Có biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công và các quy định về bảo vệ môi trường;
c) Khi thi công kênh qua vùng đông dân cư, vùng đất yếu, dễ lún sụt, thì phải lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Nhà thầu thi công phải chuẩn bị đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, kinh phí để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đúng tiến độ thi công theo hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký kết.
4. Yêu cầu kỹ thuật về công tác trắc đạc trong thi công
4.1 Lưới khống chế và dung sai sử dụng trong đo đạc, cắm tuyến thực hiện theo các tiêu chuẩn về lập lưới không chế và cắm tuyến công trình, về đo kênh và xác định tim công trình trên kênh.
4.2 Trước khi thi công (khởi công), đơn vị thi công phải nhận đầy đủ hồ sơ và hiện trường tim mốc về toạ độ, cao độ và mặt bằng xây dựng từ Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế. Khi nhận bàn giao phải có biên bản ghi nhận giữa Tư vấn thiết kế, Chủ đầu tư và Nhà thầu thi công.
4.3 Trước khi thi công, Nhà thầu thi công phải đo đạc, kiểm tra các vị trí, cao độ mốc theo theo tiêu chuẩn về lập lưới không chế và cắm tuyến công trình, về đo kênh và xác định tim công trình trên kênh. Nếu phát hiện sai sót thì phải báo kịp thời cho Chủ đầu tư biết để có biện pháp xử lý.
4.4 Trường hợp cần thiết, Nhà thầu thi công phải đo đạc, bổ sung các tim mốc, điểm khống chế. Các điểm bổ sung này phải đặt ở những nơi có thể bảo vệ được và đảm bảo ổn định, an toàn trong suốt quá trình thi công.
4.5 Khi thi công phải phóng mẫu mặt cắt ngang kênh bằng hệ thống cọc, dây v.v... Khoảng cách phóng mẫu cách nhau tối đa 50 m, riêng đối với đoạn kênh cong là 25 m và phải phóng mẫu ở tại các vị trí góc ngoặt, đỉnh cong, nơi bắt đầu và kết thúc điểm cong.
5. Yêu cầu kỹ thuật về công tác chuẩn bị thi công
5.1 Chuẩn bị mặt bằng, lán trại
Trước khi tiến hành thi công, Chủ đầu tư phải giao mặt bằng đã được giải phóng đền bù cho Nhà thầu thi công. Nhà thầu thi công phải bảo vệ mặt bằng và chuẩn bị đầy đủ mặt bằng và lán trại phục vụ thi công, đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu và biện pháp thi công đã lựa chọn.
5.2 Nguyên vật liệu, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí phục vụ thi công
Nhà thầu thi công phải chuẩn bị đầy đủ, đúng chất lượng và chủng loại nguyên vật liệu đất đắp kênh, đường vận chuyển, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để phục vụ kịp tiến độ thi công.
5.3 Công tác xử lý nền, khu vực tiếp giáp kênh và công trình phù trợ
5.3.1 Tiêu nước và dẫn dòng thi công
Trước khi thi công kênh phải có biện pháp tiêu nước mưa, nước mặt và nước ngầm có ảnh hưởng tới thi công kênh. Đối với từng trường hợp, có thể sử dụng một trong các biện pháp sau:
a) Kênh qua vùng đất cao: đào, đắp các bờ ngăn nước tạm thời, làm rãnh thoát nước. Khoảng cách từ vị trí rãnh thoát nước đến mép kênh, kích thước rãnh thoát nước và khoảng cách giữa các rãnh cần tính toán cụ thể đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và kinh tế;
b) Kênh qua vùng đất trũng và đọng nước: nên đắp từng khoảnh, từng vùng nhằm cách ly nước mưa từ khu vực khác đến để tiến hành tiêu thoát nước, xử lý nền và thi công kênh. Quy mô khoảnh, vùng cần xác định thông qua so sánh, lựa chọn trên cơ sở kỹ thuật và kinh tế;
c) Trường hợp nạo vét, mở rộng các kênh tưới, tiêu, kênh có giao thông thủy trong điều kiện các kênh này vẫn thường xuyên được sử dụng: phải có biện pháp và thời điểm thi công phù hợp để đảm bảo phục vụ sản xuất, giao thông.
5.3.2 Xử lý nền kênh và lớp tiếp giáp giữa kênh với đất nền
5.3.2.1 Công tác xử lý nền kênh
Nếu đồ án thiết kế có biện pháp gia cố nền bằng bấc thấm, vải địa kỹ thuật, lọc, cọc gia cố v.v... thì Nhà thầu thi công phải lập biện pháp tổ chức thi công riêng và được Chủ đầu tư chấp nhận.
5.3.2.2 Xử lý lớp tiếp giáp giữa kênh với đất nền hoặc kênh cũ
Trước khi thi công phải tiến hành bóc hết lớp đất hữu cơ, đất lẫn rễ, cỏ cây v.v... theo quy định của thiết kế.
5.3.3 Làm kênh tạm và bể lắng để thi công kênh
Khi thi công kênh bằng thiết bị cơ giới thủy, nhà thầu thi công cần thiết kế tổ chức thi công chi tiết cho các biện pháp làm kênh tạm để vận chuyển thiết bị thủy vào tuyến công trình cũng như đắp bờ bể lắng để thi công kênh để đảm bảo đúng đồ án thiết kế.
6 Yêu cầu kỹ thuật thi công kênh
6.1 Công tác đào đất
6.1.1 Thi công đào kênh
Khi thi công đào kênh phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Đào đất đúng đồ án thiết kế, tránh gây sạt lở. Tùy theo biện pháp tổ chức thi công đã được phê duyệt mà bố trí thi công đào kênh hoặc kết hợp đào và đắp kênh theo trình tự làm đến đâu gọn đến đó. Đất thải phải đổ đúng nơi quy định. Đối với kênh chính nên thi công từ đầu mối, kênh cấp dưới nên thi công từ cống lấy nước;
b) Cần dự phòng mặt cắt đào kênh có tính đến tu sửa, bạt sửa mái, gia cố lớp áo hoàn chỉnh mặt cắt kênh thiết kế được thuận lợi, không được đắp bù. Trường hợp phải đắp bù để bảo đảm mặt cắt kênh thì phải xử lý tiếp giáp bằng biện pháp đánh cấp theo hướng dẫn trong đồ án thiết kế;
c) Việc đào kênh cần chia thành từng đoạn, thi công các đoạn phải đảm bảo chất lượng. Làm xong từng đoạn phải phá bờ ngăn theo đúng mặt cắt thiết kế đảm bảo thông nước, không gây cản trở dòng chảy;
d) Thi công kênh qua khu dân cư, khu đông người qua lại, công trình công cộng thì việc thi công đào đất cần phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, môi trường và sinh hoạt bình thường của nhân dân;
e) Khi đào kênh qua vùng đất yếu, dễ lún sụt và vùng đất có hang hốc, công trình ngầm hoặc công trình quan trọng thì phải có biện pháp thi công hợp lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
g) Nếu phát hiện sai sót trong đồ án thiết kế thì phải báo cho Chủ đầu tư biết để xử lý kịp thời.
6.1.2 Đào kênh bằng cơ giới
Khi đào kênh hoàn toàn bằng cơ giới (như đào bằng máy đào kênh, máy cạp, ủi, xáng cạp, tầu hút bùn v.v...), tùy theo tính năng của từng loại máy mà sử dụng để có năng suất cao nhất, quy trình thi công cụ thể theo tính năng quy định cho từng máy. Các máy làm đất trong khi làm việc phải tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn xây dựng.
6.1.3 Đổ đất đào
Đất đào phải được đổ theo đúng quy định của thiết kế. Nếu thiết kế không quy định thì thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Nếu đất đào dùng để đắp kênh thì thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật của đắp kênh;
- Nếu đất đào dùng để đắp bờ kênh có kết hợp làm đường giao thông thì phải san ủi và đầm nén đảm bảo theo yêu cầu của giao thông. Nếu không kết hợp làm đường giao thông thì cũng phải san theo quy định của hồ sơ thiết kế đảm bảo có độ dốc i ≥ 0,02 ra phía ngoài kênh để nước không tràn vào kênh. Chân đống đất phải có rãnh tập trung nước mưa và cứ 100 m đến 200 m phải có một rãnh tiêu có gia cố bảo vệ để dẫn nước và tiêu nước mưa ra ngoài (Hình 1);
Hình 1- Sơ đồ bố trí đào và làm bờ kênh
- Việc đào lấy đất trên diện tích canh tác ở hai bên kênh để đắp kênh, phải được san trả sau khi hoàn thành thi công theo đúng yêu cầu của thiết kế.
6.1.4 Chiều rộng lưu không để thi công kênh
Phải có chiều rộng lưu không. Chiều rộng lưu không này phụ thuộc vào quy định hành lang bảo vệ công trình, tính năng của máy (vòng quay của máy) và đường sử dụng, lưu không sau này để làm đường kiểm tra và phải căn cứ vào điều kiện địa hình địa chất để bố trí sao cho không sạt trượt vào kênh, đảm bảo theo đồ án thiết kế.
6.1.5 Kênh đi qua mái dốc, sườn núi
Trường hợp kênh đi qua mái dốc, sườn núi, đất đào không được đổ về phía cao để tránh mưa xói chảy lấp kênh trong quá trình khai thác. Khi độ dốc sườn đồi lớn hơn 10 % thì nền bờ phải đánh cấp cao từ 0,3 m đến 1,0 m, chiều rộng tuỳ theo mái đồi, nếu mái đồi quá dốc thì phải làm tường chắn đất. Làm rãnh thoát nước mưa ở phía trên dốc, rãnh nên chạy theo đường đồng mức với độ dốc dọc từ 0,001 đến 0,003. Kích thước của rãnh phải đảm bảo thoát được lượng mưa lớn nhất (Hình 2). Tuỳ tình hình cụ thể, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và kinh tế mà bố trí cho rãnh thoát nước mưa vượt qua kênh hoặc chuyển dòng nước sang phía khác.
Hình 2- Sơ đồ bố trí đào dật cấp và rãnh tiêu nước
6.1.6 Thi công bằng máy đào kênh
Nếu dùng máy đào thì trước khi đào nên san phẳng tuyến kênh theo độ dốc thiết kế của đáy kênh.
6.2 Công tác đắp đất
6.2.1 Yêu cầu chung
6.2.1.1 Công tác đắp đất bao gồm các công việc: đào, xúc, vận chuyển, đổ, san, vằm, tưới, đầm. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của thi công, công cụ, thiết bị sử dụng mà phối hợp các công việc trên với nhau. Nên tận dụng đất đào để đắp kênh, không nên lấy đất tạo thành thùng đấu ở hai bên bờ kênh, khu vực lấy đất phải theo chỉ dẫn của đồ án thiết kế.
6.2.1.2 Công tác đắp đất cần tuân theo các quy định sau:
a) Khi đắp đất cần bảo đảm cho đất nền có độ ẩm gần độ ẩm đầm nén tốt nhất, sau đó đánh xờm tạo tiếp giáp tốt rồi mới bắt đầu đắp lớp đất đầu tiên;
b) Trước khi đắp lớp đất tiếp theo phải đánh xờm lớp trước. Nếu sử dụng đầm lăn có vấu thì không phải đánh xờm (trừ chỗ người hoặc xe đi qua làm cho mặt đất bị nhẵn).
6.2.2 Yêu cầu về công tác đánh xờm
Sau khi bóc bỏ lớp phong hoá theo quy định, công tác đánh xờm có thể thực hiện theo các cách sau:
a) Cuốc tạo các hốc theo các hình hoa mai trên toàn bộ diện tích, hốc nọ cách hốc kia từ 20 cm đến 25 cm, sâu từ 3 cm đến 5 cm;
b) Lắp cào phía sau máy kéo để xới đất lên;
c) Dùng đầm vấu lăn một lượt.
6.2.3 Yêu cầu về xử lý chỗ tiếp giáp hai khối đắp
Chỗ tiếp giáp giữa hai đoạn phải bạt đất ở phần kênh đã đắp tới lớp đất đã đầm chặt với mái dốc m ≥ 2, đánh xờm rồi mới được tiếp tục đắp đất. Trước khi đắp phải làm cho độ ẩm mái cũ trong phạm vi khống chế. Đất bạt ở mái cũ ra phải vằm nhỏ, xử lý để có độ ẩm gần như nhau mới được sử dụng lại. Chỉ xử lý mái tiếp giáp ngay trước khi đắp tiếp. Trường hợp chưa đắp ngay chổ tiếp giáp thì chừa lại một lớp đất dày trên 20 cm để tránh đất bị thay đổi độ ẩm và biến chất và lớp đất này được bóc trước khi xử lý và đắp phần tiếp giáp. Phần đắp áp trúc vào kênh cũ phải làm theo quy định của thiết kế.
6.2.4 Quy định về chia đoạn kênh để đắp
6.2.4.1 Khi đắp kênh cần chia ra từng đoạn để lần lượt tiến hành công tác đánh xờm, đổ, san, vằm, đầm. Diện tích mỗi đoạn, số lượng thiết bị dụng cụ, nhân lực phải tính toán sao cho công việc được liên tục, tránh chồng chéo.
6.2.4.2 Thi công bằng cơ giới thì tuỳ theo năng lực thiết bị mà bố trí, chiều dài mỗi đoạn từ 100 m đến 300 m. Đối với kênh nhỏ, phải đắp đất lên toàn bộ diện tích mặt cắt ngang (gồm cả phần đào và phần đắp), sau đó đào lòng kênh. Hạn chế việc chia đoạn quá nhỏ để giảm việc xử lý khe tiếp giáp.
6.2.5 Yêu cầu kỹ thuật đắp đất
6.2.5.1 Đất đưa lên đắp kênh sau khi đổ xong phải san phẳng thành từng lớp. Nếu đầm thủ công, chiều dầy lớp đất chưa đầm khống chế từ 15 cm đến 20 cm. Đối với đầm cơ giới, trước khi quyết định chiều dày lớp đổ đất cần thí nghiệm đầm nén hiện trường để xác định chiều dày hợp lý và các chỉ tiêu khác như áp suất đầm, tốc độ máy chạy, độ ẩm thích hợp và độ ẩm khống chế, số lần đầm; nếu không thí nghiệm được thì chiều dày này có thể lấy từ 30 cm trở xuống.
6.2.5.2 Đất sau khi san thành lớp, nếu đầm bằng thủ công cần được vằm nhỏ thành những viên có đường kính từ 5 cm trở xuống. Kích thước lớn nhất của các viên đất phải qua thí nghiệm ở hiện trường để xác định. Việc tiến hành thí nghiệm như sau: rải một lớp đất có lẫn các viên lớn và tiến hành đầm, sau đó đào lên bửa ra xem các viên đất lớn có bị vỡ ra và tạo thành một khối đồng nhất với đất xung quanh không. Thí nghiệm nhiều lần với các đường kính viên đất khác nhau, đến khi với đường kính viên đất lớn nhất mà kết quả đạt được các yêu cầu thiết kế thì chọn đó là đường kính lớn nhất cần phải vằm nhỏ. Nếu đầm bằng cơ giới thì đất không cần phải vằm nhỏ.
6.2.5.3 Lúc đổ đất mà gặp trời mưa thì phải ngừng thi công, khơi rãnh thoát nước, không cho người và xe đi qua. Khi tạnh mưa phải đợi cho lớp đất trên mặt bốc hơi, đạt độ ẩm khống chế hoặc phải bóc hết lớp đất quá ướt đi rồi đánh xờm để đắp lớp đất mới và đầm lại cả lớp đất đã đầm và chưa đầm để đạt độ chặt và dung trọng thiết kế.
6.2.5.4 Với thời tiết khô hanh, nếu lượng ngậm nước của lớp đất đã được đầm chặt bốc hơi quá nhiều thì trước khi đắp thêm lớp khác phải tưới thêm nước cho đủ độ ẩm thích hợp. Nếu thi công gián đoạn, lớp đất cũ bị nứt nẻ nhiều thì phải bóc hết những chỗ nứt nẻ rồi mới được tiếp tục đắp.
6.2.6 Yêu cầu kỹ thuật đầm nện và sử dụng thiết bị đầm nện
6.2.6.1 Nếu sử dụng đầm nện thủ công, nên dùng đầm có trọng lượng từ 20 kg đến 30 kg. Không được dùng loại đầm có trọng lượng dưới 5 kg. Ở những chố tiếp giáp giữa đất và bê tông, khối xây hoặc mái đá, nên sử dụng gốc tre già hoặc thanh gỗ tròn chắc có đường kính khoảng 10 cm để đầm.
6.2.6.2 Nếu đầm thủ công phải đầm theo kiểu xỉa tiền, các vết đầm phải chồng lên nhau không lớn hơn 1/3 chiều rộng của quả đầm. Nếu đầm bằng cơ giới thì vết đầm sau phải đầm lên vết đầm trước từ 10 cm đến 15 cm.
6.2.6.3 Phân đoạn đầm cần đảm bảo vết đầm ở dải đất giáp giới hai đoạn kề nhau phải chồng lên nhau ít nhất là 50 cm.
6.2.6.4 Phương pháp đầm thủ công: Đầu tiên đầm sơ một lần khắp diện tích phải đầm cho mặt đất bằng phẳng, sau đó dàn thành hàng, đầm dần từng hàng rồi tiến lên cho tới khi đầm xong.
6.2.6.5 Khi sử dụng đầm máy cần dựa vào tính chất của đất mà chọn máy đầm cho thích hợp. Đất có tính dính nên dùng đầu máy bánh xích, đầm lăn có vấu, đầm bánh hơi, đất ít dính nên dùng đầm lăn mặt nhẫn, đầm bánh hơi, đầm chấn động.
6.3 Thi công mái kênh và áo kênh
6.3.1 Yêu cầu chung
Khi đào kênh bằng cơ giới phải chừa chiều dày dự trữ so với thiết kế tối thiểu là 15 cm để sau này sửa mái. Khi đắp kênh bằng thủ công hay cơ giới cũng đều phải đắp dôi so với thiết kế tối thiểu là 15 cm để sau này tu chỉnh bằng thủ công. Không được dùng gầu xúc để xoa mái kênh. Đối với những đoạn kênh cần gia cố đáy kênh và mái bờ kênh phải theo các quy định từ điều 6.3.2 đến điều 6.3.6.
6.3.2 Gia cố mái kênh bằng trồng cỏ
Khi gia cố mái kênh bằng trồng cỏ thì các vầng cỏ phải xếp bằng phẳng đúng độ dốc mái theo quy định của thiết kế, nếu không quy định thì vầng cỏ phải có đường kính quy đổi ít nhất là 20 cm, khoảng cách từ mép vầng cỏ này đến vầng cỏ khác không được lớn hơn 20 cm.
6.3.3 Gia cố kênh bằng đá xây lát
Khi gia cố kênh bằng đá xây, lát thì chất lượng đá, kích thước các viên đá, kỹ thuật lát đá, xây đá phải tuân theo tiêu chuẩn về xây lát đá, về chất lượng vật liệu trong xây dựng công trình thủy lợi.
6.3.4 Gia cố kênh bằng gạch xây lát
Khi gia cố kênh bằng gạch xây, lát thì chất lượng gạch, kích thước các viên gạch, kỹ thuật xây thực hiện theo tiêu chuẩn về xây lát gạch, về chất lượng vật liệu trong xây dựng công trình thủy lợi.
6.3.5 Gia cố kênh bằng các tấm bê tông
Khi gia cố kênh bằng bê tông đổ tại chỗ hoặc các tấm bê tông đúc sẵn thì ngoài việc kiểm tra chất lượng các tấm bê tông theo các tiêu chuẩn về thi công bê tông tại chỗ và đúc sẵn, tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu trong xây dựng thủy lợi. Ngoài ra, còn phải kiểm tra độ bằng phẳng của các tấm, xử lý khe tiếp giáp giữa các tấm theo yêu cầu thiết kế.
6.3.6 Gia cố kênh bằng lớp lọc, vải địa kỹ thuật
Khi thi công gia cố kênh bằng lớp lọc, vải địa kỹ thuật phải tuân theo các quy định về kỹ thuật trong các tiêu chuẩn tương ứng và yêu cầu của thiết kế.
6.4 Thi công kênh trong một số trường hợp đặc biệt
Trong quá trình thi công kênh, nếu gặp các trường hợp đặc biệt dưới đây thì xử lý như sau:
a) Kênh qua vùng có hang hốc do cầy, cáo, chuột v.v... gây ra hay các ổ mối thì phải xử lý các lớp đặc chắc theo yêu cầu thiết kế. Nếu gặp tổ mối thì phải đào đổ mối ra ngoài phạm vi kênh và có biện pháp diệt, lấp và xử lý mối có hiệu quả;
b) Kênh qua vùng ao hồ, đầm lầy… phải có biện pháp khoanh vùng, bơm cạn và nạo vét hết bùn trong phạm vi kênh;
c) Nền kênh đi qua lớp cuội, sỏi, cát, đá nứt nẻ, đất bazan, đất tơi xốp v.v... có khả năng mất nước phải có giải pháp xử lý chống thấm phù hợp đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế;
d) Nếu kênh đi qua vùng cát chảy phải có biện pháp chống cát chảy, đảm bảo hiện trường luôn khô ráo. Khi có nước ngầm thì phải có hệ thống thu gom nước đến hố tập trung để bơm đi;
e) Kênh qua vùng đất cao lanh cần có biện pháp thi công thích hợp để tránh sạt lở, bồi lấp;
f) Thi công lớp áo kênh bằng đất sét hoặc các loại vật liệu xây dựng mới, tiên tiến phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của thiết kế và các tiêu chuẩn có liên quan;
g) Đắp đất tiếp giáp với công trình xây đúc, phải đảm bảo chất lượng theo thiết kế. Trong phạm vi 1 m đất đắp phải là đất thịt hoặc đất sét không lẫn sỏi sạn và tạp chất khác, phải đầm bằng đầm cóc hoặc đầm thủ công. Ngoài phạm vi 1 m mới được dùng đầm lăn ép và ngoài phạm vi 2 m mới được dùng đầm nện cơ giới. Khi đầm đất bằng cơ giới trên đỉnh cống luồn cần có chỉ dẫn cụ thể của thiết kế;
h) Thi công kênh qua vùng đất yếu phải tổ chức thi công theo đúng hồ sơ thiết kế và có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn;
i) Trường hợp vừa thi công vừa phục vụ sản xuất: nhà thầu xây lắp phải lập tiến độ, phương án thi công chi tiết phù hợp với lịch cấp nước hoặc tiêu nước của cơ quan quản lý công trình và được chủ đầu tư chấp thuận.
6.5 An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong thi công kênh
6.5.1 Công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc trong tất cả các công đoạn của quá trình thi công kênh, phải thực hiện theo các quy định từ điều 6.5.2 đến điều 6.5.4.
6.5.2 Trước khi thi công, mỗi công trường phải xây dựng nội quy an toàn lao động, bảo vệ môi trường phù hợp với địa bàn thi công và phải phổ biến cho toàn thể các đơn vị, cá nhân có liên quan đến công trường. Cần đặc biệt chú ý những vấn đề sau đây khi thi công kênh:
a) Không được đào đất bằng thủ công theo kiểu hàm ếch;
b) Khi máy xúc đang làm việc không được để người đi lại trong vùng hoạt động của máy;
c) Không để người làm việc, đi lại trong phạm vi máy ủi, máy đầm, máy san đang làm việc;
d) Khoảng cách từ máy đào đến mép hố đào phải được quy định trước khi thi công để an toàn cho người và máy, tránh mái đất bị trượt làm đổ máy;
e) Khi sử dụng các vật liệu nổ để đào kênh cần triệt để tuân theo các quy định về an toàn, về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ;
f) Thi công nạo vét kênh cũ bằng tầu hút bùn cần phải có các quy định cụ thể đảm bảo an toàn cho tầu bè qua lại.
6.5.3 Công trường thi công phải có người phụ trách an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Người phụ trách an toàn lao động phải kịp thời báo cáo lên cấp trên trực tiếp nếu thấy vi phạm nội quy an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp thì có quyền tạm thời đình chỉ thi công và phải báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền.
6.5.4 Thường xuyên kiểm tra an toàn sạt lở hai bờ kênh trong quá trình thi công để có biện pháp khắc phục kịp thời; đặc biệt chú ý những đoạn kênh đi qua khu dân cư và khu vực có công trình xây dựng.
7. Kiểm tra chất lượng thi công
7.1 Yêu cầu chung
7.1.1 Công tác kiểm tra chất lượng công trình phải làm thường xuyên, kịp thời, tránh tình trạng thi công kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu thiết kế rồi mới được phát hiện và phải phá đi làm lại.
7.1.2 Ngoài việc thực hiện quy định tại các điều 7.2 và 7.3, việc kiểm tra chất lượng thi công kênh đất còn phải thực hiện theo Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.
7.2 Trách nhiệm đảm bảo chất lượng của Nhà thầu thi công và Chủ đầu tư
Trong quá trình thi công, Nhà thầu thi công và Chủ đầu tư phải thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, theo dõi có hệ thống các nội dung sau:
a) Sự tuân thủ đồ án thiết kế;
b) Sự thực hiện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan;
c) Chất lượng công trình.
7.3 Kiểm tra chất lượng công trình
7.3.1 Nội dung kiểm tra
Nội dung kiểm tra chất lượng công trình bao gồm:
- Bãi vật liệu đất gồm: vị trí lấy đất, khối lượng, chất lượng đất;
- Vị trí bãi thải đất;
- Nền móng;
- Kích thước mặt cắt kênh so với thiết kế;
- Mức độ đầm chặt của đất;
- Cao độ, độ dốc đáy kênh, bờ kênh;
- Vị trí tuyến kênh trên mặt bằng;
- Chất lượng vật liệu sử dụng;
- Biện pháp gia cố mái;
- Biện pháp thoát nước;
- Chất lượng của các công trình trên kênh;
- Việc thực hiện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan;
- Thiết bị, nhân lực cam kết sử dụng;
- Sổ nhật ký, tài liệu thí nghiệm v.v...;
- Biện pháp thi công và an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
7.3.2 Thiết bị và nhân viên làm công tác kiểm tra
Công trường phải có đủ dụng cụ thí nghiệm và quan trắc đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra, có quy định về cách sử dụng, kiểm tra, điều chỉnh các dụng cụ đó. Người làm công tác thí nghiệm phải qua đào tạo, có nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với công việc. Phải có sổ sách và quy định cách ghi chép số liệu rõ ràng.
7.3.3 Yêu cầu đối với một số nội dung kiểm tra chính
7.3.3.1 Kiểm tra bãi lấy đất
Đối với bãi lấy đất, phải kiểm tra những nội dung sau:
- Vị trí lấy đất phải đúng quy định của thiết kế;
- Hệ thống tiêu thoát nước;
- Việc bóc tầng phủ hữu cơ;
- Phương pháp khai thác so với thiết kế thi công;
- Chất đất, các chỉ tiêu cơ lý tự nhiên của đất so với yêu cầu của thiết kế;
- Độ ẩm tự nhiên của đất.
7.3.3.2 Kiểm tra chất lượng xử lý nền kênh đắp
Ngoài việc kiểm tra toàn bộ nội dung theo đồ án thiết kế, cần chú ý các công tác quan trọng sau:
- Công việc bóc bỏ tầng phủ hữu cơ;
- Công tác thu dọn nền, vét bùn lầy;
- Hệ thống thoát nước;
- Chất lượng nền kênh và các biện pháp xử lý.
7.3.3.3 Kiểm tra đoạn kênh đắp
Đối với những đoạn kênh đắp phải kiểm tra những nội dung sau:
- Kích thước mặt cắt kênh (rộng, cao, mái dốc, cơ), cao độ và độ dốc đáy kênh, cao độ và độ dốc bờ kênh so với thiết kế;
- Độ ẩm của đất đắp, chiều dày mỗi lớp đất đầm, dung trọng khô của từng lớp đã được đầm chặt;
- Quy cách, trọng lượng của công cụ đầm nén, phương pháp đầm;
- Hiện tượng phân lớp, bùng nhùng, nứt nẻ;
- Biện pháp thoát nước trong quá trình thi công.
7.3.3.4 Kiểm tra đoạn kênh đào
Đối với những đoạn kênh đào phải kiểm tra những nội dung sau:
- Kích thước mặt cắt kênh (rộng, cao, mái dốc, cơ), cao độ và độ dốc đáy kênh so với đồ án thiết kế;
- Biện pháp thoát nước mưa để tránh gây xói lở, sạt mái và ảnh hưởng đến tiến độ thi công;
- Biện pháp xử lý nước ngầm, cát đùn, cát chảy;
- Gia cố thêm độ chặt của lòng kênh trong trường hợp địa chất xấu.
7.3.3.5 Kiểm tra dung trọng đất đắp
7.3.3.5.1 Phương pháp lấy mẫu để kiểm tra thực hiện theo quy định sau:
- Đối với đất dính: dùng dao vòng lấy mẫu đất nguyên dạng, xác định khối lượng, độ ẩm của đất rồi từ đó tính ra dung trọng khô của đất, quy định tại Phụ lục A;
- Đối với đất không dính, đất lẫn sỏi sạn không thể lấy được mẫu nguyên dạng thì xác định độ ẩm, dung trọng khô của đất theo phương pháp rót cát, quy định tại Phụ lục B;
- Ngoài ra có thể sử dụng các thiết bị tiên tiến khác trong công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thi công như dùng thiết bị siêu âm, xuyên tĩnh, v.v... thực hiện theo quy định hiện hành. Kết quả kiểm tra bằng các phương pháp nói trên dùng để tham khảo.
7.3.3.5.2 Số lượng mẫu đất kiểm tra dung trọng quy định như sau:
- Thi công đắp đất bằng cơ giới: cứ mỗi lớp đầm diện tích 1.000 m2 lấy một tổ gồm 3 mẫu thí nghiệm;
- Thi công đắp đất bằng thủ công: cứ mỗi lớp đầm diện tích 500 m2 lấy một tổ gồm 3 mẫu thí nghiệm;
- Với đất sét dùng để đắp gia cố kênh: cứ 50 m3 lấy một tổ gồm 3 mẫu để thí nghiệm;
CHÚ THÍCH:
1) Vị trí lấy mẫu phải phân bố đều theo bình đồ và theo chiều cao để có thể kiểm tra được chất lượng đầm nện ở toàn bộ thân đoạn kênh đắp;
2) Số lượng mẫu quy định ở trên là tối thiểu, nếu thấy hiện tượng đầm dối có thể lấy thêm mẫu ở những chỗ nghi ngờ chưa đạt dung trọng yêu cầu;
3) Đối với những kênh lớn có chiều rộng đáy kênh từ 1,5 m trở lên và chiều cao đắp từ 3 m trở lên thì trong mỗi đoạn thi công, khi đầm xong một lớp phải lấy ít nhất 1 tổ gồm 3 mẫu thí nghiệm mặc dù diện tích của đoạn đó nhỏ hơn diện tích quy định ở trên.
7.3.3.5.3 Sau khi đã lấy mẫu phải lấp đất đầy hố nơi lấy và đầm chặt trả lại
7.3.3.5.4 Yêu cầu dung trọng khô thực tế chỉ được phép nhỏ hơn dung trọng khô thiết kế không quá 0,05 T/m3. Số mẫu không đạt yêu cầu so với tổng số mẫu lấy thí nghiệm chiếm không quá 10 % và không được tập trung vào một vùng.
7.3.3.5.5 Sau khi thí nghiệm kiểm tra dung trọng, nếu đạt yêu cầu sẽ cho đắp tiếp lớp khác. Nếu không đạt yêu cầu thì phải đầm thêm và lấy mẫu thí nghiệm lại cho đến khi đạt yêu cầu.
7.3.3.6 Kiểm tra cao độ đáy kênh
Phải thường xuyên kiểm tra cao độ đáy kênh và công trình trên kênh theo thiết kế để tránh trường hợp thi công xong hạng mục công trình mới phát hiện sai cao độ.
7.3.3.7 Kiểm tra hệ thống thoát nước
Hệ thống thoát nước phục vụ cho thi công và hệ thống thoát nước của tuyến kênh phải đúng kích thước thiết kế và bảo đảm không bị bồi lấp.
7.3.3.8 Kiểm tra vị trí
Phải thường xuyên kiểm tra vị trí tuyến kênh, tuyến công trình trên kênh để đảm bảo thi công đúng tuyến thiết kế, tránh sai số tích luỹ.
7.3.3.9 Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường
Công tác đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo giao thông và công tác bảo vệ môi trường phải thực hiện đúng đồ án thiết kế, đúng hợp đồng và các quy định hiện hành liên quan.
7.3.4 Hồ sơ thí nghiệm
Nhân viên thí nghiệm của đơn vị thi công phải ghi kết quả thí nghiệm từng mẫu đất, vị trí lấy mẫu (trên bình đồ và cao độ) vào sổ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sổ thí nghiệm phải đưa vào hồ sơ nghiệm thu.
7.3.5 Sổ nhật ký thi công kênh
Phải lập sổ nhật ký thi công. Cần ghi các ý kiến nhận xét, quan trắc, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền liên quan về những thay đổi trong thiết kế thi công và những biện pháp xử lý trong những trường hợp đặc biệt.
8. Công tác nghiệm thu
8.1. Yêu cầu chung
Công tác nghiệm thu phải thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Chủ đầu tư và Nhà thầu thi công phải thoả thuận phương pháp đo đạc, tính toán khối lượng, thời gian tiến hành nghiệm thu v.v... theo quy định trong các văn bản kỹ thuật hiện hành và được ghi cụ thể trong hợp đồng. Việc đo mặt cắt và bình đồ kênh khi nghiệm thu chỉ nên tiến hành khi vận tốc dòng chảy nhỏ hơn hoặc bằng 0,3 m/s. Trường hợp đặc biệt phải tiến hành đo đạc trong điều kiện vận tốc dòng chảy lớn hơn 0,3 m/s thì cần thống nhất giữa các bên liên quan. Đối với kênh rộng, có độ sâu lớn mà phải đo bằng thủ công thì có thể dùng sào thẳng, cứng, dưới có đế phẳng với diện tích từ 100 cm2 trở lên, khắc độ tới 1 cm, sổ đo ghi chính xác tới 0,50 cm. Trước khi đo phải kiểm tra dụng cụ đo.
8.2. Các giai đoạn nghiệm thu
Bao gồm nghiệm thu từng bộ phận công trình trong thời gian thi công và nghiệm thu toàn bộ công trình sau khi đã hoàn thành. Đối với các kênh có lớp áo gia cố bảo vệ thì phải tổ chức nghiệm thu phần công tác đất trước khi tiến hành gia cố. Việc nghiệm thu từng phần và nghiệm thu toàn bộ công trình thực hiện theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành.
8.3 Các phần công trình phải tổ chức nghiệm thu
Các phần công trình phải tổ chức nghiệm thu được quy định như sau:
- Xử lí nền kênh;
- Xử lí các chỗ tiếp giáp;
- Kích thước, cao độ, chất lượng đất đào, đắp: đánh giá cho từng đoạn và toàn bộ kênh;
- Công trình trên kênh: căn cứ vào danh mục công trình trên kênh, quy mô công trình do Chủ đầu tư quyết định;
- Lớp gia cố bảo vệ mái kênh.
8.4 Tài liệu dùng để nghiệm thu
Chỉ tiến hành nghiệm thu (bộ phận hoặc toàn bộ công trình) khi đơn vị thi công đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu dưới đây:
a) Hồ sơ thiết kế: Bản vẽ bộ phận hoặc toàn bộ công trình (đối với các bộ phận bị lấp kín phải có bản vẽ mô tả cụ thể). Ví dụ, bản vẽ mô tả địa chất của tuyến kênh trước khi đào đắp, trong đó ghi rõ các loại đất đá khác nhau, vị trí các chỗ xuất hiện nước mạch, cát chảy, bùn nhão, than bùn;
b) Các bản thuyết minh, bản vẽ;
c) Tài liệu trắc đạc trước và sau khi thi công;
d) Sổ nhật ký thi công, sổ ghi chép các tài liệu thí nghiệm chất lượng công trình; ghi chép những thay đổi về thiết kế trong quá trình thi công, các văn bản có liên quan;
e) Tài liệu về khối lượng công trình;
g) Tài liệu quan trắc độ lún, biến dạng của kênh;
h) Tài liệu, các bản vẽ hoàn công theo quy định hiện hành.
CHÚ THÍCH: Khi nghiệm thu toàn bộ công trình thì phải có toàn bộ tài liệu, biên bản nghiệm thu từng phần, hồ sơ hoàn công. Các tài liệu trên phải có chữ ký và đóng dấu của Nhà thầu thi công.
8.5 Chế độ thử tải của kênh
8.5.1. Yêu cầu chung
Trước khi tổ chức nghiệm thu phải thực hiện chế độ thử tải kênh. Thử tải kênh gồm có việc thử từng đoạn và thử toàn hệ thống.
8.5.2 Thử từng đoạn
Cho nước vào từng đoạn kênh ở mức nước gia cường trong thời gian 72 giờ liên tục nếu kênh không bị sạt lở, rò rỉ mất nước quá quy định của thiết kế là đạt yêu cầu. Nếu kênh bị sạt lở, rò rỉ thì đơn vị thi công phải tiến hành sửa chữa.
8.5.3 Thử toàn bộ kênh
Cho kênh làm việc thử trên toàn bộ hệ thống với mức nước gia cường trong thời gian 48 h liên tục để đánh giá chế độ nước chảy, mực nước ở các đoạn kênh (chú ý ở cuối kênh).
CHÚ THÍCH: Khi tháo nước vào kênh không được giảm đột ngột mực nước trong kênh để tránh bờ kênh bị sạt lở.
8.6 Kiểm tra thực địa
Sau khi xem xét các tài liệu nghiệm thu kênh, Hội đồng nghiệm thu cơ sở tiến hành kiểm tra ngoài thực địa xem xét việc thử tải kênh, nếu có vấn đề gì nghi vấn phải xác minh lại, sau đó sẽ lập biên bản nghiệm thu hoặc quyết định phải xử lý sửa chữa thêm nếu cần thiết.
8.7 Trách nhiệm quản lý kênh khi chưa nghiệm thu bàn giao
Trong thời gian chưa nghiệm thu và chưa bàn giao cho Đơn vị quản lí thì Nhà thầu thi công phải có trách nhiệm bảo vệ và tu bổ kênh.
8.8 Các sai số cho phép khi nghiệm thu thi công kênh
8.8.1 Sai số cho phép khi thi công bằng cơ giới bộ hoặc thủ công kết hợp cơ giới bộ như sau:
a) Sai số cho phép đối với vị trí tim kênh là ± 300 mm;
b) Sai số cho phép đối với chiều rộng mặt bờ kênh là + 200 mm và - 0 mm;
c) Sai số cho phép đối với cao trình bờ kênh: Không hạn chế nếu thiết kế không có yêu cầu nhưng không được thấp hơn cao độ thiết kế được duyệt, phải có độ dốc và độ phẳng phù hợp với yêu cầu sử dụng đã thể hiện trong hợp đồng;
d) Sai số cho phép đối với hệ số mái kênh là + 10 % và - 0 %;
e) Sai số cho phép đối với chiều rộng đáy kênh là + 100 mm và - 0 mm;
g) Sai số cho phép đối với độ dốc đáy kênh là ± 10 %;
h) Sai số cho phép đối với cao trình đáy kênh là + 0 mm và - 50 mm. Đối với kênh tiêu nước thì cao trình đáy kênh có thể thấp hơn cao độ thiết kế trong trường hợp không làm ảnh hưởng đến chế độ thuỷ lực.
CHÚ THÍCH:
1) Các dung sai chỉ có tác dụng đánh giá về mặt kỹ thuật thi công khi nghiệm thu. Khối lượng sẽ được nghiệm thu theo thực tế thi công nhưng khối lượng vượt quá thiết kế không được thanh toán;
2) Nếu đồ án thiết kế có quy định sai số kênh thì theo yêu cầu của thiết kế.
8.8.2 Sai số cho phép khi thi công bằng cơ giới thủy (tầu hút bùn, xáng cạp v.v... ) như sau:
a) Sai số cho phép đối với vị trí tim kênh là ± 500 mm;
b) Sai số cho phép đối với chiều rộng mặt bờ kênh là + 500 mm và - 0 mm;
c) Sai số cho phép đối với cao trình bờ kênh: Không hạn chế nếu thiết kế không có yêu cầu nhưng không được thấp hơn cao độ thiết kế được duyệt, phải có độ dốc và độ phẳng phù hợp với yêu cầu sử dụng đã được thể hiện trong hợp đồng ;
d) Sai số cho phép đối với mái kênh:
- Đối với mái kênh sau này gia cố, sau khi tu sửa hoàn chỉnh không cho phép có sai số;
- Đối với mái kênh không gia cố, cho phép sai số theo quy định ở Bảng 1:
Bảng 1- Dung sai cho phép thi công kênh không có gia cố mái theo năng suất tàu hút
Năng suất tầu hút tính theo khối lượng đất đào, m3/h | 35 | 81 - 100 | 101 - 200 | ≥ 200 |
Dung sai, m | ± 0,25 | ± 0,35 | ± 0,50 | ± 0,70 |
CHÚ THÍCH: Chỉ áp dụng dung sai âm khi thiết kế quy định và có luận chứng kỹ thuật cụ thể. Khi thi công xong, mái trung bình phải tương đương với mái thiết kế.
e) Dung sai cho phép đối với chiều rộng đáy kênh được quy định ở Bảng 2 :
Bảng 2 - Dung sai cho phép đối với chiều rộng đáy kênh
Năng suất tầu hút tính theo khối lượng đất đào, m3/h | 35 | 81 - 100 | 101 - 200 | ≥ 200 | Chú thích |
Dung sai, m | 0,50 | 0,80 | 1,00 | 1,50 | Không được quá 1/20 chiều rộng đáy kênh thiết kế |
CHÚ THÍCH: Chỉ áp dụng dung sai âm khi thiết kế quy định và có luận chứng kỹ thuật cụ thể.
g) Dung sai cho phép đối với cao trình đáy kênh được quy định ở Bảng 3:
Bảng 3 - Dung sai cho phép đối với cao trình đáy kênh
Năng suất tầu hút tính theo khối lượng đất đào, m3/h | 35 | 81-100 | 101-200 | ≥200 |
Dung sai , m | + 0,00 - 0,20 | + 0,00 - 0,20 | + 0,00 - 0,30 | + 0,00 - 0,40 |
Trong trường hợp tính toán đảm bảo các yêu cầu phục vụ của kênh, thiết kế có thể quy định sai số thi công dương hoặc âm nhưng cần có luận chứng cụ thể.
CHÚ THÍCH:
1) Các dung sai chỉ có tác dụng đánh giá về mặt kỹ thuật thi công khi nghiệm thu. Khối lượng sẽ được nghiệm thu thực tế thi công, những khối lượng vượt quá thiết kế không được thanh toán.
2) Nếu đồ án thiết kế quy định sai số thi công kênh thì thực hiện theo yêu cầu của thiết kế.
XÁC ĐỊNH DUNG TRỌNG CỦA ĐẤT BẰNG PHƯƠNG PHÁP DAO VÒNG TẠI HIỆN TRƯỜNG
A.1 Thiết bị
Thiết bị dùng để xác định dung trọng của đất bằng phương pháp dao vòng tại hiện trường gồm có:
a) Dao vòng: Làm bằng kim loại không rỉ hoặc thép cứng CT5, một đầu được vát sắc mép, thể tích không được nhỏ hơn 50 cm3. Đường kính bên trong phải lớn hơn hay bằng 50 mm - đối với đất sét, đất bụi và đất cát mịn; bằng 100 mm - đối với đất cát thô và đất có hạt sỏi sạn kích thước tới 20 mm; bằng 200 mm - đối với đất có hạt kích thước tới 40 mm. Thành của dao vòng có chiều dày từ 1,50 mm đến 2,00 mm - đối với dao vòng nhỏ; từ 3 mm đến 3,5 mm đối với dao vòng lớn. Chiều cao dao vòng không được lớn hơn đường kính, nhưng không được nhỏ hơn một nửa đường kính.
b) Thước cặp;
c) Dao cắt: có lưỡi thẳng, chiều dài lớn hơn đường kính dao vòng và cung dây thép có đường kính nhỏ hơn 0,2 mm để cắt gọt đất;
d) Cân: có độ chính xác đến 0,01 g; 0,1 g và 1,0 g;
e) Các tấm kính hoặc tấm kim loại: phải nhẵn, phẳng để đậy mẫu đất trong dao vòng;
f) Dụng cụ để xác định độ ẩm, bao gồm:
- Các hộp nhôm có nắp đậy gồm các cỡ thích hợp;
- Tủ sấy điện điều chỉnh được nhiệt độ hoặc bếp ga;
- Cồn công nghiệp 900;
- Bình hút ẩm.
g) Búa đóng và ống chụp;
h) Búa chim dùng để đào dao lên;
i) Các khay và túi nilông đựng mẫu.
CHÚ THÍCH:
1) Các dao vòng lấy mẫu đất phải có một đầu vát sắc mép và đầu kia được lắp ống chụp để ấn hoặc đóng dao vòng vào đất;
2) Để tránh nghiêng lệch dao vòng khi lấy mẫu, nên trang bị dụng cụ định hướng;
3) Nhà thầu thi công phải thường xuyên kiểm định thiết bị theo quy định hiện hành.
A.2 Chuẩn bị lấy mẫu và các bước lấy mẫu thí nghiệm
A.2.1 Dùng thước kẹp đo đường kính trong (d) và chiều cao (h) của dao vòng; tính toán thể tích của dao vòng (cm3) với độ chính xác đến số lẻ thứ hai sau dấu phẩy.
A.2.2 Cân để xác định khối lượng (m) của dao vòng với độ chính xác đến 1 g.
A.2.3 San bằng mặt đất và đặt đầu sắc của dao vòng lên chỗ lấy mẫu.
A.2.4 Giữ dao vòng bằng tay trái và dùng dao gọt, xén đất dưới dao vòng thành trụ đất có chiều cao khoảng từ 1 cm đến 2 cm và đường kính lớn hơn đường kính ngoài của dao vòng khoảng từ 0,5 mm đến 1 mm, sau đó ấn nhẹ dao vòng vào trụ đất theo chiều thẳng đứng. Tuyệt đối không được làm nghiêng lệch dao vòng. Tiếp tục gọt khối đất và ấn dao vòng cho đến khi bên trong dao vòng hoàn toàn đầy đất.
Cắt đứt trụ đất cách mép dưới của dao vòng khoảng 10 mm. Với đất loại cát sau khi dao vòng đã ấn ngập xuống rồi thì dùng dao thẳng đào gọt đất xung quanh dao vòng và dùng xẻng nhỏ lấy cả phần đất phía dưới lên. Tiếp theo lật ngược dao vòng có đất, sau đó gạt bằng mặt đất cho ngang với mặt dao vòng, rồi đậy dao vòng bằng một tấm kính hoặc tấm kim loại đã biết trước khối lượng.
Đối với đất cứng, khó ấn được dao vòng ngập vào đất thì lắp ống chụp lên dao vòng, giữ chắc dao vòng thẳng đứng và dùng búa đóng nhẹ lên ống chụp để lấy được mẫu đất đầy dao vòng. Lấy ống chụp ra, dùng dao thẳng cắt gọt phần đất thừa nhô lên trên miệng dao vòng và đậy lên dao vòng một tấm kính hoặc tấm kim loại phẳng đã biết trước khối lượng;
Đến đây, việc lấy mẫu đất đã hoàn thành.
CHÚ THÍCH: Việc cắt gọt các bề mặt của mẫu đất phải hết sức thận trọng để không có một chỗ lồi lõm nào. Một chỗ lõm nhỏ cũng phải được bù vào bằng đất tương tự và làm phẳng lại.
A.3 Quy trình thí nghiệm
A.3.1 Lau sạch đất bám ở thành dao vòng.
A.3.2 Cân dao vòng có mẫu đất, chính xác đến 1 g.
A.3.3 Sau khi cân xong, lấy một phần đất đại biểu ở trong dao vòng cho vào các hộp có khối lượng đã biết trước hoặc lấy toàn bộ đất trong dao vòng đem sấy khô để xác định độ ẩm của đất. Cân khối lượng đất và hộp đựng chính xác đến 0,1 g.
A.3.4 Mở nắp hộp chứa đất, đem sấy khô đất trong hộp ở nhiệt độ 105 oC ± 5 oC đến khi khối lượng không đổi. Nếu không có tủ sấy, được phép làm khô đất đến khối lượng không đổi bằng cách đốt cồn 3 lần đối với đất không chứa sỏi sạn (với khối lượng mẫu thử ít từ 20 g đến 30 g) hoặc rang khô đất trên bếp ga đối với đất chứa sỏi sạn (với khối lượng mẫu thử lớn).
CHÚ THÍCH:
1) Khi rang khô đất trên bếp ga, phải luôn dùng đũa khuấy đảo đất, không được làm bắn đất ra ngoài, thời gian rang đất ít nhất là 45 phút. Sau khi rang 30 phút, cân khối lượng đất chính xác đến 1 g, rồi tiếp tục rang thêm 10 phút và cân lại khối lượng của đất. Nếu khối lượng đất của hai lần cân không chênh nhau quá 1 % thì được cho là đất đã sấy khô hoàn toàn, nếu chênh lệch lớn hơn thì phải tiếp tục rang thêm cho đến khi thảo mãn điều kiện trên;
2) Mẫu đất cần làm khô phải để ở nơi kín gió. Mỗi lần phải chế cồn vào ngập đất và để sau 2 phút đến 3 phút để cồn thấm đều vào đất rồi mới châm lưả đốt. Trong quá trình đốt, dùng kim cầy xới đất để cồn cháy hết, rồi để nguội sau 5 phút đến 10 phút mới đổ cồn vào đất và đốt lần thứ 2, cũng như vậy cho lần thứ 3.
3) Sau khi đốt khô hoặc rang khô đất, phải đặt mẫu đất vào bình hút ẩm để làm nguội khoảng 15 phút đến 20 phút.
A.3.5 Cân khối lượng của hộp và đất khô, chính xác đến 0,1 g.
A.4 Tính toán kết quả
A.4.1 Khối lượng thể tích của đất ẩm, (g/cm3) tính theo công thức:
XÁC ĐỊNH DUNG TRỌNG CỦA ĐẤT BẰNG PHƯƠNG PHÁP RÓT CÁT
B.1 Phạm vi ứng dụng
Phương pháp rót cát dùng để kiểm tra dung trọng của đất rời và đất dăm sạn
B.2 Các dụng cụ cần thiết
B.2.1 Phễu rót cát dạng hình nón
Phễu rót cát dạng hình nón có kích thước như Hình B.1. Góc nghiêng giữa đường sinh với đáy (a) phải lớn hơn góc nghỉ của cát.
Hình B.1- Hình dạng phễu rót cát
CHÚ THÍCH:
Kích thước ghi trong Hình B.1 là cm
B.2.2 Ống đo
Ống đo có dung tích từ 500 cm3 đến 1 000 cm3 với vạch đo từ 5 cm3 đến 10 cm3.
B.2.3 Cân đĩa
Cân đĩa có thể cân được từ 2 kg đến 5 kg với độ nhậy từ 1 g đến 2 g.
B.2.4 Rây
Rây cỡ 1 mm và 0,5 mm dùng để chuẩn bị cát tiêu chuẩn.
B.2.3 Vật liệu khác
Các loại vật liệu khác bao gồm:
- Cát tiêu chuẩn được chọn từ cát thô đều hạt có cỡ từ 0,5 mm đến 1 mm, sạch và khô;
- Tấm nilon để đựng đất.
B.3 Phương pháp tiến hành
B.3.1 Chuẩn bị cát tiêu chuẩn
Rang hoặc sấy cát sau đó cho qua sàng tiêu chuẩn có cỡ 0,5 mm và 1,0 mm để nhận được cát có đường kính hạt 0,5 mm đến 1,0 mm với khối lượng khoảng 2 500 cm3 đến 3 000 cm3. Cát tiêu chuẩn được chuẩn bị tại phòng thí nghiệm nhưng phải sạch và phải qua sàng tiêu chuẩn như đã nêu.
Để kiểm tra chất lượng cát, lấy khoảng 500 cm3 đến 1 000 cm3 rồi đổ từ từ vào trong ống đo khoảng vài lần. Nếu mức cát trong ống đo không thay đổi qua nhiều lần thử là cát đạt yêu cầu.
B.3.2 Các bước tiến hành
Trình tự các bước tiến hành như sau:
- Dùng cuốc, xẻng san phẳng một khoảng nhỏ tại vị trí cần kiểm tra. Đào một hố tròn với đường kính nhỏ hơn đường kính miệng lớn của phễu và với chiều sâu bằng bề dày lớp đất cần kiểm tra. Đem cân tất cả lượng đất đào ở hố lên ta có khối lượng Qw. Chỉ nên cân một lần, vì nếu cân nhiều lần dễ dẫn đến sai số;
- Cân xong lấy đất để xác định độ ẩm w. Khối lượng đất cần khoảng 100 g đến 150 g, trong đó chứa đủ các cỡ hạt theo tỷ lệ của chúng (cách xác định w xem Phụ lục A);
- Sau khi đã sửa sang thành hố cho nhẵn (Cần chú ý phần đất do sửa sang hố thí nghiệm cũng thuộc về lượng Qw) đặt phễu lên miệng hố. Miệng phễu phải áp sát kín với mặt đất để cát không chảy ra ngoài;
- Bằng ống đo, rót cát tiêu chuẩn vào hố qua miệng phễu, không rót thẳng vào giữa lỗ phễu mà rót lên thành phễu (Hình B.2). Rót cát từ từ tránh va chạm mạnh lên phễu. Khi cát đầy tới cổ phễu thì dừng lại và ghi lấy số cát còn thừa.
Hình B.2- Rót cát tiêu chuẩn vào hố đào qua phễu
B.3.3 Kết quả thí nghiệm
Dung trọng ướt, (g/cm3), được tính theo công thức:
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI ĐẮP BẰNG ĐẤT BAZAN
C.1 Đặc điểm về mặt vật liệu xây dựng của đất bazan
Xét về mặt vật liệu xây dựng, đất bazan có một số đặ điểm chính sau đây:
- Độ tơi xốp lớn;
- Độ ẩm cao, thông thường từ 30 % đến 40 %;
- Dung trọng khô thấp, thông thường sau khi đầm nén với độ chặt K ≥ 0,95 chỉ đạt từ 1,30 t/m3 đến 1,40 t/m3;
- Hệ số thấm sau khi đầm nén đạt từ 10-5 cm/s đến 10-7 cm/s;
- Lượng kết von laterit lớn dần từ trên xuống dưới theo 5 đới của vỏ phong hóa bazan, trong đó có cả cuội tròn cạnh và dăm sắc cạnh với đường kính từ 20 mm đến 200 mm.
C.2 Phân đới cấu tạo vỏ phong hóa đá bazan
Để nhận biết một cách trực quan về việc phân đới cấu tạo vỏ phong hoá bazan, trong tiêu chuẩn này quy định cách phân đới cấu tạo như sau:
a) Đới thứ nhất: Đới đất đỏ đồng nhất hạt nhỏ gồm đất tàn tích bazan hoặc đất tàn tích và sườn tích bazan không phân chia có màu nâu đỏ hoặc xám vàng sắc đỏ. Đất trong đới này hầu hết là hạt nhỏ, cấu tạo lỗ hổng lớn, kết cấu ít chặt, trạng thái ít ẩm đến ẩm vừa. Bề dày của đới từ 0,3 m đến 0,7 m;
b) Đới thứ 2: Đới đất đỏ chưa kết von laterit hạt to loại kết von laterit sắt (phần trên) hoặc cát hạt nhỏ và hạt to kết von laterit nhôm sắt (phần dưới). Phần hạt nhỏ có màu sắc và tính chất vật lý giống đới thứ nhất. Các hạt to loại kết von laterit sắt có màu xám đen hoặc nâu bẩn cấu tạo đặc sít và nặng. Các kết von loại laterit nhôm sắt có màu sáng vàng nhạt hạt có góc cạnh hoặc kỳ dị thành phần chủ yếu là oxit nhôm cấu tạo nhiều lỗ hổng nhỏ, tương đối nhẹ. Chiều dày đới từ 1 m đến 7 m;
c) Đới thứ ba: Đới đất màu loang lổ, đất tàn tích bazan màu loang lổ (xám nâu đỏ, xám vàng, xám trắng), hầu hết là hạt nhỏ kết cấu ít chặt, trạng thái ẩm vừa đến ẩm cao. Đất phần dưới của đới có thể có các khoáng vật sét loại monmorilorit. Chiều dày đới từ 2 m đến 7 m;
d) Đới thứ tư: Đới sét hóa còn bảo tồn của đá gốc. Đất tàn tích bazan màu xám vàng, xám nâu đỏ, xám tím lẫn xám xanh. Thành phần hạt chủ yếu là hạt nhỏ nhưng có những ổ, cục đá bazan phong hóa dạng bóc vỏ hình cầu. Đất ít chặt, trạng thái ẩm cao, có mặt các khoáng vật sét loại monmorilorit. Bề dày đới từ 2 m đến 5 m;
e) Đới thứ năm: Đới đá mảnh, đất tàn tích bazan có thành phần chủ yếu là các đá mảnh, cục do đá bazan bị phong hóa vỡ vụn ra. Trong đới có một số hạt nhỏ lấp nhét trong các lỗ hổng và khe nứt. Bề dày đới từ 0,5 m đến 1,5 m.
CHÚ THÍCH: Đây là phân loại đầy đủ của 5 đới. Tùy điều kiện hình thành cụ thể ở một số nơi có dạng mặt cắt không đầy đủ, thiếu một hoặc 2 đới.
C.3 Khai thác đất bazan để đắp
C.3.1 Thông thường trong thiết kế chỉ sử dụng được đới thứ nhất và phần trên của đới thứ hai để đắp. Điều này được ghi rõ trong thiết kế và chỉ dẫn chi tiết đới đối với việc khai thác các đất đắp. Khi khai thác vật liệu đắp, nếu phát hiện có những dấu hiệu khác so với các chỉ dẫn trong thiết kế thì Nhà thầu thi công phải báo cáo cho Chủ đầu tư biết để xử lý.
C.3.2 Khi khai thác đất ở đới 1 có thể khai thác theo từng lớp từ trên xuống hoặc khai thác theo toàn bộ chiều dày đới, nhưng tốt nhất là khai thác theo toàn bộ chiều dày đới.
C.3.3 Khi khai thác đất ở đới 2 phải chú ý khai thác đúng chỉ giới quy định. Nên khai thác theo toàn bộ chiều dày của tầng đất như ở đới 1.
C.3.4 Trường hợp đới 1 mỏng, có thể khai thác cả đới 1 và đới 2 vào một tầng đào.
C.3.5 Không khai thác và sử dụng đất bazan có chứa trên 45 % khối lượng hạt kết von laterit nhôm sắt hình dạng kỳ dị.
C.4 Đầm nén đất bazan khi đắp
Việc đầm nén đất bazan khi đắp cũng có những yêu cầu kỹ thuật giống như các loại đất khác, song để đầm có hiệu quả thì nên sử dụng các loại đầm có áp suất lớn như đầm vấu kết hợp chấn động
C.5 Xác định dung trọng khô của đất ở hiện trường
Với loại đất hỗn hợp hạt nhỏ và hạt to tiến hành như sau:
- Nếu dùng bằng phương pháp đào hố rót cát thì tuân theo chỉ dẫn ở Phụ lục B;
- Nếu dùng dao vòng thì dùng loại dao vòng có kích thước lớn. Đường kính trong của dao (ký hiệu là d) bằng 15 cm đến 20 cm, chiều cao h nằm trong khoảng từ 2/3 d đến 3/4 d và tuân theo chỉ dẫn ở Phụ lục A.
Sau khi xác định xong thể tích của đất và khối lượng đất đã đầm nén thì xác định độ ẩm chung của đất hỗn hợp (hạt to và hạt nhỏ) và độ ẩm riêng của đất hạt nhỏ (như quy định ở Phụ lục A và B). Xác định hàm lượng hạt to và dung trọng khô của đơn thể hạt to có d >2 mm.
Từ kết quả phân tích, tiến hành tính toán xác định dung trọng của đất theo công thức sau:
PHỤ LỤC D
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ ĐỘ ẨM CỦA ĐẤT
D.1 Phương pháp hạ thấp độ ẩm của đất
Đối với những mỏ đất có độ ẩm cao phải tiến hành nhiều biện pháp để giảm độ ẩm. Các biện pháp có thể áp dụng như sau:
- Dọn sạch cây cỏ phía trên, tiêu hết nước đọng, dọn sạch tầng phủ, đào các rãnh ngăn nước chảy từ ngoài vào mỏ và rút nước ngầm trong mỏ. Công việc này có thể làm sớm trước khi khai thác từ 2 tháng đến 3 tháng;
- Khai thác đất theo từng lớp từ trên xuống, nếu có điều kiện thì cày xới trước khi lấy đất để cho nước bốc hơi;
- Rải đất lên mặt đập với độ dày khoảng 30 cm phơi dưới nắng từ 1 giờ đến 2 giờ, dùng máy cày nhiều lưỡi để cày lật lớp đất lên. Sau đó tiếp tục phơi như trên, tùy lượng nước trong đất mà cày xới nhiều hay ít lần cho đến khi đạt được độ ẩm thiết kế mới tiến hành đầm.
D.2 Phương pháp tăng thêm độ ẩm của đất
- Đối với những loại đất có độ ẩm thấp hơn độ ẩm thiết kế khoảng 3 % đến 4 % thì nên đào theo toàn bộ chiều dày khai thác. Trước khi khai thác có thể tưới một lượng nước lên mỏ đất để cho thấm đều rồi mới khai thác.
- Đối với những loại đất có tính dính lớn, thấm hút nước chậm mà có độ ẩm tự nhiên nhỏ thua độ ẩm thiết kế khoảng từ 6 % đến 8 % (có khi đến 10 %) như một số đất ở vùng Duyên hải Miền Trung thì phải dùng nhiều biện pháp phối hợp:
1) Cày xới đất ở bãi, tưới nước lên toàn mặt bằng, dùng máy ủi dồn đất ướt thành đống và ủ đất trong thời gian từ 2 ngày đến 3 ngày mới vận chuyển lên để đắp;
2) Trường hợp không thể ủ đất 2 ngày đến 3 ngày thì có thể cày xới đất một lớp có độ sâu khoảng 30 cm tưới nước lên trên toàn bộ lớp đất này, để cho đất thấm đều nước trong khoảng từ 1 h đến 2 h, cày xáo để trở đất, rồi lại tưới nước để cho đất thấm đều nước trong 1 h đến 2 h. Nếu đất vẫn chưa thấm đều thì tiến hành cày xáo nữa cho tới khi nước thấm đều mới được đưa lên để đắp;
3) Để tưới nước cho đều thì nên thiết kế hệ thống đường ống có gắn vòi phun mưa. Nếu dùng xe tưới nước cũng nên lắp vòi phun.