Tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác
Ngày gửi: 06/08/2018 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn
Bạn của bạn vay tiền của bạn mà hiện nay đã bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn nên sẽ bị khởi tố theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng…
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm…”
Người bạn này vay tiền của bạn thông qua vi bằng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thể hiện bằng việc bỏ trốn nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.Tùy vào số tiền chiếm đoạt mà đối tượng sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng. Thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
“Điều 172. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”
Thời hạn điều tra dựa trên loại tội phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 thì:
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Theo đó, nếu người bạn này bị khởi tố theo khoản 1 của Điều 175 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm do số tiền chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thỏa mãn điều kiện theo quy định tại khoản 1 thì loại tội phạm là tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, thời hạn điều tra tội này không quá 2 tháng và được gia hạn thêm một lần tối đa không quá 2 tháng nên tổng thời gian điều tra không quá 4 tháng.
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Theo đó, nếu người ban này bị khởi tố theo khoản 2 Điều 175 thì sẽ thuộc tội phạm nghiêm trọng khi số tiền chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000 đồng hay có các tình tiết thuộc khoản 2 điều này thì thời hạn điều tra là 3 tháng, có thể được gia hạn 2 lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng lần thứ 2 không quá 2 tháng nên tổng thời hạn điều tra là 8 tháng.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù. Nếu người bạn này chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu theo loại tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hạn điều tra là không quá 4 tháng và có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng nên thời hạn điều tra tối đa là 12 tháng.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu người bạn này chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm sẽ thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời gian điều tra là 4 tháng và có thể gia hạn 3 lần mỗi lần không quá 4 tháng và khi hết thời hạn điều tra nhưng do tính chất phức tạp nên sẽ được gia hạn thêm 1 lần không quá 4 tháng nên tổng thời gian điều tra là 20 tháng.
Thời hạn điều tra được tính từ ngày cơ quan điều tra nhận được hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra theo quy định trên, vì vậy, bạn có thể tự xác định đã hết thời hạn điều tra hay chưa. Khi đã hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không xác định được bị can đang ở đâu do người bạn này đã bỏ trốn thì cơ quan điều ra sẽ ra quyết định truy nã rồi mới tạm đình chỉ điều tra căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Điều 229. Tạm đình chỉ điều tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;”
Hiện nay, nếu cơ quan công an vẫn chưa điều tra được bị can đang ở đâu thì họ sẽ tạm đình chỉ điều tra tại đây và khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra thì sẽ ra quyết định phục hồi điều tra nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 và được tính từ ngày tội phạm được thực hiện:
“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo đó, từ tháng 12/2016 đến nay thì vẫn chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên vụ việc của bạn sẽ được giải quyết khi họ bắt được người bạn này.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691