Hệ thống pháp luật

Tố giác hành vi tảo hôn theo quy định hiện hành

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41203

Câu hỏi:

Ở làng của tôi vừa có 1 gia đình tổ chức đám hỏi cho một cháu gái đang học lớp 9 (chưa đủ 16 tuổi) với 1 em trai đã trên 20 tuổi. Theo tục của người dân tộc tôi, làm đám hỏi xong cặp nam nữ sẽ được phép về nhà vợ chung sống như vợ chồng. Theo tôi biết như vậy là tảo hôn, tôi muốn tố cáo tội này thì trình tự tôi phải làm như thế nào ạ. Cậu ruột của bé gái là bí thư chi bộ thôn. Tôi rất muốn việc này phải được đưa ra phát luật để hạn chế dần và xóa bỏ vấn nạn tảo hôn tại thôn tôi cũng như trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xin chân thành cảm ơn, rất mong sớm nhận được hồi âm.? Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Với thắc mắc của bạn, Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau: 1. Cơ sở pháp lý: – Luật hôn nhân gia đình 2014; – Bộ luật hình sự 1999; – Nghị định 110/2013/NĐ-CP. 2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật hôn nhân gia đình 2014;

– Bộ luật hình sự 1999;

– Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

2. Luật sư tư vấn:

Điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Theo đó, nhà nước không thừa nhận kết hôn dưới độ tuổi luật định, cháu gái học lớp 9 chưa đủ 16 tuổi kết hôn với người con trai 20 tuổi theo Điều 148 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn như sau:

Điều 148. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn

Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn;

b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.”

Như vậy, chỉ có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.

Về mức xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình như sau:

Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.”

Theo Khoản 3 Điều 10 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về cá nhân phát hiện việc kết hôn trái pháp luật như sau:

Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Như vậy bạn có thể làm đơn đề nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ để yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khi tòa có quyết định hủy hôn mà hai bên vẫn tiếp tục chung sống như vợ chồng thì lúc đó thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc về Ủy ban nhân dân xã.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn