Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1241/QLCL-CL2

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2014

 

TỜ TRÌNH

V/V BAN HÀNH THÔNG TƯ SỬA ĐỔI BỔ SUNG THÔNG TƯ 13/2011/TT-BNNPTNT HƯỚNG DẪN KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM HÀNG HÓA CÓ NGUỒN GỐC THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư, cụ thể sửa đổi bổ sung các nội dung sau:

1. Bổ sung quy định về Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra ATTP theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 9 tháng 4 năm 2014 hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Lý do: Để phù hợp với quy định hiện hành trong việc phân công quản lý ATTP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Bổ sung nhóm “hàng tạm nhập tái xuất” vào nhóm hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải kiểm tra ATTP.

Lý do: Thực tế hiện nay nhóm hàng tạm nhập tái xuất được niêm phong kẹp chì trong suốt quá trình nhập khẩu, tái xuất và không được tiêu thụ trong nước (Gần giống với hình thức thực phẩm quá cảnh được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP quy định tại Điều 14, Nghị định 38/2012/NĐ-CP) nên không có nguy cơ gây mất ATTP.

3. Quy định rõ 3 phương thức kiểm tra ATTP theo quy định của Điều 40, Luật ATTP (Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm)

Lý do: Để làm rõ ý kiến góp ý của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp liên quan đến quy định công nhận các nước vào Danh sách được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

4. Không yêu cầu các nước xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải gửi hồ sơ đăng ký để được công nhận vào Danh sách được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

Lý do: các sản phẩm hàng hóa đã qua chế biến bao gói sẵn đã được thẩm tra hồ sơ giấy tờ liên quan đến quy trình sản xuất đáp ứng quy chuẩn, quy định của Việt Nam mới được xác nhận công bố hợp quy theo quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP và hiện tại Bộ Y tế đang triển khai thực hiện.

5. Sửa đổi, bổ sung hình thức xử lý vi phạm quy định về ATTP.

Lý do: Quy định cụ thể và làm cơ sở pháp lý để xử lý bổ sung hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP.

Vì vậy, dự thảo sửa đổi Thông tư 13 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định trong nước và quốc tế, cập nhật đầy đủ các quy định mới có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai tại Việt Nam.

Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 3 của Thông tư 50/2013/TT-BNNPTNT ngày 19/11/2013 quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục NAFIQAD kính đề nghị Bộ trưởng cho phép Cục gửi đăng tải dự thảo Thông tư trên các website của Cục, Bộ; có công văn gửi các Bộ, ngành có liên quan và gửi Văn phòng SPS Việt Nam để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và các nước thành viên WTO.

Kính đề nghị Bộ trưởng xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT.Vũ Văn Tám (để b/c);
- TT.Lê Quốc Doanh (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Cục Bảo vệ thực vật;
- Lưu: VT, CL2.

KT.CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Phùng Hữu Hào