BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3372/TTr-BNV | Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2013 |
VỀ VIỆC CÔNG NHẬN CÁC XÃ THUỘC VÙNG AN TOÀN KHU CỦA TỈNH LẠNG SƠN
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1902/VPCP-V.III ngày 11/3/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc lập hồ sơ các xã An toàn khu (viết tắt là ATK) cách mạng huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại Công văn số 386/UBND-VX ngày 06 tháng 5 năm 2013 về việc đề nghị thẩm định hồ sơ các xã vùng ATK cách mạng huyện Bắc Sơn (kèm theo hồ sơ của 08 xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hữu Vũ), ngày 06 tháng 9 năm 2013, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị thẩm định hồ sơ các xã nêu trên của tỉnh Lạng Sơn. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ Nội vụ kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận 08 xã thuộc vùng ATK cách mạng huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn như sau:
1. Khái quát về đặc điểm, tình hình huyện Bắc Sơn
Bắc Sơn là huyện miền núi vùng cao, có địa hình rừng núi hiểm trở, nằm ở phía Tây của tỉnh Lạng Sơn, phía Bắc giáp huyện Bình Gia, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng thuộc tỉnh Lạng Sơn và phía Tây giáp huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay huyện có 19 xã và 01 thị trấn, có diện tích tự nhiên là 699,42 km2, dân số là 65.696 người, có 05 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông (trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ 68,1%).
Huyện Bắc Sơn có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc, trong đó có Quốc lộ 1B đi qua hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên tạo thuận lợi cho việc giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh trong vùng, là nơi thành lập Đội du kích Bắc Sơn (sau này đổi tên thành Đội cứu quốc quân Bắc Sơn và Đội cứu quốc quân I), một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi hoạt động cách mạng của các đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ.
a) Về quy trình, thủ tục:
Ngày 31 tháng 01 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có Công văn số 103/UBND-VX đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ các xã thuộc vùng ATK huyện Bắc Sơn; ngày 11 tháng 3 năm 2013 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1902/VPCP-V.III thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý để tỉnh Lạng Sơn lập hồ sơ đề nghị các xã thuộc vùng ATK theo quy định. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Sơn và 08 xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hữu Vũ triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận xã thuộc vùng ATK cách mạng.
Ngày 06 tháng 5 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn có Công văn số 386/UBND-VX đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận các xã nêu trên của huyện Bắc Sơn thuộc vùng ATK cách mạng.
b) Về nội dung hồ sơ của 08 xã thuộc huyện Bắc Sơn:
Các hồ sơ đề nghị công nhận thuộc vùng ATK cách mạng của 08 xã đã nêu cụ thể được các sự kiện, địa điểm, tài liệu, tư liệu, di tích lịch sử đấu tranh cách mạng... diễn ra trên địa bàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Bằng có công với nước, Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa, Giấy chứng nhận người có công với cách mạng xác nhận của các đồng chí lão thành cách mạng, đồng thời các sự kiện đã được thể hiện trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Sơn và được các bậc lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, trong tỉnh đồng tình.
Tuy nhiên, do thời gian diễn ra sự kiện đã lâu và do có những sự việc thuộc hoạt động bí mật của Đảng, nên việc ghi nhận, làm thủ tục công nhận sự việc, sự kiện... của các cấp có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn; có hồ sơ trình bày một số sự kiện, tài liệu, tư liệu liên quan còn trùng lặp.
c) Khái quát sự kiện theo các tiêu chí công nhận xã thuộc vùng ATK:
- Tiêu chí 1: Nơi nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cách mạng của Đảng và Nhà nước, bảo vệ bí mật các cơ quan, tổ chức của Đảng:
Bắc Sơn là địa bàn vùng núi hiểm trở, là căn cứ hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của các đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ, như các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh, Lê Xuân Thụ, Hoàng Văn Thái, Lương Văn Tri, Nguyễn Cao Đàm,...
Trong suốt thời gian các đồng chí cán bộ Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn đã được nhân dân che chở, nuôi giấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn tạo mọi điều kiện để các đồng chí công tác. Nhiều gia đình đã không quản hy sinh, vất vả sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt, giữ bí mật tuyệt đối cho cán bộ cách mạng, không có đồng chí nào bị bắt hoặc giết hại trong thời gian hoạt động tại Bắc Sơn (các gia đình này đã được Đảng và Nhà nước tặng Bằng có công với nước)...
- Tiêu chí 2: Nơi diễn ra các hội nghị, các quyết định tạo bước ngoặt của cách mạng, các sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng:
Đầu tháng 10 tháng 1940, sau 4 ngày cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, Xứ ủy Bắc kỳ tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, Hội nghị đã quyết định Xứ ủy phải trực tiếp lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, bồi dưỡng lực lượng, tiếp tục đấu tranh vũ trang, tổ chức tốt Đội du kích Bắc Sơn để đối phó với quân thù. Hội nghị đã phát động phong trào ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn, đến tháng 02 năm 1941 tại rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã quyết định thành lập Đội Cứu quốc quân I trên cơ sở lực lượng nòng cốt là Đội du kích Bắc Sơn gồm 32 đồng chí do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng. Sự kiện thành lập Đội Cứu quốc quân I đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng không những ở Bắc Sơn mà đối với cả sự nghiệp cách mạng nước ta, là một trong những đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên do Đảng tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, đồng thời là một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
- Tiêu chí 3: Nơi đóng quân và làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cách mạng của Đảng:
Tại Bắc Sơn, để chuẩn bị lực lượng cho Chiến dịch Đông Khê năm 1950, cuối năm 1949 Bộ tư lệnh Mặt trận Biên giới (Liên khu Việt Bắc) đã đặt trụ sở chỉ huy tại thôn Bắc Mỏ, thôn Pác Lũng thuộc xã Hữu Vĩnh, tổ chức huấn luyện quân sự, diễn tập, đắp sa bàn tại xã Tân Lập và do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy.
Xứ ủy Bắc kỳ đã được nhân dân Bắc Sơn ủng hộ, giúp đỡ và xã Hữu Vĩnh đã được các đồng chí Trung ương Đảng chọn làm trạm liên lạc với các địa bàn khác, tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ cách mạng ra vào Bắc Sơn để hoạt động, qua các trạm này thông tin, liên lạc giữa các căn cứ cách mạng của tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Thái Nguyên và về miền xuôi được thông suốt. Xã Hữu Vĩnh còn là nơi cất giữ tài liệu quan trọng của các cơ sở cách mạng, trong đó có tài liệu để huấn luyện cho Đội du kích tại Mỏ Pia và Lân Táy xã Tân Lập, nơi đây còn là điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho Đội du kích Bắc Sơn và các đồng chí cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời gian hoạt động tại Bắc Sơn.
3. Ý kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương tại Hội nghị thẩm định:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Hồ sơ đề nghị công nhận xã thuộc vùng ATK của tỉnh Lạng Sơn làm đầy đủ và chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện và 08 xã nêu trên còn cao, đề nghị tỉnh xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội của 08 xã và huyện Bắc Sơn đồng thời nên đề nghị chia làm 02 giai đoạn: 2014 - 2015 và 2016 - 2020
b) Bộ Quốc phòng:
Căn cứ hồ sơ đề nghị và các tài liệu lịch sử liên quan hiện có, 08 xã nêu trên của huyện Bắc Sơn đủ điều kiện công nhận là các xã thuộc vùng ATK cách mạng. Bắc Sơn hiện là huyện nghèo, 08 xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đây là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền địa phương cần sớm quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của 08 xã và huyện Bắc Sơn, thể hiện sự tri ân thiết thực.
c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Nhất trí với ý kiến của các Bộ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện và 08 xã còn tương đối cao, đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình Thủ tướng Chính phủ công nhận các xã ATK huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn để ghi nhận công lao và giáo dục truyền thống cách mạng của nhân dân địa phương và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên các địa bàn này.
d) Văn phòng Chính phủ:
Hồ sơ đề nghị công nhận các xã thuộc vùng ATK của tỉnh Lạng Sơn được chuẩn bị chu đáo, các sự kiện được chọn lọc khá tiêu biểu, tuy nhiên huyện và 08 xã đề nghị công nhận thuộc vùng ATK tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên cần được quan tâm đầu tư giúp huyện phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Về thủ tục, đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình Thủ tướng Chính phủ để nếu kịp vào ngày 27 tháng 9 kỷ niệm Khởi nghĩa Bắc Sơn thì càng có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục, tri ân.
Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của các xã thuộc huyện Bắc Sơn và Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc công nhận các xã thuộc vùng ATK cách mạng, đồng thời xét theo các tiêu chí công nhận và ý kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương tại Hội nghị thẩm định, Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận 08 xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hữu Vũ thuộc vùng ATK cách mạng.
Bộ Nội vụ kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |