Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Ngày gửi: 09/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng hiện tượng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng còn xảy ra trên thực tế hiện nay. Vì vậy, pháp luật đã quy định hành vi đó thành một tội danh cụ thể tại Điều 152 BLHS; chúng ta cùng tìm hiểu về tội danh này để nắm rõ hơn các quy định về nó.1. Căn cứ pháp lý
Thứ nhất, Điều 152 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Thứ hai, điểm 8 Thông tư liên tịch số 01/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 tháng 9 năm 2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV – Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình của BLHS 1999 do Bộ Tư Pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
2. Dấu hiệu pháp lý
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là quan hệ gia đình bị xâm phạm mà trực tiếp là quyền được người thân phải cấp dưỡng cho mình. Đó là quyền đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hang ngày.
2.2. Chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12,13 Bộ luật hình sự.
Chủ thể của tội này là người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa vợ và chồng, cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là tội phạm ít nghiêm trọng, nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của một số đối tượng thì chỉ những người ở một độ tuổi nhất định mới có thể là chủ thể của tội phạm này như: cha mẹ đối với con chưa thành niên, ông bà đối với các cháu.
2.3. Mặt khách quan
a) Hành vi khách quan
Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ phát sinh theo quy định của pháp luật, tức là do quan hệ hôn nhân và gia đình nên phát sinh nghĩa vụ này, cụ thể từ Điều 56 đến Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi mới bị coi là tội phạm.
Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng khước từ việc cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật yêu cầu cấp dưỡng hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng tìm mọi cách trốn tránh việc cấp dưỡng (bỏ trốn, giấu địa chỉ, cố tình dây dưa việc cấp dưỡng), khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự đảm bảo cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm.
Người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu trách nhiệm hình sự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm tức là trước đó đã có lần từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải hành vi trên thì không cấu thành tội phạm này.
b) Hậu quả
Một trong những điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đó là yêu cầu hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật…). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm.
Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
2.4. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, tội phạm là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ nghĩa vụ của mình nên đã từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí một số người còn cho rằng mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà nghĩa vụ đó là của người khác. Ví dụ: Con gái đã đi lấy chồng mà không có nghĩa vụ đối với bố mẹ đẻ nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi bố mẹ đẻ không còn khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Cần lưu ý đối với tội danh này là Điều luật quy định hai hành vi phạm tội, đó là hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng và hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà định tội cho chính xác. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi “từ chối” và “trốn tránh” thì định tội là: “từ chối và trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”’; Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một trong hai hành vi “từ chối” hoặc “trốn tránh” thì định tội là “từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng” hoặc “trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.
3. Hình phạt
Điều luật quy định hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Vì đây là tội mới được quy định trong BLHS 1999 và mức độ nguy hiểm của nó chưa cao, hơn nữa, lại tác động trực tiếp tới các mối quan hệ trong gia đình. Vì vậy, pháp luật quy định chủ yếu cho người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có cơ hội thay đổi ở ngoài xã hội, bảo đảm cuộc sống gia đình.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691