Hệ thống pháp luật

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi chồng đánh vợ đang mang thai?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41160

Câu hỏi:

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh phụ nữ mang thai?Với hành vi đó bị xử phạt như thế nào? Luật sư cho cháu hỏi,cháu bị chồng đánh mặc dù tổn hại sức khỏe không đáng kể nhưng tổn hại tinh thần khi cháu đang mang thai 4 tháng, chồng cháu ngoại tình và có con riêng với nhân tình,nếu cháu khởi kiện thì bị xử lý thế nào?cháu mong được tư vấn cháu cảm ơn.? 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự 1999;

– Bộ luật dân sự 2015

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP

– Bộ luật tố tụng hình sự 2003

– Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

2. Giải quyết vấn đề:

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện bạn đang mang thai 4 thai nhưng chồng bạn đã nhiều lần có hành vi đánh đập bạn. Bên cạnh đó, chồng bạn còn ngoại tình và có con riêng. Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn đến cơ quan cơ quan có thẩm quyền (như Tòa án, Ủy ban, công an…) để trình báo sự việc và xem xét có phương hướng giải quyết. Cụ thể:

Với hành vi đánh bạn: Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

“a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c, Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lức thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng…”

Căn cứ vào quy định nêu trên thì hành vi của chồng bạn là những hành vi bạo lực gia đình, những hành vi này bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Và nếu hành vi của chồng bạn ngày càng trầm trọng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bạn thì bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án nơi chị bạn cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với chồng của chị bạn theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Mặt khác, căn cứ vào khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định:

“Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, hành vi bạo lực gia đình của chồng bạn tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử phát hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chồng bạn sẽ bị xử phạt theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

– Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích cho bạn thì chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;….”

Theo đó, để có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích với những người này, người công an phải đi giám định tỷ lệ thương tật và phải chứng minh được bị thương tật 11% hoặc dưới 11% và thuộc 01 trong các trường hợp như có sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh phụ nữ đang có thai…

Ở đây, bạn có nêu là bạn bị chồng đánh nhưng sức khỏe không bị tổn hại nhiều. Do không biết tỷ lệ thương tật của bạn là bao nhiêu tuy nhiên, theo quy định trên nếu chồng bạn biết rõ bạn mang thai nhưng vẫn cố ý gây ra thương tích cho bạn thì chồng bạn có thể bị khởi tố theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 khi bạn có đơn yêu cầu khởi tố (Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự). Và mức xử phạt của chồng bạn là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Như vậy, trong trường hợp này bạn nên làm đơn tố giác chồng bạn đến cơ quan công an cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú để được giải quyết. 

Đồng thời, chồng bạn có hành vi xâm hại sức khỏe của bạn thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bạn. Các khoản bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của bạn;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của bạn; nếu thu nhập thực tế của bạn không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bạn trong thời gian điều trị; nếu bạn mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc bạn;

Khoản bồi thường thiệt hại bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án xác định mức nhưng không quá 50 lần mức lương cơ sở.  

>>> Luật sư tư vấn pháp luật về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng: 024.6294.9155

Mặt khác, bạn có nêu chồng bạn có hành vi ngoại tình và có con chung với người khác. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau, Nhà nước nghiêm cấm người đã có vợ/chồng hoặc biết rõ người khác đã có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng.

Và theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm…”

Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Và chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp:

– Một, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng như: người vợ hoặc người chồng hợp pháp phải bỏ việc, phải tốn kém tiền của để lo giải quyết hàn gắn quan hệ vợ chồng hoặc làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn hoặc do quá uất ức với hành vi vi phạm của người chồng hoặc người vợ mà sinh ra bệnh tật, tự sát, con cái phải nheo nhóc bỏ học đi lang thang, hoặc do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà dẫn đến hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…

– Hai, khi người có hành vi đã bị xử phạt hành chính về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà còn tiếp tục vi phạm.

Như vậy, nếu chồng bạn có các hành vi trên thì chồng bạn cũng như người phụ nữ kia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999. Còn nếu chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì chồng bạn và người kia sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Điểm b Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn