Hệ thống pháp luật

Trách nhiệm hình sự khi dùng kéo đâm người khác

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40754

Câu hỏi:

Thưa luật sư tư vấn cho em: Em của em đi trên đường ở xóm thì người người ở xóm trên gây chuyện chửi đòi đánh. Em của em lên nhà để nói sự việc với cha mẹ người gây sự. Nhưng đi chưa tới nhà, thì người này chặn đường đánh và dùng kéo đâm gây thương tích 35%. Mức phạt và bồi thường như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp em. Cảm ơn. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự 1999

– Bộ luật Dân sự 2005

– Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP;

– Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP;

Theo quy định của Điểm 3.1 Điều 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP và tiểu mục 2.1, 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP quy định về hung khí nguy hiểm như sau:

"Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công."

Theo quy định, thì tình tiết: Dùng hung khí nguy hiểm được xác định là tình tiết định khung phạm tội được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999. 

Bạn có nêu em của bạn bị người khác đánh và dùng kéo đâm gây thương tich 35%, hành vi này được xác định là hành vi cố ý gây thương tích và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999. Chiếc kéo dùng để đâm em của bạn có thể được xác định là hung khí nguy hiểm, do đó người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 với mức hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

"3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm."

Tùy vào từng tính chất, diễn biến sự việc và các tình tiết cụ thể để xác định mức độ cụ thể để xác định trách nhiệm hình sự cụ thể của bên có hành vi vi phạm như thế nào? 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; 

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; 

– Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng không mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn