Hệ thống pháp luật

Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Ngày gửi: 06/08/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40078

Câu hỏi:

Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Ý nghĩa của việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam về trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ: 024.6294.9155 để được tư vấn – hỗ trợ!

Mỗi một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cũng giống như các tác phẩm mỹ thuật khác đều được xác định là một sản phẩm nghệ thuật, mang theo phong cách, sự sáng tạo, và là sự thể hiện dấu ấn và tài năng của mỗi tác giả – người nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên, khi mà các tác phẩm mỹ thuật ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thực tế, làm nâng cao giá trị của các tác phẩm này thì việc bảo vệ quyền tác giả, và các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thông qua việc đăng ký bản quyền cho các tác phẩm mỹ thuật cũng được chú trọng hơn. Vậy việc đăng ký bản quyền cho các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thực hiện như thế nào? Về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư, chuyên gia của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam sẽ đề cập đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền cho các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Để xác định các thủ tục để đăng ký bản quyền (hay còn gọi là đăng ký quyền tác giả) cho các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cần căn cứ vào các quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Cụ thể.

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung  bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP được hiểu là những tác phẩm được thể hiện thông qua tổng hợp các đường nét, hình khối, và màu sắc, bố cục gắn liền với những tính năng hữu ích. Đây không phải là những tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà là những tác phẩm mỹ thuật có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, là cơ sở để ứng dụng vào thực tiễn thông qua quá trình sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thường thấy trong các lĩnh vực như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm hoặc thiết kế nội thất và lĩnh vực trang trí đơn thuần.

Bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng hay còn được xác định là quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là khái niệm mặc dù không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản của pháp luật hiện hành nhưng dựa trên khái niệm chung về quyền tác giả, về bản quyền, có thể hiểu, đó là quyền hợp pháp của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với sản phẩm mỹ thuật ứng dụng do họ sáng tạo ra hoặc sở hữu, phát sinh khi sản phẩm này được sáng tạo và định hình dưới một hình thức nhất định.

Trên cơ sở các khái niệm này, việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (hay còn hiểu là đăng ký bảo hộ quyền tác giả, hay đăng ký quyền tác giả) là thủ tục mà trong đó một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng sẽ được Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền tác giả sau khi tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm này đã hoàn tất thủ tục nộp đơn đăng ký bản quyền, đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Trong đó, thủ tục đăng ký bản quyền được thực hiện như sau:

Thứ nhất, Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền gồm những loại giấy tờ sau:

 – Tờ khai đăng ký bản quyền (tờ khai đăng ký quyền tác giả – có mẫu).

Tờ khai đăng ký quyền tác giả phải do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả kê khai đầy đủ thông tin và ký tên. Trong nội dung tờ khai ngoài việc thể hiện đầy đủ thông tin của tác giả – người sáng tạo ra tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả – người sở hữu tác phẩm hay người nộp đơn thì còn phải thể hiện tóm tắt nội dung của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được đăng ký; thời, gian, địa điểm, hình thức công bố của tác phẩm, và lời cam đoan của người nộp đơn về nội dung đã kê khai trong tờ khai đăng ký. Nội dung tờ khai phải bằng tiếng Việt.

Tờ khai đăng ký quyền tác giả sẽ được thực hiện theo mẫu do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định.

– Bản sao tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cần đăng ký bản quyền, quyền tác giả (02 bản).

– Tùy vào từng trường hợp có hay không việc ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ mà trong hồ sơ đăng ký sẽ có thêm giấy ủy quyền, hoặc hợp đồng ủy quyền.

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này là thành quả lao động, là thành quả sáng tác của nhiều người.

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu quyền tác giả, nếu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này thuộc về sở hữu chung của nhiều chủ thể.

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu chủ thể nộp đơn không phải là tác giả nhưng được thừa hưởng quyền tác giả của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thông qua thủ tục thừa kế, chuyển giao, kế thừa.

– Giấy tờ tùy thân của người nộp hồ sơ như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu và Sổ hộ khẩu.

Nội dung những giấy tờ, tài liệu nêu trên trừ bản sao tác phẩm thì đều yêu cầu phải thể hiện bằng Tiếng Việt, nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang Tiếng Việt theo quy định.

Thứ hai, nộp hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Nơi nộp hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được xác định là Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch). Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp nộp hồ sơ lên cơ quan này hoặc ủy quyền cho người khác đi nộp đơn theo Giấy ủy quyền hợp lệ.

Thứ ba, nhận kết quả sau khi nộp hồ sơ đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này trong khoảng thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ nếu tác phẩm này hoàn toàn đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ bản quyền tác giả.

Trường hợp tác phẩm mỹ thuật ứng dụng này không đáp ứng được các điều kiện để được bảo hộ về bản quyền tác giả thì Cục Bản quyền tác giả cũng sẽ phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn vì lý do không cấp.

Như vậy, cũng như các loại hình tác phẩm nghệ thuật khác, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cũng cần được bảo hộ về bản quyền, quyền tác giả. Mặc dù thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không phải là thủ tục bắt buộc, không phải là căn cứ bắt buộc để phát sinh quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tuy nhiên, đây là thủ tục cần thiết để tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có được sự công nhận và bảo hộ hợp pháp từ pháp luật, nhất là trong tình hình cạnh tranh, tranh chấp về bản quyền như hiện nay.

Dịch vụ pháp lý của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

– Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ miễn phí qua tổng đài tư vấn trực tuyến 024.6294.9155

– Tư vấn pháp luật về bản quyền, quyền tác giả.

– Tư vấn pháp luật về bản quyền của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

– Tư vấn về thủ tục đăng ký bản quyền cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn