Hệ thống pháp luật

Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính

Ngày gửi: 06/08/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40077

Câu hỏi:

Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính. Dịch vụ đăng ký phần mềm máy tính nhanh nhất năm 2020.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Trong xu thế tiến tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp phần mềm cũng được các quốc gia chú trọng phát triển và mở rộng. Việc viết, tạo lập và định dạng phần mềm máy tính được nhiều chủ thể, nhất là những người thuộc lĩnh vực chuyên ngành IT tham gia, bởi phần mềm máy tính không chỉ cho thấy khả năng sáng tạo, tiếp cận công nghệ thông tin của người tạo lập (tác giả phần mềm máy tính) mà còn tạo điều kiện cho họ nhận được nguồn thu nhập cao từ công việc viết, tạo lập phần mềm máy tính.

Tuy nhiên, cũng như các tác phẩm, sản phẩm trí tuệ khác, trên thực tế có không ít tranh chấp phát sinh về bản quyền tác giả của phần mềm máy tính. Chính bởi vậy, việc đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính là điều người sáng tạo nên làm sau khi tạo nên một phần mềm máy tính mới, để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của mình. Về nội dung này, đội ngũ luật sư và chuyên viên luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam sẽ đề cập về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính cụ thể trong bài viết để bạn đọc được rõ.

Hiện nay, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, nội dung về trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính được quy định cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Cụ thể:

Phần mềm máy tính, hay còn được xác định là chương trình máy tính, theo quy định tại Điều 22 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được hiểu là tập hợp một chuỗi các chỉ dẫn được thể hiện thông qua tập hợp các dãy lệnh, các loại ký tự mã hóa, lược đồ hoặc các hình dạng khác mà có khả năng làm cho máy tính đọc, hiểu và thực hiện được một công việc hoặc thu được một kết quả cụ thể nếu chuỗi chỉ dẫn này được gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được.

Phần mềm máy tính (chương trình máy tính) dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy thì đều được xác định là một đối tượng được pháp luật bảo hộ về quyền tác giả tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009.

Về mặt nguyên tắc, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, một phần mềm máy tính (hay chương trình máy tính) khi được bảo hộ về quyền tác giả thì tác giả hoàn toàn được bảo vệ về các quyền nhân thân như đặt tên chương trình máy tính, đứng tên trên tác phẩm, công bố sản phẩm, sao chép và thực hiện các quyền khác theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính thì được hưởng quyền đặt tên cho phần mềm máy tính này, đứng tên trên sản phẩm này và được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm này; còn chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính được thực hiện quyền công bố, hoặc cho người khác công bố chương trình máy tính này và các quyền về tài sản theo quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.

Một chương trình máy tính (phần mềm máy tính) có thể được sửa chữa, nâng cấp theo sự thỏa thuận giữa tác giả, và các tổ chức cá nhân thực hiện việc đầu tư về tiền bạc, tài chính, cũng như các cơ sở vật chất kỹ thuật khác trong việc sáng tạo, tạo lập nên chương trình máy tính này. Đồng thời, mỗi cá nhân, tổ chức đều có thể sao lưu một bản sao dự phòng của một chương trình máy tính (phần mềm máy tính) để đề phòng khi bị hư hỏng, mất mát nếu họ có quyền sử dụng hợp pháp đối với bản sao phần mềm máy tính này.

Trên cơ sở này, như đã phân tích, việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính được thực hiện như với một tác phẩm văn học, nên theo quy định chung về bảo hộ quyền tác giả, có thể hiểu, việc đăng ký bản quyền tác giả đối với chương trình máy tính được hiểu là việc tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền thông qua thủ tục nộp hồ sơ đăng ký bản quyền quyền tác giả để đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ghi nhận và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối với phần mềm máy tính do họ sáng tạo ra hoặc có quyền sở hữu.

Nhìn chung, về hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với phần mềm máy tính được thực hiện như sau:

Dựa trên nội dung quy định tại Điều 50, 51, 52, 53, 54 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và quy định tại Điều 35, 36 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của phần mềm máy tính này, hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả ủy quyền cần thực hiện theo thủ tục sau:

Hồ sơ đăng ký bản quyền quyền tác giả đối với phần mềm máy tính gồm các giấy tờ sau:

Tờ khai đăng ký quyền tác giả (mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định).

02 Bản sao định hình phần mềm máy tính, ví dụ đĩa CD ghi nội dung chương trình phần mềm máy tính hoặc bản in phần mềm máy tính.

Giấy ủy quyền đối với trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền cho người khác nộp đơn.

Giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn là người được thừa hưởng, thừa kế, chuyển giao quyền giả đối với tác phẩm.

Văn bản thỏa thuận thể hiện sự đồng ý của các đồng tác giả của tác phẩm phần mềm máy tính (nếu phần mềm máy tính là thành quả sáng tạo của nhiều người).

Văn bản thỏa thuận thể hiện sự đồng ý của các đồng chủ sở hữu nếu có nhiều người là chủ sở hữu của quyền tác giả đối với phần mềm máy tính được bảo hộ quyền tác giả.

Bước 2: Nộp hồ sơ:

Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, sau khi đã được chuẩn bị đầy đủ sẽ được nộp trực tiếp tại Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch.

Bước 3: Nhận kết quả:

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính sẽ nhận được kết quả đăng ký bản quyền tác giả sau 15 ngày làm việc tính từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả phần mềm máy tính. Nếu hồ sơ hợp lệ và phần mềm máy tính đảm bảo điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả thì sẽ được Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính (hay chương trình máy tính) được bảo hộ. Giấy chứng đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính được xác định như văn bản pháp lý ghi nhận quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính do họ sáng tạo hoặc sở hữu, ghi nhận việc hoàn thành thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.

Trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm máy tính (chương trình máy tính) thì cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ trả lời bằng văn bản và thông báo rõ lý do về việc không cấp Giấy chứng nhận.

Như vậy, cũng giống như các tác phẩm văn học hay các tác phẩm nghệ thuật văn hóa khác, phần mềm máy tính cũng là sản phẩm sáng tạo, thể hiện trí tuệ, phong cách và chất riêng của tác giả phần mềm máy tính trong lĩnh vực công nghệ thông tin (Lĩnh vực IT). Đây cũng là tác phẩm, sản phẩm cần được bảo hộ bởi quy định của pháp luật để tránh việc lạm dụng, mạo danh, trục lợi từ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, nhất là trong tình trạng cạnh tranh và phát triển của an ninh mạng, công nghệ phần mềm đang diễn ra trong xã hội ngày nay. 

Dịch vụ pháp lý của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam:

Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả: Hồ sơ, trình tự thủ tục mới nhất

– Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ miễn phí qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 024.6294.9155 .

– Tư vấn điều kiện đăng ký chương trình máy tính

– Tư vấn thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm máy tính.

– Dịch vụ đăng ký phần mềm máy tính nhanh nhất.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn