Hệ thống pháp luật

Trình tự thủ tục thi hành hình phạt tử hình

Ngày gửi: 14/01/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41799

Câu hỏi:

Bài viết nói về trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình theo quy định của pháp luật hiện hành.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Tử hình đụng chạm đến quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống. Do vậy, tử hình là loại hình phạt không thể khắc phục sai lầm một khi đã được thi hành. Chính vì thế, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình rất chặt chẽ, chi tiết và chính xác, Vì có như thế mới phần nào hạn chế đến mức tối đa những sai phạm có thể xảy ra. Theo đó, để thi hành hình phạt tử hình cần tuân thủ các bước sau:

Bước 1: Xác định đã có đủ điều kiện để thi hành hình phạt tử hình hay chưa.

Trước tiên, cần xem xét có kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC hay Chánh án TANDTC hay không. Nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm thì phải xem xét có quyết định chấp nhận đơn hay bác đơn của Chủ tịch nước hay chưa.

Bước 2: Ra quyết định thi hành án, thành lập hội đồng thi hành hình phạt tử hình.

Sau khi Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước và bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án  phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình gồm: Chánh án hoặc phó Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành tử hình (Chủ tịch hội đồng) và các thành viên là đại diện của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. (Điều 55 Luật thi hành án hình sự 2010 ). Quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ người ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người tham gia hội đồng. 

Bước 3: Kiểm tra điều kiện áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành hình phạt tử hình.

Theo Điều 35 BLHS:

“Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoăc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển sang tù chung thân.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”

Theo đó, cần kiểm tra xem người bị kết án tử hình có rơi vào một trong các trường hợp thuộc Điều 35   BLHS hay không. Nếu phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 BLHS, thì Hội đồng thi hành án phải hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Bước 4: Kiểm tra căn cước.

Để đề phòng trường hợp thi hành án nhầm đối tượng, trước khi thi hành hình phạt tử hình thì cần kiểm tra căn cước của người bị kết án. Cụ thể sẽ lấy dấu vân tay và so sánh với tàng thư căn cước của đối tượng. Nếu phù hợp thì mới được thi hành hình phạt tử hình.

Bước 5: Đọc các quyết định không kháng nghị, quyết định bác đơn xin ân giảm và thi hành án tử hình.

Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình.

Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố quyết định, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc.

Theo khoản 2 Điều 259 BLTTHS : “Trước khi thi hành án, phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”

Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết Tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn