Hệ thống pháp luật

Trường hợp phải thành lập công đoàn? Mức xử phạt nếu không thành lập?

Ngày gửi: 22/09/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38364

Câu hỏi:

Chào anh chị, Công ty em có trụ sở ở ngõ 72 Phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Công ty em muốn thành lập công đoàn cơ sở. Luật sư có thể tư vấn cho em quy trình thủ tục thành lập công đoàn cơ sở và quy chế hoạt động của công đoàn cơ sở được không? Bên em phải xin phép đơn vị nào không? Em cám ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 6 Luật công đoàn 2012 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn:

“1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Khoản 1 Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 quy định về điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở như sau:

“1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

b. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam”.

Theo quy định tại Luật Công Đoàn 2012, Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013, Hướng dẫn Điều lệ công đoàn Việt Nam số 238/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ngày 04/03/2014 thủ tục thành lập công đoàn cơ sở như sau:

Trước tiên để thành lập công đoàn cơ sở cho công ty bạn thì phải đáp ứng các Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định :

Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Có tư cách pháp nhân.

Trình tự thành lập Công đoàn cơ sở:

 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở

Người lao động có quyền yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động tự tập hợp, bầu trưởng ban vận động để tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động, nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2. Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:

 Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

  Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:

– Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

– Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

– Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

– Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

– Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

  Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá một phần hai (1/2) so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận:

 Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.

 – Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.

 – Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

 * Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:

 Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:

  Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

  Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;

  Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;

  Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

Theo như đã trình bày ở trên thì việc thành lập công đoàn cơ sở ở công ty bạn theo trình tự như trên. Với câu hỏi của bạn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để gửi hồ sơ ở trường hợp của bạn sẽ là Liên đoàn lao động quận Nam Từ Liêm.

Điều 20 Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước quy định như sau:

“Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

1. Tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp.

2. Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của Công đoàn cơ sở, tổ chức và Lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất kinh doanh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:024.6294.9155

4. Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và Công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.

5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

6. Quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn