Hệ thống pháp luật

Trường hợp thu hồi giấy phép lao động, trục xuất người lao động nước ngoài

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL36114

Câu hỏi:

Trường hợp thu hồi giấy phép lao động, trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam:

– Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam. Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục để đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định. Nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật.

– Hàng năm, người sử dụng lao động trừ nhà thầu có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Đối với trường hợp cần sử dụng người lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài huy động để thực hiện gói thầu; nghiêm cấm sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động không qua đào tạo nghiệp vụ.

Sở lao động thương binh và xã hội có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý.

– Đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài phải có trách nhiệm Báo cáo tình hình người sử dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Về điều kiện lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động 2012, lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau:

" Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;

Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, trừ các trường hợp công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 172 Bộ luật lao động 2012."

– Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:

" Người lao động nước ngoài quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 172 của Bộ luật lao động 2012.

11 trường hợp khác không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.

 Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

 Tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam…"

* Thu hồi giấy phép lao động: Căn cứ Bộ luật lao động 2012 và Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam các trường hợp thu hồi giấy phép lao động gồm:

– Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Điều 174 của Bộ luật Lao động.

– Giấy phép lao động bị thu hồi do người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.

– Trình tự thu hồi giấy phép lao động

Đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó;

Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết thủ tục thu hồi giấy phép lao động.

– Các trường hợp người lao động nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam theo Điều 18 Nghị định 11/2016/NĐ-CP 

" Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động) bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động."

Trường hợp tổ chức và cá nhân phát hiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì thông báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người đó làm việc.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất người lao động nước ngoài đó.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn