Truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng dâm trẻ em
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Cưỡng dâm bất thành với trẻ em dưới 16 tuổi, gia đình nạn nhân làm đơn tố cáo, người phạm tội đã bị bắt giam ngày 28/4/2017. Sau sự việc trên 2 bên gia đình đã trao đổi và xin giải quyết nội bộ ngày 14/7/2017, nạn nhân và gia đình đã tự nguyện làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Xin cho biết:
– Người phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
– Thời gian xét xử hoặc hủy kết quả là bao lâu?
– Hiệu lực quyết định tạm giam lần 1 đã hết, hiện tại người phạm tội vẫn đang tạm giam mà cơ quan công an không ra quyết định tiếp, vậy đúng hay sai?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật hình sự 1999
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003
2. Nội dung tư vấn
Điều 114 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội cưỡng dâm trẻ em như sau:
“Điều 114. Tội cưỡng dâm trẻ em
1. Người nào cưỡng dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Đối với nhiều người;
d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;.
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Cấu thành tội cưỡng dâm trẻ em như sau:
– Chủ thể: Là nam giới, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Khách thể: xâm phạm danh dự, nhân phẩm cũng như sự phát triển bình thường về tâm sinh lý, và thể chất của người chưa thành niên là trẻ em.
– Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội này là hành vi giao cấu có sự miễn cưỡng đồng ý của trẻ em nữ từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Người phạm tội có hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc, hoặc người trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Nạn nhân trong trường hợp này là người bị lệ thuộc, hoặc người trong tình trạng quẫn bách tức là ở trong tình trạng khó khăn đặc biệt mà tự mình khó có thể khắc phục được, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ như đang trong hoàn cảnh khó khăn thiếu tiền để chữa bệnh, đóng học… họ đang trong tình trạng quẫn bách, thiếu sáng suốt để lựa chọn một xử sự cho phù hợp.
Quan hệ lệ thuộc ở đây có thể hiểu là: Trong quan hệ về vật chất như: Các điều kiện về nuôi dưỡng, giúp đỡ, các điều kiện vật chất, chăm sóc trong cuộc sống; trong quan hệ về xã hội như: Giữa giáo viên và học sinh, giữa bác sĩ và bệnh nhân…; trong các quan hệ tín ngưỡng, quan hệ gia đình khác… Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người lệ thuộc nói trên miễn cưỡng để cho người phạm tội giao cấu.
– Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Nếu hành vi của người này thỏa mãn cấu thành tội phạm như trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng dâm trẻ em.
Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:
“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
…”
Theo quy định trên, tội cưỡng dâm trẻ em không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại, do đó mặc dù gia đình nạn nhân và người gây thiệt hại thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại, gia đình nạn nhân viết đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người gây thiệt hại vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đơn xin miễn trách nhiệm hình sự của gia đình người bị hại và sự khắc phục hậu quả là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Thời hạn tạm giam được quy định tại Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:
“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
…"
Theo quy định trên, khi hết thời hạn tạm giam lần thứ nhất, trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Như vậy, nếu đã hết thời hạn tạm giam để điều tra lần thứ nhất, xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam để điều tra xác minh thêm thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Việt kiểm sát gia hạn tạm giam.
Do đó, nếu đã hết thời hạn tạm giam mà cơ quan điều tra không có văn bản gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra là không đúng quy định pháp luật, gia đình có thể liên hệ với cơ quan điều tra để hỏi rõ trường hợp này.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691