Tư vấn nhãn hàng trên bao bì ?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Thưa Luật Sư, mình có thông tin này cần tư vấn ạ: Bên Công Ty A mua sản phẩm được sản xuất bởi công ty B sau đó công ty A đóng gói và lấy thương hiệu của công ty B. Luật sư cho mình hỏi trên bao bì sản phẩm có nhất thiết phải ghi tên nhà sản xuất là công ty B hay không? Nếu Công ty A không ghi sản phẩm được sản xuất bởi công Ty B thì công ty A có bị xử phạt không? Ghi chú: được Công ty B chấp thuận không cần đưa tên sản công ty B lên bao bì. Mong Luật sư Tư Vấn giúp!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Nội dung phân tích:
Nghị Định số 89/2006/NĐ-CP Về nhãn hàng hoá
Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn
Nội dung tư vấn:
Về việc quy định hàng hóa phải ghi nhãn:
Điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/08/2006 quy định về nhãn hàng hóa quy định như sau:
"Điều 5. Hàng hoá phải ghi nhãn
1. Hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này, trừ những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Hàng hoá không bắt buộc phải ghi nhãn:
a) Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
b) Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
4. Hàng hoá thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hoá là chất phóng xạ, hàng hoá sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường không; hàng hoá do các cơ quan nhà nước tịch thu đem bán đấu giá, thanh lý có quy định riêng.
Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định ghi nhãn hàng hoá trong các trường hợp quy định tại khoản này."
Tùy thuộc vào loại hàng hóa mà bạn đang sử dụng để xác định việc có phải ghi nhãn hay không lên bao bì sản phẩm. Nếu hàng hóa của bạn thuộc đối tượng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/08/2006 thì việc ghi nhãn tuân theo các quy định theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y Tế - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ công thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn. Cụ thể như sau:
"Điều 5. Nội dung của nhãn sản phẩm
1. Nội dung bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm; thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; xuất xứ; số Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm.
Điều 12. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm
Ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm đối với từng trường hợp như sau:
1. Đối với sản phẩm nhập khẩu: ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm.
2. Đối với sản phẩm sản xuất trong nước:
a) Trường hợp sản phẩm được sản xuất ngay tại nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh;
b) Trường hợp sản phẩm được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh nhưng mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất thì trên nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó hoặc ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm nhưng phải bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc;
c) Sản phẩm do hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng sản xuất thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa vào lưu thông;
d) Trường hợp trên nhãn sản phẩm ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác nhằm quảng bá cho sản phẩm của mình thì phải ghi mối liên quan giữa tổ chức, cá nhân ghi thêm với sản phẩm đó."
Việc ghi tên, địa chỉ của Công ty B trên sản phẩm là bắt buộc đối với các trường hợp bắt buộc đối với hàng hóa phải ghi nhãn. Nếu bạn muốn ghi thêm tên, địa chỉ của Công ty A thì phải ghi mối liên quan giữa Công ty B và Công ty A với sản phẩm đó.
Trong trường hợp bạn không ghi tên, địa chỉ của Công ty B trên sản phẩm, bạn sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể quy định tại Điều 25 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/08/2006 quy định về nhãn hàng hóa như sau:
"Điều 25. Xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, đại lý, xuất khẩu, nhập khẩu
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật."
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam