TUYÊN BỐ HỘI AN
VỀ THÚC ĐẨY HỢP TÁC DU LỊCH APEC
Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
17/10/2006
1. Chúng tôi, các Bộ trưởng Du lịch APEC gồm: Australia; Brunei Darussalam; Canada; Chile, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông; Cộng hòa Indonesia; Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia; Mêhicô; Niu Dilân; Papua Niu Ghi-nê; Pêru; Philipin; Liên bang Nga; Singapore; Đài Loan; Thái Lan; Hoa Kỳ và Việt Nam đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4, tổ chức tại Hội An, Quảng Nam, Việt Nam từ ngày 15 – 17/10/2006 trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2006, dưới sự chủ trì của Bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác du lịch APEC vì Thịnh vượng chung”.
2. Tham dự Hội nghị còn có Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là quan sát viên.
Hội nghị vinh dự được đón Ngài Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ Khai mạc Hội nghị.
4. Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện, hữu nghị, trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Hội nghị đã thảo luận những vấn đề ưu tiên hợp tác thiết thực đang đặt ra nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác du lịch APEC; và,
CÁC BỘ TRƯỞNG:
5. Hoan nghênh quyết định của các nhà lãnh đạo APEC coi du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác khu vực. Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong tôn trọng và bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tăng cường giao lưu văn hóa và thu hẹp khoảng cách qua việc xây dựng tình hữu nghị giữa các nền kinh tế thành viên APEC và đối tác, phấn đấu vì hòa bình và hài hòa trên thế giới.
6. Công nhận Hiến chương Du lịch APEC thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ nhất tại Seoul, Hàn Quốc năm 2000 là nền tảng vững chắc và định hướng quan trọng cho hợp tác du lịch khu vực. Trong thời gian qua, việc triển khai các dự án trong khuôn khổ 4 mục tiêu chính sách đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên du lịch ở các nền kinh tế thành viên.
7. Ghi nhận rằng, trong tình hình hiện nay, chủ đề được lựa chọn tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4, “Thúc đẩy hợp tác du lịch APEC vì Thịnh vượng chung”, là rất phù hợp và thiết thực, góp phần tăng cường hợp tác song phương và đa phương giữa các nền kinh tế thành viên APEC trên các lĩnh vực như: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tiêu chuẩn hóa dịch vụ và kỹ năng nghề du lịch, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, với mục đích sớm thực hiện các mục tiêu chính sách tại Hiến chương Du lịch APEC nói riêng và mục tiêu Bogor nói chung, phấn đấu vì một cộng đồng ổn định, an ninh và thịnh vượng.
8. Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả làm việc của Nhóm Công tác Du lịch APEC thời gian qua trong triển khai thực hiện 4 mục tiêu chính sách của Hiến chương Du lịch APEC. Những nỗ lực đó được thể hiện một cách sinh động và rõ nét qua kết quả thực hiện các dự án đã được triển khai, như: Nghiên cứu những trở ngại đối với du lịch – Giai đoạn 3; Nghiên cứu những mô hình tiêu biểu về quản lý bền vững ngành du lịch trong khuôn khổ hợp tác APEC; Nghiên cứu những mô hình tiêu biểu về tăng cường an ninh, an toàn, chống khủng bố, phục vụ phát triển bền vững ngành du lịch; Áp dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nền kinh tế thành viên APEC; tài khoản vệ tinh du lịch; tiêu chuẩn nghề du lịch APEC.
9. Ghi nhận những tiến triển khả quan của “Đánh giá Độc lập” do Nhóm Công tác Du lịch triển khai, trong đó tập trung xem xét tính tương thích và sự phù hợp của những mục tiêu và hoạt động của Nhóm Công tác; xác định cơ chế nhằm tập trung vào các ưu tiên chiến lược và định hướng trong tương lai của Nhóm Công tác. Ghi nhận ý kiến phản hồi của Nhóm Công tác đối với kết quả của “Bản Đánh giá Độc lập” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhóm.
10. Ghi nhận việc Nhóm Công tác Du lịch APEC khẳng định vai trò là một diễn đàn độc lập trong khuôn khổ hợp tác APEC với mục tiêu trọng tâm nhằm thúc đẩy và đưa du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
11. Đánh giá cao những sáng kiến nhằm triển khai ưu tiên hợp tác du lịch APEC, gồm:
- Khuyến khích tổ chức Hội chợ Du lịch APEC trên nguyên tắc tự nguyện, bên lề các sự kiện quan trọng của APEC nhằm xây dựng một thương hiệu du lịch riêng, mang tính đặc thù của APEC, nhằm khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên du lịch quý báu và đa dạng của khu vực, góp phần tăng cường du lịch nội khối và thu hút nguồn khách ngoài khu vực, nâng cao thị phần du lịch APEC trên thế giới.
- Khuyến khích tổ chức trên nguyên tắc tự nguyện Diễn đàn Du lịch – Đầu tư APEC bên lề Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC, góp phần mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và cộng đồng.
- Khuyến khích áp dụng các biện pháp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch, nghiên cứu khả năng kết nối tour và mở đường bay trực tiếp giữa các di sản văn hóa ở các nền kinh tế thành viên APEC nhằm thúc đẩy lượng khách đi du lịch nhiều hơn nữa trong và ngoài khu vực APEC.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu thanh niên và giao lưu giữa các thành phố kết nghĩa, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gìn giữ các giá trị văn hóa, phong tục và truyền thống của các nền kinh tế thành viên, tạo nền tảng và tiền đề thúc đẩy du lịch phát triển.
12. Khẳng định ý nghĩa và tính hiệu quả của việc áp dụng Tài khoản Vệ tinh Du lịch (TSA) trong đánh giá vai trò của du lịch đối với tăng trưởng kinh tế quốc dân. Khuyến khích các nền kinh tế thành viên sớm áp dụng TSA, góp phần hài hòa những tiêu chuẩn đánh giá chung trong du lịch APEC, nhằm tạo ra một bức tranh tổng thể, rõ nét hơn về vai trò quan trọng của du lịch đối với sự thịnh vượng chung của APEC. Đồng thời, nhằm sớm đạt được mục tiêu trên, khuyến khích các nền kinh tế thành viên tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin về quản lý, phát triển du lịch.
13. Khuyến khích Nhóm Công tác Du lịch xác định những trở ngại đối với lữ hành và du lịch, xây dựng các chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực.
14. Khuyến khích tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, bảo vệ tài nguyên du lịch, nhằm đóng góp hơn nữa vào phát triển du lịch bền vững ở mỗi nền kinh tế thành viên cũng như toàn khu vực APEC.
15. Khuyến khích các cơ quan quản lý du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC tăng cường chia sẻ thông tin lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan thông tin đại chúng khu vực và quốc tế, đặc biệt là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và khách quan về những sự cố ảnh hưởng đến du lịch như thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, v.v. có thể xảy ra tại các nền kinh tế thành viên để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, kịp thời nhằm tránh và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tâm lý lo ngại của du khách, giữ vững hình ảnh và thương hiệu du lịch APEC.
16. Kêu gọi tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Nhóm Công tác Du lịch APEC với các Nhóm Công tác khác như Nhóm Công tác về Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại, Nhóm Công tác về Phát triển nguồn nhân lực, Nhóm Công tác về Giao thông, Nhóm Công tác về Hải quan, Nhóm Đặc trách Y tế, Nhóm đặc trách chống khủng bố và các nhóm công tác có liên quan khác, đặc biệt là Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ APEC, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác chung và góp phần tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững trong khu vực.
17. Đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm Quốc tế APEC về Phát triển Du lịch Bền vững (AICST), một trung tâm được thành lập sau Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 2 tại Mêhicô, trong đó có những nghiên cứu về xử lý các tình huống rủi ro trong du lịch, khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý tiêu biểu về du lịch bền vững, hình thành cơ chế đối tác với các tổ chức du lịch khu vực và thế giới nhằm đạt đến các mục tiêu chung và nhất quán, phù hợp với Hiến chương Du lịch APEC.
18. Ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là các tổ chức chuyên ngành du lịch, đồng thời kêu gọi các tổ chức này tăng cường hỗ trợ kỹ thuật vì sự nghiệp phát triển du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC. Chúng ta vui mừng và nồng nhiệt hoan nghênh sự tham gia và đóng góp tích cực của đại diện các tổ chức du lịch khu vực và quốc tế tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4, gồm:
- Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO)
- Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC).
- Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA)
- Trung tâm Quốc tế APEC về Du lịch bền vững (AICST)
19. Chúng ta chân thành cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực to lớn, sự đón tiếp nồng hậu và lòng mến khách của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Nhân dân thị xã Hội An, cũng như những đóng góp tích cực và nỗ lực của Nhóm Công tác Du lịch APEC, Ban Thư ký APEC, góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị.
- 1 Bản ghi nhớ về việc hợp tác du lịch giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa A rập Ai cập
- 2 Tuyên bố về APEC, SEOUL do Chính phủ các nước ban hành
- 3 Bản ghi nhớ số 76/2004/LPQT về hợp tác du lịch giữa Tổng cục Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Du lịch - Bộ Kinh tế và Giao thông nước Cộng hòa Hung-ga-ri