TUYÊN NGÔN VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CÔNG LÝ CƠ BẢN CHO CÁC NẠN NHÂN CỦA TỘI PHẠM VÀ LẠM DỤNG QUYỀN LỰC, 1985
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết 40/34 ngày 29/11/1985).
I. CÁC NẠN NHÂN CỦA TỘI PHẠM
1. "Nạn nhân" có nghĩa là những người, là cá nhân hay tập thể, đã phải chịu tổn thất, bao gồm cả về thể chất hoặc tinh thần, chịu đựng sự tổn thương về tình cảm, thiệt hại về kinh tế hoặc tổn hại đến các quyền pháp lý cơ bản, là kết quả của những hành vi hoặc sự khinh xuất vi phạm luật hình sự đang áp dụng tại Quốc gia thành viên, những luật này cấm lạm dụng quyền lực.
2. Một người có thể được coi là một nạn nhân theo tuyên ngôn này, bất kể thủ phạm đã được nhận dạng, bị bắt, bị truy tố, bị kết án hay chưa và không kể mối quan hệ gia đình giữa thủ phạm và nạn nhân. Thuật ngữ "nạn nhân" cũng bao gồm, nếu thích hợp, gia đình trực hệ hoặc những người phụ thuộc trực tiếp của nạn nhân và những người mà do can thiệp để trợ giúp nạn nhân khi gặp khó khăn hoặc đã để ngăn chặn sự vi phạm xảy ra xa hơn đã phải chịu đựng sự tổn hại.
3. Các quy định dưới đây sẽ được áp dụng với tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính độ tuổi, ngôn ngữ, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, niềm tin hoặc thực hành văn hóa, tài sản, nơi sinh hoặc địa vị gia đình, dân tộc hay nguồn gốc xã hội và tình trạng khuyết tật
Tiếp cận công lý và đối xử công bằng
4. Các nạn nhân nên được đối xử với tình thương và tôn trọng nhân phẩm của họ. Họ được quyền tiếp cận với các cơ chế của công lý và được đền bù nhanh chóng theo quy định của pháp luật quốc gia vì sự thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng.
5 . Các cơ chế tư pháp và hành chính nên được thiết lập và tăng cường bất cứ khi nào cần thiết để tạo điều kiện cho các nạn nhân đạt được sự đền bù thông qua các thủ tục chính thức và không chính thức nhanh chóng, công bằng, ít tốn kém và dễ tiếp cận. Các nạn nhân nên được thông báo về các quyền của họ được tìm kiếm cơ hội đền bù thông qua các cơ chế như vậy.
6. Sự thuận lợi của quá trình tư pháp và hành chính đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân nên được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách:
a. Thông báo cho các nạn nhân về vai trò và phạm vi, thời gian và tiến triển của các thủ tục và về cách xử lý vụ việc của họ, đặc biệt trong trường hợp tội phạm nghiêm trọng và nếu nạn nhân yêu cầu cung cấp thông tin như vậy;
b. Cho phép trình bày và cân nhắc quan điểm và mối quan tâm của các nạn nhân, ở những giai đoạn thích hợp của quá trình tố tụng khi các lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng, mà không gây tổn hại đến người bị buộc tội và phù hợp với hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia;
c. Cung cấp trợ giúp đầy đủ cho các nạn nhân suốt quá trình pháp lý;
d. Thực hiện những biện pháp để giảm thiểu khó khăn cho các nạn nhân, bảo vệ sự riêng tư bất cứ khi nào cần thiết và bảo đảm sự an toàn của họ cũng như của gia đình và nhân chứng đại diện cho họ, không bị đe dọa và trả thù;
e. Tránh sự trì hoãn không cần thiết trong giải quyết vụ việc và thi hành các mệnh lệnh hay quyết định trao cho các nạn nhân.
7. Các cơ chế không chính thức giải quyết các tranh chấp, bao gồm trung gian, trọng tài và các thực tiễn tư pháp bản địa và mang tính tập quán nên được sử dụng bất kỳ khi nào thích hợp để bảo đảm sự hòa giải và đền bù cho các nạn nhân.
Phục hồi
8. Người phạm tội hay bên thứ ba có trách nhiệm về các hành vi của mình, bất kỳ khi nào thích hợp, nên phục hồi công bằng cho các nạn nhân, gia đình của nạn nhân hay những người phụ thuộc. Sự phục hồi như vậy nên bao gồm trả lại tài sản hay thanh toán về những thiệt hại hoặc mất mát, hoàn trả lại những chi phí phát sinh là kết quả của hành vi phạm tội, cung cấp dịch vụ và khôi phục các quyền.
9. Chính phủ nên xem xét lại các thực tiễn, các quy định và pháp luật để xem xét việc phục hồi như là một sự lựa chọn sẵn có trong các vụ án hình sự, bên cạnh các hình phạt tương ứng khác.
10. Trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, sự phục hồi, nếu được yêu cầu, nên bao gồm, trong phạm vi cao nhất có thể, việc khôi phục lại môi trường, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, thay thế các cơ sở hạ tầng cộng đồng và hoàn trả các chi phí phát sinh trong khi đặt lại địa điểm, bất cứ khi nào những thiệt hại như vậy xảy ra do kết quả của việc di chuyển vị trí của cộng đồng.
11. Bất cứ khi nào, các quan chức nhà nước hoặc những người đại diện thực hiện chức năng chính thức hoặc bán chính thức mà vi phạm luật hình sự của quốc gia, các nạn nhân nên được phục hồi bởi Quốc gia có các quan chức hoặc cơ quan đại diện chịu trách nhiệm về những thiệt hại. Trong trường hợp chính phủ có hành vi và sự khinh suất gây thiệt hại cho nạn nhân không còn tồn tại nữa, thì Quốc gia hoặc chính phủ kế thừa phải cung cấp sự khôi phục cho các nạn nhân.
Bồi thường
12. Bất cứ khi nào người phạm tội hay các nguồn khác không cung cấp sự bồi thường, Quốc gia phải cố gắng cung cấp các bồi thường về tài chính cho :
a. Các nạn nhân, những người đã phải chịu đựng những tổn thương về cơ thể hay thiệt hại về thể chất, sức khỏe tinh thần do tội phạm gây ra.
b. Gia đình, đặc biệt là những người phụ thuộc của người đã chết hoặc không còn có khả năng về thể chất hoặc tinh thần do tội phạm gây ra.
13. Thiết lập, tăng cường và mở rộng các quỹ quốc gia về bồi thường cho các nạn nhân nên được khuyến khích. Bất kỳ khi nào thích hợp, các quỹ khác cũng có thể được thiết lập vì mục đích này, bao gồm trong cả những trường hợp khi Quốc gia có nạn nhân là công dân không còn trách nhiệm đền bù cho nạn nhân của hành vi gây hại.
Trợ giúp
14. Các nạn nhân nên nhận được sự trợ giúp cần thiết về vật chất, y tế, tâm lý và xã hội thông qua các phương tiện tự nguyện của chính phủ, dựa vào cộng đồng và vào bản địa.
15. Các nạn nhân nên được thông báo về sự sẵn có của các dịch vụ xã hội và sức khỏe, các trợ giúp thích hợp khác và sẵn sàng cho họ được tiếp cận dễ dàng.
16. Cảnh sát, tư pháp, sức khỏe, dịch vụ xã hội và cá nhân liên quan khác nên được đào tạo để thích ứng chúng với các nhu cầu của nạn nhân và hướng dẫn bảo đảm trợ giúp nhanh chóng và đúng đắn.
17. Khi cung cấp các dịch vụ và trợ giúp cho các nạn nhân, chú ý những nhu cầu đặc biệt, vì tính chất của thiệt hại hoặc vì các yếu tố như đã đề cập ở khoản 3 ở trên.
II. CÁC NẠN NHÂN CỦA LẠM DỤNG QUYỀN LỰC
18. "Nạn nhân" có nghĩa là những người, là cá nhân hay tập thể, đã phải chịu tổn thất, bao gồm cả về thể chất hoặc tinh thần, chịu đựng sự tổn thương về tình cảm, thiệt hại về kinh tế hoặc tổn hại đến các quyền cơ bản, là kết quả của những hành vi hoặc sự khinh xuất mà chưa cấu thành hành vi vi phạm luật hình sự của quốc gia, nhưng đã cấu thành vi phạm các quyền được công nhận về mặt quốc tế là các quy phạm liên quan tới nhân quyền.
19. Quốc gia nên xem xét chuyển hóa thành các quy phạm luật quốc gia quy định cấm lạm dụng quyền lực và quy định cung cấp đền bù cho các nạn nhân của những hành vi lạm dụng. Đặc biệt, sự đền bù nên bao gồm phục hồi và / hoặc bồi thường và sự trợ giúp cần thiết về vật chất, y tế, tâm lý và hỗ trợ và ủng hộ của xã hội.
20. Quốc gia nên xem xét đàm phán các điều ước quốc tế đa phương liên quan tới các nạn nhân, như được định nghĩa trong đoạn 8.
21. Quốc gia nên định kỳ rà soát các luật và thực tiễn đang tồn tại để bảo đảm sự thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi, nên ban hành và thực thi, nếu cần thiết, quy định pháp luật cấm các hành vi cấu thành sự lạm dụng nghiêm trọng quyền lực chính trị hay kinh tế, cũng như thúc đẩy các chính sách và các cơ chế ngăn ngừa các hành vi như vậy nên phát triển và thông qua các quyền thích hợp và các đền bù cho các nạn nhân của các hành vi như vậy.