Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TUYÊN NGÔN

VỀ QUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA, 2007

(Thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết số 61/295 ngày 13/9/2007).

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,

Được chỉ dẫn bởi các mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự tin cậy rằng các nhà nước làm tròn nghĩa vụ của nhà nước theo Hiến chương,

Khẳng định rằng các dân dộc bản địa bình đẳng với tất cả các dân tộc khác, đồng thời công nhận quyền của tất cả các dân tộc được khác biệt, được xem dân tộc mình là khác biệt, và được tôn trọng với sự khác biệt đó,

Khẳng định rằng tất cả các dân tộc đóng góp vào sự đa dạng và giàu có của những nền văn minh và văn hóa, tạo nên di sản chung của loài người,

Khẳng định hơn nữa rằng mọi định chế, chính sách và các hoạt động dựa trên hay cổ vũ cho sự phân biệt giữa các dân tộc hoặc cá nhân trên cơ sở những khác biệt về nguồn gốc quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa là phân biệt chủng tộc, sai lầm về khoa học, không được chấp nhận về pháp lý, sai trái về đạo đức và bất công về xã hội,

Khẳng định lại rằng các dân tộc bản địa, khi thực hành các quyền của họ, phải được tự do khỏi sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào,

Quan ngại rằng các dân tộc bản địa đã chịu sự bất công mang tính lịch sử, trong đó đặc biệt là quá trình thuộc địa hóa và chiếm hữu đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ, vì thế ngăn cản họ thực thi quyền phát triển theo nhu cầu và mối quan tâm của chính họ,

Công nhận nhu cầu cấp bách phải tôn trọng và phát huy các quyền mang tính kế thừa của các dân tộc bản địa xuất phát từ những thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội của họ, và từ những truyền thống văn hóa, tinh thần, lịch sử và triết lý của họ, đặc biệt là từ các quyền của họ đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên,

Đồng thời công nhận nhu cầu cấp bách phải tôn trọng và phát huy các quyền của các dân tộc bản địa đã được khẳng định trong các hiệp định, thỏa thuận và những hình thức đồng thuận tích cực khác với các nhà nước,

Đón nhận thực tế là các dân tộc bản địa tự tổ chức các hình thức kiện toàn về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và nhằm kết thúc mọi hình thức phân biệt hay áp chế ở bất cứ nơi nào họ gặp phải,

Tin tưởng rằng sự kiểm soát của các dân tộc bản địa với sự phát triển có ảnh hưởng tới họ và đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ sẽ giúp các dân tộc bản địa duy trì và củng cố những thiết chế, văn hóa và truyền thống của họ, và phát huy sự phát triển của họ theo nguyện vọng và nhu cầu của họ,

Công nhận rằng tôn trọng kiến thức bản địa, văn hóa và truyền thống sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và bình đẳng cũng như quản lý môi trường hợp lý,

Nhấn mạnh sự đóng góp của việc phi quân sự hóa đất đai và lãnh thổ của các dân tộc bản địa vào hòa bình, tiến bộ và phát triển kinh tế và xã hội, hiểu biết lẫn nhau và quan hệ thân thiện giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới,

Đặc biệt công nhận quyền của các gia đình và cộng đồng bản địa trong việc duy trì sự chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi nấng, giáo dục, đào tạo và sự yên ấm của trẻ em bản địa, theo các quyền của trẻ em,

Cân nhắc rằng các quyền được khẳng định trong các hiệp định, thỏa thuận và những sắp đặt mang tính tích cực giữa các nhà nước và các dân tộc bản địa, trong nhiều trường hợp, là vấn đề quan tâm, trách nhiệm và đặc thù của quốc tế,

Cũng cân nhắc rằng các hiệp định, thỏa thuận hoặc những sắp đặt mang tính tích cực khác, và mối quan hệ mà các văn bản này đại diện, là cơ sở cho mối quan hệ đối tác được tăng cường giữa các dân tộc bản địa và các nhà nước,

Công nhận rằng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên khẳng định tầm quan trọng căn bản của quyền tự quyết của tất cả các dân tộc, theo đó mỗi dân tộc có quyền tự quyết về vị thế chính trị và quyền tự do mưu cầu sự phát triển về kinh tế, chính trị và văn hóa,

Ghi nhớ rằng không một điều nào trong Tuyên ngôn này được sử dụng để từ chối quyền tự quyết của bất cứ dân tộc nào, tuân thủ theo công pháp quốc tế,

Tin tưởng rằng việc công nhận các quyền của các dân tộc bản địa trong Tuyên ngôn này sẽ củng cố mối quan hệ hài hòa và hợp tác giữa nhà nước và các dân tộc bản địa, dựa trên các nguyên tắc công bằng, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, không phân biệt và tin cậy,

Khuyến khích các nhà nước tuân thủ và thực thi có hiệu quả những nghĩa vụ của mình với các dân tộc bản địa theo các công cụ quốc tế, đặc biệt là những công cụ về nhân quyền, trong mối quan hệ hợp tác và tham vấn với những dân tộc có liên quan,

Nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc có vai trò quan trọng và liên tục trong việc phát huy và bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa,

Tin tưởng rằng Tuyên bố này là một bước tiến quan trọng hướng tới sự công nhận, phát huy và bảo vệ các quyền và sự tự do của các dân tộc bản địa cũng như quá trình phát triển các hoạt động liên quan của hệ thống Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này.,

Công nhận và tái khẳng định rằng các cá nhân thuộc các dân tộc bản địa được thụ hưởng không phân biệt với tất cả các quyền đã được công pháp quốc tế công nhận, và rằng các dân tộc bản địa có quyền tập thể không thể tách rời với sự tồn tại, yên ấm và phát triển về mọi mặt của họ với tư cách là một dân tộc,

Công nhận rằng tình hình của các dân tộc bản địa là khác nhau tùy theo khu vực và quốc gia, cũng như công nhận rằng cần phải cân nhắc những đặc điểm khác biệt giữa các quốc gia, khu vực và nhiều yếu tố cơ sở lịch sử và văn hóa,

Trân trọng tuyên bố Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc về Quyền của các dân tộc bản địa là một tiêu chí cần đạt đến trên tinh thần đối tác và tôn trọng lẫn nhau:

Điều 1.

Các dân tộc bản địa có quyền được hưởng tối đa, với tư cách tập thể hay cá nhân, mọi quyền và tự do đã được công nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và luật quốc tế về nhân quyền.

Điều 2.

Các dân tộc và cá nhân người bản địa có quyền tự do và bình đẳng với tất cả các dân tộc và cá nhân khác, và có quyền tự do khỏi bất kỳ sự phân biệt nào, trong việc thực thi các quyền của họ, đặc biệt là các quyền căn cứ vào nguồn gốc hoặc đặc điểm bản địa.

Điều 3.

Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Trên tinh thần đó họ có quyền tự do quyết định tình trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Điều 4.

Các dân tộc bản địa, trong khi thực hiện quyền tự quyết, có quyền tự trị hoặc tự điều hành nhà nước trong những vấn đề quan hệ nội bộ và địa phương, cũng như các phương thức và hình thức tài trợ cho các hoạt động tự trị của mình.

Điều 5.

Các dân tộc bản địa có quyền duy trì và củng cố các thiết chế đặc biệt của họ về chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời bảo lưu quyền tham gia đầy đủ, nếu họ muốn, vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia.

Điều 6.

Mọi cá nhân bản địa có quyền đối với một quốc tịch.

Điều 7.

1. Các cá nhân bản địa có các quyền với tính mạng, đảm bảo thân thể và tinh thần, tự do và an toàn của một con người.

2. Các dân tộc bản địa có quyền tập thể sống trong tự do, hòa bình và an ninh với tư cách là các dân tộc đặc biệt và không phải là đối tượng của bất kỳ hành vi diệt chủng hay bạo lực nào, trong đó có việc cưỡng ép đưa trẻ em của một nhóm sang nhóm khác.

Điều 8.

1. Các dân tộc và cá nhân bản địa có quyền không là đối tượng đồng hóa văn hóa một cách cưỡng ép hoặc phá hoại văn hóa của họ.

2. Nhà nước cần tạo những cơ chế hiệu quả để ngăn chặn, và đền bù cho:

a. Bấy kỳ hành vi nào có mục đích hoặc gây hậu quả nguy hại tới người bản địa với tư cách là một dân tộc đặc biệt, hoặc đến các giá trị văn hóa hay bản sắc dân tộc của họ;

b. Bất kỳ hành vi nào có mục đích hoặc gây hậu quả tách rời người bản địa khỏi đất đai, lãnh thổ hoặc tài nguyên của họ;

c. Bất kỳ hình thức thay đổi dân số cưỡng ép nào nhằm mục đích hoặc gây hậu quả vi phạm hoặc coi nhẹ bất kỳ quyền nào của họ;

d. Bất kỳ hình thức đồng hóa hay hội nhập cưỡng ép nào;

e. Bất kỳ hình thức tuyên truyền vận động nào được xây dựng nhằm cổ vũ hay hàm ý phân biệt sắc tộc chống lại họ.

Điều 9.

Các dân tộc và cá nhân bản địa có quyền thuộc về một cộng đồng bản địa hay quốc gia, theo các truyền thống và phong tục của cộng đồng hay quốc gia đó. Không được phép có bất kỳ sự phân biệt nào phát sinh từ việc thực thi quyền này.

Điều 10.

Các dân tộc bản địa không bị cưỡng ép di rời khỏi đất đai và lãnh thổ của họ. Không một hình thức tái định cư nào được phép diễn ra mà không có sự chấp thuận trước một cách tự do và thỏa đáng của những dân tộc bản địa có liên quan và sau khi có thỏa thuận đền bù hợp lý, công bằng và, ở nơi nào có thể, có thỏa thuận về việc quay trở lại.

Điều 11.

1. Các dân tộc bản địa có quyền thực hành và tái tạo những truyền thống và phong tục văn hóa của họ. Điều này bao gồm quyền duy trì, bảo vệ và phát triển những nền tảng văn hóa quá khứ, hiện tại và tương lai của họ như các khu khảo cổ và lịch sử, những tạo tác, các thiết kế, lễ hội, công nghệ, nghệ thuật thị giác và trình diễn và văn học.

2. Nhà nước cần cung cấp các biện pháp phục hồi thông qua các cơ chế hiệu quả, có thể bao gồm việc trả lại, phát triển cùng với các dân tộc bản địa, với sự tôn trọng các tài sản về văn hóa, trí tuệ, tôn giáo và tinh thần của họ đã bị tước đi mà không có sự chấp thuận trước một cách tự do và thỏa đáng hoặc vi phạm luật, truyền thống và phong tục của họ.

Điều 12.

1. Các dân tộc bản địa có quyền quảng bá, thực hành, phát triển và truyền dạy những truyền thống, phong tục và lễ hội tinh thần và tôn giáo của họ, có quyền duy trì, bảo vệ và tiếp cận trong sự riêng tư với những khu vực tôn giáo và văn hóa của họ; có quyền sử dụng và kiểm soát các vật thể cho lễ tục của họ; và quyền phục dựng di sản của họ.

2. Nhà nước cần hướng đến đảm bảo sự tiếp cận và/hoặc phục dựng các vật thể trong lễ hội và di sản mà họ sở hữu thông qua các cơ chế bình đẳng, minh bạch và hiệu quả được xây dựng cùng với các dân tộc bản địa có liên quan.

Điều 13.

1. Các dân tộc bản địa có quyền tái tạo, sử dụng, phát triển và truyền bá tới các thế hệ tương lai lịch sử, ngôn ngữ, những truyền thống truyền khẩu, các triết lý, các hệ thống chữ viết, và định đoạt và lấy tên riêng cho cộng đồng, địa điểm và con người của họ.

2. Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng quyền này được bảo vệ và cũng đảm bảo rằng các dân tộc bản địa có thể hiểu và được hiểu trong các thủ tục về chính trị, pháp lý và hành chính, khi cần thiết thông qua việc cung cấp thông ngôn hay các biện pháp thích hợp khác.

Điều 14.

1. Các dân tộc bản địa có quyền thiết lập và kiểm soát hệ thống giáo dục của họ và các cơ sở giáo dục bằng ngôn ngữ của họ, theo cách thức phù hợp với phương pháp văn hóa dạy và học của họ.

2. Các dân tộc bản địa, đặc biệt là trẻ em, có quyền với tất cả các cấp bậc học và hình thức giáo dục trong hệ thống nhà nước mà không có sự phân biệt nào.

3. Nhà nước cần, cùng với các dân tộc bản địa, tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giúp các cá nhân bản địa, đặc biệt là trẻ em, bao gồm cả những cá nhân sống ngoài cộng đồng của họ, khi có thể, tiếp cận với giáo dục bằng ngôn ngữ của họ và được cung cấp qua ngôn ngữ của họ.

Điều 15.

1. Các dân tộc bản địa có quyền với chân giá trị và sự đa dạng trong văn hóa, truyền thống, lịch sử và những nguyện vọng cần được phản ánh một cách thích đáng trong giáo dục và thông tin công cộng.

2. Nhà nước cần tiến hành những biện pháp hiệu quả, với sự tham vấn và hợp tác cùng các dân tộc bản địa có liên quan, để xóa tan những định kiến và phân biệt và để phát triển tinh thần khoan dung, thấu hiểu và quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc bản địa và những bộ phận khác của xã hội.

Điều 16.

1. Các dân tộc bản địa có quyền thiết lập truyền thông của riêng họ, sử dụng ngôn ngữ của họ và tiếp cận với tất cả các hình thức truyền thông phi bản địa khác mà không có sự phân biệt nào.

2. Nhà nước cần tiến hành những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng truyền thông nhà nước phản ánh đầy đủ sự đa dạng văn hóa bản địa. Nhà nước, không có định kiến trong việc đảm bảo tự do biểu hiện một cách đầy đủ nhất, cần khuyến khích truyền thông tư nhân phản ánh sự đa dạng văn hóa bản địa một cách thích đáng.

Điều 17.

1. Các cá nhân và dân tộc bản địa có quyền được thụ hưởng đầy đủ tất cả các quyền có thể áp dụng được trong luật pháp quốc tế và quốc gia về lao động.

2. Nhà nước cần tham vấn và hợp tác với các dân tộc bản địa để tiến hành những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ trẻ em bản địa khỏi sự khai thác về kinh tế và khỏi bất kỳ công việc nào có hại hoặc cản trở việc học tập của trẻ, hoặc có hại đến sự phát triển của trẻ về thân thể, tâm thần, tinh thần, đạo đức hay xã hội, đặc biệt cân nhắc đến tính dễ bị tổn thương của trẻ em bản địa và tầm quan trọng của giáo dục với sự trao quyền của trẻ.

3. Các cá nhân bản địa có quyền không là đối tượng của bất kỳ điều kiện phân biệt nào về lao động, trong đó có các điều kiện về việc làm hay lương.

Điều 18.

Các dân tộc bản địa có quyền tham gia vào việc ra quyết định trong bất kỳ sự việc nào có ảnh hưởng đến các quyền của họ, thông qua đại diện do chính họ lựa chọn theo những thủ tục của họ, cũng như duy trì và phát triển những thiết chế bản địa của riêng họ về quá trình ra quyết định.

Điều 19.

Nhà nước cần tham vấn và hợp tác trên cơ sở tin cậy lẫn nhau với các dân tộc bản địa có liên quan thông qua các thiết chế đại diện của họ nhằm đạt được sự chấp thuận một cách tự do và thỏa đáng trước khi quyết định và thực hiện bất kỳ một điều khoản pháp lý hay hành chính nào có thể ảnh hưởng đến họ.

Điều 20.

1. Các dân tộc bản địa có quyền duy trì và phát triển các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của họ, được đảm bảo an toàn để thụ hưởng những phương thức tồn tại và phát triển của riêng họ, và tự do tham gia mọi hoạt động truyền thống của họ cùng các hoạt động kinh tế khác.

2. Các dân tộc bản địa bị tước đi phương thức tồn tại và phát triển của họ có quyền được đền bù một cách công bằng và xứng đáng.

Điều 21.

1. Các dân tộc bản địa có quyền, không phân biệt, với sự cải thiện các điều kiện kinh tế và xã hội của họ, bao gồm, và không hạn chế, trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm, đào tạo nghề và đào tạo lại, nhà cửa, vệ sinh, y tế và an sinh xã hội.

2. Nhà nước cần tiến hành các biện pháp hiệu quả và, khi phù hợp, các biện pháp đặc biệt nhằm tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh tế và xã hội của họ. Cần có sự quan tâm đặc biệt đến quyền và nhu cầu đặc biệt của các cá nhân bản địa là người già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em và người khuyết tật.

Điều 22.

1. Cần có sự quan tâm đặc biệt đến quyền và nhu cầu đặc biệt của các cá nhân bản địa là người già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em và người khuyết tật khi thực hiện Tuyên ngôn này.

2. Nhà nước cần thực thi các biện pháp, cùng với các dân tộc bản địa, đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em bản địa được thụ hưởng đầy đủ sự bảo vệ và bảo đảm trước mọi hình thức bạo lực và phân biệt.

Điều 23.

Các dân tộc bản địa có quyền quyết định và xây dựng những ưu tiên và chiến lược thực thi quyền phát triển của họ. Đặc biệt, các dân tộc bản địa có quyền tích cực tham gia vào việc xây dựng và xác định các chương trình y tế, nhà ở và các chương trình kinh tế xã hội khác có ảnh hưởng tới họ, và càng nhiều càng tốt, quản lý những chương trình đó qua các thể chế của họ.

Điều 24.

1. Các dân tộc bản địa có quyền với các phương thuốc truyền thống và duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe của họ, bao gồm việc bảo tồn các cây thuốc, động vật và khoáng sản cần thiết. Các cá nhân bản địa cũng có quyền tiếp cận, không phân biệt, với tất cả các dịch vụ xã hội và y tế.

2. Các cá nhân bản địa có quyền thụ hưởng bình đẳng tới mức cao nhất có thể được về sức khỏe thân thể và tâm thần. Nhà nước cần tiến hành những bước cần thiết trên quan điểm tiến tới đạt được sự thực thi toàn diện quyền này.

Điều 25.

Các dân tộc bản địa có quyền duy trì và tăng cường mối quan hệ tinh thần đặc biệt của họ với đất đai, nguồn nước và bờ biển cũng như các tài nguyên khác mà họ có truyền thống sở hữu hoặc đã sinh sống và sử dụng, và lưu truyền những trách nhiệm này tới các thế hệ tương lai trên tinh thần đó.

Điều 26.

1. Các dân tộc bản địa có quyền với đất đai, lãnh thổ và các tài nguyên mà theo truyền thống họ sở hữu, sinh sống hoặc đã sử dụng hoặc có được nhờ các phương thức khác.

2. Các dân tộc bản địa có quyền sở hữu, sử dụng, phát triển và kiểm soát đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên mà họ có được do sở hữu truyền thống hoặc đã sinh sống hoặc sử dụng theo truyền thống, cũng như có được nhờ các phương thức khác.

3. Nhà nước cần công nhận về mặt pháp lý và bảo vệ những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên này. Sự công nhận này cần được tiến hành với sự tôn trọng đầy đủ về phong tục, truyền thống và hệ thống sở hữu đất đai của các dân tộc bản địa có liên quan.

Điều 27.

Nhà nước cần thiết lập và thực thi, cùng với các dân tộc bản địa, một quá trình công bằng, độc lập, không thiên vị, cởi mở và minh bạch công nhận một cách đầy đủ luật lệ, truyền thống, phong tục và hệ thống sở hữu đất đai của các dân tộc bản địa, để công nhận và phân xử các quyền của các dân tộc bản địa với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ, bao gồm cả đất đai, lãnh thổ và tài nguyên theo sở hữu truyền thống hay đã sinh sống và sử dụng nhờ các phương thức khác. Các dân tộc bản địa có quyền tham gia vào quá trình này.

Điều 28.

1. Các dân tộc bản địa có quyền phục hồi, bằng các phương thức có thể bao gồm việc hoàn trả hoặc, nếu không thể hoàn trả thì đền bù một cách công bằng, thỏa đáng và bình đẳng với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên mà họ đã sở hữu theo truyền thống hoặc đã sinh sống hay sử dụng mà bị tịch thu, lấy đi, chiếm giữ, sử dụng hoặc phá hủy mà không có sự chấp thuận trước một cách tự do và thỏa đáng của họ.

2. Trừ phi đã có thỏa thuận khác một cách tự do với những dân tộc có liên quan, việc đền bù cần tiến hành dưới hình thức đất đai, lãnh thổ và tài nguyên tương đương về chất lượng, kích thước, tư cách pháp nhân hoặc đền bù bằng tiền hoặc các biện pháp phục hồi thích đáng khác.

Điều 29.

1. Các dân tộc bản địa có quyền bảo tồn và bảo vệ môi trường và năng lực sản xuất của đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ. Nhà nước cần thiết lập và thực thi các chương trình hỗ trợ các dân tộc bản địa để bảo tồn và bảo vệ (những yếu tố này) mà không có sự phân biệt nào.

2. Nhà nước cần thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo không xảy ra việc chứa hoặc xả các chất thải nguy hại trên đất đai hoặc lãnh thổ của các dân tộc bản địa mà không có sự chấp thuận trước của họ một cách tự do và thỏa đáng.

3. Nhà nước cần thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo, theo nhu cầu, các chương trình giám sát, duy trì và phục hồi sức khỏe của các dân tộc bản địa được xây dựng và thực hiện bởi những người chịu ảnh hưởng của những chương trình đó, được thực thi một cách thích đáng.

Điều 30.

1. Các hoạt động quân sự không nên diễn ra trên đất đai hay lãnh thổ của các dân tộc bản địa, trừ phi được minh chứng là liên quan đến lợi ích công cộng hoặc được chấp nhận hay yêu cầu từ chính các dân tộc bản địa có liên quan.

2. Nhà nước cần tiến hành tham vấn có hiệu quả với các dân tộc bản địa liên quan, thông qua những quy trình phù hợp và đặc biệt qua các thể chế đại diện của họ, trước khi sử dụng đất đai và lãnh thổ của họ vào các hoạt động quân sự.

Điều 31.

1. Các dân tộc bản địa có quyền duy trì, kiểm soát, bảo vệ và phát triển di sản văn hóa, kiến thức truyền thống và những biểu hiện văn hóa truyền thống của họ cũng như những biểu thị của họ về khoa học, công nghệ và văn hóa, bao gồm những tài nguyên về con người và nguồn gen, hạt giống, thuốc, tri thức về các giá trị của động vật và thực vật, các truyền thống truyền khẩu, văn học, các thiết kế, thể thao và trò chơi truyền thống cũng như nghệ thuật thị giác và trình diễn. Họ có quyền duy trì, kiểm soát, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của họ đối với những di sản văn hóa, tri thức truyền thống và những biểu hiện văn hóa này.

2. Kết hợp với các dân tộc bản địa, nhà nước cần tiến hành những biện pháp hiệu quả để công nhận và bảo vệ việc thực thi những quyền này.

Điều 32.

1. Các dân tộc bản địa có quyền xác định và phát triển những ưu tiên và chiến lược phát triển hoặc sử dụng đất đai hay lãnh thổ và các tài nguyên khác.

2. Nhà nước cần tham vấn và hợp tác trên cơ sở tin cậy với các dân tộc bản địa liên quan thông qua các thể chế đại diện của họ nhằm đạt được sự chấp thuận trước một cách tự do và thỏa đáng của họ trước khi phê duyệt bất kỳ một dự án nào ảnh hưởng đến đất đai hay lãnh thổ và tài nguyên của họ, đặc biệt là trong mối liên hệ với phát triển, sử dụng hay khai thác khoáng sản, nước hay các tài nguyên khác.

3. Nhà nước cần cung cấp các cơ chế hiệu quả để phục hồi một cách công bằng và thỏa đáng với bất kỳ hành vi nào trên đây, và các biện pháp thỏa đáng cần được thực thi để giảm nhẹ tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần.

Điều 33.

1. Các dân tộc bản địa có quyền quyết định bản ngã hay tư cách thành viên tùy theo phong tục và truyền thống của họ. Điều này không ảnh hưởng đến quyền của cá nhân người bản địa trong việc đạt được tư cách công dân của quốc gia họ đang sinh sống.

2. Các dân tộc bản địa có quyền quyết định các cơ cấu và lựa chọn thành viên của các thể chế của họ theo quy trình thủ tục của riêng họ.

Điều 34.

Các dân tộc bản địa có quyền khuyến khích, phát triển và duy trì những cơ cấu mang tính thể chế cũng như những phong tục, tinh thần, truyền thống, thủ tục, hoạt động và, trong trường hợp có tồn tại, hệ thống pháp lý và luật tục của họ, theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Điều 35.

Các dân tộc bản địa có quyền quyết định trách nhiệm của các cá nhân đối với cộng đồng của họ.

Điều 36.

1. Các dân tộc bản địa, đặc biệt là với những dân tộc bị chia cách bởi biên giới quốc tế, có quyền duy trì và phát triển mối quan hệ, liên lạc và hợp tác, bao gồm các hoạt động cho các mục đích tinh thần, văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội, với các thành viên của riêng họ cũng như các dân tộc khác xuyên biên giới.

2. Các nhà nước, trong sự tham vấn và hợp tác với các dân tộc bản địa, cần tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm tạo điều kiện và đảm bảo việc thực hiện quyền này.

Điều 37.

1. Các dân tộc bản địa có quyền đối với việc công nhận, quan sát và thực thi các hiệp định, thỏa thuận và những sắp đặt mang tính tích cực khác đã đạt được với nhà nước hay có tính kế thừa và được nhà nước tôn vinh và tôn trọng những hiệp định, thỏa thuận và những sắp đặt mang tính tích cực khác đó.

2. Không một điểm nào trong Tuyên ngôn này được suy diễn để thu hẹp hoặc loại trừ các quyền của các dân tộc bản địa trong các hiệp định, thỏa thuận hoặc những sắp đặt mang tính tích cực khác.

Điều 38.

Nhà nước, có tham vấn và hợp tác với các dân tộc bản địa, cần tiến hành những biện pháp thích hợp, bao gồm các biện pháp pháp lý, để đạt được mục tiêu của Tuyên ngôn này.

Điều 39.

Các dân tộc bản địa có quyền tiếp cận sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các nhà nước và thông qua hợp tác quốc tế nhằm thụ hưởng các quyền trong Tuyên ngôn này.

Điều 40.

Các dân tộc bản địa có quyền tiếp cận và thúc đẩy quyết định thông qua các quy trình công bằng và thỏa đáng để giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp với nhà nước hoặc các bên khác, cũng như với các biện pháp hiệu quả để đền bù mọi vi phạm quyền cá nhân và tập thể của họ. Quyết định này cần được đưa ra dựa trên sự cân nhắc thỏa đáng với phong tục, truyền thống, luật lệ và hệ thống luật pháp của các dân tộc bản địa liên quan và luật quốc tế về nhân quyền.

Điều 41.

Các bộ phận và cơ quan chuyên môn của hệ thống Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên chính phủ khác cần đóng góp vào việc hiện thực hóa đầy đủ những điều khoản của Tuyên ngôn này thông qua việc huy động, không hạn chế, hợp tác về tài chính và kỹ thuật. Các hình thức và phương thức đảm bảo sự tham gia của các dân tộc bản địa vào những vấn đề có ảnh hưởng đến họ cần được xác lập.

Điều 42.

Liên Hợp Quốc, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, bao gồm Diễn đàn Thường trực về các Vấn đề Bản địa, và các cơ quan chuyên biệt, bao gồm các cơ quan ở cấp quốc gia, và các nhà nước, cần khuyến khích sự tôn trọng hoàn toàn và thực thi đầy đủ các điều khoản của Tuyên ngôn này và theo dõi hiệu quả của Tuyên ngôn này.

Điều 43.

Những quyền được công nhận ở đây cấu thành các tiêu chuẩn tối thiểu cho sự sống sót, phẩm cách và hạnh phúc của các dân tộc bản địa trên thế giới.

Điều 44.

Tất cả các quyền và tự do được công nhận ở đây được đảm bảo bình đẳng với nam giới và phụ nữ bản địa..

Điều 45.

Không một điểm nào trong Tuyên ngôn này được giải thích để thu hẹp hoặc làm lu mờ các quyền khác mà các dân tộc bản địa đang có hoặc sẽ đạt được trong tương lai.

Điều 46.

1. Không một điểm nào trong Tuyên ngôn này được giải thích để hàm ý cho bất kỳ nhà nước, dân tộc, nhóm người hay người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc hoặc được giải thích để ủy quyền hay khuyến khích bất kỳ hành vi nào làm chia cắt hay suy yếu toàn bộ hay một phần sự thống nhất về lãnh thổ hay đoàn kết về chính trị của các nhà nước độc lập và có chủ quyền.

2. Trong việc thực thi các quyền được đề ra trong bản Tuyên ngôn này, cần tôn trọng nhân quyền và những tự do căn bản của tất cả mọi người. Việc thực thi các quyền đề ra trong Tuyên ngôn này chỉ bị là đối tượng của các giới hạn được xác định theo luật pháp và theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế. Những giới hạn này không được phân biệt và chỉ áp dụng với mục đích đảm bảo sự công nhận thỏa đáng và tôn trọng các quyền và tự do của những người khác và đạt đến công bằng cũng như những yêu cầu thuyết phục nhất của một xã hội dân chủ.

3. Những điều khoản trong Tuyên ngôn này cần được giải thích theo các nguyên tắc công bằng, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, bình đẳng, không phân biệt, quản trị tốt và tin cậy.