Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH THƯƠNG MẠI

Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 3 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại[1]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dịch vụ giám định thương mại

1. Dịch vụ giám định thương mại được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của một trong các bên tham gia hợp đồng có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cần giám định; theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

2. Dịch vụ giám định thương mại được thực hiện theo nguyên tắc độc lập, khách quan, khoa học và chính xác.

3. Không được thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp dịch vụ giám định thương mại đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.

Điều 4. Thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

1. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại với các nội dung quản lý cụ thể sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại;

b)[2] (được bãi bỏ)

c) Trực tiếp kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại khi cần thiết;

d) Xây dựng hệ thống thông tin để quản lý thống nhất việc đăng ký con dấu nghiệp vụ của các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại;

đ)[3] (được bãi bỏ)

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.

3[4]. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân đăng ký kinh doanh trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.

Điều 5. Kinh doanh dịch vụ giám định thương mại của thương nhân nước ngoài

1. Thương nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại theo pháp luật về đầu tư tại Việt Nam phù hợp với cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định theo ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Việc thực hiện dịch vụ giám định thương mại theo ủy quyền của thương nhân nước ngoài quy định tại Điều 267 Luật Thương mại được tiến hành theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này.

Chương 2.

GIÁM ĐỊNH VIÊN, DẤU NGHIỆP VỤ VÀ ỦY QUYỀN GIÁM ĐỊNH

MỤC 1. GIÁM ĐỊNH VIÊN

Điều 6. Công nhận giám định viên

1. Thương nhân kinh doanh (giám đốc doanh nghiệp) dịch vụ giám định thương mại ra quyết định công nhận giám định viên đối với những người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 Luật Thương mại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Chỉ những người có quyết định được công nhận là giám định viên của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được thực hiện hoạt động giám định theo sự phân công của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên

Khi thực hiện hoạt động giám định theo sự phân công của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, giám định viên có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Độc lập thực hiện việc giám định được giao và phải từ chối thực hiện việc giám định khi việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của mình.

2. Thực hiện việc giám định một cách trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời, chính xác, theo đúng yêu cầu chính đáng đã được thỏa thuận với bên yêu cầu giám định.

3. Có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin tài liệu cần thiết liên quan tới công việc giám định mà mình được phân công thực hiện.

4. Có quyền từ chối sự can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vào hoạt động giám định dẫn đến sai lệch tính chính xác, trung thực của dịch vụ giám định mà mình đang thực hiện.

5. Phản ánh trung thực kết quả giám định trong Chứng thư giám định và ký Chứng thư giám định.

6. Có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin, tài liệu liên quan tới kết quả giám định theo yêu cầu của khách hàng.

7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về tính chính xác của kết quả giám định.

MỤC 2. DẤU NGHIỆP VỤ TRONG CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH

Điều 8. Chữ ký và con dấu nghiệp vụ

1. Chữ ký trong Chứng thư giám định được quy định như sau:

a) Chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại ở phía dưới bên phải của Chứng thư giám định;

b) Chữ ký của giám định viên ở phía dưới bên trái của Chứng thư giám định.

2.[5] (được bãi bỏ)

3.[6] (được bãi bỏ)

4.[7] (được bãi bỏ)

Điều 9.[8] (được bãi bỏ)

Điều 10.[9] (được bãi bỏ)

Điều 11.[10] (được bãi bỏ)

Điều 12.[11] (được bãi bỏ)

MỤC 3. ỦY QUYỀN GIÁM ĐỊNH

Điều 13. Hợp đồng ủy quyền giám định

Hợp đồng ủy quyền giám định phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Chứng thư giám định trong trường hợp ủy quyền giám định

Trong Chứng thư giám định do thương nhân được ủy quyền cấp phải ghi rõ “Thực hiện theo ủy quyền của (ghi rõ tên thương nhân ủy quyền)” và đóng dấu nghiệp vụ của thương nhân được ủy quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 15. Ủy quyền lại

1. Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho bên thứ ba nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

2. Hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức hợp đồng ủy quyền ban đầu.

3. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền giám định.

1. Bên ủy quyền giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên được ủy quyền giám định thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

b) Yêu cầu bên được ủy quyền giám định thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc theo hợp đồng ủy quyền;

c) Được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

2. Bên ủy quyền giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ yêu cầu giám định;

b) Chịu trách nhiệm về kết quả giám định đối với bên yêu cầu giám định;

c) Trả thù lao dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định;

d) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền

1. Bên được ủy quyền giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên ủy quyền giám định cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để phục vụ việc giám định theo hợp đồng ủy quyền giám định;

b) Được thuê chuyên gia giám định trong và ngoài nước để thực hiện dịch vụ giám định; được tạm nhập tái xuất phương tiện kỹ thuật để thực hiện nghiệp vụ giám định;

c) Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí khác theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền giám định.

2. Bên được ủy quyền giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện công việc theo hợp đồng ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó;

b) Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

c) Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền;

d) Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Cung cấp chứng thư giám định theo hợp đồng ủy quyền.

Điều 18. Giám định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước

1. Khi có yêu cầu giám định, các cơ quan, tổ chức nhà nước tiến hành lựa chọn (bằng văn bản) thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thương mại và phải phù hợp với yêu cầu giám định cụ thể để thực hiện yêu cầu giám định của mình.

2. Cơ quan, tổ chức nhà nước yêu cầu giám định có trách nhiệm trả thù lao giám định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm yêu cầu giám định.

MỤC 4. XỬ LÍ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH THƯƠNG MẠI

Điều 19. Hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, giám định viên có hành vi vi phạm sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:

a) Kinh doanh dịch vụ giám định khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;

b) Cung cấp dịch vụ giám định ngoài lĩnh vực đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư;

c) Công nhận giám định viên đối với người chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 259 Luật Thương mại;

d)[12] (được bãi bỏ)

đ) Thực hiện việc giám định trong trường hợp việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của chính thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định và của giám định viên;

e) Không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện dịch vụ giám định cho thương nhân nước ngoài không có hợp đồng ủy quyền thực hiện dịch vụ giám định;

h) Vi phạm các quy định khác của Nghị định này.

2. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại hoặc giám định viên vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan, ngoài việc bị xử lý về trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự cũng phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm

Thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm đối với các hành vi quy định tại Điều 19 Nghị định này được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21.[13] Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa.

3. Những quy định trước đây về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại trái với quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 22.[14] (được bãi bỏ)

Điều 23.[15] Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

 


[1] Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011 có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương"

[2] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011

[3] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011

[4] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011

[5] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[6] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[7] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[8] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[9] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[10] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[11] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[12] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[13] Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011 có hiệu lực thi hành như sau:

“Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2012".

[14] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

[15] Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011 quy định như sau:

“Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này".