Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XUẤT KHẨU THAN

Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu than, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.

2. Thông tư số 28/2017/TT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Thực hiện Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định về xuất khẩu than như sau[1],[2]:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định danh mục, tiêu chuẩn chất lượng than và điều kiện xuất khẩu than.

2. Việc xuất khẩu than theo phương thức tạm nhập tái xuất hoặc nhận gia công chế biến than cho doanh nghiệp nước ngoài để phục vụ xuất khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được thực hiện theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến xuất khẩu than trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiêu chuẩn VILAS: Là tiêu chuẩn của Hệ thống công nhận phòng thí nghiệm Việt Nam (Viet Nam Laboratory Accrediation Scheme).

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Là các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương (các Bộ) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh).

Điều 4. Điều kiện xuất khẩu than

1.[3] (được bãi bỏ)

2. Than được phép xuất khẩu khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a) Đã qua chế biến và đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc tương đương tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

b) Có nguồn gốc hợp pháp như quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện kinh doanh than.

c) Các quy định khác (nếu có) theo sự điều hành của Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu từng thời kỳ.

Điều 5. Thủ tục xuất khẩu than

1. Doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu than, ngoài các chứng từ theo quy định của Hải quan, cần phải xuất trình các loại giấy tờ sau:

a) Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô than xuất khẩu, do một phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp.

b) Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của than xuất khẩu.

2. Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của than xuất khẩu gồm:

a) Đối với doanh nghiệp khai thác than: Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

b) Đối với doanh nghiệp chế biến than: Giấy chứng nhận đầu tư cơ sở chế biến than và Hợp đồng mua than có nguồn gốc hợp pháp để chế biến.

c) Đối với doanh nghiệp thương mại hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than: Hợp đồng mua bán kèm theo bản sao hóa đơn giá trị gia tăng hoặc Hợp đồng ủy thác xuất khẩu than ký với doanh nghiệp nêu tại điểm a hoặc điểm b khoản này; hoặc chứng từ hợp lệ mua than do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại.

2a.[4] Các giấy tờ được quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

3. Khi làm thủ tục thông quan, nếu có cơ sở nghi vấn lô hàng than xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Thông tư này, Hải quan cửa khẩu có quyền cho thông quan, đồng thời tiến hành lập Biên bản và lấy lại mẫu than để kiểm tra. Việc kiểm tra do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS thực hiện. Nếu kết quả kiểm tra khẳng định sự nghi vấn là có cơ sở thì doanh nghiệp xuất khẩu phải bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành và chịu các chi phí thử nghiệm. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì chi phí thử nghiệm do Hải quan cửa khẩu chịu.

Điều 6. Báo cáo về xuất khẩu than

1. Nội dung báo cáo về xuất khẩu than:

a) Kết quả thực hiện về chủng loại, khối lượng, kim ngạch xuất khẩu than, nguồn gốc than xuất khẩu.

b) Tình hình chấp hành các quy định về xuất khẩu than.

2. Chế độ báo cáo:

Doanh nghiệp xuất khẩu than có trách nhiệm định kỳ 6 tháng một lần (vào đầu các quý I, III hàng năm) báo cáo việc thực hiện xuất khẩu. Báo cáo được gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu than.

3. Doanh nghiệp xuất khẩu than chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, thông tin báo cáo.

4. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo đột xuất về tình hình xuất khẩu than để phục vụ công tác quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu than có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu đó.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý

1. Vụ Dầu khí và Than[5] (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm chủ trì và là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan.

2. Căn cứ tình hình thực tế của hoạt động khai thác, gia công, chế biến và kinh doanh than, Vụ Dầu khí và Than có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương để xem xét điều chỉnh, bổ sung Thông tư này khi cần thiết.

Điều 8. Hiệu lực thi hành[6],[7]

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 và thay thế Thông tư số 05/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn xuất khẩu than.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ nhu cầu sử dụng và khả năng khai thác, chế biến than trong nước, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng than được phép xuất khẩu cho phù hợp.

2. Hợp đồng xuất khẩu than hợp lệ (theo Thông tư số 05/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn xuất khẩu than) đã được ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong hợp đồng.

3. Bộ Công Thương có quyền yêu cầu dừng hoạt động xuất khẩu than đối với doanh nghiệp xuất khẩu than vi phạm các quy định của Thông tư này.

4. Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến xuất khẩu than chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, doanh nghiệp phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC, ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG THAN XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư sổ 15/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu than)

TT

Loại than xuất khẩu

Cỡ hạt, mm

Độ tro khô,
Ak %

Trị số tỏa nhiệt toàn phần khô, Qkgr cal/g

Điều kiện, thời gian

1

Than cục các loại

 

 

 

Hạn chế xuất khẩu từ sau năm 2015

 

Hòn Gai-Cẩm Phả

6 ÷ 100

3,00 ÷ 16,00

≥ 7 050

 

Mạo Khê

15 ÷ 100

7,00 ÷ 15,00

≥ 6 750

 

Uông Bí-Nam Mẫu-Vàng Danh

6 ÷ 90

7,00 ÷ 15,00

≥ 6 700

2

Than cám các loại

 

 

 

Hạn chế xuất khẩu từ sau năm 2015

2.1

Cám 1, 2, 3

 

 

 

 

Hòn Gai-Cẩm Phả

≤ 15

5,00 ÷ 19,00

≥ 6 750

 

Uông Bí-Nam Mẫu-Vàng Danh

≤ 15

8,00 ÷ 19,00

≥ 6 350

2.2

Cám 4

 

 

 

Dừng xuất khẩu từ năm 2016

 

Hòn Gai-Cẩm Phả

≤ 15

19,01 ÷ 27,00

≥ 5 950

 

Mạo Khê

≤ 15

23,01 ÷ 27,00

≥ 5 700

 

Uông Bí-Nam Mẫu-Vàng Danh

≤ 15

19,01 ÷ 27,00

≥ 5 700

2.3

Cám 5

 

 

 

Dừng xuất khẩu từ năm 2016

 

Hòn Gai-Cẩm Phả

≤ 15

27,00 ÷ 35,00

≥ 5 250

 

Mạo Khê

≤ 15

27,01 ÷ 35,00

≥ 4 950

 

Uông Bí-Nam Mẫu-Vàng Danh

≤ 15

27,01 ÷ 35,00

≥ 5 050

2.4

Cám 6

 

 

 

Dừng xuất khẩu từ năm 2015

 

Hòn Gai-Cẩm Phả

≤ 15

35,01 ÷ 45,00

≥ 4 350

 

Mạo Khê

≤ 15

35,01 ÷ 45,00

≥ 4 200

 

Uông Bí-Nam Mẫu-Vàng Danh

≤ 15

35,01 ÷ 45,00

≥ 4 200

Ghi chú: Tiêu chuẩn chất lượng than xuất khẩu theo TCVN 8910:2011 Than thương phẩm - Yêu cầu kỹ thuật.

 

PHỤ LỤC II

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XUẤT KHẨU THAN NĂM...
trên địa bàn tỉnh:
(Ban hành kèm theo Thông tư sổ 15/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu than)

TT

Tên Doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu than

Tiêu chuẩn chất lượng than xuất khẩu (loại than, cỡ hạt, độ tro khô, trị số tỏa nhiệt toàn phần)

Nguồn than xuất khẩu

Số Giấy phép khai thác/số Giấy chứng nhận đầu tư cơ sở chế biến

Công suất khai thác theo Giấy phép khai thác/Giấy chứng nhận đầu tư cơ sở chế biến (nghìn tấn/năm)

Khối lượng xuất khẩu (nghìn tấn)

Giá trị (USD)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

I

Doanh nghiệp A

 

Khai thác

 

 

 

 

II

Doanh nghiệp B

 

Chế biến

 

 

 

 

III

Doanh nghiệp C

 

Mua của doanh nghiệp khai thác...

 

 

 

 

IV

Doanh nghiệp D

 

Mua của doanh nghiệp chế biến...

 

 

 

 

 

………………..

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp (để theo dõi);
- Website Bộ Công Thương;
- Vụ Pháp chế (để công bố);
- Lưu: VT, DKT.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 



[1] Thông tư số 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,”.

[2] Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vị quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,”.

[3] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vị quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

[5] Cụm từ “Tổng cục Năng lượng” được thay thế bởi cụm từ “Vụ Dầu khí và Than” theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2017.

[6] Điều 20 của Thông tư số 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017 quy định như sau:

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2017.

2. Các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.”.

[7] Điều 8 của Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định như sau:

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.”.