Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 02 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.

Căn cứ Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; [1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió tại Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng mua bán điện mẫu).

2. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Chủ đầu tư dự án điện gió;

b) Đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện gió;

c) Bên mua điện;

d) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Viêt Nam hoặc tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Bên bán điện là doanh nghiệp sản xuất, vận hành, kinh doanh bán điện từ các nhà máy điện gió hoặc tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ sản xuất, vận hành, kinh doanh bán điện của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Tổ hợp đồng bộ của tua bin điện gió bao gồm máy phát điện, bộ chuyển đổi, cánh quạt, cột tháp, máy biến áp đồng bộ, dây dẫn đấu nối và thiết bị, kết cấu khác phục vụ sản xuất điện từ sức gió. Phần móng cột tháp, trạm biến áp, hào cáp và các công trình xây dựng liên quan không phải là tổ hợp đồng bộ của tua bin điện gió.

4. Tua bin điện gió trong đất liền là các tua bin có vị trí tâm của móng tua bin được xây dựng trên đất liền và vùng đất ven biển có ranh giới từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở vào. Đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm được xác định và công bố theo quy định tại Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hoặc quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được sửa đổi, bổ sung, thay thế hợp lệ.

5. Tua bin điện gió trên biển là các tua bin có vị trí tâm của móng tua bin được xây dựng nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra ngoài khơi.

6. Diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió là phần diện tích giới hạn trong ranh giới địa lý được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió để lập dự án đầu tư điện gió trong một thời hạn cho phép. Diện tích này chỉ được phép sử dụng cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu như xây dựng cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình.

7. Diện tích sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió là tổng diện tích của móng trụ tua bin gió bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió; các đường cáp ngầm đấu nối điện gió, chân cột đường dây trên không đấu nối điện; các trạm biến áp; diện tích xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ và nhà quản lý điều hành. Diện tích sử dụng đất có thời hạn được cơ quan có thẩm quyền giao cho chủ đầu tư dự án trong toàn bộ đời dự án.

8. Diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió là phần diện tích Chủ đầu tư được phép sử dụng tạm thời cho việc thi công dự án điện gió, bao gồm: đường tạm phục vụ thi công, bãi tập kết vật tư thiết bị, khu vực thi công, lán trại tạm công nhân và các địa điểm phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, phần diện tích sử dụng đất tạm thời không thuộc phần diện tích sử dụng đất có thời hạn sẽ được cơ quan có thẩm quyền thu hồi để sử dụng cho các mục đích khác.

9. Hành lang an toàn công trình điện gió là hành lang an toàn của cột tháp gió, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ.

10. Hành lang an toàn của cột tháp gió là nửa hình cầu, có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng chiều cao cột tháp gió cộng với bán kính cánh quạt tua bin.

11. Tiêu chuẩn IEC là tiêu chuẩn kỹ thuật điện do Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế ban hành.

Chương II

PHÁT TRIỂN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ

Điều 3. Quy hoạch và danh mục phát triển các dự án điện gió

1. Phát triển các dự án điện gió được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực trong đó xác định tiềm năng và khu vực phát triển điện gió cho từng địa bàn. Các dự án điện gió chưa có trong quy hoạch phải được thực hiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.

2. Các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và quy hoạch phát triển điện gió cấp tỉnh đã phê duyệt được thực hiện theo quy định về chuyển tiếp tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 59 của Luật Quy hoạch.

3. Tiến độ vận hành, quy mô công suất các giai đoạn của dự án phải tuân thủ theo đúng quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp Chủ đầu tư dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện sai lệch quá sáu (6) tháng hoặc chia giai đoạn thực hiện dự án khác so với quy hoạch cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch để xem xét, thông qua.

4. Khi phát triển các dự án điện gió được phê duyệt danh mục trong quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, UBND tỉnh phải cập nhật quy hoạch đấu nối dự án điện gió vào hệ thống điện để đảm bảo truyền tải công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án. Trường hợp phương án đấu nối dự án thay đổi, UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt hoặc trình phê duyệt phương án đấu nối điều chỉnh của dự án điện gió theo thẩm quyền.

Điều 4. Bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực

1. Dự án điện gió có tiềm năng khai thác chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực được phép nghiên cứu phát triển và phải thực hiện công tác lập, thẩm định, trình bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.

2. Nội dung hồ sơ bổ sung dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực bao gồm:

a) Đề án quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Sự cần thiết đầu tư dự án và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.

- Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm (bao gồm vị trí và tọa độ góc) và hình thức thực hiện dự án.

- Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên: Nêu rõ diện tích khảo sát, diện tích sử dụng tạm thời, diện tích sử dụng có thời hạn và diện tích ảnh hưởng bởi hành lang an toàn; Liệt kê các loại hình đất, khu vực biển và phân tích hiện trạng hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên và khu vực biển; Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, sự chồng lấn với các quy hoạch khác.

- Báo cáo đánh giá tiềm năng gió tại khu vực dự án.

- Sơ bộ về giải pháp công nghệ: phân tích lựa chọn công nghệ dựa trên đặc tính gió khu vực dự án; phương án bố trí tua bin.

- Phương án thiết kế sơ bộ, bao gồm: Địa điểm xây dựng; Loại và cấp công trình chính; Bản vẽ thiết kế sơ bộ tổng mặt bằng dự án; Bản vẽ và thuyết minh sơ bộ về giải pháp nền móng được lựa chọn của công trình chính.

- Báo cáo lựa chọn phương án đấu nối nhà máy điện gió vào hệ thống điện. Trong đó nêu rõ những nội dung về hiện trạng nguồn và lưới điện, kế hoạch phát triển nguồn và lưới điện, so sánh lựa chọn phương án đấu nối, tính toán ảnh hưởng của nguồn và lưới điện khu vực khi xuất hiện dự án và đánh giá khả năng hấp thụ của lưới điện khi đưa dự án vào vận hành.

- Sơ bộ giải pháp thực hiện: vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng; tiến độ thực hiện; giải pháp kỹ thuật xây dựng.

- Sơ bộ tổng mức đầu tư.

- Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế tài chính, kinh tế xã hội và tác động của dự án.

b) Văn bản của UBND tỉnh về vị trí quy hoạch địa điểm và diện tích sử dụng đất sự phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, sự chồng lấn với các quy hoạch khác; Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về sử dụng tài nguyên và khu vực biển của dự án đề xuất (nếu là dự án trên biển).

c) Ý kiến của Tổng công ty điện lực miền (nếu đấu nối vào hệ thống điện phân phối) hoặc Tổng Công ty truyền tải điện (nếu đấu nối vào hệ thống điện truyền tải) và ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về khả năng hấp thụ của hệ thống lưới điện khu vực và Hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch.

3. Trình tự, thủ tục phê duyệt bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực

a) UBND tỉnh đề xuất bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực kèm theo hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 4 đến Bộ Công Thương.

b) Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến các Bộ ngành có liên quan về nội dung hồ sơ để làm cơ sở thẩm tra hồ sơ. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, Bộ Công Thương có công văn gửi UBND tỉnh yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

c) Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được Hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo lập Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Điều 5. Yêu cầu về đo gió

Dự án điện gió phải có báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc đo gió được thực hiện trong thời gian tối thiểu là mười hai (12) tháng liên tục tại các vị trí có tính đại diện, số lượng cột đo gió đảm bảo phù hợp với sự biến đổi địa hình khu vực dự án. Phương pháp đó gió, thiết bị đo và kết quả đo gió phù hợp tiêu chuẩn IEC hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương.

Điều 6. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện gió

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện gió theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và những nội dung chính sau:

1. Kết quả đo gió theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

2. Vị trí, tọa độ góc; diện tích sử dụng đất có thời hạn và diện tích sử dụng đất tạm thời; diện tích khu vực biển (nếu có vị trí trên biển) của dự án điện gió;

3. Phương án đấu nối, đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện gió đối với hệ thống điện khu vực và khả năng giải tỏa công suất dự án;

4. Kế hoạch và phương án kỹ thuật, chi phí phục vụ tháo dỡ và xử lý thiết bị nhà máy điện gió sau khi kết thúc dự án.

5. Thỏa thuận đấu nối lưới điện; Văn bản thỏa thuận của cấp có thẩm quyền về vị trí dự án; hướng tuyến công trình; diện tích sử dụng đất (đối với dự án trong đất liền); diện tích sử dụng tài nguyên và khu vực biển (đối với dự án trên biển); quy hoạch tổng mặt bằng dự án; Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vị trí của các tua bin điện gió trên biển (đối với dự án có tua bin trên biển); Văn bản về chấp thuận độ cao tĩnh không của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Điều kiện khởi công và thi công xây dựng công trình dự án điện gió

Dự án điện gió chỉ được khởi công và thi công xây dựng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, yêu cầu về bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành;

2. Hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện;

3. Có hợp đồng cung cấp tài chính và cam kết về nguồn vốn để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình đúng với tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình.

Điều 8. Nghiệm thu hoàn thành công trình điện gió

1. Công trình hoặc hạng mục công trình được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định hiện hành.

2. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình điện gió được phân cấp kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

3. Sở Công Thương và đơn vị được ủy quyền chủ trì tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình điện gió được phân cấp kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương theo quy định hiện hành.

Điều 9. Chế độ báo cáo và quản lý vận hành

1. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, UBND tỉnh có trách nhiệm gửi bản sao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được chứng thực về Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để theo dõi quản lý.

2. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư, Bên bán điện có trách nhiệm gửi một (01) bản sao hợp lệ Hợp đồng mua bán điện đến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để theo dõi, quản lý.

3. [2] Hằng năm, trước ngày 15 tháng 01 và ngày 15 tháng 7, UBND tỉnh có các dự án điện gió báo cáo bằng văn bản gửi qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) định kỳ 6 tháng liền trước về hoạt động đăng ký đầu tư và tình hình triển khai thực hiện dự án trên địa bản tỉnh để theo dõi và quản lý. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

4. Sau khi dự án điện gió được hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý vận hành các công trình điện và bảo vệ môi trường.

Điều 10. Trang thiết bị của dự án điện gió

1. Thiết bị công trình điện gió phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế IEC hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

2. Thiết bị công trình điện gió phải là thiết bị chưa qua sử dụng, có thời gian xuất xưởng không quá năm (05) năm, có Giấy chứng nhận xuất xứ và Giấy chứng nhận sản xuất phù hợp. Trường hợp sử dụng thiết bị công trình điện gió đã qua sử dụng, hoặc có thời hạn xuất xưởng quá 5 năm phải báo cáo Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, quyết định.

Điều 11. An toàn công trình

1. Phạm vi công trình điện gió bao gồm khu vực các cột tháp gió, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác. Hành lang an toàn công trình điện gió, hành lang an toàn đường dây và trạm biến áp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trang thiết bị điện, quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và các quy định pháp luật về an toàn công trình điện.

2. Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m.

3. Tua bin và cột tháp điện gió phải có mầu sáng, không phản quang.

Điều 12. Diện tích sử dụng đất

1. Đất sử dụng trong quá trình phát triển dự án điện gió bao gồm: diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió; diện tích sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió; diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió.

2. Diện tích đất sử dụng đất cho dự án điện gió phải phù hợp với quy mô công suất công trình. Suất sử dụng đất có thời hạn của dự án điện gió không quá không phẩy ba lăm (0,35) ha/MW. Diện tích sử dụng đất tạm thời của dự án điện gió không quá không phẩy ba (0,3 ha/MW).

Điều 13. Quản lý sử dụng đất trong khu vực công trình điện gió

1. Đất sử dụng có thời hạn của dự án điện gió phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không chồng lấn với các quy hoạch khác đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

2. Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống.

3. Sau khi công trình điện gió đi vào vận hành, chủ đầu tư phải phục hồi nguyên trạng diện tích chiếm dụng tạm thời và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

4. UBND tỉnh có thể cho phép sử dụng đất tại khu vực dự án điện gió cho các mục đích phù hợp (trồng trọt, canh tác nhỏ) và phải đảm bảo an toàn cho việc vận hành các công trình điện gió.

Chương III

HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ NỐI LƯỚI

Điều 14. Áp dụng giá điện gió đối với dự án điện gió nối lưới

Trường hợp dự án điện gió nối lưới bao gồm cả tua bin điện gió trong đất liền và tua bin điện gió trên biển, Bên bán điện có trách nhiệm thống nhất với Bên mua điện phương án lắp đặt công tơ và cách đo đếm, tính toán sản lượng điện riêng biệt của các tua bin trong đất liền và trên biển để làm cơ sở áp dụng giá mua bán điện phù hợp.

Điều 15. Áp dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió

1. Việc sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió là bắt buộc trong mua bán điện giữa Bên bán điện và Bên mua điện.

2. Chỉ áp dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu đối với phần điện năng được sản xuất từ nguồn năng lượng gió.

3. Nội dung Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bên bán điện và Bên mua điện chỉ được bổ sung nội dung của Hợp đồng mua bán điện mẫu để làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên mà không được làm thay đổi nội dung cơ bản của Hợp đồng mua bán điện mẫu.

Điều 16. Trình tự, thủ tục ký kết Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió

1. Trình tự đề nghị ký Hợp đồng mua bán điện gió

a) Chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị ký hợp đồng mua bán điện gửi Bên mua điện để thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt để ký hợp đồng mua bán điện.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị ký hợp đồng mua bán điện hợp lệ của chủ đầu tư, Bên mua có trách nhiệm tổ chức rà soát hợp đồng mua bán điện và ký Hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.

2. Hồ sơ đề nghị ký kết hợp đồng mua bán điện

a) Công văn đề nghị ký kết hợp đồng mua bán điện của Bên bán điện;

b) Văn bản pháp lý của dự án, bao gồm: Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền về quy hoạch nguồn và lưới điện; Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định phê duyệt dự án đầu tư;

c) Dự thảo Hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Thỏa thuận đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia kèm theo phương án đấu nối của nhà máy điện; Thỏa thuận SCADA/EMS và hệ thống thông tin điều độ; Thỏa thuận hệ thống rơ le bảo vệ và tự động;

e) Tài liệu tính toán tổn thất công suất và điện năng của máy biến áp, đường dây truyền tải từ nhà máy điện đến điểm đấu nối với hệ thống điện quốc gia và tài liệu tính toán điện tự dùng trong nhà máy điện.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có trách nhiệm:

a) Phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xem xét và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư.

b) Tổ chức đánh giá tiềm năng điện gió lý thuyết, tiềm năng điện gió kỹ thuật và tiềm năng điện gió kinh tế trên phạm vi cả nước, xác định phân bố tiềm năng theo vùng để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng nội dung về quy hoạch phát triển các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển điện lực.

c) Chủ trì nghiên cứu và đề xuất cơ chế đấu giá phát triển điện gió áp dụng từ ngày 01 tháng 11 năm 2021 báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Cục Công nghiệp chủ trì nghiên cứu và đề xuất quy định về cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị công trình điện gió trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong dự án điện gió báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. UBND tỉnh:

a) Theo dõi, giám sát, kiểm tra và báo cáo hoạt động phát triển các dự án điện gió tại địa phương theo quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, phù hợp với các quy định tại Thông tư này.

b) Phối hợp với Bộ Công Thương xác định khu vực phát triển điện gió tại địa phương đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Điều 18. Quy định về chuyển tiếp

Các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước ngày 01 tháng 11 năm 2018 được ký lại Hợp đồng mua bán điện với Bên mua điện để được áp dụng giá mua bán điện quy định tại tại Khoản 7 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến hết thời hạn còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Điều 19. Hiệu lực thi hành[3]

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 02 năm 2019. Các Thông tư số 32/2012/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Bộ Công Thương về quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió và Thông tư số 06/2013/TT-BCT ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Công Thương về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió hết hiệu lực từ ngày hiệu lực của Thông tư này.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp (để theo dõi);
- Website Bộ Công Thương;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật;
- Lưu: VT, ĐL, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 



[1] Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Chánh văn phòng Bộ;"

[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020

[3] Điều 37. Hiệu lực thi hành của Thông tư số 42/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020 quy định như sau:

“Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.”