Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/VBHN-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN CẤP TỈNH

Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 7 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 44/2013/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của thông tư 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 về quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2013.

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 75/2009/NĐ-CP, ngày 10 tháng 9 năm 2009 về sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 57/2008/NĐ-CP, ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế;

Căn cứ Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

 Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định thành lập và quản lý các khu bảo tồn biển cấp tỉnh. 1

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là khu bảo tồn biển cấp tỉnh).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc thành lập và quản lý các khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

Điều 3. Tiêu chí thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

Khu bảo tồn biển cấp tỉnh được phân loại thành Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.

1. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Là khu vực biển có một hay nhiều loài động, thực vật thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ; có các hệ sinh thái tiêu biểu còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người, cần được quản lý, bảo vệ, bảo tồn;

b) Là khu vực biển có giá trị về sinh thái, môi trường đáp ứng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.

2. Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Là khu vực biển có các hệ sinh thái tiêu biểu, nơi cư trú hoặc kiếm ăn của nhiều loài động vật thủy sinh; có các bãi đẻ hay khu vực tập trung các loài thủy sinh chưa trưởng thành; nguồn giống bổ sung cho các vùng biển liền kề;

b) Là khu vực biển có giá trị về sinh thái, môi trường đáp ứng phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng.

Chương II

THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN BIỂN CẤP TỈNH

Điều 4. Nội dung Dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

1. Căn cứ vào quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đã được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

2. Nội dung dự án bao gồm:

a) Mục đích bảo tồn nguồn lợi hải sản; việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 3 Thông tư này;

b) Thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cảnh quan môi trường;

c) Trích lục bản đồ, vị trí địa lý, diện tích, ranh giới từng phân khu chức năng dự kiến thành lập khu bảo tồn; phương án ổn định cuộc sống hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân ra khỏi nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn;

d) Tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn;

đ) Dự thảo quy chế quản lý khu bảo tồn;

e) Các giải pháp, phương án tổ chức thực hiện.

Điều 5. Thẩm định Dự án và Quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung Dự án; sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi hồ sơ Dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, tổ chức hội đồng thẩm định.

1. Hồ sơ gửi đề nghị thẩm định dự án gồm có:

a) Tờ trình đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh;

b) Dự thảo Quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh;

c) Dự án thành lập khu bảo tồn biển với các nội dung quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

d) Kết quả điều tra đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học; các bản đồ quy hoạch khu bảo tồn; quy hoạch các phân khu chức năng khu bảo tồn;

đ) Văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bản tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khu bảo tồn dự kiến thành lập hoặc tiếp giáp với khu bảo tồn biển.

2. Hội đồng thẩm định ít nhất gồm 07 thành viên do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch; các thành viên là lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi khu bảo tồn dự kiến thành lập.

3. Nội dung thẩm định:

a) Sự cần thiết phải thành lập khu bảo tồn biển; đối tượng và mục tiêu bảo tồn;

b) Mức độ đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn;

c) Vị trí địa lý; ranh giới và diện tích khu bảo tồn; diện tích các phân khu chức năng của khu bảo tồn;

d) Giải pháp, phương án tổ chức thực hiện;

đ) Quy chế quản lý khu bảo tồn.

4. Quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập và phê duyệt quy chế quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

Chương III

QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN

MỤC I: BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN

Điều 6. (Được bãi bỏ)2

MỤC II: CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN

Điều 7. Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tiêu biểu

1. Điều tra hiện trạng các hệ sinh thái (san hô, cỏ biển) trong khu bảo tồn, lập hồ sơ gốc để theo dõi sự biến động của các hệ sinh thái.

2. Thu thập và lưu giữ thông tin về diễn biến hàng năm và nguyên nhân diễn biến về diện tích, chất lượng của các hệ sinh thái (san hô, cỏ biển).

3. Xây dựng phương án, đề án để bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đã mất hoặc đang bị suy thoái trong phạm vi khu bảo tồn.

4. Kiểm tra, theo dõi, thúc đẩy thực hiện kế hoạch bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái (san hô, cỏ biển) của khu bảo tồn.

Điều 8. Bảo vệ và phát triển các loài nguy cấp, quý, hiếm.

1. Điều tra, nghiên cứu, lưu giữ mẫu vật, số liệu về thành phần, phân bố, đặc tính sinh học của các loài thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn.

2. Theo dõi diễn biến và nguyên nhân diễn biến của các loài thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ

3. Xây dựng, trình phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm nhằm bảo vệ và phát triển các loài thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn.

Điều 9. Nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức và thực tập trong khu bảo tồn biển.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiến hành các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và thực tập tại khu bảo tồn biển phải đảm bảo các quy định sau:

1. Có kế hoạch nghiên cứu khoa học, chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, thực tập tại khu bảo tồn được các cơ quan quản lý khu bảo tồn chấp thuận.

2. Thực hiện nghiêm túc các quy định của khu bảo tồn và chịu sự hướng dẫn cụ thể của Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn nơi triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực tập.

3. Chỉ được phép thu thập mẫu vật di truyền của những loài nghiên cứu với số lượng được xác định trong kế hoạch nghiên cứu đã được Ban quản lý khu bảo tồn phê duyệt.

Điều 10. Quan trắc đa dạng sinh học

1. Ban quản lý khu bảo tồn biển có trách nhiệm tự tổ chức hoặc liên kết với các cơ quan khoa học để tiến hành quan trắc đa dạng sinh học trong khu bảo tồn theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm của khu bảo tồn biển, đối tượng, phương pháp, thời gian quan trắc được thể hiện chi tiết trong kế hoạch quan trắc.

2. Đối tượng quan trắc đa dạng sinh học là các hệ sinh thái thủy sinh điển hình, loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ.

3. Kết quả quan trắc đa dạng sinh học gồm mẫu vật, hồ sơ quan trắc hàng năm được lưu trữ tại Ban quản lý khu bảo tồn và được báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Điều 11. Tham quan và du lịch trong khu bảo tồn biển

Các hoạt động tham quan, du lịch trong khu bảo tồn biển phải tuân thủ quy chế quản lý Khu bảo tồn biển và các quy định hiện hành. Ban quản lý khu bảo tồn có thể tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch tại khu bảo tồn theo một hoặc nhiều phương thức sau:

1. Tự tổ chức tham quan du lịch;

2. Hỗ trợ cộng đồng tổ chức tham quan du lịch.

3. Liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch.

Chương IV

KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 12. Kế hoạch quản lý

1. Xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển

Ban quản lý khu bảo tồn biển có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý 5 năm và hàng năm trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt;

2. Nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý bao gồm:

a) Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh và các loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

b) Nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, trong đó có hoạt động quan trắc đa dạng sinh học;

c) Tuyên truyền, giáo dục;

d) Dịch vụ và sử dụng lao động;

e) Xây dựng cơ bản và tài chính.

Điều 13. Chế độ báo cáo

1. Hàng năm, Ban quản lý khu bảo tồn báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học, công tác quản lý các hoạt động trong khu bảo tồn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thực trạng, tình trạng phục hồi và kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;

b) Thực trạng và kế hoạch bảo tồn các loài thuộc Danh mục thủy sinh quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN [3]

Điều 14. Trách nhiệm quản lý khu bảo tồn biển

1. Tổng cục Thủy sản

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thành lập và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư này cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các Ban quản lý khu bảo tồn biển.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phổ biến, theo dõi và đánh giá việc thực hiện Thông tư này ở địa phương.

b) Chỉ đạo các Ban quản lý khu bảo tồn biển thực hiện nghiêm túc Thông tư này.

c) Hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công tác quản lý các khu bảo tồn biển.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 7 năm 2013.

Trong thời gian thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng công báo);
- Cổng TTĐT Chính phủ (để đăng tải);
- TT Tin học & Thống kê Bộ Nông nghiệp và PTNT (để đăng lên trang thông tin điện tử);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, TCTS.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

 



1 Thông tư số: 44/2013/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của thông tư 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 về quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tinh, có các căn cứ ban hành sau:

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP, ngày 10 tháng 9 năm 2009 về sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 57/2008/NĐ-CP, ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

               

2 Điều này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số: 44/2013/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của thông tư 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 về quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2013.

[3] Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 44/2013/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 của thông tư 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 về quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2013 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2013.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này”