Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1934/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH TÍNH THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ THỦ TỤC THANH TOÁN CHI PHÍ THỰC HIỆN VỤ VIỆC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Để thực hiện ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp tại Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý như sau1:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Thông tư này áp dụng đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (sau đây gọi tắt là Chi nhánh) và cộng tác viên trợ giúp pháp lý; trường hợp Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải thì cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của Thông tư này và Trợ giúp viên pháp lý được hưởng chế độ bồi dưỡng vụ việc bằng 20% mức áp dụng đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Phù hợp với tính chất phức tạp của từng vụ việc theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho Trung tâm, Chi nhánh, Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong việc thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Khi duyệt thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp pháp của việc phê duyệt.

3. Khi kê khai thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc kê khai.

4. Khi xác nhận thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý, người xác nhận chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc xác nhận.

Điều 3. Thời gian tư vấn pháp luật

1. Thời gian tư vấn pháp luật bằng miệng (được tính bằng giờ) và căn cứ xác định thời gian tư vấn pháp luật bao gồm:

a) Thời gian trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ do người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ xác nhận;

b) Thời gian xác minh, làm việc tại cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi đến làm việc xác nhận;

c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; thời gian chuẩn bị tài liệu cho việc tư vấn pháp luật do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Đối với vụ việc tư vấn pháp luật bằng văn bản thì việc thanh toán chi phí được thực hiện theo quy định tại mục 1.4 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước.

Điều 4. Thời gian tham gia tố tụng2

1. Thời gian tham gia tố tụng vụ án hình sự bao gồm:

a) Thời gian gặp gỡ người bị buộc tội tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ do cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ xác nhận; trường hợp bị can, bị cáo tại ngoại thì thời gian gặp do bị can, bị cáo xác nhận hoặc người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo xác nhận;

b) Thời gian tham gia hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng với Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hỏi cung hoặc lấy lời khai xác nhận;

c) Thời gian gặp gỡ, làm việc với người thân thích của người bị buộc tội; thời gian gặp gỡ, làm việc với người bị hại hoặc người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác do những người này xác nhận;

d) Thời gian gặp gỡ, làm việc với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng theo các giai đoạn tố tụng do người trực tiếp làm việc xác nhận;

đ) Thời gian tham gia các hoạt động tố tụng khác (đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm hiện trường,…) cùng với Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên xác nhận;

e) Thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng theo các giai đoạn tố tụng do người tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án xác nhận;

g) Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ cần thiết liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến xác minh, thu thập chứng cứ xác nhận; thời gian chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc;

h) Thời gian tham gia phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc Thư ký phiên tòa xác nhận;

i) Thời gian thực hiện các công việc cần thiết liên quan đến thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do người được trợ giúp pháp lý xác nhận hoặc do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc;

k) Thời gian thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình thực hiện vụ việc để phục vụ việc bào chữa, bảo vệ do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc.

2. Thời gian tham gia tố tụng vụ án dân sự, việc dân sự bao gồm:

a) Thời gian gặp gỡ, làm việc với đương sự, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác do những người này xác nhận;

b) Thời gian gặp gỡ, làm việc với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng theo các giai đoạn tố tụng do người trực tiếp làm việc xác nhận;

c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng do người được phân công giải quyết vụ án xác nhận;

d) Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ cần thiết liên quan đến việc bảo vệ do cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người thực hiện trợ giúp pháp lý đến xác minh, thu thập chứng cứ xác nhận; thời gian chuẩn bị luận cứ bảo vệ do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc;

đ) Thời gian tham gia các hoạt động tố tụng khác (thẩm định, định giá,..) do cơ quan, tổ chức đó (thẩm định, định giá,...) xác nhận;

e) Thời gian tham gia phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ do người được phân công giải quyết vụ án xác nhận;

g) Thời gian tham gia hòa giải đối với vụ án dân sự bắt buộc phải hòa giải trước khi xét xử theo quy định của pháp luật do Thẩm phán chủ trì hoặc Thư ký phiên hòa giải xác nhận;

h) Thời gian tham gia phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc Thư ký phiên tòa xác nhận;

i) Thời gian thực hiện các công việc cần thiết liên quan đến thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do người được trợ giúp pháp lý xác nhận hoặc do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc;

k) Thời gian thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình thực hiện vụ việc để phục vụ việc bảo vệ do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý và phù hợp với nội dung, tính chất của vụ việc.

3. Thời gian tham gia tố tụng vụ án hành chính bao gồm:

a) Thời gian gặp gỡ, làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i và k khoản 2 Điều này.

b) Thời gian tham gia đối thoại do Thẩm phán hoặc Thư ký phiên đối thoại xác nhận.

4. Trường hợp Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh quyết định cử từ 02 (hai) người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ án theo quy định của pháp luật thì thời gian làm căn cứ thanh toán chế độ bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho mỗi người phải bảo đảm một công việc thực hiện chỉ được tính cho một người thực hiện.

5. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì thời gian làm căn cứ thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý là thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia trợ giúp pháp lý đến thời điểm đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

6. Trong trường hợp thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý thì thời gian làm căn cứ thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý là thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia trợ giúp pháp lý đến thời điểm thay thế. Thời gian làm căn cứ thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người được Trung tâm hoặc Chi nhánh cử thay thế là thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý được cử thay thế tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo.

7. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục được Trung tâm hoặc Chi nhánh cử thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo hoặc trong trường hợp vụ án tiếp tục được giải quyết sau tạm đình chỉ thì thời gian làm căn cứ thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý là thời gian thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia trợ giúp pháp lý trong giai đoạn tiếp theo”

Điều 4a. Chế độ bồi dưỡng theo buổi làm việc3

1. Chế độ bồi dưỡng theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) được áp dụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng và các vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn để làm căn cứ chi trả chế độ bồi dưỡng thực hiện vụ việc.

2. Buổi làm việc làm căn cứ chi trả tiền bồi dưỡng thực hiện vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý được xác định như sau:

a) Buổi làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc;

b) Trường hợp, người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc trong nhiều buổi nhưng mỗi buổi thực hiện không đủ 04 giờ, thì số buổi làm việc được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế (cộng dồn) của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:

Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 03 giờ thì tính thành 1/2 buổi làm việc. Nếu số giờ làm việc lẻ từ đủ 03 giờ trở lên thì tính thành 01 buổi làm việc.

Điều 4b. Khoán chi theo vụ việc 4

1. Khoán chi theo vụ việc được áp dụng đối với những vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn bằng hình thức văn bản sau khi được phân công để làm căn cứ chi trả chế độ bồi dưỡng thực hiện vụ việc.

2. Khi thực hiện khoán chi theo vụ việc, Giám đốc Trung tâm căn cứ nội dung, tính chất vụ việc tham gia tố tụng để quyết định mức khoán chi, cụ thể như sau:

a) Đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự, tính chất vụ việc làm căn cứ để thực hiện khoán chi theo vụ việc được xác định trên cơ sở quy định về phân loại tội phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự;

b) Đối với vụ việc tham gia tố tụng dân sự, tính chất vụ việc làm căn cứ để thực hiện khoán chi theo vụ việc được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 337 Bộ luật tố tụng dân sự;

c) Đối với vụ việc tham gia tố tụng hành chính, tính chất vụ việc làm căn cứ để thực hiện khoán chi theo vụ việc được xác định theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật tố tụng hành chính.

3. Khi lựa chọn hình thức khoán chi theo vụ việc thì tùy tính chất, nội dung vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Vụ việc tham gia tố tụng hình sự: gặp gỡ, làm việc với người bị buộc tội, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng khác; tham gia các hoạt động tố tụng; làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và thực hiện các công việc cần thiết khác có liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ.

Chi tiết các công việc cần phải thực hiện, thời gian tương ứng cho việc thực hiện mỗi công việc và thời gian tối đa khoán chi cho mỗi vụ việc được thể hiện tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.

b) Vụ việc tham gia tố tụng dân sự; tố tụng hành chính: gặp gỡ, làm việc với các đương sự, những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng; tham gia các hoạt động tố tụng; làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện các công việc cần thiết khác có liên quan đến việc bảo vệ.

Chi tiết các công việc cần phải thực hiện, thời gian tương ứng cho việc thực hiện mỗi công việc và thời gian tối đa khoán chi cho mỗi vụ việc được thể hiện tại Phụ lục số 02 và số 03 kèm theo Thông tư này.

4. Việc chi trả tiền bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo hình thức khoán chi vụ việc phải căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không thực hiện một hoặc một số công việc theo quy định của Thông tư này thì những công việc đó sẽ không được xác định làm căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng.

Ví dụ: Luật sư A được Trung tâm trợ giúp pháp lý phân công thực hiện trợ giúp pháp lý đối với tội nghiêm trọng. Theo hình thức khoán, Luật sư A phải thực hiện các công việc được nêu tại Phần A Phụ lục số 01 (Tham gia từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử sơ thẩm đối với tội nghiêm trọng), trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, Luật sư A gặp gỡ người được trợ giúp pháp lý thống nhất về mức bồi dưỡng ... từ 01 lần trở lên thì thời gian để làm căn cứ thanh toán bồi dưỡng 01 buổi tương đương 500.000 đồng mà không phụ thuộc vào số lần gặp, thời gian làm việc mỗi lần gặp. Nếu Luật sư A không thực hiện công việc này thì sẽ bị trừ đi số buổi tương ứng là 01 buổi.

5. Người thực hiện trợ giúp pháp lý kê các công việc đã thực hiện và xác nhận về các công việc đã thực hiện vào Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Điều 4c. Khoán chi theo vụ việc trong một số trường hợp đặc biệt5

1. Trong trường hợp Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh quyết định cử từ 02 (hai) Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ án thì tùy theo tính chất, nội dung vụ việc, căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của mỗi người thực hiện nhưng không vượt quá số buổi tương ứng áp dụng đối với hình thức khoán chi vụ việc quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 1: A bị truy tố vào tội có khung hình phạt thuộc loại tội nghiêm trọng, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử 02 (hai) người thực hiện trợ giúp pháp lý cho A từ giai đoạn điều tra. Sau khi hoàn thành, Giám đốc Trung tâm sẽ căn cứ vào công việc thực tế do 02 (hai) người thực hiện đã làm để làm căn cứ thanh toán bồi dưỡng vụ việc nhưng số buổi thanh toán không vượt quá: 14 buổi.

2. Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý có 01 (một) người thực hiện trợ giúp pháp lý được phân công thực hiện cho 02 (hai) người được trợ giúp pháp lý trở lên trong cùng một vụ án thì căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng thực hiện vụ việc như sau:

a) Nếu nội dung vụ việc có cùng tính chất thì căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của người thực hiện nhưng không vượt quá 130% số buổi tương ứng áp dụng đối với hình thức khoán chi vụ việc quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 2: Luật sư - cộng tác viên A thực hiện trợ giúp pháp lý cho B và C từ giai đoạn điều tra. B và C cùng bị truy tố vào tội có khung hình phạt thuộc tội ít nghiêm trọng. Sau khi hoàn thành, Trung tâm sẽ căn cứ vào công việc thực tế do Cộng tác viên A đã làm để làm căn cứ thanh toán bồi dưỡng vụ việc nhưng số buổi thanh toán không vượt quá: 130% x 8,5 buổi = 11,5 buổi.

b) Nếu nội dung vụ việc có tính chất khác nhau thì áp dụng mức khoán chi không vượt quá 130% số buổi tương ứng áp dụng đối với vụ việc có tính chất phức tạp hơn.

Ví dụ 3: Luật sư - cộng tác viên B thực hiện trợ giúp pháp lý cho A và C từ giai đoạn điều tra. A bị truy tố vào tội có khung hình phạt thuộc tội ít nghiêm trọng, C bị truy tố vào tội có khung hình phạt thuộc tội nghiêm trọng. Căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của người thực hiện nhưng không vượt quá: 130% x 14 buổi =18,2 buổi.

3. Trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 (một) người được trợ giúp pháp lý bị truy tố 02 (hai) tội danh trở lên trong cùng một vụ án thì căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng thực hiện vụ việc như sau:

a) Nếu 02 (hai) tội danh có khung hình phạt khác nhau theo tính chất vụ việc thì áp dụng mức khoán chi không vượt quá 130% số buổi tương ứng áp dụng đối với vụ việc ở tội danh có khung hình phạt cao hơn.

Ví dụ 4: A bị truy tố 02 (hai) tội danh: 01 tội danh có khung hình phạt thuộc tội nghiêm trọng, 01 (một) tội danh có khung hình phạt thuộc tội rất nghiêm trọng và người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra. Căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của người thực hiện nhưng không vượt quá: 130% x 19 buổi = 24,7 buổi.

b) Nếu 02 (hai) tội danh có cùng khung hình phạt thuộc cùng tính chất thì căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của người thực hiện nhưng không vượt quá 130% số buổi tương ứng áp dụng đối với hình thức khoán chi vụ việc quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

Ví dụ 5: B bị truy tố 02 (hai) tội danh đều có cùng khung hình phạt thuộc tội rất nghiêm trọng và người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia từ giai đoạn điều tra, căn cứ để chi trả tiền bồi dưỡng là các công việc thực tế của người thực hiện nhưng không vượt quá: 130% x 19 buổi = 24,7 buổi.

Điều 5. Thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng

Thời gian và căn cứ xác định thời gian tham gia đại diện ngoài tố tụng bao gồm:

1. Thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, thân nhân của họ, người làm chứng do những người này xác nhận;

2. Thời gian nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu để thực hiện việc đại diện do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý;

3. Thời gian xác minh, thu thập tài liệu, đồ vật, chứng cứ, tình tiết liên quan đến việc đại diện do Trung tâm hoặc Chi nhánh xác nhận trên cơ sở đề xuất của Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý;

4. Thời gian Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý gặp gỡ, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó xác nhận;

5. Thời gian Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý tham gia đại diện trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó xác nhận.

Điều 6. Thủ tục đề nghị thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Sau khi hoàn thành vụ việc tư vấn, tham gia tố tụng, tham gia đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý gửi Trung tâm hoặc Chi nhánh. Hồ sơ bao gồm:

a) Bảng kê chi phí và thời gian thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Phiếu xác nhận thời gian làm việc (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp lệ chứng minh chi phí hành chính liên quan đến việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có) theo quy định hiện hành về tài chính.

2. Sau khi hoàn thành vụ việc hòa giải, người thực hiện trợ giúp pháp lý lập bảng kê chi phí thực hiện vụ việc hòa giải (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi Trung tâm hoặc Chi nhánh đề nghị thanh toán.

3. Thời hạn thanh toán chế độ bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chi nhánh nơi cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm chuyển hồ sơ về Trung tâm để thanh toán theo quy định.

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Thông tư này, Trung tâm có trách nhiệm thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người đề nghị theo quy định.

Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trung tâm yêu cầu người thực hiện trợ giúp pháp lý hoàn thiện.

Điều 7. Điều khoản thi hành6

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 01 năm 2014.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho kịp thời và phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu VT, TGPL (10b).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Khánh Ngọc



1 Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ sửa đối, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý”.

2 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

3 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

4 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

5 Điều này được bổ sung; theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 05/2017/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

6 Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 05/2017/TT-BTP sủa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 quy định như sau:

“Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

Các vụ việc đã hoàn thành và người thực hiện đã nộp hồ sơ đề nghị thanh toán trước thời điểm Thông tư này có hiệu lục thì tiếp tục thực hiện thống nhất theo quy định Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý để chi trả tiền bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đối với vụ việc có hoạt động phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì hồ sơ thanh toán đối với hoạt động này áp dụng theo quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý để chi trả tiền bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; đối với hoạt động phát sinh kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực trở về sau thì hồ sơ thanh toán đối với hoạt động đó áp dụng theo quy định của Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.”