BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2688/VBHN-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH NỘI TRÚ ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN HỌC CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP
Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, [1]
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp được hưởng học bổng chính sách, các khoản hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại.
Điều 2. Đối tượng được hưởng chính sách nội trú
Đối tượng được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:
1. Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật;
2. Người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú;
3. Người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Điều 3. Mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác
1. Mức học bổng chính sách
a) 100% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật;
b) 80% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
c) 60% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
2. Các khoản hỗ trợ khác
a) Hỗ trợ một lần số tiền 1.000.000 đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân như: chăn cá nhân, áo ấm (nếu cần), màn cá nhân, chiếu cá nhân, áo đi mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo;
b) Hỗ trợ 150.000 đồng đối với học sinh, sinh viên ở lại trường trong dịp tết Nguyên đán;
c) Mỗi học sinh, sinh viên được hỗ trợ mỗi năm một lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại:
- Mức 300.000 đồng/năm đối với học sinh, sinh viên ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Mức 200.000 đồng/năm đối với các đối tượng còn lại.
Các đối tượng quy định tại Điều 2 Quyết định này được miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập; lệ phí tuyển sinh; cấp sổ khám sức khỏe, khám sức khỏe hàng năm; cấp Thẻ bảo hiểm y tế; cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện chính sách
1. Mỗi học sinh, sinh viên chỉ được hỗ trợ 01 lần khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng hoặc trình độ trung cấp theo chính sách quy định tại Quyết định này.
2. Trường hợp học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách cùng lúc thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất hoặc học đồng thời ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì chỉ được hưởng chính sách ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Trong một năm học, học bổng chính sách được cấp đủ 12 tháng. Đối với các chương trình đào tạo có thời gian dưới 01 năm hoặc có thời gian học năm cuối không đủ 12 tháng thì học bổng chính sách được cấp theo số tháng thực học của năm học đó. Đối với các chương trình đào tạo theo tín chỉ thì học bổng chính sách được cấp theo thời gian đào tạo quy đổi nhưng không vượt quá thời gian đào tạo của ngành, nghề học và trình độ đào tạo tương đương theo hình thức niên chế.
4. Mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác quy định tại Quyết định này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với biến động của giá cả sinh hoạt.
5. Học sinh, sinh viên không được hưởng học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác trong các trường hợp sau:
a) Bị kỷ luật buộc thôi học hoặc nghỉ học do ốm đau, tai nạn không thể tiếp tục theo học. Thời gian không được hưởng chính sách nội trú tính từ ngày quyết định buộc thôi học hoặc quyết định nghỉ học có hiệu lực.
b) Trong thời gian bị đình chỉ học tập (có thời hạn), trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại hoặc dừng học vì lý do khách quan được nhà trường xác nhận.
c) Trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ.
Điều 5. Phương thức chi trả
1. Đối với học sinh, sinh viên học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Ngân sách nhà nước cấp thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách nội trú theo quy định tại Quyết định này.
2. Đối với học sinh, sinh viên học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập: Ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho người học thuộc diện được hưởng chính sách nội trú theo quy định tại Quyết định này thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Điều 6. Nguồn kinh phí
1. Kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
2. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[2]:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định này;
b) Kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính:
a) Bố trí kinh phí thực hiện chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Quyết định này trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp quản lý hiện hành;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên quy định tại Quyết định này.
Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành[3]
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, học sinh, sinh viên được tuyển mới học cao đẳng, trung cấp (cao đẳng nghề, cao đẳng, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp) nếu thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 2 được hưởng các chính sách theo quy định tại Điều 3 của Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
[1] Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp.”
[2] Cụm từ “Bộ Giáo dục và Đào tạo” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 8 Điều 45 của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.
[3] Điều 46, Điều 47 của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019 quy định như sau:
“Điều 46. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành.
Điều 47. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.ˮ