- 1 Thông tư 26/2019/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 33/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 26/2019/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Thông tư 26/2019/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 33/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 26/2019/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/VBHN-BTC | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2022 |
THÔNG TƯ[1]
HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 05 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 33/2022/TT-BTC ngày 09 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 05 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ hướng dẫn một số Điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;
Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước.[2]
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục và tương đương, cục, vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính và tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính;
b) Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính.
Các cơ quan quy định tại các điểm a, điểm b Khoản này sau đây được gọi tắt là các bộ, địa phương.
c) Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b Khoản này, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (sau đây gọi là chung là cán bộ, công chức, viên chức);
d) Các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Điều 2. Nguồn kinh phí
1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác cải cách hành chính của bộ, địa phương được bố trí trong dự toán hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
2. Kinh phí thực hiện việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sử dụng từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh phí thực hiện việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này do các cơ quan, đơn vị, tổ chức tự đảm bảo và được hạch toán và quyết toán vào chi phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và tổ chức khác.
Điều 3. Nội dung chi
1. Chi đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; chi quản lý và điều hành thực hiện Chương trình.
2.[3] Chi xây dựng đề cương chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, 5 năm, 10 năm; xây dựng báo cáo cải cách hành chính chuyên đề, định kỳ.
3. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác cải cách hành chính nhà nước tại các bộ, địa phương.
4. Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ công tác cải cách hành chính.
5. Chi xây dựng Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của các bộ, địa phương.
6. Chi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho công tác cải cách hành chính.
7. Chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát phục vụ công tác cải cách hành chính; điều tra, khảo sát sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức về cải cách hành chính.
8. Chi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ và các hội nghị, hội thảo khác liên quan đến công tác cải cách hành chính.
9. Chi thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính
a) Chi xây dựng tin, bài, ấn phẩm, sản phẩm truyền thông về cải cách hành chính; chi thiết kế băng rôn, pano, khẩu hiệu để tuyên truyền về cải cách hành chính;
b) Chi xây dựng, duy trì thường xuyên các chuyên mục về cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi xây dựng, nâng cấp, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cải cách hành chính, website cải cách hành chính;
c) Chi tổ chức các cuộc thi, hội thi về cải cách hành chính.
10. Chi cho đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về cải cách hành chính ở trong nước và nước ngoài.
11. Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài.
12. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động cải cách hành chính.
13. Chi thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện cải cách hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
14. Chi hoạt động Bộ phận Một cửa.
15.[4] Chi xây dựng, duy trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính.
16. Một số khoản chi khác phục vụ công tác cải cách hành chính: Chi làm thêm giờ; chi mua các ấn phẩm, sách báo, tạp chí phục vụ công tác nghiên cứu về cải cách hành chính; chi dịch tài liệu; chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Điều 4. Mức chi
1.[5] Chi xây dựng đề cương chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, 5 năm, 10 năm; chi xây dựng Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi tổ chức các cuộc họp góp ý, thẩm định đề cương chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, 5 năm, 10 năm và góp ý báo cáo cải cách hành chính chuyên đề, định kỳ: Thực hiện theo quy định đối với mức chi xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
2. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác cải cách hành chính nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
3. Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ công tác cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Chi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho công tác cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
5. Chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát phục vụ công tác cải cách hành chính; điều tra, khảo sát sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức về cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.
6. Chi tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
7. Chi thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính
a) Chi xây dựng tin, bài, ấn phẩm, sản phẩm truyền thông về cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định về chế độ nhuận bút quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và các văn bản hướng dẫn;
b)[6] Chi tạo lập thông tin điện tử phục vụ công tác tuyên truyền cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
c) Chi tổ chức các hội thi, cuộc thi về cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định về mức chi tổ chức các cuộc thi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân sở tại;
d) Các nội dung chi khác liên quan tới công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính chưa quy định mức chi cụ thể: Căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán đã được giao.
8. Chi cho đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về cải cách hành chính ở trong nước và nước ngoài
a) Chi đoàn công tác trong nước: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
b) Chi đoàn công tác nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí.
9. Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài: Thực hiện theo mức chi thuê chuyên gia quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
10. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
11. Chi thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện cải cách hành chính; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
12.[7] Chi xây dựng, duy trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính; chi xây dựng, nâng cấp, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cải cách hành chính, website cải cách hành chính; chi số hóa phục vụ công tác cải cách hành chính: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
13. Chi dịch thuật: Thực hiện mức chi dịch thuật hiện hành quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
14.[8] Chi làm thêm giờ: Thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật hiện hành.
15. Chi hoạt động của Bộ phận Một cửa: Các bộ, địa phương tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm cho Bộ phận Một cửa theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và văn bản hướng dẫn.
Kinh phí đầu tư xây dựng Bộ phận Một cửa, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được chi theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan.
Kinh phí cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thuê trụ sở Bộ phận Một cửa, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, đấu thầu, xây dựng, công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan.
16. Chi văn phòng phẩm, các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác cải cách hành chính: Căn cứ chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Điều 5. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí
Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí đảm bảo công tác cải cách hành chính nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:
1. Lập dự toán
Căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước, các bộ, địa phương và các cơ quan liên quan cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện phù hợp yêu cầu thực tế của các bộ, địa phương và lập dự toán ngân sách thực hiện các dự án, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch cải cách hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tổng hợp chung trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình gửi các cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.
2. Chấp hành, sử dụng và quyết toán kinh phí
a) Việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí chi cho nhiệm vụ cải cách hành chính (bao gồm cả kinh phí xây dựng, thực hiện các đề án, dự án quốc gia) được thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ kế toán ngân sách nhà nước;
b) Cuối năm, kinh phí chi cho nhiệm vụ cải cách hành chính được tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, địa phương theo quy định hiện hành.
Điều 6. Tổ chức thực hiện[9]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Chế độ bồi dưỡng ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.[10]
2. Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Căn cứ mức chi thực hiện công tác cải cách hành chính quy định tại Thông tư này, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính quy định mức chi thực hiện công tác cải cách hành chính tại đơn vị mình và phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư sau:
- Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 05 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2019;
- Thông tư số 33/2022/TT-BTC ngày 09 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 05 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022 (sau đây gọi là Thông tư số 33/2022/TT-BTC).
Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư trên.
[2] Thông tư số 33/2022/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2019/TT-BTC).
[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[6] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.
[9] Điều 2 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022 quy định như sau:
“Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.”
[10] Nội dung “Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị quy định tại Thông tư này thực hiện đến hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi thực hiện theo quy định chung về chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” được thay thế bởi nội dung “Chế độ bồi dưỡng ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 33/2022/TT-BTC, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 08 năm 2022.