Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4679 /VBHN-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ THỂ THAO TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG BƠI, LẶN

Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về hoạt động chuyên môn của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn như sau[1]:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn đối với cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động bơi, lặn trong bể bơi tại Việt Nam.

Điều 3. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động

1. Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn là doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động theo thủ tục quy định tại Điều 55 của Luật Thể dục, thể thao.

2. Cơ sở thể thao khi tổ chức hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn bơi, lặn phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật Thể dục, thể thao và điều lệ giải thi đấu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện về cơ sở vật chất

1. Bể bơi:

a) Kích thước: Bể bơi được xây dựng có kích thước tối thiểu 8m x 18m hoặc có diện tích tương đương;

b) Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài trên 25m hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài đến 25m;

c) Thành bể, đáy bể sạch, gạch lát nền không nứt vỡ. Đối với bể nhảy cầu, đáy phải màu trắng.

2. Bục nhảy:

a) Chỉ được lắp bục xuất phát bơi đối với bể bơi có độ sâu tối thiểu 1,35m;

b) Đối với bể nhảy cầu, chiều sâu của bể ít nhất bằng nửa chiều cao tính từ mặt nước đến vị trí đặt bục nhảy.

3. Sàn: Sàn xung quanh bể bơi (kể cả khu vực vệ sinh và tắm tráng) phải phẳng không đọng nước, đảm bảo không trơn trượt.

4. Bồn nhúng chân:

a) Bồn nhúng chân đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể;

b) Chiều sâu bồn nhúng chân từ 0,15m - 0,2m;

c) Lát gạch tráng men và đủ nước, độ trong và độ clo dư tốt.

5. Có nhà tắm, nhà vệ sinh và phòng thay đồ.

6. Âm thanh, ánh sáng:

a) Âm thanh: Bể bơi phải có hệ thống âm thanh đủ công suất đảm bảo mọi khu vực trên mặt bể đều có thể nghe rõ những thông báo cần thiết;

b) Ánh sáng: Bể bơi hoạt động phải có hệ thống ánh sáng không nhỏ hơn 300 Lux ở mọi địa điểm trên mặt bể bơi. Khuyến khích có hệ thống đèn chiếu sáng dưới lòng bể.

7. Tiêu chuẩn về nước:

a) Đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể̀ bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất.

b) Đối với các bể̀ bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể̀ và hút cặn, bơm bù đủ nước.

c)[2]Nước bể bơi đáp ứng được mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình (Giới hạn tối đa cho phép II) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN02:2009/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2009/TT- BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể như sau:

TT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Giới hạn tối đa cho phép

Phương pháp thử

Mức độ giám sát

1

Màu sắc(*)

TCU

15

TCVN 6185 – 1996(ISO 7887 - 1985) hoặc SMEWW 2120

A

2

Mùi vị(*)

-

Không có mùi vị lạ

Cảm quan, hoặc SMEWW 2150 B và 2160 B

A

3

Độ đục(*)

NTU

5

TCVN 6184 - 1996

(ISO 7027 - 1990)

hoặc SMEWW 2130 B

A

4

Clo dư

mg/l

-

SMEWW 4500Cl hoặc US EPA 300.1

A

5

pH(*)

-

Trong khoảng 6,0 - 8,5

TCVN 6492:1999 hoặc SMEWW 4500 - H+

A

6

Hàm lượng Amoni(*)

mg/l

3

SMEWW 4500 - NH3 C hoặc

SMEWW 4500 - NH3 D

A

7

Hàm lượng Sắt tổng số (Fe2+ + Fe3+)(*)

mg/l

0,5

TCVN 6177 - 1996 (ISO 6332 - 1988) hoặc SMEWW 3500 - Fe

B

8

Chỉ số Pecmanganat

mg/l

4

TCVN 6186:1996 hoặc ISO 8467:1993 (E)

A

9

Độ cứng tính theo CaCO3(*)

mg/l

-

TCVN 6224 - 1996 hoặc SMEWW 2340 C

B

10

Hàm lượng Clorua(*)

mg/l

-

TCVN6194 - 1996

(ISO 9297 - 1989) hoặc SMEWW 4500 - Cl- D

A

11

Hàm lượng Florua

mg/l

-

TCVN 6195 - 1996

(ISO10359 - 1 - 1992) hoặc SMEWW 4500 - F-

B

12

Hàm lượng Asen tổng số

mg/l

0,05

TCVN 6626:2000 hoặc SMEWW 3500 - As B

B

13

Coliform tổng số

Vi khuẩn/ 100ml

150

TCVN 6187 - 1,2:1996

(ISO 9308 - 1,2 - 1990) hoặc SMEWW 9222

A

14

E. coli hoặc Coliform chịu nhiệt

Vi khuẩn/ 100ml

20

TCVN6187 - 1,2:1996

(ISO 9308 -1,2 - 1990) hoặc SMEWW 9222

A

Ghi chú: (*) Là chỉ tiêu cảm quan.

Các chỉ tiêu chất lượng nước bể bơi phải được kiểm tra, giám sát theo quy định. Cơ sở thể thao có trách nhiệm lưu mẫu nước (500ml) mỗi lần xét nghiệm ít nhất trong 5 ngày, kể từ ngày kiểm tra. Tài liệu mỗi lần kiểm tra phải lưu hồ sơ và cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

8. Y tế:

a) Có phòng y tế, có giường nghỉ cho người bị mệt và cấp cứu, có đủ cơ số thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu ngạt nước;

b) Đăng ký liên kết cấp cứu với cơ sở y tế gần nhất;

c) Tổ chức nhỏ thuốc mắt, mũi, lau khô tai cho những người tham gia tập luyện trước khi rời khỏi bể bơi.

9. Mật độ: 01 người/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1,0m) hoặc 01 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1,0m trở lên).

10. Đảm bảo các quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ theo quy định.

11.[3]Chế độ kiểm tra, giám sát chất lượng nước bể bơi trong thời gian hoạt động:

a) Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ A:

- Xét nghiệm ít nhất 01 lần/01 tháng do cơ sở thể thao thực hiện;

- Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/03 tháng do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

b) Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ B:

- Xét nghiệm ít nhất 01 lần/03 tháng do cơ sở thể thao thực hiện;

- Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

c) Giám sát đột xuất:

- Khi kết quả kiểm tra vệ sinh nguồn nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm;

- Khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh nguồn nước;

- Khi có các yêu cầu đặc biệt khác.

Việc thực hiện giám sát đột xuất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

d) Các chỉ tiêu có thể được xác định bằng phương pháp thử nhanh, sử dụng bộ công cụ xét nghiệm tại hiện trường. Các bộ công cụ xét nghiệm tại hiện trường phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

Điều 5. Điều kiện về trang thiết bị

1. Dây phao:

a) Dây phao dọc: Được căng dọc theo đường bơi cho các bể bơi có độ sâu từ 1,40m trở lên dùng cho các đối tượng đã biết bơi;

b) Dây phao ngang: Được căng ngang bể bơi để chia khu vực có độ sâu từ 1m trở xuống cho người chưa biết bơi ngăn với khu vực có độ sâu hơn 1m đối với bể bơi có độ sâu khác nhau.

2. Trang bị cứu hộ:

a) Sào cứu hộ: Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào cứu hộ dài 2,50m, sào cứu hộ được sơn màu đỏ - trắng, được đặt ở các vị trí thuận lợi trên thành bể dễ phát hiện để khi cần mọi người đều có thể sử dụng;

b) Phao cứu sinh: Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 chiếc phao cứu sinh được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ nhìn thấy;

c) Ghế: Ghế cứu hộ phải có chiều cao ít nhất 1,50m (tính từ mặt bể), được đặt ở hai bên thành bể để đảm bảo vị trí quan sát thuận lợi cho nhân viên cứu hộ.

3. Bảng biểu:

a) Bảng nội quy: Mỗi bể bơi phải có bảng nội quy đặt ở vị trí dễ đọc, dễ xem. Nội dung nội quy phải quy định rõ trách nhiệm của cơ sở thể thao hoạt động bơi, lặn; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tập luyện; quy định khuyến cáo những người không nên tham gia bơi, lặn như: người mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền qua tiếp xúc với nước bể bơi, người mắc các bệnh có nguy cơ cao dễ gây tai biến ảnh hưởng đến sức khoẻ theo chỉ định của bác sĩ, người uống rượu, ăn no, vừa làm việc quá mệt hoặc phơi ngoài nắng lâu; những người không được tham gia bơi, lặn; quy định về trang phục đối với người tập và các nhân viên làm việc tại bể bơi;

b) Biển báo: Trong khu vực bể bơi phải có đầy đủ các bảng báo hiệu đặt ở các hướng khác nhau và ở vị trí thuận lợi nhất cho việc quan sát và chỉ dẫn người sử dụng bể bơi;

c) Bảng báo hiệu khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 1m trở xuống) đặt trên thành bể sát khu vực cần khuyến cáo;

d) Bảng cấm: Thông báo cấm các hành vi như nhảy chúi cắm đầu ở khu vực bể bơi có độ sâu ít hơn 1,40m;

đ) Biển báo khác: Có các bảng thông báo nguy hiểm; độ sâu nguy hiểm, khu vực dành cho những người biết bơi, có độ sâu từ 1,50m; khu vực hạn chế đi lại, khu vực ưu tiên dành cho người khuyết tật, người già yếu; các bảng đề nghị giữ vệ sinh chung, tắm sạch trước khi xuống bể bơi.

Điều 6. Điều kiện về nhân viên chuyên môn:

1. Nhân viên cứu hộ:

a) Điều kiện:

- Phải đảm bảo có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện;

- Số lượng nhân viên cứu hộ phải đảm bảo tỷ lệ 200m2 bể bơi/nhân viên hoặc khi có đông người tham gia tập luyện phải đảm bảo tỷ lệ 50 người bơi/nhân viên;

- Nhân viên cứu hộ phải có chứng nhận chuyên môn cứu hộ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam cấp.

b) Yêu cầu đối với nhân viên cứu hộ:

- Nhân viên cứu hộ luôn ở tư thế sẵn sàng cứu hộ;

- Có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở người bơi thực hiện tốt nội quy của bể bơi về đảm bảo an toàn;

- Chọn vị trí ngồi không bị ngược sáng để quan sát, giám sát chặt chẽ khu vực được phân công;

- Phát hiện kịp thời mọi hiện tượng có biểu hiện đuối nước, tổ chức cứu hộ kịp thời và thông báo ngay với nhân viên y tế và cơ sở y tế gần nhất.

2. Nhân viên chuyên môn hướng dẫn tập luyện phải đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điểm 1 Mục I Thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Mỗi hướng dẫn viên chỉ được hướng dẫn tập luyện cho không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi, không quá 30 người trong một giờ học.

3. Nhân viên y tế: Trong thời gian bể bơi hoạt động, phải có nhân viên y tế thường trực có trình độ từ trung cấp trở lên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bơi, lặn trong bể bơi vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn trên địa bàn.

3.[4]Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bơi, lặn vi phạm các quy định tại Thông tư này.

Điều 8.Hiệu lực thi hành[5]

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ (để đăng tải);
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Sở VHTTDL;
- Lưu: VT, TCTDTT, PN(190).

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh

 



[1]Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao,

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn.”

[2]Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[3]Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[4]Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[5]Điều này được sửa đổi theo quy định tạiĐiều 2 Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởngBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 quy định như sau:

“Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.”