Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ[1]

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 69/2016/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ MUA BÁN NỢ

Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 84/2020/TT-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

Căn cứ Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.[2]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 69/2016/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP.

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Quy định chung về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

1. Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải thực hiện công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về vốn, quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp phải lưu trữ tài liệu đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Điều 4. Quy định đáp ứng điều kiện về vốn

Tại mọi thời điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Điều 5. Quy định đáp ứng điều kiện về quy chế quản lý nội bộ

1. Tại thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, tại thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn nợ, doanh nghiệp phải có quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, đảm bảo đầy đủ các nội dung tối thiểu quy định tại Khoản 5, Điều 8 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP.

Điều 6. Quy định đáp ứng điều kiện về người quản lý doanh nghiệp

Tại thời điểm được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, người quản lý phải có các hồ sơ sau:

1. Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận.

3. Bản cam kết với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về việc đáp ứng đầy đủ nội dung quy định tại các điểm a, điểm c, điểm d Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP.

Điều 7. Quy định về đáp ứng điều kiện bổ sung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ

Trước thời điểm kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, doanh nghiệp phải có:

1. Báo cáo tài chính được kiểm toán chứng minh đã kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch đạt ít nhất 500 tỷ đồng.

2. Bản chính thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch; hệ thống phần mềm quản lý, giám sát các giao dịch, trong đó bao gồm cả việc cung cấp, lưu trữ thông tin về các khoản nợ dự kiến được niêm yết trên sàn giao dịch.

3. Các hợp đồng lao động ký với ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp.

Điều 8. Chế độ báo cáo

1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính và trong trường hợp đột xuất, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tình hình kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phụ lục 01/BC ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định kỳ hàng quý và trong trường hợp đột xuất, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình cấp, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

3. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính và trong trường hợp đột xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về tình hình kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố cho Bộ Tài chính theo Phụ lục 02/BC ban hành kèm theo Thông tư này.

4.[3] Thời gian chốt số liệu và phương thức gửi báo cáo:

a) Thời gian chốt số liệu báo cáo quý, năm: Tính từ thời điểm bắt đầu lấy số liệu đến hết thời điểm kết thúc lấy số liệu (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định). Thời điểm bắt đầu lấy số liệu là ngày đầu tiên của quý, năm báo cáo (đối với số liệu lũy kế là ngày đầu năm báo cáo); thời điểm kết thúc lấy số liệu là ngày cuối cùng của quý, năm báo cáo.

b) Phương thức gửi báo cáo thực hiện theo một trong các phương thức sau:

- Gửi trực tiếp dưới hình thức văn bản giấy;

- Gửi qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức văn bản giấy;

- Gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng;

- Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

c) Nội dung, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo đột xuất thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 9. Điều khoản thi hành[4]

1. Hiệu lực thi hành

 Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 7 năm 2017.

2. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt động kinh doanh trước ngày Nghị định số 69/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành:

a) Chậm nhất vào ngày 01/7/2017, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoàn thiện các tài liệu chứng minh và công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

b) Trước ngày 01/7/2017, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Quang Hải

 

PHỤ LỤC 01

(Ban hành kèm theo Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2017 về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ)

I. Về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

STT

Danh mục

Đáp ứng điều kiện theo Nghị định số 69/2016/NĐ-CP

Ghi chú

1

Vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp

số tiền

 

2

Quy chế quản lý nội bộ về tổ chức

Có/Không

 

3

Quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Có/Không

 

4

Quy định về người quản lý

Tuân thủ/Không

 

5

Các quy định điều kiện bổ sung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ tại Điều 7 Thông tư này

Tuân thủ/Không

 

II. Báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh:

STT

Danh mục

Kỳ báo cáo

Lũy kế đến cuối kỳ báo cáo

Ghi chú

 

 

Số lượng

Giá trị (triệu đồng)

Số lượng

Giá trị

(triệu đồng)

 

1

Tổng số nợ mua

 

 

 

 

 

2

Tổng số nợ bán

 

 

 

 

 

3

Tổng số nợ tư vấn, môi giới đã thực hiện được

 

 

 

 

 

4

Tổng số nợ được giao dịch tại sàn giao dịch nợ

 

 

 

 

 

III. Về việc tuân thủ các quy định về pháp luật: Có vi phạm gì hay không, biện pháp khắc phục.

 

PHỤ LỤC 02

(Ban hành kèm theo Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2017 về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ)

I. Về tình hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn

1. Về tổng thể hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn

STT

Danh mục

Số lượng

Ghi chú

1

Số lượng công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn, trong đó:

 

 

 

Số lượng công ty kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ

 

 

 

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ

 

 

 

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ

 

 

2

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chấm dứt/dừng hoạt động trên địa bàn, trong đó:

 

 

 

Số lượng công ty kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ

 

 

 

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ

 

 

 

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ

 

 

3

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

 

 

4

Tổng số vốn đăng ký về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (tỷ đồng)

 

 

2. Về tình hình kinh doanh của các đơn vị

 

Danh mục

Kỳ báo cáo

Lũy kế đến cuối kỳ báo cáo

Ghi chú

1

Doanh nghiệp A:

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

 

 

Tổng số nợ mua (triệu đồng)

 

 

 

 

 

 

Tổng số nợ bán (triệu đồng)

 

 

 

 

 

 

Tổng giá trị nợ tư vấn, môi giới đã thực hiện được (triệu đồng)

 

 

 

 

 

 

Tổng giá trị nợ được giao dịch tại sàn giao dịch nợ (triệu đồng)

 

 

 

 

 

2

Doanh nghiệp B:…

 

 

 

 

 

3. Về các vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán nợ

(Báo cáo chi tiết những vấn đề phát sinh trên địa bàn, các vi phạm của các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, tình hình thực hiện các biện pháp khắc phục và xử phạt vi phạm theo thẩm quyền…).

II. Đề xuất, kiến nghị của địa phương

 



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư sau:

-  Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua  bán nợ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017.

-  Thông tư số 84/2020/TT-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 (Sau đây gọi là Thông tư số 84/2020/TT-BTC).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư nêu trên.

[2] Thông tư số 84/2020/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.”

[3] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 84/2020/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

[4] Điều 18 Thông tư số 84/2020/TT-BTC quy định như sau:

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.”