Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5/VBHN-BNV

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC BẦU, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM, ĐIỀU ĐỘNG, CÁCH CHỨC THÀNH VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN

Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020;

2. Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân[1].

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

2.[2]

Điều 2. Nguyên tắc xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được xác định theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quy định tại Nghị định này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng thêm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ, nhưng bảo đảm số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều động không quá một người.

Điều 3. Ủy viên Ủy ban nhân dân

1. Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy viên phụ trách quân sự và Ủy viên phụ trách công an ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Số lượng và các chức danh cụ thể của Ủy viên Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã gồm Ủy viên phụ trách quân sự và Ủy viên phụ trách công an ở cấp xã.

Điều 4. Nguyên tắc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân

1. Việc bầu thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

3. Trường hợp Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân được Hội đồng nhân dân bầu chức danh mới nhưng vẫn thuộc thành viên Ủy ban nhân dân cùng đơn vị hành chính đó thì không thực hiện thủ tục miễn nhiệm chức danh cũ trước khi bầu chức danh mới. Khi được bầu vào chức danh mới thì đương nhiên thôi thực hiện nhiệm vụ của chức danh cũ.

4. Việc bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này và quy định của cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ.

5. Kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này xem xét, phê chuẩn.

Điều 5. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Sở Nội vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Phòng Nội vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; đề nghị điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 6. Cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chương II

SỐ LƯỢNG PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN

Điều 7. Số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính

1. Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn

a) Tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

b) Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

c)[3] Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xã loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

2. Đối với đơn vị hành chính ở đô thị

a) Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

b) Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

c)[4] Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Điều 8. Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp

Khi nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xác định theo loại đơn vị hành chính cao nhất của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.

Điều 9. Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân khi chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp

Khi một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của các đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được xác định theo loại đơn vị hành chính cùng cấp loại III cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.

Điều 10. Số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân bảo đảm không vượt quá số lượng quy định tại các điều 7, 8 và 9 Nghị định này.

Chương III

QUY TRÌNH, THỦ TỤC BẦU, TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM, ĐIỀU ĐỘNG, CÁCH CHỨC THÀNH VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN

Mục 1. QUY TRÌNH, THỦ TỤC BẦU THÀNH VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN

Điều 11. Bầu thành viên Ủy ban nhân dân[5]

1.[6] Trình tự, thủ tục báo cáo trước khi bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ.

2. Trình tự, thủ tục bầu thành viên Ủy ban nhân dân

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân. Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.

b) Khi bầu thành viên Ủy ban nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này giới thiệu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

c) Ban kiểm phiếu bầu thành viên Ủy ban nhân dân gồm: Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên. Hội đồng nhân dân bầu Ban kiểm phiếu bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền ứng cử, đề cử người tham gia Ban kiểm phiếu.

d) Thành viên Ủy ban nhân dân trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành.

đ) Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại thành viên Ủy ban nhân dân ngay trong kỳ họp do Chủ tịch Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

3. Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc bầu thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.

4.[7] Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đang là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp thì không phải thực hiện lại quy trình bổ nhiệm người đó vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp; trường hợp đến thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại thì thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân theo quy định tại Nghị định này tại kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất

Điều 12. Thẩm định và phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gửi 02 bộ hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2.[8] Hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, gồm:

a) Tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân (kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề nghị phê chuẩn);

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xác nhận kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (kèm theo Biên bản kiểm phiếu kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân);

c) Bản sao Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân của người được giới thiệu bầu lần đầu;

d) Bản sao Quyết định hoặc văn bản thông báo ý kiến về nhân sự được giới thiệu bầu của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ (kèm theo bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu và Biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình nhân sự);

đ) Sơ yếu lý lịch theo mẫu hiện hành theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương do cán bộ tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận, đóng dấu theo quy định (có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng);

e) Bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của người được đề nghị phê chuẩn theo mẫu hiện hành do Chính phủ quy định và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ;

g) Kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định;

h) Bản sao Quyết định phân công, điều động, luân chuyển, kỷ luật gần nhất của cán bộ (nếu có);

i) Nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ (trong 03 năm gần nhất), của Chi ủy nơi cư trú, Chi bộ, Đảng bộ cơ quan nơi công tác (trong thời hạn 06 tháng);

k) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bầu. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định;

l) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền (trong thời hạn 06 tháng).

3.[9] Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ 02 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc.

4. Nội dung thẩm định gồm:

a) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục bầu quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này và nội dung hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) liên quan đến người được bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

5.[10] Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy định tại Điều 5 Nghị định này (kèm theo hồ sơ đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân), Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.

Mục 2. QUY TRÌNH, THỦ TỤC TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM, ĐIỀU ĐỘNG, CÁCH CHỨC THÀNH VIÊN ỦY BAN NHÂN DÂN

Điều 13. Từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân

1. Thành viên Ủy ban nhân dân nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể từ chức.

Đơn từ chức của Chủ tịch Ủy ban nhân dân được gửi đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp; đơn từ chức của Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân có đơn từ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân có đơn từ chức tại kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất.

Trường hợp không được Hội đồng nhân dân miễn nhiệm thì thành viên Ủy ban nhân dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

2. Hội đồng nhân dân miễn nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau đây:

a) Từ chức theo khoản 1 Điều này;

b) Được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác mà không thuộc diện điều động theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

c) Được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí, thôi việc;

d) Không được tín nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

3. Hội đồng nhân dân bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

b) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà chưa đến mức kỷ luật cách chức nhưng cần phải bãi nhiệm.

4. Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

5. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín thì thành lập Ban kiểm phiếu. Thành phần Ban kiểm phiếu và việc bầu Ban kiểm phiếu thực hiện như quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 11 Nghị định này.

6. Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành.

7. Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Điều 14. Thẩm định và phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Việc gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

2. Hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân gồm:

a) Văn bản đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân;

b) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

c) Biên bản biểu quyết hoặc kiểm phiếu kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;

d) Quyết định hoặc văn bản thông báo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

đ) Đơn từ chức trong trường hợp miễn nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

3.[11] Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ 02 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc.

4. Nội dung thẩm định gồm:

a) Điều kiện miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại các khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định này;

b) Việc tuân thủ trình tự, thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại các khoản 4, 5 Điều 13 Nghị định này và nội dung hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.

5.[12] Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thẩm định quy định tại Điều 5 Nghị định này (kèm theo hồ sơ đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân), Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

Điều 15. Điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Do yêu cầu nhiệm vụ và trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ.

2. Khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ.

Thủ tướng Chính phủ khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thì đồng thời quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

3. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân giữa 02 kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Nội vụ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã báo cáo Phòng Nội vụ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ ngày quyết định điều động, cách chức có hiệu lực và không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành[13]

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2016.

2. Các Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp, Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP và Nghị định số 36/2011/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2004/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp[14]

Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến khi Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 bầu ra Ủy ban nhân dân cùng cấp, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục giữ nguyên theo quy định của các Nghị định số 107/2004/NĐ-CP , Nghị định số 27/2009/NĐ-CP và Nghị định số 36/2011/NĐ- CP của Chính phủ. Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2016 - 2021, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành[15]

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà;
- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ (để đăng tải);
- Vụ Pháp chế (để cập nhật CSDLQG);
- Lưu: VT, CQĐP.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Thanh Trà

 



[1] Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ- CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.”

Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ- CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.”

[2] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[3] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[4] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[9] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[11] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[12] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

[13] Điều 2 của Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.”

Điều 2 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có hiệu lực từ ngày ký ban hành quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.”

[14] Điều 3 của Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định như sau:

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

Từ ngày Nghị định này có hiệu lực cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP.”

[15] Điều 4 của Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định như sau:

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”

Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân có hiệu lực từ ngày ký ban hành quy định như sau:

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”