Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8016/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2000/QH10 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình;

Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tiến tới xóa bỏ tình trạng hôn nhân không đăng ký, khuyến khích xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp[1],

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết về đăng ký kết hôn đối với:

a) Các trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký kết hôn;

b)[2] (được bãi bỏ)

2. Quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm cả các trường hợp giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam; các trường hợp giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam hoặc cả hai bên đều là người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

Người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam nói tại khoản này là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không được các nước khác thừa nhận có quốc tịch nước đó, đang làm ăn và sinh sống ổn định, lâu dài ở Việt Nam.

Điều 2. Khuyến khích đăng ký kết hôn và nghĩa vụ đăng ký kết hôn

1. Những trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, mà chưa đăng ký kết hôn, thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận tiện cho đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về thời gian.

2. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

Điều 3. Công nhận ngày hôn nhân có hiệu lực

Quan hệ hôn nhân của những người đăng ký kết hôn theo quy định tại Nghị định này, được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế. Ngày công nhận hôn nhân có hiệu lực phải được ghi rõ trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Điều 4. Miễn lệ phí đăng ký kết hôn

Việc đăng ký kết hôn đối với các trường hợp quy định tại Nghị định này được miễn lệ phí.

Chương II

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Điều 5. Thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của một trong hai bên, thực hiện việc đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp cả hai bên không có hộ khẩu thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu, thì ủy ban nhân dân cấp xã, nơi một trong hai bên đăng ký tạm trú có thời hạn, thực hiện việc đăng ký kết hôn.

2. Khi đăng ký kết hôn, các bên chỉ cần làm Tờ khai đăng ký kết hôn và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.

Trong Tờ khai đăng ký kết hôn, các bên ghi bổ sung ngày, tháng, năm xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế. Trong trường hợp vợ chồng không cùng xác định được ngày, tháng xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế, thì cách tính ngày, tháng như sau:

Nếu xác định được tháng mà không xác định được ngày, thì lấy ngày 01 của tháng tiếp theo;

Nếu xác định được năm mà không xác định được ngày, tháng, thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo.

Điều 6. Giải quyết việc đăng ký kết hôn đối với quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987

Trong trường hợp hai vợ chồng cùng thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại nơi đăng ký kết hôn, thì Ủy ban nhân dân thực hiện việc đăng ký kết hôn ngay sau khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp một trong hai bên không thường trú hoặc tạm trú có thời hạn tại nơi đăng ký kết hôn, nhưng Ủy ban nhân dân biết rõ về tình trạng hôn nhân của họ, thì cũng giải quyết đăng ký kết hôn ngay. Khi có tình tiết chưa rõ các bên có vi phạm quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng hay không, thì Ủy ban nhân dân yêu cầu họ làm giấy cam đoan và có xác nhận của ít nhất hai người làm chứng về nội dung cam đoan đó. Người làm chứng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của lời chứng.

Điều 7.[3] (được bãi bỏ)

Điều 8. Địa điểm đăng ký kết hôn

Để tạo điều kiện thuận tiện cho các bên kết hôn, việc đăng ký kết hôn có thể được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân hoặc tại thôn, bản, tổ dân phố theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 9. Công nhận con chung của vợ chồng

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn của các trường hợp quy định tại Điều 1 Nghị định này và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

Nếu trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con vẫn bỏ trống phần ghi về người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ để ghi bổ sung về người cha vào Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con, đồng thời gạch bỏ phần ghi chú "con ngoài giá thú" trong Sổ đăng ký khai sinh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[4]

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị định này.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, vận động, rà soát, lập danh sách các trường hợp cần đăng ký kết hôn theo quy định tại Nghị định này;

b) Tổ chức đăng ký kết hôn kịp thời, thuận tiện, chính xác cho những trường hợp quy định tại Nghị định này;

c) Xác nhận chính xác, kịp thời về tình trạng hôn nhân của các bên kết hôn, nếu được yêu cầu;

d) Bảo đảm cân đối kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành cho hoạt động đăng ký kết hôn nói tại Nghị định này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Thế Liên

 



[1] Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,”

[2] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.

[3] Điều này được bãi bỏ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.

[4] Điều 5 của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012 quy định như sau:

“Điều 5. Điều khoản thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”