Vàng cưới là tài sản riêng của vợ hay là tài sản chung của hai vợ chồng?
Ngày gửi: 03/11/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Hiện nay, việc tặng vàng trong lễ cưới không phải là điều hiếm gặp, tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây đó là số vàng, trang sức được tặng này thuộc tài sản chung hay riêng, có phải phân chia khi ly hôn hay không?1. Về căn cứ xác định và phân chia tài sản chung của vợ, chồng
Một là, về căn cứ xác định tài sản chung của vợ, chồng.
Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Theo đó, khi công dân có quyền sở hữu các tài sản thì các tài sản đó được công nhận là tài sản hợp pháp của họ. Vợ, chồng là những cá nhân và họ đương nhiên có các quyền đó. Khi có quyền sở hữu tài sản thì mới có thể tạo lập nên khối tài sản dù là tài sản chung hay tài sản riêng của cá nhân trong xã hội.
Thể chế hoá quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật dân sự năm 2015, Điều 213 quy định về sở hữu chung của vợ chồng:
“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này”.
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lại quy định khá cụ thể về chế định tài sản chung của vợ chồng:
1. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tà sản chung”.
Hai là, về căn cứ phân chia tài sản chung của vợ, chồng.
Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “ Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thoả thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này, nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Toà án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”. Như vậy, việc chia tài sản chung của vợ chồng có thể được giải quyết theo thoả thuận của vợ chồng hoặc thông qua con đường Toà án. Bên cạnh đó, thoả thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản, có công chứng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ chồng.
Tại Thông tư số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
(1) Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thoả thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thoả thuận được mà có yêu cầu thì Toà án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận hay theo luật định, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Toà án xử lý như sau: Trường hợp không có văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận hay theo luật định, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Toà án xử lý như sau:
(2) Khi giải quyết ly hôn, nếu có yêu cầu tuyên bố thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Toà án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
(3) Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Toà án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba và tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Toà án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Toà án hướng dẫn họ để giải quyết bằng một vụ án khác.
(4) Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn;
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự;
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Cách phân chia tài sản chung vợ chồng được tặng cho chung2. Vàng cưới là tài sản riêng của vợ hay là tài sản chung của hai vợ chồng?
Trường hợp thứ nhất, thời điểm được cha mẹ hai bên cho tiền, vàng trong ngày cưới khi chưa đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng như pháp luật hôn nhân gia đình trước đây thì hai người chưa là vợ chồng. Do đó chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng, chế độ tài sản vẫn là chế độ riêng của từng người.
Do đó, tiền, vàng mà cha mẹ hai bên cho vợ hoặc chồng là tài sản riêng của người đó, được tặng riêng trước khi kết hôn. Tuy nhiên vợ hoặc chồng phải chứng minh được tài sản này là do cha mẹ tặng riêng cho, không phải cho cả hai vợ chồng.
Trong trường hợp này, nếu hai vợ chồng kết hôn vào thời điểm trước khi Luật hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực mà số vàng vợ/chồng được cho dưới dạng bông tai, nhẫn, vòng cổ, trang sức… được coi là tư trang cá nhân. Do đó là tài sản riêng của người được cho, trừ trường hợp tại thời điểm cho, bố mẹ hai bên tuyên bố cho vợ chồng bạn để tạo dựng gia đình.
Nếu là vàng khâu, vàng miếng,… chưa được chế tác thành đồ trang sức thì người đó phải chứng minh đó là tài sản được cho riêng. Nghĩa vụ chứng minh là của người có yêu cầu. Nếu người đó không chứng minh được thì tiền, vàng này sẽ được coi là tài sản chung của hai vợ chồng.
Trường hợp thứ hai, thời điểm được cho vàng, trang sức hoặc tiền khi đã đăng ký kết hôn, các bên cần chứng minh được đây là tài sản được cha mẹ hai bên tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì thuộc sở hữu cá nhân người được nhận tài sản đó. Ngược lại, nếu không chứng minh được thì đó là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 3, Điều 33 luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nếu thời điểm các cặp vợ chồng kết hôn là sau khi luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực pháp luật thì theo Điều 43 của luật này thì tiền, vàng mà bố mẹ hai bên cho dù tồn tại dưới dạng gì, đã được chế tác thành đồ trang sức hay chưa vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng…
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691