Hệ thống pháp luật

Vị trí việc làm là gì? Xác định vị trí việc làm để tính lương thế nào?

Ngày gửi: 17/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38728

Câu hỏi:

Quy định mới nhất về vị trí việc làm của công chức, viên chức? Cách xác định vị trí việc làm của công chức và viên chức để tính lương theo quy định tại Nghị định mới nhất?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Xác định vị trí việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chính là cơ sở để cơ quan đơn vị có thể thực hiện sắp xếp các bộ phận trong một cơ quan tổ chức một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa góp phần thuận tiện hơn cho công tác quản lý nhân lực, đào tạo và bồi dưỡng nhân sự, công tác tuyển dụng, cũng như đánh giá và xây dựng chế độ quyền lợi với công chức viên chức. Hiện tại trong tương lai vị trí việc làm sẽ được xác định là cơ sở để tính lương. Từ năm 2021 sẽ căn cứ kết quả công việc để trả lương; theo đó mỗi ngành có một số  vị trí việc làm, trong mỗi vị trí xác định luôn mức lương riêng chứ không đều giữa mọi ngành như hiện nay.

1. Khái quát về vị trí việc làm

Theo cách hiểu chung Vị trí việc làm là một vị trí hoặc một chỗ làm việc trong một cơ quan, một tổ chức hay đơn vị mà tại đó, người làm việc thực hiện một công việc hoặc làm một nhóm những công việc mang tính ổn định và lâu dài, thường xuyên, có sự lặp đi lặp lại và có tên gọi theo chức danh và chức vụ cụ thể.

Vị trí việc làm được cấu tạo bởi 4 bộ phận bao gồm :

-Tên gọi vị trí việc làm (Chức vị)

-Nhiệm vụ và quyền hạn mà người đảm nhiệm vị trí việc làm cần phải thực hiện (chức trách)

-Yêu cầu về trình độ và kỹ năng về chuyên môn mà người đảm nhiệm vị trí việc làm phải đáp ứng (tiêu chuẩn).

-Tiền lương: tiền lương được trả tương ứng với chức vị, chức trách và chiêu chuẩn của người đảm nhiệm công việc.

Bên cạnh những bộ phận của vị trí việc làm thì còn có cách bộ phận khác hợp thành như là các chế độ áp dụng đối với những vị trí việc làm đặc biệt như yêu cầu chức trách, tiêu chuẩn và phụ cấp được hưởng, hoặc là các điều kiện để có thể đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ (các trang thiết bị tại nơi làm việc, quá trình phối hợp thực hiện).

Vị trí việc làm trong một cơ quan, tổ chức, các đơn vị có thể được phân loại như sau đây:

Phân loại theo chức danh, vị trí việc làm bao gồm các loại như sau:

-Các vị trí thực hành, thực thi (Theo chuyên môn, nghiệp vụ).

-Các vị trí hỗ trợ và phục vụ

Mỗi vị trí việc làm trong mỗi đơn vụ nhất định đều có bản mô tả công việc với những yêu cầu về phẩm chất, về trình độ và năng lực, cũng như sự hiểu biết tương ứng đối với một ngạch công chức cụ thể. Trong đó, một số vị trí công việc giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, còn lại là những vị trí việc làm mang tính thực thi và hỗ trợ, phục vụ.Thực tế, số lượng những vị trí thực thi và thừa hành, hỗ trợ, phục vụ nhiều hơn những vị trí lãnh đạo, quản lý.

Phân loại theo số lượng người đảm nhận vị trí việc làm, vị trí việc làm bao gồm các loại như sau:

-Vị trí việc làm do một người đảm nhận

-Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận

-Vị trí việc làm kiềm nhiệm

Xác định vị trí việc làm đặc biệt quan trọng, bản chất của nó chính là xem trong một cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người làm việc cho mỗi vị trí này để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vị trí việc làm được thể hiện dưới hình thức bản mô tả công việc và kung năng lực để có thể thực hiện công việc đó.

2. Vị trí việc làm khi là công chức, viên chức

Căn cứ theo khoản 3 điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây cũng là căn cứ để tuyển dụng, nâng ngạch và điều động công chức.

Bên cạnh đó căn cứ theo khoản 1, điều 7 Luật Viên chức năm 2010, vị trí việc làm với viên chức là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng.

Đây cũng là căn cứ để xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2, điều 2 Nghị định 41/2012 về vị trí việc làm của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và khoản 3, điều 3 Nghị định 36/2013 về vị trí việc làm của công chức có phân vị trí việc làm thành: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Qua quy định của pháp luật trong Luật viên chức 2010, và Luật cán bộ công chức 2008 thì ta có thể hiểu vị trí việc làm của công chức, viên chức là công việc gắn với chức danh của một người và phải căn cứ vào nó để tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức.

Căn cứ quy định nêu trên, có thể xác định vị trí việc làm của công chức và viên chức theo các tiêu chí sau: Về Nguyên tắc: Đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn; Mỗi vị trí gắn với một chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp nhất định…; Căn cứ xác định vị trí việc làm: Tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc; Mức độ phức tạp, quy mô công việc; Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin…; Về phương pháp: Tổng hợp…

Hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức. Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều kiện, mức lương khi nghỉ hưu trước tuổi với công chức

Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.Như vậy, căn cứ vào nhiều yếu tố để xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức nhưng nhìn chung việc xác định vị trí việc làm giữa công chức và viên chức đều giống nhau.

3. Xác định vị trí việc làm để tính lương 

Căn cứ theo quy định hiện tại, mức lương của công chức, viên chức trả theo hệ số lương và mức lương cơ sở và được tính theo công thức: Lương = hệ số x lương cơ sở. Trong đó, hệ số của từng ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức được quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Lương cơ sở là một con số cố định, tăng dần theo từng năm, là căn cứ để tính lương trong bảng lương, phụ cấp và một số chế độ khác của công chức, viên chức. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng việc xác định mức lương trả cho cán bộ, công chức được xác định theo công thức chung. Theo đó, việc thâm niên công tác và bằng cấp sẽ là yếu tố căn bản để xác định mức lương của cán bộ, công chức,viên chức hiện nay.

Cách tính lương theo quy định hiện hành mang tính chất bình quân, không có sự phân cấp, nên không làm nổi bật được năng lực của từng người công chức, viên chức, không thể hiện được sự phân cấp trong các ngạch công chức và viên chức. Việc trả lương mang tính chất cào bằng không tạo được sự cạnh tranh để thể hiện được năng lực làm việc của mỗi người.Đồng thời, trong Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng khẳng định việc xác định lương như hiện nay không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.Do đó, việc cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Về vấn đề này, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 27-NQ/TW  là: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng

Cùng với sự thay đổi về mặt tư duy pháp lý đó từ năm 2021 trở đi công chức, viên chức sẽ có hai bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Từ năm 2021 sẽ căn cứ kết quả công việc để trả lương; theo đó mỗi ngành có một số  vị trí việc làm, trong mỗi vị trí xác định luôn mức lương riêng chứ không đều giữa mọi ngành như hiện nay.

Sự thay đổi trong chính sách mới này là giúp chấm dứt tình trạng “cào bằng” trong trả lương. Không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, một người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được. Nếu người này  không đáp ứng được yêu cầu công việc thì không được bố trí nữa. Điều này làm tăng mức độ cạnh tranh trong công việc giúp người lao động cố gắng phá huy hết khả năng trong công việc.Do đó trong thời gian tới có thể những ngành vất vả sẽ được xếp vào một nhóm hưởng lương cao hơn. Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến của người lao động cho công việc, cho đơn vị. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn