Xếp ngạch lương đối với giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Năm 2010 tôi đăng ký thi tuyển làm giao viên ở Trung tâm Dạy nghề của huyện và đã trung tuyển. Tôi chỉ được xếp vào ngạch Kỹ thuật viên mã 13.096, ban đầu tôi không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Sau 1 thời gian dài đề nghị thì Uỷ ban nhân dân huyện đã có quyết định cho tôi được hưởng phụ cấp đó. Luật sư cho tôi hỏi ngạch tôi được sếp có đúng không? Tôi là giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp tôi muốn chuyển sang nghạch giáo viên dạy nghề được có không, mã ngạch thế nào và phải làm thủ tục gì? Tôi trân trọng cảm ơn!?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Thứ nhất, về vấn đề ngạch bạn được xếp có đúng không thì xin được trả lời bạn như sau. Do bạn không nói rõ chức danh nghề nghiệp cụ thể của bạn là gì, bạn được tuyển dụng vào giảng dạy hay giữ chức vụ gì, có trực tiếp đứng lớp hay không do đó, không có căn cứ trực tiếp để xác định ngạch chính xác của bạn. Bên cạnh đó, bạn có cung cấp bạn được cơ quan xếp vào ngạch Kỹ thuật viên mã 13.096, do đó, bạn có thể căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với ngạch kỹ thuật viên mã 13.096 để xác định xem bạn có được xếp đúng ngạch hay không.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT- BKHCN-BNV mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2016 vừa qua thì: "d) Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên (hạng IV), mã số V.05.02.08 đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kỹ thuật viên, mã số 13.096." Theo đó, với chức danh kỹ thuật viên đang có mã số 13.096 sẽ được chuyển sang mã V.05.02.08.
Tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với ngạch kỹ thuật viên mã V.05.02.08 hiện nay được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV như sau:
“Điều 11. Kỹ thuật viên (hạng IV) - Mã số: V.05.02.08
1. Nhiệm vụ:
a) Thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật, công nghệ thường xuyên, theo một quy trình cụ thể;
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý quy trình công nghệ trong phạm vi được giao theo sự hướng dẫn của chức danh công nghệ hạng cao hơn;
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được những nội dung cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ của ngành và đơn vị;
b) Có kiến thức lý thuyết cơ sở về một chuyên ngành kỹ thuật, có khả năng thực hành thông thạo các nhiệm vụ kỹ thuật thông thường được đảm nhiệm;
c) Nắm được các quy trình, quy phạm kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động.”
Như vậy, căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ trên đối với ngạch kỹ thuật viên, bạn có thể đối chiếu với nhiệm vụ cụ thể của bạn ở trung tâm dạy nghề, đối chiếu với trình độ chuyên môn, bằng cấp mà bạn có để có thể thấy rằng việc xếp ngạch như vậy có là đúng với bạn hay không.
Thứ hai, bạn cung cấp thông tin rằng bạn là giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp tôi muốn chuyển sang ngạch giáo viên dạy nghề được có không, mã ngạch thế nào và phải làm thủ tục gì.
Đầu tiên, bạn nói bạn là giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp thì bạn cần xác định căn cứ vào đâu để bạn nói như vậy, bạn cũng cần căn cứ vào tiêu chuẩn nghề nghiệp để đối chiếu xem mình có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để được xác định là giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp hay không. Do nếu bạn giữ chức vụ nghề nghiệp là giáo viên theo quy định của pháp luật thì bạn sẽ được xếp vào ngạch khác.
Tiếp theo, theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 thì chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay như sau;
“Điều 53. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp
1. Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
2. Nhà giáo trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên.
3. Chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp.
…”
Theo đó, là giáo viên tại trung tâm dạy nghề thì sẽ tương ứng có ba chức danh nghề nghiệp đó là giáo viên, giáo viên chính và giáo viên cao cấp và tương ứng với các chức danh sẽ có các ngạch lương theo quy định của pháp luật. Do không có quy định riêng đối với giáo viên dạy nghề, vì vậy, theo quy định tại Thông tư liên tịch 81/2005/TTLT-BNV-BTC hiện nay vẫn còn hiệu lực thì ngạch giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) áp dụng chung đối với các ngạch giáo viên cao cấp dạy nghề, giáo viên cao cấp trung học chuyên nghiệp, giáo viên cao cấp trung học phổ thông và giáo viên cao cấp trung học cơ sở; Ngạch giáo viên trung học (mã số 15.113) áp dụng chung đối với các ngạch giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung học chuyên nghiệp và giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên không có các chức danh nghề nghiệp mà bạn nhắc đến ở trên.
Bên cạnh đó, nếu bạn xác định chính xác được chức danh nghề nghiệp và mã ngạch viên chức của mình, trong trường hợp bạn muốn nâng ngạch hoặc chuyển ngạch thì điều kiện đầu tiên là bạn cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, các tiêu chuẩn nghiệp vụ mà ngạch mới yêu cầu. Theo quy định tại Luật viên chức 2010 thì việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bạn đạt đủ tiêu chuẩn và điều kiện xét chuyển loại viên chức, bạn có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691