Xử lý hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của công ty
Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Do cách làm ăn của công ty không tốt, sếp lại có tính nghi ngờ và đổ oan cho nhân viên, Mấy anh chị em trong công ty không hài lòng nên về nhà đã chat nhóm trên facebook với nhau về việc đó. Sự việc bị sếp phát hiện và chụp lại toàn bộ cuộc trò chuyện của anh chị em trong công ty. Sau đó sếp đã đuổi việc tất cả nhân viên với lý do nói xấu, bôi nhọ công ty và không trả lương cho nhân viên và dọa sẽ kiện. Em muốn hỏi là trong trường này nhân viên có bị coi là nói xấu công ty không? Nhân viên có quyền đòi lương không? Sếp có đủ tư cách và bằng chứng để kiện không ạ? Và trong trường hợp này nếu kiện thì nhân viên có thể bị xử lý như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự năm 2005
Bộ luật lao động 2012
2. Nội dung tư vấn
Về hành vi nói xấu, bôi nhọ uy tín của cá nhân, Công ty và trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."
Như vậy, việc nhân viên công ty bạn có những hành vi nói xấu những việc làm của Giám đốc công ty là hành vi không đúng với quy định pháp luật và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của hành vi nói trên mà có những chế tài xử lý cụ thể. Tuy nhiên, dưới góc độ nào thì người giám đốc công ty bạn cũng đều có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để giải quyết. Nếu có cơ sở, căn cứ pháp lý cụ thể, thiệt hại rõ ràng, Giám đốc công ty bạn đều có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo Điều 611 của Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."
Về vấn đề giám đốc không trả lương, cho nghỉ việc vì lý do nói xấu:
Hành vi xâm phạm danh dự, uy tín người khác của nhân viên công ty bạn có thể bị xem xét để tiến hành xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, Điều 128 Bộ luật lao động 2012 quy định rõ những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động:
"Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động."
Như vậy, theo quy định này, Giám đốc không chi trả lương cho người lao động là không đúng quy định. Bạn vẫn sẽ được trả lương đối với những ngày làm việc của mình.
Ngoài ra, Điều 38 của Bộ luật lao động 2012 quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
"a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này."
Như vậy, có thể thấy, Giám đốc ra quyết định cho toàn thể nhân viên vi phạm nghỉ việc là chưa có căn cứ pháp lý. Do đó, nhân viên bạn có quyền yêu cầu Công ty giải quyết quyền lợi cho mình. Nếu không thỏa thuận được, bạn có quyền làm đơn gửi đến Phòng lao động thương binh xã hội để hòa giải. Nếu hòa giải không thành, bạn có quyền làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi Công ty đóng trụ sở để giải quyết tranh chấp.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691