Hệ thống pháp luật

Xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác qua mạng facebook bị xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 11/08/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL41755

Câu hỏi:

Có 1 em nhỏ tuổi hơn mình, thấy mình xích mích với vài người bạn nên e đấy chửi hùa thậm chí còn căng hơn. Đến lúc mình với mấy bạn kia giả tỏa được xích mích rồi e đấy vẫn tiếp tục muốn chửi mình. Sau khi bị mình block e đấy tiếp tục lập nick mới để chửi bới mình, đào lên từng cái stt của mình để vào phần cmt chửi rủa. Chưa hết còn chụp lại trang facebook của mình cùng với cái status và đi tuyên truyền khắp nơi làm ảnh hưởng uy tín của mình. Mình đang trong thời gian ôn thi nên ít dùng các mạng xã hội. Không ngờ vừa lên đã thấy em ý rêu rao mọi người cứ đưa em ý 5k sẽ được 8 tiếng 1 đêm với mình thoải mái. Mình rất bất mãi với điều này vì mình hoàn toàn không phải cave hay đối tượng làm tình. Mà em ý đặt điều bôi nhọ, xúc phạm tới mình. Còn chưa kể nhiều người trên facebook không hiểu lại tin là thật và tìm đến mình. Mình mong muốn được luật pháp Việt Nam can thiệp vào.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1/ Cơ sở pháp lý:

-Hiến pháp năm 2013;

Bộ luật dân sự năm 2015;

–Bộ luật hình sự 2015

2/ Nội dung tư vấn

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác được hiểu là hành vi cố ý dùng ngôn ngữ, cử chỉ, hành động không đúng với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác, làm ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống, công việc của họ.

Theo quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 thì:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

Và Điều 34, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1.Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2.Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3.Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4.Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5.Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1.Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2.Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Trong trường hợp tố cáo đến cơ quan công an khi có đủ chứng cứ chứng minh có hành vi vi phạm thì bạn ấy có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hộ; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

Trong trường hợp cơ quan công an xét thấy hành vi vi phạm của bạn này đạt mức quá nghiêm trọng thì có thể khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác theo:

Một người cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị xúc phạm đó sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự căn cứ theo điều 155, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1.Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, đối với hành vi xúc phạm danh dự người khác nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khácNếu người em này sử dụng những từ ngữ và thông tin không đúng nhằm xúc phạm đến bạn thì bạn hoàn toàn có quyền tố cáo lên cơ quan chức năng để đảm bảo quyền và lợi ích cho mình.

Như vậy, theo luật định thì công dân được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín. Trong trường hợp của bạn thì em gái này có hành vi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của bạn, bạn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong trường hợp làm đơn khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hồ sơ phải có:

-Đơn khởi kiện (có thể đến tòa án xin);

-Các tài liệu, chứng cứ chứng minh có hành vi vi phạm ( như máy ghi âm, hình ảnh…)

-Bản sao chứng minh thư nhân dân ( có chứng thực);

-Bản sao sổ hộ khẩu (có chứng thực), trong trường hợp không có sổ hộ khẩu thì có thể xin giấy tạm trú có xác nhân của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang cư trú;

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn