Hệ thống pháp luật

Yêu cầu giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40995

Câu hỏi:

Luật sư có thể tư vấn giúp gia đình chúng tôi về việc sau: như các báo đã đưa tin về vụ thẩm phán tòa án nhân dân hành hung gia đình bố vợ cũ khiến bố vợ phải nhập viện cấp cứu ngày 13/11/2016 và ra viện ngày 22/11/2016. Bên viện chuẩn đoán chấn thương lồng ngực, gãy xương sườn số 6 bên trái. Khi trưng cầu cầu pháp Y thì bên phòng Pháp Y Hải Phòng không công nhận thương tích của bệnh viện. Như vậy gia đình chúng tôi phải làm sao?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Giám định tư pháp 2012

2. Nội dung tư vấn

Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp như sau:

"1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

Điều 29 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định Giám định bổ sung, giám định lại như sau:

"1. Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.

2. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này.

3. Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Theo quy định trên, người yêu cầu giám định tư pháp có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định lại theo quy định. Việc giám định lại thực hiện khi có căn cứ cho rằng kết luận giám định của Hội đồng giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, trong vụ án cố ý gây thương tích, nạn nhân được bệnh viện chuẩn đoán chấn thương lồng ngực, gãy xương sườn số 6 bên trái, nhưng khi trưng cầu pháp y thì bên Phòng Pháp Y Hải Phòng không công nhận kết quả của bệnh viện thì gia đình bạn có quyền yêu cầu bên Phòng Pháp y Hải Phòng tiến hành giám định lại.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn