BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/BC-BTP | Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2013 |
BÁO CÁO
TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2012 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC NĂM 2013
Năm 2012, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương về triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp ngày càng tích cực của Ngành Tư pháp.
Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư pháp triển, công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là công tác tư pháp) đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết “điểm nghẽn” trong công tác của Ngành. Báo cáo tổng kết này đánh giá toàn diện kết quả công tác tư pháp năm 2012 trên phạm vi toàn quốc, làm rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân cơ bản để từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2012
I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ
1. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính
1.1. Kết quả đạt được
a) Công tác tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, HĐND và UBND cấp tỉnh tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của nhiệm kỳ, năm qua toàn Ngành Tư pháp đã tập trung triển khai một cách bài bản, khoa học, bám sát các yêu cầu tổng kết của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, qua đó tham mưu giúp các bộ, ngành và địa phương hoàn thành Báo cáo tổng kết và các Báo cáo chuyên đề cơ bản đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 hoàn thành Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đánh giá là toàn diện, công phu, sâu sắc về các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương trong tổ chức quyền lực nhà nước. Công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được tiến hành một cách chặt chẽ với nhiều ý kiến có chất lượng, liên quan đến các vấn đề như xây dựng Nhà nước pháp quyền và tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cơ chế xử lý vi phạm Hiến pháp...
Bộ Tư pháp cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong năm 2013. Với việc tham mưu giúp các các cấp, các ngành hoàn thành việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tích cực tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ngành Tư pháp đã bước thêm một bước vững chắc trong việc khẳng định vị trí, vai trò của mình trong trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
b) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)
Xác định công tác xây dựng pháp luật là ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng VBQPPL phục vụ đắc lực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của ngành, địa phương, qua đó công tác này đã đạt một số kết quả tích cực. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và năm 2012, Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh và tích cực đôn đốc việc thực hiện. Chất lượng chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh đã được cải thiện; các bộ, ngành đã hoàn thành, trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 27 luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trong đó Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 05 luật, 02 pháp lệnh, 03 nghị quyết với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội soạn thảo đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô - Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học của cả nước.
Việc xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh ngày càng được chú trọng, khắc phục đáng kể tình trạng nợ đọng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trong nhiều năm qua. Tính đến hết tháng 11/2012, các bộ, ngành đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 200 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đạt 88% số văn bản phải ban hành. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị tốt cho Phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác này. Các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tập trung thực hiện, tính đến ngày 15/12/2012, các bộ, ngành đã trình 469 đề án trong chương trình công tác (đạt 75%) và 208 đề án ngoài chương trình, trong đó Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 48/51 văn bản (đạt 94,1%).
Công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương đã có những tiến bộ mới. Ngay từ đầu năm HĐND và UBND các cấp đều ban hành chương trình xây dựng VBQPPL, giao cho cơ quan tư pháp làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Kết quả năm 2012, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 3.852 VBQPPL nhằm thể chế hoá quy định pháp luật của Trung ương, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là sau vụ việc Tiên Lãng, một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã có những yêu cầu cụ thể hơn với cơ quan tư pháp về kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền.
c) Công tác thẩm định VBQPPL
Công tác thẩm định VBQPPL đã đi vào nề nếp, cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng quy định pháp luật, qua đó góp phần thể hiện rõ hơn vai trò “người gác cổng” trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Trung ương và địa phương. Trong năm, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 10.184 VBQPPL, trong đó tập trung vào các VBQPPL nhằm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp và các VBQPPL để thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nội dung thẩm định cơ bản xác đáng, làm cơ sở để cơ quan soạn thảo văn hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản, đồng thời là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương xem xét ban hành, phê duyệt, thông qua văn bản; nhiều trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự án luật, pháp lệnh được đại biểu Quốc hội sử dụng trong quá trình thảo luận các dự án này.
d) Công tác kiểm soát thủ tục hành chính
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai hiệu quả, hoàn thành việc đơn giản hoá hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hoá được 3.779 thủ tục hành chính trong tổng số 4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt 80%), góp phần thể chế hoá tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính trong các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền, hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Công tác đánh giá tác động đối với dự án, dự thảo VBQPPL có quy định về thủ tục hành chính được chủ động triển khai thực hiện gắn kết với hoạt động xây dựng, thẩm định văn bản theo hướng chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp, từng bước nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo VBQPPL. Năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức đánh giá tác động 1.432 thủ tục hành chính quy định tại 392 dự án, dự thảo VBQPPL, trong đó: bộ, ngành là 793 thủ tục hành chính tại 162 dự án, dự thảo; địa phương là 639 thủ tục hành chính tại 230 dự án, dự thảo.
Để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, gắn công tác cải cách thủ tục hành chính với công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp kể từ ngày 19/11/2012. Sau chuyển giao, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ sang tổ chức pháp chế; từ Văn phòng UBND cấp tỉnh sang Sở Tư pháp.
1.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn bị điều chỉnh nhiều (có 07 dự án luật bổ sung và 10 dự án luật phải điều chỉnh tiến độ); việc thực hiện một số dự án trong Chương trình còn chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng. Việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã chưa được kiểm soát chặt chẽ.
- Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục cơ bản, nhất là việc ban hành các thông tư, thông tư liên tịch; một số văn bản có nội dung quy định chi tiết chưa bám sát quy định của luật, pháp lệnh hoặc có quy định còn thiếu tính khả thi, hợp lý dẫn đến vướng mắc, kém hiệu lực trong triển khai thực hiện (chẳng hạn như quy định về thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong thời gian nhất định tại Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT). Việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng còn hạn chế.
- Chất lượng thẩm định còn hạn chế, tập trung về mặt pháp lý mà chưa chú trọng đúng mức đến khía cạnh kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản; tính khoa học, tính phản biện chưa cao. Tiến độ thẩm định cơ bản được bảo đảm, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao song vẫn còn tình trạng để chậm hoặc chưa dự báo được tính khả thi của văn bản (ví dụ: quy định xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại cây xăng theo Nghị định số 52/2012/NĐ-CP; quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP).
- Việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành chưa quyết liệt, còn chậm so với tiến độ đề ra, nhất là việc ban hành Thông tư sửa nhiều Thông tư liên quan đến thủ tục hành chính không bảo đảm đúng thời hạn. Thủ tục hành chính tuy đã được đơn giản hoá đáng kể song chưa được áp dụng triệt để, chưa hoàn toàn tạo ra tâm lý thoải mái, tích cực từ phía người dân.
b) Nguyên nhân
- Một số bộ, ngành chưa quan tâm chỉ đạo sát sao công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính; chưa có giải pháp phát huy vai trò đầu mối tham mưu, kiểm soát hoạt động xây dựng pháp luật của các cơ quan tư pháp, pháp chế; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa rà soát, thống kê thủ tục hành chính với xây dựng, thẩm định VBQPPL.
- Sự phối - kết hợp giữa Bộ Tư pháp với một số bộ, ngành, giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp chưa thật sự nhịp nhàng; việc chấp hành kỷ cương trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản tại một số bộ, ngành chưa nghiêm và chưa có sự quan tâm đúng mực của người đứng đầu cơ quan. Đối với việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan chưa kiên quyết đưa ra khỏi chương trình các dự án chưa rõ phạm vi điều chỉnh và nội dung không khả thi.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, nhất là còn tư duy pháp lý thuần tuý, chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Công chức tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, nhiều trường hợp chưa qua đào tạo về luật.
- Ngân sách phục vụ công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL chưa tương xứng, nhất là đối với các văn bản, đề án quan trọng (như dự án luật, pháp lệnh) làm hạn chế khả năng nghiên cứu, phân tích chính sách và khả năng mở rộng dân chủ thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân và của các chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình soạn thảo văn bản trước khi trình ban hành.
- Một số đơn vị chủ trì xây dựng văn bản chưa phối hợp tốt trong rà soát, công bố và sửa đổi, bổ sung các văn bản có quy định về thủ tục hành chính.
2. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật
a) Công tác kiểm tra VBQPPL
Công tác kiểm tra VBQPPL được các bộ, ngành, địa phương thường xuyên thực hiện, phát hiện và xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong việc xây dựng và ban hành văn bản. Năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 564.524 văn bản; qua kiểm tra, đã phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, trong đó có 1.394 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung (bằng 13,9% tổng số văn bản đã phát hiện có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp); các cơ quan ban hành văn bản đã xử lý xong 6.665 văn bản (đạt tỷ lệ 66,4% tổng số văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp). Công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp được tăng cường, tổ chức kiểm tra được một số lượng lớn văn bản, kịp thời phát hiện nhiều VBQPPL mới ban hành có sai sót và tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý, bảo đảm sự ổn định kinh tế - xã hội và quyền lợi người dân. Việc kiểm tra cơ bản bám sát trọng tâm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai... Để bảo đảm cho công tác kiểm tra VBQPPL được hiệu quả, nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành Quy định về kiểm tra và xử lý VBQPPL (13/20 bộ và 34/63 tỉnh, thành phố[1]), ban hành Quy định mức chi đặc thù đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL (20/63 tỉnh, thành phố[2]).
b) Công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL
Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai, đã phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, định kỳ công bố các VBQPPL hết hiệu lực, góp phần nâng cao tính minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Một số lĩnh vực pháp luật về đất đai, tài nguyên - môi trường, lao động, kinh doanh, hộ tịch… đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án luật có liên quan đến các lĩnh vực này. Việc rà soát các VBQPPL phục vụ việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nhân quyền cũng được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả… Để hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng của công tác rà soát, hệ thống hoá VBQPPL, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu VBQPPL. Triển khai thực hiện Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, các bộ, ngành cũng đang khẩn trương tổ chức thực hiện theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 28/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác này.
c) Công tác theo dõi thi hành pháp luật
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý đã bắt đầu đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả bước đầu; trong đó đã tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận như các lĩnh vực thuế, đất đai, tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước, bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm hành chính. Thể chế công tác theo dõi thi hành pháp luật cũng đã được hoàn thiện một bước với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong cả nước. Điểm đáng lưu ý là trong thời gian gần đây, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã có sự gắn kết hơn với công tác kiểm tra VBQPPL, bước đầu hình thành cơ chế đồng bộ cho việc theo dõi, phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện các VBQPPL bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả (Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ tạm dừng việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP).
Đồng thời với việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, các cơ quan Tư pháp, các tổ chức pháp chế cũng đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham gia giải quyết những vấn đề về pháp lý liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, những vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 ban hành Kế hoạch triển khai và danh mục 56 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành về việc thực hiện một số hoạt động đặc thù trong xây dựng và thẩm định các nghị định này nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng.
1.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Trong công tác kiểm tra VBQPPL, còn có văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Việc kiểm tra đối với VBQPPL của cấp huyện, cấp xã còn nhiều bất cập. Việc xử lý VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, hình thức xử lý chưa đúng theo quy định của Chính phủ.
- Việc rà soát văn bản để xử lý khi có văn bản pháp luật cấp trên mới được ban hành hoặc khi tình hình kinh tế - xã hội thay đổi còn chưa kịp thời, chưa thực chất; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu của việc rà soát thường xuyên; việc rà soát, hệ thống hóa thiếu sự liên thông, kết nối với xây dựng, thi hành pháp luật, chưa bảo đảm tính đồng bộ, nhất là giữa Trung ương và địa phương.
- Công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa tạo được chuyển biến mạnh, mang tính đột phá, vẫn còn lúng túng trong việc triển khai; chưa có sự gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra VBQPPL.
b) Nguyên nhân
- Thể chế công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ.
- Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; chưa chú trọng xử lý kịp thời văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định. Sự phối hợp trong kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là từ phía cơ quan ban hành văn bản còn nhiều hạn chế.
- Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản còn thiếu về số lượng, trình độ, năng lực chưa đồng đều.
3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở
3.1. Kết quả đạt được
a) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)
Thể chế công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện với việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác triển khai các hoạt động PBGDPL được các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo; hầu hết đã ban hành kế hoạch PBGDPL của năm và triển khai thực hiện có kết quả, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ được xác định trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Việc phổ biến, tuyên truyền các VBQPPL mới, các chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải, môi trường, nông nghiệp và nông thôn, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... được chú trọng, góp phần vào việc thực hiện tốt hơn các chính sách, quy định của Nhà nước[3]. Hình thức PBGDPL có nhiều đổi mới, trong đó mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai có hiệu quả ở nhiều bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, công chức và người dân (ví dụ Bộ Tài chính tổ chức Ngày pháp luật Tài chính). Một số địa phương có cách làm mới, hiệu quả như tuyên truyền pháp luật tại các phiên tòa lưu động (tại tỉnh Đồng Tháp), mô hình lồng ghép phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong sinh hoạt của các Chi bộ cơ sở (tại tỉnh Vĩnh Phúc).
Công tác báo chí của Ngành Tư pháp cũng được đổi mới về nội dung, hình thức, cung cấp khá đầy đủ, kịp thời các thông tin về hoạt động tư pháp, pháp luật. Chất lượng, tính thời sự và hàm lượng khoa học của các tin, bài, ấn phẩm phát hành ngày càng nâng cao, đi sâu vào các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên của Ngành (như tổng kết Hiến pháp, xây dựng các luật về giám định tư pháp, xử lý vi phạm hành chính, luật sư, công chứng...).
b) Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL)
Công tác TGPL được nâng cao về chất lượng, từng bước thu hút được sự tham gia của các ngành, các cấp, bảo đảm thông tin pháp luật và thông tin chung của Đảng, nhà nước được kịp thời, chính xác đến người nghèo, đối tượng chính sách. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng. Năm 2012, các Trung tâm TGPL đã thực hiện TGPL được 115.779 vụ việc cho 117.334 lượt người (tăng 13.5% số vụ việc và 14,1% số người so với năm 2011).
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ “về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020”, các Trung tâm TGPL nhà nước tại 21 tỉnh có huyện nghèo đã thực hiện 535 đợt TGPL lưu động tại 560 xã nghèo, tổ chức 5.087 đợt sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL với 131.274 người tham dự; phát hành 8.455 cuốn kỹ năng hòa giải cơ sở để cấp cho 8.432 Tổ hòa giải ở các huyện nghèo..., góp phần bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
c) Công tác hoà giải ở cơ sở
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Việc kiện toàn đội ngũ hòa giải viên được quan tâm hơn. Kết quả hoà giải thành trong toàn quốc năm 2012 đạt 77%, một số địa phương có kết quả hoà giải thành đạt tỷ lệ cao như: Cao Bằng (93%), Hà Giang (99%)... Dự án Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này cũng đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua trong kỳ họp tới.
3.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả; chưa tạo được sự chuyển biến lớn về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; chưa tạo được sự gắn kết giữa PBGDPL với thực hiện pháp luật. Việc triển khai mô hình “Ngày Pháp luật” của một số bộ, ngành còn chậm.
- Việc phát triển các mạng lưới tổ chức TGPL còn thiếu tính bền vững. Hiệu quả và chất lượng của một số hoạt động TGPL, nhất là TGPL trong tố tụng còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng.
b) Nguyên nhân
- Một số bộ, ngành còn chưa quan tâm đến công tác PBGDPL, nhất là phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
- Kinh phí, điều kiện bảo đảm cho hoạt động PBGDPL, TGPL và hòa giải cơ sở của các địa phương còn thiếu. Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp chưa hiệu quả. Hoạt động của các Câu lạc bộ Pháp luật còn chầm chừng.
- Chưa có sự hướng dẫn thống nhất, đồng bộ về việc tham gia tố tụng của Trung tâm tư vấn pháp luật và tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
4. Công tác hành chính tư pháp
4.1. Kết quả đạt được
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp tiếp tục được tăng cường và có những bước phát triển mới. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực này thường xuyên được rà soát nhằm đơn giản hoá và được niêm yết công khai tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân.
a) Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch
Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch dần đi vào nền nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội. Việc giải quyết các yêu cầu của người dân về đăng ký các sự kiện sinh, tử, kết hôn được thực hiện tốt (năm 2012, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 1.798.688 trường hợp (tăng 13% so với năm 2011), khai tử cho 411.151 trường hợp (tăng 4% so với năm 2011), đăng ký kết hôn cho 769.011 cặp (tăng 8% so với năm 2011)). Công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực (năm 2012 đã đăng ký được 12.213 trường hợp, tăng 1% so với năm 2011) không để xảy ra sai sót, bức xúc lớn. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được nhiều địa phương quan tâm, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam đang tiến hành xây dựng Đề án “một cửa” liên thông trong lĩnh vực hộ tịch, hộ khẩu và bảo hiểm y tế cho trẻ em sơ sinh. Công tác quản lý và lưu trữ dữ liệu hộ tịch bước đầu được một số địa phương quan tâm thực hiện. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo hoàn thành việc tổng kết công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, xây dựng dự án Luật Hộ tịch trình Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
b) Công tác chứng thực
Công tác chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký đã đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 25/01/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có hiệu lực. Trong năm 2012, các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã đã thực hiện chứng thực 65.779.033 bản sao, 2.971.541 chữ ký.
Việc hoàn thiện thể chế ở tầm luật nhằm giải quyết những bất cập đối với công tác này đang được khẩn trương thực hiện.
c) Công tác quốc tịch
Việc triển khai Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, nhất là việc rà soát, lập hồ sơ trình Chủ tịch nước cho nhập Quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 của Luật được triển khai kịp thời, cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, trình Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch đối với 3.556 người, góp phần đáp ứng mong mỏi của người dân, nhất là ở những khu vực biên giới (hiện còn 1.068 trường hợp đang tiếp tục được xử lý, trình Chủ tịch nước quyết định). Năm 2012, Chính phủ đã trình Chủ tịch nước giải quyết cho nhập quốc tịch đối với 2.767 trường hợp (tăng 971 trường hợp so với năm 2011), trong đó riêng tỉnh Kon Tum đã giải quyết hơn 1.000 trường hợp đã kéo dài nhiều năm nay. Việc giải quyết hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch được bảo đảm đúng quy định pháp luật, trong đó đáng lưu ý là số người xin nhập, xin trở lại quốc tịch có chiều hướng gia tăng so với trước đây (xin xem Biểu đồ 1).
d) Công tác quản lý về nuôi con nuôi
Thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi bao gồm cả con nuôi trong nước và con nuôi nước ngoài về cơ bản đã hoàn thành góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác này. Trong năm 2012, cả nước đã giải quyết được 2.362 trường hợp cho nhận con nuôi trong nước và 214 trường hợp cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài. Những vấn đề tồn đọng liên quan đến các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với nước ngoài trong lĩnh vực nuôi con nuôi trước đây cũng được tập trung giải quyết dứt điểm. Bộ Tư pháp đã tăng cường hợp tác, ký kết các hiệp định hợp tác song phương, biên bản ghi nhớ với một số quốc gia nhằm xây dựng cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em khi được giải quyết làm con nuôi người nước ngoài (chính thức ký bản ghi nhớ về việc áp dụng thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế giữa Cơ quan Trung ương của Việt Nam và Cơ quan Trung ương của Ai Len; xây dựng Lộ trình mở rộng hợp tác với các nước thành viên công ước Lahay). Đặc biệt, Chương trình thí điểm tìm mái ấm gia đình thay thế ở nước ngoài cho những trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được triển khai bước đầu có hiệu quả với 67 trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi người nước ngoài. Những chuyển biến tích cực này đã bước đầu khẳng định được niềm tin của các cơ quan nuôi con nuôi nước ngoài, các tổ chức quốc tế và sự hợp tác của Chính phủ các nước, cũng như củng cố hơn niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và xã hội đối với lĩnh vực nhạy cảm này.
đ) Công tác lý lịch tư pháp
Việc triển khai Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ. Việc kiện toàn tổ chức, nhân sự để làm công tác này được quan tâm hơn, trong đó có 05 Sở Tư pháp thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Phòng Lý lịch tư pháp, các Sở Tư pháp khác đã bố trí cán bộ làm công tác này. Công tác phối hợp trong tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ Tòa án, Công an và cơ quan tư pháp địa phương được tăng cường và ngày càng hiệu quả. Quy trình, thời gian giải quyết yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn (nhất là tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương), qua đó đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân. Năm 2012, các Sở Tư pháp đã lập hồ sơ lý lịch tư pháp của 138.511 người, cấp 147.279 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, tăng 15,4% so với năm 2011; Bộ Tư pháp tiếp nhận và cấp 73 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bước đầu được hình thành; hiện nay Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp đang được triển khai thử nghiệm tại hầu hết các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
e) Công tác bồi thường nhà nước
Việc hoàn thiện thể chế trong công tác bồi thường nhà nước đã được đẩy mạnh, nhiều thông tư liên tịch hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện và một số lĩnh vực chuyên môn đã được ban hành (THADS, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, quản lý và sử dụng kinh phí bồi thường), góp phần đưa một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa quyền công dân, quyền con người đi vào cuộc sống. Công tác giải quyết bồi thường cũng đạt được kết quả cụ thể, góp phần bảo đảm quyền lợi của người dân, tổ chức, đồng thời làm chuyển biến sâu sắc ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Năm 2012, các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết xong 22/53 vụ việc (đạt tỷ lệ 41,5%), với tổng số tiền bồi thường là 7 tỷ 096 triệu 153 nghìn đồng, trong đó, hoạt động phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất là tố tụng và quản lý hành chính.
Riêng trong lĩnh vực THADS, năm 2012, toàn Ngành đã thụ lý 24 vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đã giải quyết xong 06/24 việc, với số tiền đã bồi thường là 1 tỷ 518 triệu 379 nghìn đồng.
g) Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đã có bước chuyển biến tích cực với việc chuyển đổi từ phương thức đăng ký truyền thống sang phương thức đăng ký trực tuyến các giao dịch bảo đảm, qua đó góp phần đơn giản hoá, minh bạch thủ tục đăng ký và hạn chế tiêu cực. Năm 2012, các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm đã giải quyết 151.963 đơn yêu cầu đăng ký (giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2011); tổng số phí, lệ phí thu là 10 tỷ 410 triệu 215 nghìn đồng, giảm 8,95% so với cùng kỳ năm 2011 (trích nộp ngân sách nhà nước là 1 tỷ 561 triệu 532 nghìn đồng). Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo môi trường tín dụng an toàn, tích cực hỗ trợ quá trình luân chuyển nguồn vốn, khai thác tốt giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 13/11/2012 về việc tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm và đang phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị này.
4.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch còn nhiều bất cập. Việc thực hiện đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn để sai sót. Một số biểu hiện tiêu cực vẫn còn tiếp diễn, chưa được giải quyết triệt để. Một số trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc đã để xảy ra vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Việc lưu trữ hồ sơ hộ tịch còn thủ công, một số Sở Tư pháp chưa thực hiện đúng quy định về biểu mẫu hộ tịch.
- Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch của UBND cấp xã còn chưa bảo đảm chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tranh chấp; việc giải quyết mối quan hệ giữa thủ tục chứng thực với cơ chế một cửa còn chưa triệt để.
- Công tác triển khai Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Nuôi con nuôi còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc bố trí biên chế chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước chưa được quan tâm. Công tác phối hợp trong cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại một số địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc triển khai quy định của Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay còn chậm (như vấn đề đăng ký con nuôi thực tế, hợp tác với các nước là thành viên Công ước La Hay về nuôi con nuôi). Tại một số tỉnh vẫn tồn tại hiện tượng nhà chùa đăng ký con nuôi như Cà Mau (3 trường hợp), Hưng Yên, Sóc Trăng (45 trường hợp)… hoặc lạm dụng chính sách con nuôi để hưởng lợi như ở Quảng Nam (đã hủy bỏ 3 trường hợp).
- Các Phần mềm tra cứu quốc tịch, quản lý lý lịch tư pháp chưa được hoàn thiện; việc tra cứu, giải quyết hồ sơ quốc tịch còn thủ công làm chậm tiến độ giải quyết. Nhiều Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chưa thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch theo quy định.
b) Nguyên nhân
- Thể chế công tác quản lý và đăng ký hộ tịch chưa được hoàn thiện, các thủ tục, giấy tờ liên quan đến công dân còn rườm rà, phức tạp. Quy định pháp luật về chứng thực và các quy định khác liên quan còn chưa phù hợp.
- Nhận thức về ý nghĩa chính trị, pháp lý của việc triển khai các nhiệm vụ mới được giao trong các lĩnh vực lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước của một số địa phương còn chưa đầy đủ; một số cơ quan Tư pháp địa phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các nhiệm vụ này; sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành tại địa phương về công tác lý lịch tư pháp và nuôi con nuôi chưa chặt chẽ, kịp thời.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước còn bất cập; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp chưa được thực hiện đồng bộ.
5.1. Kết quả đạt được
Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tiếp tục bám sát định hướng đổi mới theo yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp và đạt được những kết quả cụ thể:
a) Công tác quản lý luật sư, hành nghề luật sư
Việc phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong năm qua đã tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng định hướng đã được xác định trong Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (xin xem Biểu đồ 2); hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tiếp tục được kiện toàn với việc thành lập Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu - Đoàn luật sư cuối cùng trong cả nước. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho cá nhân, tổ chức tăng cả về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng, góp phần tích cực bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Triển khai Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, đến nay nhiều địa phương đã thành lập được tổ chức Đảng của Đoàn luật sư. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong quản lý luật sư được tăng cường hơn so với trước. Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển nghề luật sư một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
b) Công tác công chứng
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng tiếp tục đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến nay, trên toàn quốc đã có 1.154 công chứng viên (tăng 25% so với năm 2011) đang hoạt động tại 631 tổ chức hành nghề công chứng, tăng 20 % so với năm 2011 (xin xem Biểu đồ 3). Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng nhưng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục phát huy hiệu quả, với việc thực hiện công chứng gần 2 triệu hợp đồng, giao dịch, trong đó chủ yếu là các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở; thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 32 tỷ đồng, qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện. Cùng với việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, việc quy hoạch các tổ chức này nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cũng đã được chú trọng thực hiện; Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Mô hình Hội công chứng ở Hà Nội đã tiếp tục được nhân rộng tại một số địa bàn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Hải Dương. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng bước đầu được một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng triển khai có hiệu quả.
c) Công tác bán đấu giá tài sản
Công tác bán đấu giá tài sản theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đạt kết quả tương đối tốt, nhất là việc bán đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất, góp tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách, thiết thực góp phần tiết kiệm, chống lãng phí. Đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố (trừ thành phố Đà Nẵng) đã chỉ đạo giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trong đó 20 tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế về bán đấu giá tài sản theo đúng quy định. Công tác phát triển đội ngũ đấu giá viên, các tổ chức đấu giá được tăng cường với khoảng 534 đấu giá viên hoạt động tại 532 tổ chức bán đấu giá tài sản. Theo báo cáo của 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2012, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã ký 15.891 hợp đồng bán đấu giá; tổ chức bán đấu giá thành công 11.160 cuộc với tổng giá trị tài sản đã bán là 21.727 tỷ 636 triệu 832 nghìn đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 3.055 tỷ 467 triệu 164 nghìn đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.157 tỷ 874 triệu 545 nghìn đồng.
d) Công tác giám định tư pháp
Trong lĩnh vực giám định tư pháp, việc triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” với nhiều giải pháp cụ thể đã góp phần đẩy mạnh công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao một bước hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp. Đến nay, trên cả nước có tổng số 3.599 giám định viên, trong đó có 624 giám định viên theo vụ việc; trong năm 2012, các tổ chức giám định đã giải quyết được 105.667 vụ việc, trong đó có 86.976 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động này cũng đã được cải thiện một bước. Đặc biệt, với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá, Luật Giám định tư pháp hứa hẹn góp phần giải quyết một cách cơ bản “điểm nghẽn” tồn tại nhiều năm qua trong công tác của Ngành.
đ) Công tác trọng tài thương mại
Năm 2012, Bộ Tư pháp đã cấp phép cho 02 Trung tâm trọng tài mới có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, nâng tổng số Trung tâm trọng tài hiện có ở Việt Nam là 09 Trung tâm. Trong năm, các Trung tâm trọng tài đã giải quyết thành công gần 100 vụ việc tranh chấp trong các lĩnh vực thương mại, trong đó một số Trung tâm lớn hoạt động tương đối hiệu quả, đã thu hút được sự tham gia của trọng tài viên nước ngoài có kinh nghiệm. Chất lượng hoạt động của các Trung tâm trọng tài đã từng bước được cải thiện, hứa hẹn một bước phát triển mới của hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, qua đó góp phần cải thiện mội trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
5.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Việc triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 còn chậm. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Chất lượng đội ngũ luật sư còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có đủ năng lực tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế còn rất thiếu. Ý thức rèn luyện về đạo đức của một bộ phận luật sư chưa cao, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề.
- Công tác công chứng phát sinh nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời; tình trạng giả mạo giấy tờ gia tăng. Việc bổ nhiệm công chứng viên, phát triển văn phòng công chứng chưa đồng đều, một số nơi có biểu hiện quá nóng như Hà Nội. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng có sự bất cập, một số địa phương chưa hoặc đã tạm dừng việc chuyển giao (Tây Ninh, An Giang); chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất về công chứng.
- Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; vẫn còn tình trạng các Hội đồng bán đấu giá cấp huyện tổ chức bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất; hiện tượng tiêu cực trong bán đấu giá tài sản chưa được giải quyết dứt điểm. Mặt khác, do sự "đóng băng" của thị trường bất động sản cũng đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương.
- Công tác giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn “điểm nghẽn” ở một số lĩnh vực giám định. Cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị của các tổ chức giám định, nhất là ở cấp tỉnh đa phần còn thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ giám định viên tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc giải quyết một số vụ án trọng điểm, đặc biệt là một số vụ án tham nhũng lớn bị kéo dài.
- Hoạt động trọng tài thương mại chưa phát huy hiệu quả so với kỳ vọng, số vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại còn khiêm tốn; các phán quyết của Trọng tài thương mại bị Toà án ra quyết định huỷ có chiều hướng gia tăng.
b) Nguyên nhân
- Một số địa phương chưa quan tâm phát triển đội ngũ luật sư, nhất là đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; chưa xây dựng được Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư trong việc quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; một bộ phận đội ngũ luật sư còn chưa chủ động, tích cực trong việc tự nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cũng như việc trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
- Một số quy định của Luật Công chứng, nhất là quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên còn bất cập, trong khi cơ chế để phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa hình thành. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa theo một quy hoạch thống nhất. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực sang các tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa phương còn cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế.
- Chưa có chính sách tôn vinh và đãi ngộ phù hợp để thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giám định còn chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
- Thể chế về hoạt động trọng tài thương mại còn có bất cập trong khi nhận thức và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ, bảo đảm thi hành các phán quyết của trọng tài thương mại còn chưa đầy đủ; chất lượng đội ngũ trọng tài viên chưa cao.
6. Công tác Thi hành án dân sự (THADS)
6.1. Kết quả đạt được
Việc kiện toàn tổ chức, cán bộ các cơ quan THADS cơ bản đã hoàn thành. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác THADS được quan tâm thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với chấp hành viên, cán bộ làm công tác THADS.
Trong năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, song công tác THADS tiếp tục có chuyển biến tích cực. Mặc dù tổng số việc và tiền phải thi hành đều tăng so với năm 2011 nhưng các cơ quan THADS đã nỗ lực phấn đấu thi hành xong số việc, tiền nhiều hơn và đạt tỷ lệ cao hơn năm 2011, vượt chỉ tiêu về việc và tiền đề ra (đạt 88,58% về việc và 76,98% về tiền - xin xem Biểu đồ 4). Công tác phân loại án được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kết quả phân loại về việc có tiến bộ hơn so với năm trước. Công tác phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ THADS giữa Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, chặt chẽ hơn, nhất là việc chỉ đạo Tòa án nhân dân và cơ quan THADS địa phương rà soát, giải thích các nội dung án tuyên không rõ hoặc khó thi hành. Công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS được các địa phương quan tâm thực hiện, đến nay 63/63 Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh và hầu hết Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn, qua đó kịp thời cho ý kiến và chỉ đạo các ban, ngành của địa phương tham gia phối hợp thi hành án, bảo đảm đúng kế hoạch và đạt kết quả.
Trong công tác thi hành án hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 với nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác này. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được kiểm soát tương đối tốt và dần đi vào nền nếp, trong đó đáng lưu ý là sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý một số vụ về thi hành án kéo dài hàng chục năm. Việc thí điểm Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực. Chính phủ cũng đã chỉ đạo hoàn thành tổng kết việc thí điểm chế định này tại thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này đến năm 2015.
Trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan THADS đã được quan tâm thực hiện theo Quyết định số 440/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh (58/63 trụ sở và 46/63 kho vật chứng của Cục THADS đã hoàn thành đưa vào sử dụng).
6.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều, nhất là về tiền (229.714 việc và trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7 nghìn tỷ so với số năm 2011 chuyển sang năm 2012); kết quả phân loại án về giá trị có điều kiện thi hành còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số phải thi hành (31,09%); chưa hoàn thành chỉ tiêu giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau.
- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với công tác THADS mặc dù đã có tiến bộ, nhưng có lúc, có nơi còn thiếu kịp thời, chưa quyết liệt, nhất là việc khắc phục những tồn tại hạn chế về nghiệp vụ thi hành án; công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết một số công việc liên quan đến THADS hiệu quả còn chưa cao.
- Khiếu nại, tố cáo về THADS tiếp tục tăng so với năm 2011; một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.
- Công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn những hạn chế; số công chức trong Ngành vi phạm, bị xử lý kỷ luật, nhất là các trường hợp vi phạm, bị khởi tố hình sự tăng so với năm 2011. Tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở một số cơ quan THADS gây bức xúc trong dư luận chưa được giải quyết dứt điểm.
- Cơ sở vật chất, kho vật chứng một số đơn vị còn chật hẹp, khó khăn; vẫn còn trên 200 trụ sở các Chi cục THADS chưa được xây dựng hoặc thiếu trên 30% diện tích theo định mức, 540 đơn vị chưa được đầu tư xây dựng kho vật chứng.
b) Nguyên nhân
- Tổng số việc và tiền phải thi hành đều tăng so với năm 2011, trong khi đó, tình hình kinh tế gặp khó khăn nên nhiều trường hợp đương sự phải thi hành án không có điều kiện thi hành; bên cạnh đó, nhiều vụ án hình sự với số tiền phạt lớn, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có điều kiện thi hành án.
- Việc bán đấu giá nhà ở, quyền sử dụng đất gặp khó khăn; một số quy định của pháp luật có liên quan còn bất cập; cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho việc xác minh, xử lý tài sản thi hành án...
- Vẫn còn tồn tại các vụ việc án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành; một số bản án, quyết định đã thi hành xong nhưng sau đó bị án giám đốc thẩm xử lý huỷ bỏ, gây khó khăn cho việc xử lý hậu quả; bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực thi hành nhưng một số cơ quan, đơn vị có liên quan không đồng tình, dẫn đến cơ quan THADS gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành; ngày càng có nhiều trường hợp đương sự lợi dụng quyền công dân, khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp nhằm gây khó khăn và kéo dài việc THADS.
- Đội ngũ công chức THADS còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đội ngũ lãnh đạo một số cơ quan THADS địa phương còn hạn chế về năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và chưa thực sự quyết liệt trong điều hành. Kỷ cương, kỷ luật công vụ của một bộ phận công chức sa sút dẫn đến vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật.
- Vẫn còn một số ít cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác THADS; chưa tích cực, chủ động nghe cơ quan THADS báo cáo những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Công tác phối hợp liên ngành để xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau phải qua nhiều khâu, nhiều đầu mối, phải trao đổi, bàn bạc và chỉnh lý nhiều lần, dẫn đến chưa bảo đảm tiến độ, cá biệt có việc chưa nhận được sự đồng thuận cao nên trong thời gian khá dài chưa được giải quyết dứt điểm.
7. Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý
7.1. Kết quả đạt được
a) Công tác xây dựng Ngành, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ
- Thể chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp đã được chú trọng thực hiện với việc xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP; xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV; ban hành và tổ chức thực hiện các Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020, Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ngành Tư pháp. Ngày 28/11/2012, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có Nghị quyết số 152-NQ/BCSĐ về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn của đội ngũ công chức trong quy hoạch lãnh đạo. Công tác cán bộ đã chú trọng hơn tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, kể cả cán bộ ở tầm chiến lược, trong đó ưu tiên cán bộ nữ (hiện nay tỷ lệ cán bộ, công chức nữ ở Bộ Tư pháp được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp Vụ chiếm tỷ lệ 36,36%, cấp Phòng chiếm tỷ lệ 56,52%; 26/33 đơn vị thuộc Bộ đạt tỷ lệ 30% cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ Lãnh đạo chủ chốt).
Tổ chức bộ máy và nhân sự của Ngành Tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Năm 2012, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành Tư pháp là trên 33.000 biên chế, trong đó cơ quan Bộ Tư pháp có 1.577 biên chế (chiếm gần 5%), các cơ quan tư pháp địa phương có 18.909 biên chế[4] (chiếm 57%), các cơ quan THADS địa phương có 8.989 biên chế (chiếm 27%), các tổ chức pháp chế ở Trung ương và địa phương có khoảng trên 3.600 biên chế (chiếm khoảng 11%). Kết quả trên cho thấy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm hơn việc bố trí biên chế công tác tư pháp. Tổ chức bộ máy của nhiều Sở Tư pháp đã được kiện toàn theo hướng chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực hoạt động. Tỷ lệ cấp xã bố trí được 02 cán bộ trở lên chiếm 34% tổng số cấp xã trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đã bố trí gần đủ 02 công chức tư pháp - hộ tịch ở các cấp xã. Trình độ, cán bộ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Tư pháp ở địa phương được nâng cao một bước (xin xem Biểu đồ 5).
Để triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát, kiện toàn các tổ chức pháp chế. Đến nay, ngoài Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó 18/21 Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ pháp chế; Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao do đặc thù nên tên gọi của tổ chức pháp chế có sự khác nhau, Văn phòng chính phủ là Vụ Pháp luật, Bộ Ngoại giao là Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế. Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, một số đã thành lập Phòng pháp chế hoặc lồng ghép công tác pháp chế với công tác thanh tra, tổng hợp trong cơ cấu cấp Phòng/ban.
Ở các Tổng cục và tương đương, các Cục trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có tổ chức pháp chế chuyên trách (Vụ, Phòng pháp chế) hoặc giao công tác pháp chế cho văn phòng làm đầu mối thực hiện. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế ở trung ương có khoảng 500 người, trong đó 480 cán bộ chuyên trách. Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã làm tốt công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế như Bộ Công an (65 biên chế), Bộ Tài chính (38 biên chế), Bộ Công thương (32 biên chế), Ngân hàng nhà nước (30 biên chế)...
Ở địa phương, đã thành lập được khoảng 200 Phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó 7/63 địa phương đã ban hành quyết định thành lập được từ 14 Phòng Pháp chế trở lên; 24/63 tỉnh, thành phố mới chỉ thành lập, kiện toàn được một số Phòng pháp chế và đang tiếp tục thực hiện. Tổng số cán bộ làm công tác pháp chế ở địa phương là gần 2.000 cán bộ, trong đó có khoản hơn 400 cán bộ chuyên trách.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng bám sát hơn với nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với Chiến lược phát triển chung của Ngành. Bộ Tư pháp đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Quảng Bình, Sơn La thành lập các Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc - hoàn thành việc thành lập 05/05 trường trung cấp luật tại 05 khu vực của cả nước, tạo cơ sở triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực pháp luật trên toàn quốc.
Công tác tổ chức tuyển sinh, đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp tiếp tục được triển khai đúng quy định, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Năm 2012, Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức tốt nghiệp cho hơn 3.000 sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo; Học viện Tư pháp đã tổ chức tốt nghiệp cho 3.190 học viên về các nghiệp vụ: thẩm phán, chấp hành viên, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên. Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học chuyên ngành Luật nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn về nguồn cán bộ pháp luật cho toàn xã hội.
Năm 2012, trụ sở làm việc của các Trường Đại học Luật, Học viện Tư pháp và các Trường Trung cấp Luật cũng được quan tâm bố trí đầu tư, bảo đảm tốt hơn cơ sở vật chất đào tạo pháp luật.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp trong toàn Ngành được triển khai bài bản và sát với yêu cầu chuyên môn, trong đó đã tập trung vào việc triển khai luật và các VBQPPL vừa có hiệu lực trong năm 2012. Bộ Tư pháp cũng đã chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác cho các cơ quan tư pháp địa phương, pháp chế các bộ, ngành về các lĩnh vực như: bồi thường nhà nước, TGPL, PBGDPL, văn phòng, đăng ký giao dịch bảo đảm, xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản, hội nhập quốc tế và các kỹ năng mềm..., đặc biệt đã hoàn thành việc tổ chức tập huấn chuyên sâu cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ tiếp tục tổ chức cho 22 tổ chức pháp chế bộ, ngành về công tác theo dõi thi hành pháp luật trong năm 2012, qua đó góp phần nâng cao năng lực, kiến thức thực tiễn cho cán bộ, công chức của Ngành.
b) Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý
Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý đã có những đóng góp thiết thực cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, nhất là trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết số 48-NQ/TW, 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn quản lý nhà nước về công tác tư pháp đặt ra trong năm, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển Ngành; cho ý kiến đối với nhiều dự án luật do Ngành chủ trì soạn thảo như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình ... Trên cơ sở Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2016 và Thông báo số 02 về việc phân công trách nhiệm chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác tư pháp giai đoạn 2012 - 2016 và tổ chức nghiên cứu, thực hiện bài bản, kịp thời các nhiệm vụ được phân công; tích cực tham gia vào các đề án lớn liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và xây dựng chuyên đề về cải cách tư pháp theo yêu cầu của Hội đồng lý luận Trung ương.
7.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Hệ thống các cơ quan, đơn vị trong Ngành Tư pháp tuy được quan tâm kiện toàn, củng cố tuy nhiên, việc kiện toàn củng cố này còn mang tính chất tình thế, chưa có tính chiến lược, quy hoạch dài hạn; chưa phù hợp với các quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương, đặc biệt là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn rất thiếu (còn khoảng 66% số xã mới chỉ bố trí 01 công chức) và năng lực còn hạn chế, thậm chí chưa có chuyên môn về pháp luật trong khi phải đảm nhiệm nhiều công việc. Một số cấp xã tuy được giao 2 biên chế thực hiện nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch nhưng phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác về công an, quân sự, kiểm tra của Đảng, nhất là một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng còn sử dụng biên chế tư pháp - hộ tịch để bố trí Phó trưởng Công an xã, Phó Chỉ huy Quân sự xã.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ngành Tư pháp còn chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, vẫn còn 24,5% cán bộ chưa có trình độ chuyên môn luật, đặc biệt là Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch.
- Lực lượng làm công tác pháp chế còn mỏng, chưa được kiện toàn đủ theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, nhất là ở địa phương vẫn chưa được bổ sung biên chế pháp chế, 32/63 tỉnh chưa thành lập được Phòng Pháp chế. Trong số 2000 cán bộ pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có gần 80% cán bộ phải kiêm nhiệm công việc khác. Trình độ cán bộ còn bất cập, trong đó 20% cán bộ pháp chế của các bộ, ngành và 60% cán bộ pháp chế ở các địa phương chưa có trình độ cử nhân luật.
- Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành còn chậm đổi mới về nội dung, phương pháp bồi dưỡng gắn với thực tiễn công tác cấp cơ sở, dẫn đến hiệu quả không cao. Công tác đào tạo các chức danh tư pháp chưa được triển khai đầy đủ đối với các nghề thẩm phán, kiểm sát viên. Công tác phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn pháp luật đối với cán bộ, công chức chưa được triển khai thực hiện.
- Một số nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra; một số chủ trương lớn liên quan đến công tác tư pháp tuy đã được triển khai nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể (như: xây dựng Đề án thống nhất quản lý công tác thi hành án, đào tạo chung các chức danh tư pháp).
b) Nguyên nhân
- Một số cấp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế dẫn đến việc chưa quan tâm kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác này. Công tác tham mưu xây dựng thể chế của Ngành chưa gắn với điều kiện, khả năng tổ chức thực hiện.
- Chế độ đãi ngộ và điều kiện bảo đảm cho cán bộ tư pháp và pháp chế còn nhiều khó khăn, nhất là đối với cán bộ trẻ; chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế chưa được ban hành. Chưa có cơ chế phù hợp để thu hút, giữ chân cán bộ giỏi.
- Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong đào tạo các chức danh tư pháp chưa thực sự bài bản, đúng kế hoạch, nhất là một số trường hợp chưa đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên và pháp luật.
- Một số bộ, ngành còn chưa có sự thống nhất về nhận thức, băn khoăn về tính khả thi khi triển khai một số chủ trương cải cách tư pháp theo Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 dẫn đến việc chậm hoàn thiện văn bản, đề án hoặc đã được ban hành song gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
8. Công tác pháp luật quốc tế; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
8.1. Kết quả đạt được
a) Công tác pháp luật quốc tế
Công tác đàm phán các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế được các bộ, ngành quan tâm triển khai, bảo đảm đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 84/NQ-CP về việc phân công cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện một số công việc về điều ước quốc tế; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổng kết việc thi hành Pháp lệnh về thoả thuận quốc tế; đã góp ý 370 điều ước quốc tế, thẩm định 86 điều ước quốc tế và cấp 61 ý kiến pháp lý cho các khoản vay, dự án BOT, BT và BTO phục vụ việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ xây dựng Đề án tổng thể về giải quyết tranh chấp đầu tư; tích cực tham gia giải quyết một số tranh chấp quốc tế về thương mại và đầu tư như Southfork (tỉnh Bình Thuận), dự án bệnh viện thận và lọc thận quốc tế, dự án Đông Tây (Thành phố Hồ Chí Minh); tham gia giải quyết các vấn đề pháp lý quốc tế liên quan đến tái cơ cấu Vinashin...
b) Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tư pháp tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, theo đúng các nguyên tắc và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, không có biểu hiện bị tác động bởi âm mưu "diễn biến hòa bình". Thông qua các hoạt động hợp tác với nước ngoài về tư pháp và pháp luật, một mặt đã góp phần hỗ trợ tích cực vào quá trình hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, giúp Việt Nam tiếp cận với thể chế kinh tế thị trường, mặt khác còn giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật, về cải cách hành chính và cải cách tư pháp của Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng. Năm 2012, Bộ Tư pháp đã chuẩn bị tốt nội dung phục vụ đoàn cán bộ cao cấp của Chính phủ khảo sát về kinh nghiệm xây dựng, sửa đổi hiến pháp tại Nhật Bản; đồng thời mở ra phương hướng hợp tác mới Nam - Nam với Xri-lan-ca để bước đầu gắn kết hơn trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Việc kết nối lại, phát triển quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp với Bộ Tư pháp một số nước ở Đông Âu và khu vực châu Mỹ Latinh, thiết lập mới quan hệ hợp tác với một số nước Tây Âu được đẩy mạnh. Năm 2012, Bộ Tư pháp đã ký kết 09 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp và pháp luật, qua đó hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thực hiện những nhiệm vụ mang tính chiến lược, dài hạn của Bộ, Ngành Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 30 năm hợp tác tư pháp Việt - Lào, qua đó vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với nước láng giềng ngày càng trở nên hiệu quả, thiết thực, góp phần giữ vững an ninh bỉên giới và ổn định khu vực.
Đối với công tác tương trợ tư pháp, năm 2012 đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực công tác này với việc chuyển từ hợp tác song phương sang hợp tác khu vực và đa phương. Bộ Tư pháp đã hoàn tất các thủ tục chính thức xin gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; ở tầm khu vực, với vai trò là quốc gia đề xuất sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài.
Công tác ủy thác tư pháp về dân sự đã đi vào nền nếp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC hướng dẫn một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này; tiến độ thực hiện ủy thác cũng đã được thực hiện nhanh hơn; số lượng các hồ sơ ủy thác tư pháp có sai sót về thủ tục đã giảm đáng kể.
Từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2012, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc 2.690 hồ sơ ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại, trong đó Bộ đã chuyển 1512 hồ sơ ủy thác tư pháp tới các cơ quan nước ngoài để giải quyết và đã nhận kết quả gửi về đối với 246 hồ sơ (đạt tỷ lệ 16,2%), trả lại 400 hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền trong nước hoàn thiện; gửi 206 hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để thực hiện và đã nhận được kết quả giải quyết 101 hồ sơ (đạt tỷ lệ 45,7%), trả lại 08 hồ sơ để phía nước ngoài hoàn thiện.
8.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Việc tham gia góp ý, thẩm định một số điều ước quốc tế còn hạn chế về chất lượng và chưa bảo đảm tiến độ. Công tác cấp ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nhân danh Nhà nước và Chính phủ cũng như các hợp đồng vay có bảo lãnh Chính phủ trong một số trường hợp còn lúng túng do quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này còn bất cập so với yêu cầu thực tế. Hoạt động giải quyết tranh chấp quốc tế còn chưa bài bản, thụ động.
- Hợp tác quốc tế về pháp luật còn thiếu tính toàn diện, chưa có định hướng mang tính chiến lược và dài hạn, chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra của Chính phủ đối với các chương trình, dự án hợp tác của các cơ quan ngoài Chính phủ. Sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tư pháp địa phương vào hợp tác quốc tế còn hạn chế, chưa chủ động tranh thủ được sự hỗ trợ của một số đối tác có nhiều tiềm năng như các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế (WB, ADB, IMF).
- Việc hoàn thiện Kế hoạch dài hạn về đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Công tác tương trợ tư pháp vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tế. Hoạt động uỷ thác tư pháp mặc dù đã được cải tiến, nâng cao hiệu quả nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện hồ sơ uỷ thác, việc quản lý hồ sơ, thống kê số liệu vẫn chưa thật sự bài bản, khoa học, và chưa áp dụng được công nghệ tin học.
b) Nguyên nhân
- Khung pháp lý cho hoạt động pháp luật quốc tế còn chưa đầy đủ. Nguồn lực và ngân sách phục vụ công tác pháp luật quốc tế còn hạn chế; chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực để tham gia tốt hơn vào hoạt động đàm phán các điều ước quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.
- Thể chế phục vụ công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật còn nhiều bất cập, chưa tạo ra cơ chế để có thể triển khai công tác này một cách hiệu quả.
- Vai trò quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp của Bộ Tư pháp còn chưa phát huy đầy đủ. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan vẫn còn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng ủy thác tư pháp.
9. Công tác chỉ đạo, điều hành
9.1. Kết quả đạt được
Triển khai kịp thời Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư pháp triển, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ngành Tư pháp đã ban hành các Chương trình công tác và tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành và địa phương đối với công tác tư pháp đã được thực hiện một cách quyết liệt; khả năng phản ứng chính sách đã bước đầu có chuyển biến, đặc biệt trong công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương “Hướng về cơ sở”, tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” từ cơ sở, công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chú trọng xây dựng thể chế và kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về tổ chức và hoạt động tư pháp, pháp chế trong toàn Ngành. Tính đến ngày 30/10/2012, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận/ trả lời 377/404 ý kiến, kiến nghị của địa phương, tổ chức pháp chế (đạt 93%); tập trung hướng dẫn các lĩnh vực còn nhiều khó khăn, mới triển khai thực hiện ở các địa phương (như đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước), kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, tiêu cực. Bảo đảm việc trả lời kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số địa phương đã quan tâm hơn đến công tác giải quyết kiến nghị từ cơ sở (như thành phố Hồ Chí Minh).
Xác định một trong những giải pháp quan trọng trong giải quyết các “điểm nghẽn” công tác tư pháp là sự phối hợp liên ngành, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội thông qua các buổi làm việc, các chuyến công tác tại địa phương, qua đó tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo công tác tư pháp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành được tăng cường, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương; tăng cường tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt là các cuộc họp, hội nghị định kỳ (như Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2012; giao ban Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Tư pháp hàng tháng). Công tác quản lý và phân bổ ngân sách năm 2012 được triển khai bài bản hơn ngay từ đầu năm, định kỳ đánh giá, điều chuyển kinh phí cho phù hợp với các nhiệm vụ phát sinh của Bộ, Ngành, qua đó bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quy trình giải quyết công việc của Ngành Tư pháp từng bước phát huy hiệu quả nhờ sự cải tiến, đổi mới phương pháp xây dựng quy trình theo Hệ thống tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
Việc kiểm tra công tác tư pháp, THADS được đẩy mạnh, nhất là các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (như kiểm tra tình hình thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí THADS; hoạt động bán đấu giá tài sản, công chứng, chứng thực...), những lĩnh vực còn có khó khăn, vướng mắc (như công tác lý lịch tư pháp, công tác bồi thường nhà nước) để kịp thời nắm bắt những bất cập, vướng mắc trong công tác chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn đi vào nền nếp hơn.
Công tác quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được triển khai trong toàn Ngành theo đúng quy định. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, một số hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác tư pháp đã được thảo luận kỹ, qua đó tìm ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
9.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Việc triển khai chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp còn chậm; một số chương trình, kế hoạch được Bộ Tư pháp ban hành nhưng chưa được triển khai đầy đủ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác xây dựng kế hoạch còn thiếu tính dự báo, định hướng, dẫn đến một số kế hoạch có chất lượng thấp, gây ra sự chồng chéo về thời gian, nguồn lực thực hiện. Trong một số trường hợp, việc phản ứng chính sách chưa kịp thời, chưa thường xuyên (như việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất trong hoàn cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”).
- Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn, trả lời kiến nghị của địa phương chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của địa phương, pháp chế bộ, ngành. Nhiều kiến nghị của địa phương vẫn mang tính sự vụ, nhiều nội dung đã được quy định trong văn bản nhưng do chưa đầu tư, nghiên cứu kỹ nên một số Sở Tư pháp vẫn đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn; việc tập hợp, công bố các nội dung trả lời kiến nghị địa phương chưa được thực hiện mang tính hệ thống để khắc phục việc nhiều kiến nghị ở cơ sở trùng lặp.
- Quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành ở Trung ương tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng đều, nhất là những nhiệm vụ mới được giao cho Ngành, làm ảnh hưởng đến kết quả phối hợp công tác ở các địa phương.
- Chế độ báo cáo, thống kê công tác trong Ngành chưa được thực hiện bài bản, còn chậm về tiến độ, còn trường hợp chưa đúng thẩm quyền, hình thức yêu cầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian tham mưu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành chưa được đồng bộ. Việc cung cấp thông tin về công tác tư pháp trên môi trường mạng và Cổng thông tin điện tử của Bộ chưa kịp thời, đầy đủ. Một số lĩnh vực chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu (như hộ tịch, công chứng...).
b) Nguyên nhân
- Vai trò của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa được phát huy đầy đủ trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp; chưa chú trọng công tác xây dựng và triển khai thực hiện đúng kế hoạch.
- Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm chỉ đạo công tác tư pháp địa phương, mặt khác các cơ quan Tư pháp ở địa phương chưa kịp thời báo cáo, phản ánh xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo địa phương về các vấn đề vướng mắc, những điểm nghẽn, điểm nóng trong triển khai, thi hành nhiệm vụ; chưa chủ động đề xuất những vấn đề cần hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực quản lý của Ngành.
- Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong Ngành Tư pháp chưa được thực hiện nghiêm ở một số đơn vị, cơ quan, đặc biệt là trong việc chuẩn bị tài liệu, tham dự các cuộc họp.
- Kinh phí bảo đảm cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp rất nhiều khó khăn.
10. Các lĩnh vực công tác khác
10.1. Kết quả đạt được
a) Công tác thi đua, khen thưởng:
Công tác thi đua, khen thưởng được đẩy mạnh theo hướng bảo đảm thực chất, hiệu quả. Công tác chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, từ việc phát động phong trào thi đua đến đôn đốc kiểm tra, sơ kết, tổng kết và bình xét đề nghị khen thưởng được chú trọng, góp phần khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy toàn Ngành hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao. Qua kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng đã phát hiện những cách làm hay, mô hình tiên tiến, “gương người tốt, việc tốt” là nhân tố mới điển hình của phong trào để phổ biến, nhân rộng trong các khu vực, cụm thi đua.
Công tác tổ chức phát động, triển khai phong trào thi đua trong toàn Ngành được triển khai sớm, bài bản và đa dạng với các chủ đề “Toàn Ngành Tư pháp ra sức thi đua về đích sớm các nhiệm vụ được giao”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp và THADS địa phương tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để tiếp tục thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp và tổ chức Hội nghị quán triệt thực hiện.
Kết quả công tác thi đua, khen thưởng toàn Ngành đạt được là: Huân chương Lao động hạng Nhất cho 02 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Nhì cho 04 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 cá nhân; Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ cho 68 cá nhân và 28 tập thể; Cờ thi đua của Chính phủ cho 01 tập thể; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” 1.309 cá nhân trong và ngoài ngành có công lao đóng góp cho ngành Tư pháp (trong đó có 03 cá nhân là người nước ngoài)...
b) Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác thanh tra của Ngành Tư pháp đã được tiến hành ở một số lĩnh vực tư pháp có nhiều vướng mắc, phản ánh (THADS, công chứng, bán đấu giá tài sản, sử dụng biểu mẫu hộ tịch, giải quyết khiếu nại, tố cáo) qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đã giải quyết kịp thời, dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài. Bộ Tư pháp đã tiếp và giải quyết theo thẩm quyền 441/624 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngành THADS đã giải quyết 7.217/7.513 đơn, đạt tỷ lệ 96,06% (trong đó, đơn khiếu nại là 6.868/7.143 đơn, đạt tỷ lệ 96,15%, đơn tố cáo là 349/370 đơn, đạt tỷ lệ 94,32%).
Công tác phòng, chống tham nhũng được toàn Ngành triển khai theo kế hoạch, tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như công tác THADS, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách ngành, kết hôn có yếu tố nước ngoài, công chứng, nuôi con nuôi...
10.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
a) Hạn chế, tồn tại
- Phong trào thi đua tuy được phát động, triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự lôi cuốn. Chất lượng thi đua còn thấp, chưa có biện pháp nhân rộng các điển hình trong toàn Ngành. Việc tổ chức và thường xuyên kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng tại các đơn vị để nắm bắt tình hình cũng như công tác triển khai, phát động phong trào, xây dựng mô hình mới, điển hình mới tại các đơn vị có triển khai nhưng chưa đồng bộ.
- Công tác thanh tra chưa có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn Ngành, chưa bám sát các trọng tâm công tác; hiệu quả, hiệu lực chưa cao. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài còn chưa có kết quả cụ thể. Vẫn còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhất là trong lĩnh vực THADS.
b) Nguyên nhân
- Cấp uỷ, Thủ trưởng các đơn vị chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác gắn kết với các phong trào thi đua toàn Ngành. Quy trình đăng ký thi đua và đề nghị xét khen thưởng còn mang tính hình thức, chưa đánh giá được những trường hợp đột xuất có thành tích cao nhưng không đăng ký thi đua.
- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài cần có thời gian nghiên cứu, phối hợp giải quyết dứt điểm nên khó bảo đảm kế hoạch. Thủ trưởng một số đơn vị liên quan còn chưa tích cực phối hợp xác minh làm rõ vấn đề hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết. Việc chỉ đạo công tác thanh tra còn theo nếp cũ, chưa theo kịp tình hình mới.
Công tác tư pháp năm 2012 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực như: đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tiến độ và chất lượng; công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc chỉ đạo điều hành các mặt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước; thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tiếp tục được đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ, bước đầu hình thành cơ chế thống nhất, đồng bộ giữa xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; công tác hành chính tư pháp đã đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, THADS được đẩy mạnh, phù hợp với xu thế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; công tác THADS sau 3 năm rưỡi triển khai thi hành Luật THADS tiếp tục phát triển bền vững; công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho cơ sở được đẩy mạnh; công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đã bước đầu đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Những kết quả nêu trên đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung của địa phương, đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định; vị trí của Ngành từ Trung ương tới địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường; Ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Có được những thành công nêu trên trước hết là Ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự phối kết hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch công tác Ngành được thực hiện bài bản, khoa học hơn, bám sát trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện phù hợp; chú trọng hoàn thiện thể chế và tăng cường chủ trương hướng về cơ sở, tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" từ cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm hoàn thành đúng Chương trình công tác của Ngành năm 2012, như: Chưa có những giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, tính khả thi chưa cao; tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định VBQPPL còn hạn chế, nhất là việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch; công tác PBGDPL ở một số địa bàn vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chưa sâu, chậm được đổi mới, còn thủ công, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc triển khai thi hành các Luật mới như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chậm; công tác xã hội hóa trong các hoạt động bổ trợ tư pháp tuy đã đạt được những kết quả bước đầu những vẫn còn những bất cập, thiếu tính bền vững; số vụ việc khiếu nại, tố cáo, hiện tượng tiêu cực trong THADS có chiều hướng gia tăng, đáng báo động; chất lượng yếu tố con người và các nguồn lực khác phục vụ công tác pháp luật và tư pháp còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên là: số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của Ngành Tư pháp trong thời gian qua là tương đối nhiều, trong khi đó tổ chức, biên chế, kinh phí để triển khai còn hạn chế, đặc biệt là biên chế cho tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế; chính sách thu hút đội ngũ công chức làm công tác pháp chế chậm được ban hành; tính chủ động trong việc triển khai công việc của các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương còn chưa cao; công tác phối hợp cả trong và ngoài Ngành thời gian qua đã được tăng cường và mở rộng, tuy nhiên chất lượng phối hợp trong việc triển khai công việc còn bất cập, đặc biệt là công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ trong việc giải quyết vướng mắc về tổ chức, biên chế làm công tác tư pháp, pháp chế còn nhiều hạn chế; việc đề xuất kế hoạch công tác từ đầu năm còn chưa sát thực tế, dẫn đến một số nhiệm vụ xin lùi thời điểm hoàn thành hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, nhất là trong công tác xây dựng các VBQPPL liên tịch. Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng rất quan trọng là do nhận thức của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò công tác tư pháp, pháp chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội dẫn đến việc bố trí chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
Bước sang năm 2013, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của nước ta. Trong nước, những hạn chế, bất cập nội tại của thể chế pháp luật ngày càng bộc lộ rõ hơn, có tác động tiêu cực đến các mặt kinh tế - xã hội, tạo thêm khó khăn mới cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của Ngành Tư pháp nói riêng. Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, toàn Ngành quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình như sau:
I. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
1. Tập trung tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương xây dựng thể chế, trước hết là trong các lĩnh vực có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy dân chủ, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật rường cột của hệ thống pháp luật. Xây dựng và thực hiện quy trình thống nhất trong xây dựng, thẩm định VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng VBQPPL.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức thi hành pháp luật, từ khâu PBGDPL đến kiểm tra VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật hiện nay trong một số lĩnh vực đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hoặc đời sống người dân. Nghiên cứu hoàn thiện thể chế về công tác ban hành quyết định hành chính. Thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ, UBND các cấp quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác THADS, bảo đảm sự phát triển bền vững của công tác này, đồng thời triển khai hiệu quả nhiệm vụ về thi hành án hành chính; nghiên cứu đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động THADS thông qua việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 36/2012/QH13.
4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực; nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quốc tịch, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước và đăng ký giao dịch bảo đảm; đưa các lĩnh vực công tác này thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, nhất là trong đăng ký và quản lý hộ tịch, bảo đảm góp phần tích cực tham gia vào hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
5. Đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá và triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp, bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
6. Tiếp tục chủ trương “Hướng về cơ sở”; tạo chuyển biến đồng bộ từ cơ sở, địa phương và tổ chức pháp chế các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt vai trò cơ quan tham mưu giúp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
1. Nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2013
1.1. Công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính
- Nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, bảo đảm khả năng phản ứng chính sách nhanh nhạy, hợp lý trước những tác động xã hội và phản ứng của thị trường. Hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Nghiên cứu, đề xuất các dự án luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đảm bảo tính khả thi. Tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thủ đô; cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản này trong năm 2013.
- Phối hợp với bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành VBQPPL và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật này. Đồng thời với việc hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng thu gọn các hình thức VBQPPL và thống nhất đầu mối trong việc xây dựng, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để triển khai xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính.
- Chủ động phối hợp, tham gia sâu với các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL trong quá trình soạn thảo, tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định VBQPPL nhằm giảm thiểu số lượng văn bản được ban hành trái pháp luật, đặc biệt là về nội dung; chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, nhất là các VBQPPL nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần lành mạnh hóa, vận hành đồng bộ, thông suốt các loại thị trường hàng hóa, tài chính, chứng khoán, bất động sản.
- Xây dựng Kế hoạch xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nhất là những văn bản còn nợ, đọng các năm trước; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc quyết liệt, tạo chuyển biến mới trong công tác này, kịp thời đưa luật, pháp lệnh vào cuộc sống. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế kiểm soát tập trung của Chính phủ đối với việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch.
- Mở rộng và tăng cường việc thẩm định dự thảo VBQPPL, kể cả dự thảo các điều ước quốc tế thông qua cơ chế Hội đồng thẩm định; tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức vào công tác thẩm định, khắc phục tình trạng “khép kín” trong quá trình thẩm định VBQPPL; đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình kịp thời các ý kiến thẩm định; nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thẩm định dự thảo VBQPPL và đơn vị có chức năng kiểm soát thủ tục hành chính ở cả Trung ương và địa phương.
- Hoàn thành dứt điểm việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu dự thảo đến việc thực thi, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào những thủ tục hành chính và các quy định có liên quan đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; cập nhật kịp thời và niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định cho cá nhân, tổ chức.
- Phát huy tối đa năng lực của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong việc tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về sáng kiến cải cách quy định hành chính; tiếp tục huy động toàn xã hội cùng chung tay thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
1.2. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật
- Tổng kết 10 năm công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý VBQPPL nhằm tạo cơ chế rõ ràng, minh bạch hơn trong công tác này, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.
- Trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định của Chính phủ về rà soát, hệ thống hoá VBQPPL; tạo chuyển biến một bước về chất hoạt động rà soát, hệ thống hoá VBQPPL tại các bộ, ngành và địa phương; tổ chức rà soát kịp thời các văn bản mới, theo tình hình kinh tế xã hội, bảo đảm sự liên thông kết nối với xây dựng, thi hành pháp luật.
- Triển khai quyết liệt hoạt động hợp nhất VBQPPL theo Kế hoạch hợp nhất VBQPPL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Nghị định quy định quy chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Đề án xây dựng Bộ pháp điển và tổ chức thực hiện sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt.
- Triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm Nghị định số 59/2012/NĐ- CP về theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra VBQPPL. Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013, chú trọng những lĩnh vực kinh tế, xã hội có nhiều bức xúc, bảo đảm đi đến kết quả cuối cùng, tạo cơ sở chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang thực thi thể chế. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia trong công tác đánh giá thi hành pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này.
1.3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở
- Triển khai một cách thực chất Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa công tác này đi vào chiều sâu; củng cố, kiện toàn và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoàn thành và hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án thuộc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
- Chỉ đạo việc PBGDPL theo các chủ đề riêng, phù hợp tình hình thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành; hướng dẫn và tổ chức hiệu quả “Ngày pháp luật” theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung PBGDPL trong một số lĩnh vực như: phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và đền bù giải phóng mặt bằng.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chuyển hướng Chiến lược này theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác TGPL, bảo đảm cho công tác này phát triển ổn định, bền vững; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới một bước hoạt động của Quỹ TGPL. Tổ chức thực hiện Quyết định quy định chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật hòa giải ở cơ sở và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Luật này.
- Đẩy mạnh các hoạt động báo chí, xuất bản trong toàn Ngành; thực hiện thành công mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp kịp thời các thông tin về tư pháp và pháp luật nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hoá các loại hình báo chí, tạp chí phù hợp với nhu cầu xã hội.
1.4. Công tác hành chính tư pháp
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đói với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Các cơ quan tư pháp địa phương cần tích cực góp sức xây dựng dự án Luật Hộ tịch, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới; triển khai thực hiện tốt Nghị định thay thế các Nghị định 68, Nghị định 69 trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; có giải pháp hạn chế việc kết hôn của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và ghi chú kết hôn trong nước.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác tổng kết thi hành Nghị định số 79 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký làm cơ sở cho việc xây dựng dự án Luật Chứng thực. Nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định dịch thuật trong lĩnh vực tư pháp.
- Đẩy mạnh việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước LaHay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế; tiếp tục nhân rộng Chương trình thí điểm tìm mái ấm gia đình thay thế ở nước ngoài cho những trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo tại các tỉnh, thành phố khác. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo tinh thần của Luật Nuôi con nuôi.
- Sơ kết 3 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam và tổng kết việc thực hiện Điều 22 của Luật; phối hợp với Bộ Ngoại giao đánh giá sơ bộ tình hình đăng ký giữ quốc tịch của người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam định cư tại nước ngoài để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới; tiếp tục giải quyết tốt các yêu cầu về xin nhập, xin thôi và xin trở lại quốc tịch của người dân theo đúng quy định pháp luật.
- Triển khai Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia lý lịch tư pháp; triển khai sử dụng thống nhất phần mềm quản lý lý lịch tư pháp trên toàn quốc; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành hữu quan và các địa phương trong hoạt động tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện các thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đưa công tác này thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
- Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả công tác đăng ký, cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm. Bảo đảm an toàn, an ninh và hoạt động ổn định, thông suốt đối với Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế tự chủ hoàn toàn kinh phí đối với các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm. Hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đăng ký tập trung giao dịch bảo đảm và Đề án tổ chức quản lý, vận hành Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm.
1.5. Công tác bổ trợ tư pháp
- Xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài cho hoạt động này. Đẩy mạnh việc phát triển đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương phù hợp với Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm đáp ứng một cách thuận lợi yêu cầu của tổ chức, cá nhân; tiếp tục chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, xã sang các tổ chức hành nghề công chứng. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng có tính đến việc kết nối với các cơ sở dữ liệu liên quan như đất đai, giao dịch bảo đảm, thuế. Tập trung chấn chỉnh, xử lý nghiêm các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động công chứng ở địa phương, nhất là các Văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khuyến khích việc thành lập các Hội công chứng ở các địa phương và phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đối với công chứng viên trong quá trình hành nghề công chứng.
- Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020; tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng theo lộ trình, phấn đấu phát triển thêm khoảng 800 - 1000 luật sư trong năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bước đầu xây dựng đội ngũ luật sư có chất lượng phục vụ hội nhập quốc tế. Đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư, phát huy vai trò tự quản của các Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản, nhất là đối với các tài sản công, quyền sử dụng đất phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương; chú trọng phát triển nguồn đấu giá viên; tiến hành sơ kết 3 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ- CP, phục vụ việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Bán đấu giá tài sản.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sơ kết việc thực hiện Luật Trọng tài thương mại; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế bảo đảm, hỗ trợ phát triển và phát huy hơn nữa vai trò của các Trung tâm trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật trọng tài thương mại.
1.6. Công tác Thi hành án dân sự
- Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án do Quốc hội giao.
- Chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện việc phân loại án có điều kiện, án chưa có điều kiện thi hành bảo đảm chính xác, thực chất, kiên quyết không để xảy ra tình trạng án có điều kiện chuyển sang án không có điều kiện thi hành; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý Đề án “Miễn thi hành đối với một số khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành” theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo, đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về vấn đề này. Khẩn trương xây dựng Đề án xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự và triển khai Đề án về cơ cấu, tổ chức, xác định vị trí công tác trong hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2011 - 2015.
- Xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2008/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh và Đề án mở rộng địa bàn thực hiện thí điểm chế định Thừa pháp lại tại một số tỉnh thành phố, để tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này.
1.7. Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP sau khi được Chính phủ thông qua; kiện toàn tổ chức, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ; xây dựng và ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ mới được thành lập hoặc cần có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả, giải quyết triệt để vấn đề biên chế cho công tác tư pháp ở địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Hoàn thành quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ giai đoạn 2016 - 2020; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, bảo đảm tính chuyển tiếp bền vững giữa các thế hệ. Tập trung đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Ban hành và triển khai thực hiện “Đề án thí điểm thi tuyển Lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp giai đoạn 2013 - 2015”.
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020; tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, nhất là việc triển khai các Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của Ngành và đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý đã được phê duyệt.
- Kiện toàn tổ chức pháp chế ở Trung ương và địa phương theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương” theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đào tạo cán bộ pháp luật của các Trường thuộc Bộ Tư pháp, nhất là hệ thống 05 trường Trung cấp luật, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật ở cơ sở hiện nay.
- Đưa hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý đi vào chiều sâu, giải quyết thấu đáo những vấn đề lớn đặt ra trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được đặt ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương liên quan đến cải cách tư pháp, tập trung vào các định hướng lớn của ngành như: công tác thi hành án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp. Xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển Ngành Tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
1.8. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về giải quyết tranh chấp quốc tế mà Chính phủ là một bên và Quyết định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết tranh chấp, đồng thời tham gia có hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp khi được phân công. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp khắc phục tình trạng bất cập hiện nay giữa quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế trong công tác cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về tư pháp quốc tế, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về miễn trừ quốc gia.
- Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, trong đó chú trọng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2008/NĐ-CP về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
- Triển khai có hiệu quả Đề án tiếp cận, gia nhập các thiết chế đa phương giải quyết tranh chấp quốc tế; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế, trong đó có việc gia nhập các Công ước của Hội nghị, trước mắt là Công ước về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại; tích cực tham gia đàm phán, xây dựng mới các công cụ pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp; tổ chức rà soát các VBQPPL, điều ước quốc tế nhằm kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế trong nước về tương trợ tư pháp; tập huấn cho các cán bộ tòa án, tư pháp, thi hành án về công tác tương trợ tư pháp; tổ chức kiểm tra liên ngành nhằm nắm bắt và kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong công tác Tương trợ tư pháp.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2013, Ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu sau đây:
2.1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tập trung vào bộ máy, công chức làm công tác công tác pháp chế của các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã và công chức tư pháp ở những lĩnh vực mới quản lý của Ngành, bảo đảm phát huy hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới. Xây dựng hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu công chức, chức danh viên chức các đơn vị làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, phân công rõ trách nhiệm trong từng lĩnh vực, công việc chuyên môn, đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả công tác của cơ quan, đơn vị. Quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, nhất là các công chức trẻ.
2.2. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, chương trình công tác của Ngành, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 theo Nghị quyết số 31/2012/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
2.3. Tăng cường công tác phối hợp với bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
2.4. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, pháp chế, THADS. Tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, công chứng, bán đấu giá tài sản, THADS tại địa phương. Tập trung giải quyết kịp thời những vụ việc khiếu nại, tố cáo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
2.5. Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành, vừa bảo đảm sâu sát, quyết liệt, bám sát kế hoạch, đồng thời sử dụng đầy đủ các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm bảo đảm phản ứng linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh; lấy hiệu quả tác động kinh tế - xã hội trên địa bàn và cả nước làm thước đo đánh giá chất lượng công tác tư pháp, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
2.6. Nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê trong toàn Ngành. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp.
2.7. Tạo bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là trong công tác thi hành án dân sự; cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy; tăng cường sử dụng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế việc tổ chức các cuộc họp, hội thảo trực tiếp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
2.8. Phát động phong trào thi đua gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, cá nhân. Xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ làm cơ sở cho việc xếp hạng các đơn vị thuộc Bộ; nâng cao hiệu quả xếp hạng Sở Tư pháp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức đánh giá, xếp hạng Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và địa phương về công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, qua đó rút kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ tốt hơn trong các năm tiếp theo.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
1. Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ, HĐND và UBND các cấp trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tiến độ chung của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
2. Thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Luật Đầu tư công, mua sắm công; hạn chế một bước cơ bản tình trạng xin lùi, xin rút khỏi chương trình; khẩn trương hoàn thành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng các văn bản này trong năm 2013. Đề xuất cơ chế kiểm soát tập trung của Chính phủ đối với việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch; nghiên cứu và làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để triển khai xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính.
Tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định VBQPPL, chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, nhất là các VBQPPL nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013; có giải pháp đột phá nhằm tạo cơ chế thống nhất, hiệu quả, gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, tạo cơ sở cho việc chuyển hướng từ tập trung xây dựng thể chế sang tập trung thực thi thể chế; kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với việc tăng cường hoạt động kiểm tra VBQPPL, coi đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật hiện nay trong một số lĩnh vực đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hoặc đời sống người dân.
4. Hoàn thành việc chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ
Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2013. Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm việc cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện chất lượng thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng ngừa tham nhũng. Tập trung nguồn lực xây dựng Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
5. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đúng tiến độ, đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản này; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật xử lý vi phạm hành chính và tổ chức triển khai có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức chấp hành của người dân; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổ chức, bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương.
6. Phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành. Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS theo Nghị quyết số 37/2012/QH13. Giảm từ 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2014 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2012 chuyển sang năm 2013; giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, trong đó giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2012 chuyển sang. Xây dựng và triển khai việc ứng dụng phần mềm thống kê thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước, bảo đảm việc báo cáo kết quả thi hành án kịp thời, chính xác. Mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
7. Triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, kết hợp có hiệu quả giữa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và lộ trình triển khai các luật, nghị định mới ban hành. Hướng dẫn và tổ chức “Ngày Pháp luật” trong năm 2013 (ngày 09/11/2013) thiết thực, hiệu quả, nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Chính phủ về phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng cần được trợ giúp, nhất là đối tượng người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ. Tổ chức thực hiện tốt Quyết định quy định chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên pháp luật trong các trường phổ thông và đại học, cao đẳng.
8. Thực hiện đồng bộ các Luật do Quốc hội mới ban hành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực.
9. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về luật sư; đẩy mạnh xã hội hoá và nâng cao hiệu quả bảo vệ công lý cho nhân dân. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng nhằm đưa Luật giám định tư pháp sớm đi vào cuộc sống; củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp công lập, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp, thu hút những người có nghiệp vụ vào làm việc trong các tổ chức này; phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành quy chuẩn chuyên môn trong từng lĩnh vực giám định. Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020; khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng ở địa phương, tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc và gia nhập Liên minh Công chứng Latinh quốc tế.
10. Nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tư pháp và pháp luật. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung phát triển 05 Trường Trung cấp Luật.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phần thứ hai của Báo cáo này, trong đó bám sát các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2013, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của Bộ, ngành, địa phương để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng các Ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trong tháng 01/2013 và tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Đối với những nhiệm vụ không được quy định trong Chương trình này, cần tiếp tục thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Chỉ đạo quyết liệt và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên, trong đó tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS chỉ đạo các cơ quan THADS triển khai bài bản các nhiệm vụ được giao./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
[1] Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Gia LaiĐắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, Lâm Đồng.
[2] Bắc Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Trị, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre.
[3] Ví dụ: Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về an toàn giao thông để thực hiện chủ trương Năm an toàn giao thông 2012, cùng với các giải pháp khác đã góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương tại nhiều địa phương.
[4] Trong đó có 4.768 công chức của các Sở Tư pháp; 2.946 công chức của Phòng Tư pháp; 11.195 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
- 1 Thông báo 46/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 do Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu do Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 2104/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2012 phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện công việc về điều ước quốc tế do Chính phủ ban hành
- 6 Nghị quyết 36/2012/QH13 tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại do Quốc hội ban hành
- 7 Nghị quyết 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 do Quốc hội ban hành
- 8 Luật Thủ đô 2012
- 9 Luật Luật sư sửa đổi 2012
- 10 Chỉ thị 28/CT-TTg năm 2012 tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Nghị quyết 31/2012/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Quốc hội ban hành
- 12 Quyết định 1473/QĐ-TTg năm 2012 về Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Quyết định 2659/QĐ-BTP năm 2012 về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công, viên chức ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 14 Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2012 triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
- 16 Nghị định 59/2012/NĐ-CP theo dõi tình hình thi hành pháp luật
- 17 Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 18 Luật giám định tư pháp 2012
- 19 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012
- 20 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 21 Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy
- 22 Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2012 triển khai công tác thi hành án hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 23 Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2012 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Chính phủ ban hành
- 24 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012
- 25 Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
- 26 Nghị quyết 01/NQ-CP về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 do Chính phủ ban hành
- 27 Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 28 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế
- 29 Nghị quyết 80/NQ-CP năm 2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
- 30 Kết luận 04/KL-TW kết quả thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 31 Quyết định 440/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho cơ quan Thi hành án dân sự và xây dựng cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW, giai đoạn 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 32 Kế hoạch 3476/KH-BTP về tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2010 và triển khai công tác tư pháp năm 2011 do Bộ Tư pháp ban hành
- 33 Quyết định 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 34 Luật nuôi con nuôi 2010
- 35 Luật Trọng tài thương mại 2010
- 36 Nghị định 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
- 37 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản
- 38 Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh
- 39 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009
- 40 Luật Lý lịch tư pháp 2009
- 41 Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã do Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ ban hành
- 42 Luật thi hành án dân sự 2008
- 43 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
- 44 Nghị định 93/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 45 Nghị định 78/2008/NĐ-CP về việc quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật
- 46 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
- 47 Luật tương trợ tư pháp 2007
- 48 Luật Công chứng 2006
- 49 Bộ luật Dân sự 2005
- 50 Nghị quyết số 48-NQ/TW về việc chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 52 Chỉ thị 32-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Ban Bí thư ban hành
- 53 Luật Đất đai 2003
- 54 Luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2000
- 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
- 56 Bộ Luật Hình sự 1999
- 57 Chỉ thị 33-CT/TW năm 1994 về lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội do Ban Chấp hành trung ương ban hành
- 1 Kế hoạch 3476/KH-BTP về tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2010 và triển khai công tác tư pháp năm 2011 do Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Công văn 916/VP-TH về góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2010 và Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2011 do Văn phòng Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Kế hoạch 6243/KH-BTP về tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2011 và triển khai công tác tư pháp năm 2012 do Bộ Tư pháp ban hành
- 4 Thông báo 46/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành