BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3348/BC-BNN-KTHT | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2012 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI; THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
Căn cứ vào Công văn 243/HDDT13 ngày 05 tháng 9 năm 2012 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7242/VPCP-ĐP ngày 14/9/2012 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo giải trình Hội đồng dân tộc Quốc Hội nội dung “Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc rất ít người; Thực trạng và giải pháp cho giai đoạn 2013 - 2020 (theo Kế hoạch số 235/KH-HĐDT13 ngày 20/8/2012); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đối với các dân tộc rất ít người như sau:
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 16 dân tộc rất ít người có dân số dưới 10.000 người (bao gồm các dân tộc: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu) sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn ở vùng cao, biên giới các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kom Tum,…, có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp ít và bạc màu. Các thôn, bản ở xa thị trấn, thị tứ và các trung tâm phát triển, giao thông đi lại khó khăn;
Về cơ cấu dân số: cơ cấu dân số trẻ, số có độ tuổi dưới 16 chiếm 34%, từ 16 đến 35 tuổi chiếm 35%, từ 36 đến 50 tuổi chiếm 20%, trên 50 tuổi chiếm 11%. Đặc biệt, số người trong độ tuổi lao động chiếm 55%, số người có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ lớn trên 68%; chất lượng dân số không cao;
Về phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc rất ít người có điểm xuất phát thấp, đời sống khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, tập quán sinh hoạt và sản xuất lạc hậu, mang nặng tính tự cung tự cấp, phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên.
II. THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG, SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi như: Chương trình 135 giai đoạn 2005-2010, Chương trình 30a; Các chính sách như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định 134); chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo (Quyết định 167); Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, các dự án đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các dân tộc rất ít người...);
Được sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, việc triển khai thực hiện các chính sách đã đạt được những kết quả không nhỏ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và xóa đói giảm nghèo. Diện mạo nông thôn, miền núi đã thay đổi đáng kể, kinh tế có bước phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không những được cải thiện, đồng bào các dân tộc rất ít người từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vùng đồng bào dân tộc rất ít người đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là:
1. Sự gia tăng khoảng cách phát triển, giàu - nghèo giữa đồng bằng và miền núi. Đặc tiệt là tỷ lệ đói nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất thấp, cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên, tập quán canh tác nông nghiệp lạc hậu, trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là canh tác nương rẫy đóng vai trò chủ đạo; chăn nuôi chưa phát triển; các nghề thủ công chủ yếu là đan lát và dệt vải ở trình độ thấp; kinh tế hàng hóa chưa phát triển;
2. Về cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất: trong tổng số 379 thôn, bản đã định canh định cư ổn định, còn 41 thôn, bản chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Các bản còn lại phần lớn đi lại được trong mùa khô, mùa mưa đường bị sạt lở rất khó đi lại, thậm chí bị cô lập với khu vực xung quanh;
Các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất khác: 234 thôn, bản chưa có công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, chiếm 61,7%; 277 thôn, bản chưa có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chiếm 73,08%; 204 thôn, bản chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung, chiếm 53,82% và 250 thôn, bản chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, chiếm 65,96%.
3. Về đất sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp:
- Đất sản xuất nông nghiệp: bình quân đất sản xuất/nhân khẩu là 0,1 ha, thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn 0,04 ha, tiếp theo là dân tộc Phù Lá 0,06 ha và Pu Péo 0,08 ha, chất lượng đất sản xuất xấu và điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu là nương núi đá, nương núi đất có độ dốc cao. Tổng số hộ thiếu đất sản xuất là 3.369 hộ chiếm 40,7% (bao gồm cả đất ruộng nước và nương); các dân tộc có tỷ lệ thiếu đất sản xuất cao như: Bố Y 78,7%, Pà Thẻn 62,9%, La Ha 49,1%, Chứt 44,9% và Phù Lá 37,6%. Riêng 2 dân tộc Brâu và Rơ Măm ở tỉnh Kon Tum có đủ đất sản xuất nương rẫy và ruộng nước.
- Đất sản xuất lâm nghiệp: đất rừng ở khu vực đồng bào sinh sống lớn, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, vườn rừng quốc gia cần bảo vệ nghiêm ngặt. Một số diện tích đất rừng được giao cho cộng đồng quản lý, tuy nhiên số hộ gia đình các dân tôc rất ít người được giao đất rừng còn rất ít.
4. Thu nhập, đời sống và tình hình đói nghèo: bình quân lương thực trên đầu người của các dân tộc rất ít người rất thấp, như: dân tộc Chứt 142 kg/người/năm, Pu Péo 182 kg/người/năm, Pà Thẻn 204 kg/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên năm ở tất cả các dân tộc trên là 2,174 triệu đồng, thấp nhất là dân tộc Chứt và Lô Lô 1,6 triệu đồng, dân tộc Pà Thẻn và Pu Péo 1,9 triệu đồng, cao nhất là dân tộc Lự 3,5 triệu đồng. Số hộ nghèo là 4.754 hộ, chiếm tỷ lệ 54,2%. Tỷ lệ nghèo cao nhất ở dân tộc Chứt là 80,1%, trong đó có các tộc: Ruc, A Rem, Mã Liềng là 100%, Pu Péo 67,8%, La Ha, Pà Thẻn và Lô Lô 59%, Brâu 9,9%, chuẩn nghèo mới theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg .
5. Về các điều kiện sống: số nhà tạm còn 2.560 hộ, chiếm 29,2%, chủ yếu là các dân tộc: Bố Y, Pà Thẻn và Phù Lá, cao nhất là Pu Péo còn tới 67,8% số hộ trong tình trạng nhà tạm. Số hộ chưa có điện là 6.856 hộ, chiếm 52,28%; số hộ chưa đủ nước sinh hoạt là 4.514 hộ, chiếm 54,6%. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh rất thấp như các dân tộc: Pu Péo 29,4%, Pà Thẻn 19%, Chứt 16,4%, Bố Y 15,2% và thấp nhất là dân tộc Si La 0,5%.
6. Nguồn nhân lực hiện tại của các dân tộc rất ít người còn nhiều bất cập, đó là: số lượng con em trong độ tuổi đến trường thấp, số con em có trình độ học vấn đáp ứng về nghề nghiệp, chuyên môn theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn rất ít... Dân số ít, nguồn lực lao động trẻ có tri thức được đào tạo còn rất ít, mặc dù chính quyền địa phương, các ngành các cấp trong thời gian qua rất quan tâm.
III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KT - XH VÙNG CÓ CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI
1. Kết quả phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trong các Dự án đầu tư trực tiếp cho các dân tộc rất ít người
Từ năm 2006 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện 8 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc rất ít người, đó là:
- 06 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 5 dân tộc: Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, với tổng vốn đầu tư là 76,8 tỷ đồng;
- Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 7 dân tộc: La Ha, Lự, Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Chứt, với tổng vốn đầu tư là 58,8 tỷ đồng;
- Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 4 dân tộc: Mảng, La Hủ, Công, Cờ Lao, với tổng vốn đầu tư là 1.042 tỷ đồng;
Tổng vốn đầu tư hỗ trợ của 8 dự án là 1.278,4 tỷ đồng; trong 8 dự án trên có 7 dự án đã thực hiên. Riêng dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 4 dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao chưa có vốn thực hiện.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án trên đạt được một số kết quả chủ yếu sau:
a) 06 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 5 dân tộc: Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm:
- Về cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và phát triển sản xuất:
Các công trình thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân được đầu tư đồng bộ như: đường giao thông nội vùng, đường vào khu sản xuất, giếng nước sinh hoạt, công trình thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vận chuyển và tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, đưa diện tích canh tác tăng từ 01 vụ lên 02 vụ, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng lương thực.
- Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp:
Sau 5 năm triển khai thực hiện dự án, nhờ làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm người dân đã biết canh tác lúa nước, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất và sản lượng lương thực, sử dụng giống lúa lai để canh tác và đã sản xuất 2 vụ/năm, sản lượng lúa sau khi có dự án tăng từ 1,5 - 2 lần, năng suất bình quân đạt 2-3 tấn/ha/vụ, đã giải quyết được lương thực tại chỗ; chăn nuôi phát triển đã đưa tổng đàn gia súc, gia cầm tăng;
Ngoài ra việc đầu tư hỗ trợ khai hoang, đào ao nuôi cá đáp ứng nhu cầu thực phẩm của các hộ dân trong thôn, bản; đời sống vật chất của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 3%. Cuộc sống ổn định, không còn tình trạng du canh, du cư. Khoảng cách giàu nghèo bước đầu được thu hẹp, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, góp phần đưa nông thôn miền núi dần thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
b) Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 7 dân tộc: La Ha, Lự, Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Chứt
- Về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ổn định đời sống và phát triển sản xuất:
Trong quá trình thực hiện dự án, các tỉnh đã chủ động lồng ghép vốn đầu tư của các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện đầu tư hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các xã, thôn, bản có 7 dân tộc trên sinh sống, với tổng vốn dự án đã đầu tư là 110 tỷ đồng, chiếm 69,3% vốn đầu tư dự án, đã góp phần quan trọng trong ổn định đời sống, phát triển sản xuất và làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã có 7 dân tộc trên sinh sống;
Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ các dân tộc rất ít người làm nhà ở 23 tỷ đồng, chiếm 14,7%; hỗ trợ đời sống 3,16 tỷ đồng, chiếm 1,99%; hỗ trợ giáo dục 6,2 tỷ đồng, chiếm 3,9%, văn hóa thông tin 0,254 tỷ đồng, chiếm 0,16%; đào tạo cán bộ 0,491 tỷ đồng, chiếm 0,31%.
- Về phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: dự án đã đầu tư hỗ trợ 8,7 tỷ đồng, chiếm 5,53% vốn đầu tư của dự án để thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ trực tiếp giống cây, con, vật tư, phân bón, máy móc và công cụ sản xuất cho người dân; tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho hàng trăm lượt người, hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất, các hỗ trợ đầu tư trên đã giúp các đồng bào bước đầu ổn định được đời sống và phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi.
2. Kết quả phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng có các dân tộc rất ít người sinh sống.
Ngoài các dự án đầu tư trực tiếp cho các dân tộc rất ít người trên, Đảng, Quốc hội và Chính phủ còn quan tâm đầu tư cho các dân tộc rất ít người từ các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn các tỉnh có các dân tộc rất ít người sinh sống, như một số chính sách, chương trình, dự án sau:
a) Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010
Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình;
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình và ban hành 03 Thông tư, 01 sổ tay và nhiều các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện dự án (Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007, Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20/9/2007 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007, ...);
Sau 5 năm thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, mô hình khuyến nông, lâm, ngư với tổng vốn hỗ trợ 1.931,4 tỷ đồng cho 2.243.987 hộ.
b) Chương trình 30a
Chương trình 30a được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao nhiệm vụ chỉ đạo hướng dẫn thực hiện quy hoạch sản xuất, bố trí dân cư, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn các huyện nghèo;
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ đã ban hành 02 Thông tư và nhiều các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chương trình (Thông tư số 06/2009/TT-BNN ngày 10/2/2009 hướng dẫn xây dựng quy hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp, bố trí dân cư đối với 63 huyện nghèo và Thông tư số 08/2009/TT-BNN về việc hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, sau hơn 3 năm thực hiện đạt được kết quả sau:
- Về hỗ trợ phát triển sản xuất: các huyện thuộc chương trình (63 huyện nghèo) đã triển khai thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho phát triển sản xuất, với tổng vốn đầu tư hỗ trợ thực hiện được là 236 tỷ đồng, trong đó:
+ Hỗ trợ cho khai hoang, phục hóa, cải tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cố định 33 tỷ đồng và hỗ trợ cây con giống, phân bón để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 194 tỷ đồng;
+ Hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp 6,6 tỷ đồng và tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho hơn 30 nghìn lượt người nghèo tham gia, với kinh phí 8,5 tỷ đồng;
+ Hỗ trợ cho hơn 4,4 nghìn cán bộ khuyến nông thôn, bản, với kinh phí hỗ trợ hơ 30 tỷ đồng.
- Về sản xuất lâm nghiệp:
+ Chăm sóc bảo vệ rừng: trong 3 năm đã giao khoán cho cộng đồng, hộ dân hơn 1,363 triệu ha rừng, với 143 nghìn lượt hộ đã nhận khoán, kinh phí hỗ trợ hơn 211 tỷ đồng và 8.000 tấn lương thực hỗ trợ cho các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
+ Trồng mới hơn 44.000 ha rừng với kinh phí hỗ trợ gần 175 tỷ đồng.
- Về hỗ trợ đất sản xuất: Chương trình đã hỗ trợ hơn 1.000 ha đất khai hoang cho trên 3.000 hộ, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ phục hóa hơn 3.000 ha cho khoảng 1.500 hộ, với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ tạo 2.500 ha ruộng bậc thang, với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động nguồn lực từ các tổ chức Quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho địa phương để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hạ tầng nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường... cho vùng có các dân tộc rất ít người.
c) Chương trình bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung giai đoạn 2005 - 2010
Chương trình bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung giai đoạn 2005 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện từ khâu quy hoạch bố trí dân cư đến triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ
thuật, các phương án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đạt được kết quả chủ yếu sau:
- Về bố trí dân cư: bố trí và ổn định cho 49.081 hộ, đạt 69% mục tiêu của dự án, trong đó: di chuyển tập trung và xen ghép 3.009 hộ; ổn định các hộ nghèo các xã biên giới 46.072 hộ;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân các xã biên giới, bao gồm: 2.211 km đường dân sinh; 256 công trình thủy lợi; 619 công trình nước sinh hoạt; 67.390 m2 trường học; 19.183m2 trạm y tế; 23.353 m2 nhà văn hóa; 197 công trình chợ đường biên và 132 công trình khác;
- Phát triển sản xuất: khai hoang phục hóa đưa vào sản xuất nông nghiệp 4.308 ha, trồng mới cây hàng năm 33.596 ha, cây lâu năm 11.520 ha; trồng mới rừng 14.858 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 116.381 ha; chăn nuôi đại gia súc 124.101 con trâu, bò, …;
- Đời sống dân cư: thu nhập bình quân 4,09 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực 374 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 34,64%; hộ dùng điện 58%; hộ dùng nước sinh hoạt 57%;
- Vốn đầu tư: tổng vốn thực hiện 5.023 tỷ đồng, trong đó: vốn Trung ương 1.416 tỷ đồng, đạt 71%; vốn lồng ghép 3.606 tỷ đồng, đạt 138%.
Ngoài dự án trên, còn 2 dự án ổn định sắp xếp biên giới Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện hoàn thành 2 dự án vào năm 2015 theo Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 10/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum đến năm 2015” và Quyết định số 1178/QĐ-TTg ngày 10/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2015”.
d) Thực hiện công tác khuyến nông trên địa bàn có các dân tộc rất ít người sinh sống:
Để giúp các đồng bào dân tộc trên địa bàn khó khăn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là các dân tộc rất ít người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 162/2008/QĐ-TTg về chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn;
Căn cứ vào nội dung Quyết định trên, Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở các địa bàn khó khăn đạt được kết quả không nhỏ, đặc biệt đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông hỗ trợ đồng bào các dân tộc rất ít người tại một số địa phương, như:
- Xây dựng các mô hình sản xuất cho dân tộc Rơ Măm tại xã Mô Rai - huyện Sa Thầy, bao gồm: mô hình cao su: 23ha, 23 hộ tham gia; mô hình bời lời: 20 ha, 60 hộ tham gia; mô hình ngô lai: 5 ha, 13 hộ tham gia; mô hình lúa lai: 5 ha, 15 hộ tham gia; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho 148 nông dân;
- Phối hợp với tỉnh Điện Biên bố trí 7 khuyến nông viên cơ sở hoạt động trên địa bàn đồng bào dân tộc rất ít người sinh sống (dân tộc Cống), cụ thể như: xã Pa Thơm - huyện Điện Biên 01 người; xã Nậm Kè, xã Pa Tần - huyện Mường Nhé: 04 người; bản Nậm Kè, bản Lả Chà 02 cộng tác viên khuyến nông thôn bản là người dân tộc rất ít người;
- Phối hợp với tỉnh Lai Châu bố trí 7 cán bộ khuyến nông xã hoạt động trên địa bàn 7 xã có đồng bào dân tộc rất ít người sinh sống (chưa có cộng tác viên khuyến nông thôn, bản), trong đó có 4 khuyến nông viên thuộc đối tượng là các dân tộc rất ít người (Si La 01 người, La Hủ 03 người).
e) Thực hiện chính sách khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vùng sâu, xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống:
Để giúp đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc rất ít người áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhằm làm tăng năng suất và sản lượng lương thực, sớm ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện 70 đề tài khoa học trên địa bàn trên với kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng, kết quả như sau:
- Về trồng trọt: phục tráng được 5 giống lúa và tuyển chọn được 81 giống cây trồng, bao gồm: 22 giống lúa, 8 giống ngô, 11 giống đậu đỗ, 10 giống lạc, 12 giống thuộc nhóm cây có củ (khoai tây, dong riềng, sắn), 1 giống gấc, 1 giống bí đỏ, 5 giống cây ăn quả (nhãn, mít, lê,...), 4 giống cây công nghiệp (mía, dâu tằm, ...), 2 giống hoa bản địa; 5 loại giống cây cải tạo đất và phục tráng được 5 giống lúa. Các giống cây trồng tuyển chọn và phục tráng được cho năng suất vượt đối chứng từ 10 - 25%; đặc biệt một số giống cây trồng có năng suất cao hơn đối chứng từ 50 - 68%;
- Về chăn nuôi: phục tráng được 03 giống lợn địa phương (lợn đen 14 vú, lợn Lũng Pù và giống lợn móng cái), phục tráng 01 giống tằm sắn PT1; tuyển chọn được 02 giống tằm dâu, xác định được 5 giống cỏ có năng suất cao phục vụ chăn nuôi. Trong số giống vật nuôi thích hợp có 2 giống tằm có năng suất cao hơn đối chứng > 25%, 02 giống cỏ có năng suất cao hơn đối chứng trên 25%, 03 giống cỏ có năng suất cao hơn đối chứng 15-25%;
- Về lâm nghiệp: tuyển chọn được 2 giống mây và 91 cây trội phục vụ cho việc nhân ươm cây giống; xây dựng 02 vườn ươm, sản xuất 23.000 cây giống.
IV. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2013-2020 CHO CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI
Để hỗ trợ các dân tộc rất ít người phát triển kinh tế theo kịp các dân tộc khác, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
1. Giải quyết đất sản xuất nông nghiệp.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng có dân tộc ít người sinh sống. Đồng thời, cân đối giao, cấp đất đủ đất cho các hộ dân tộc rất ít người thiếu đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương.
Trường hợp các hộ sinh sống trong vùng có nông, lâm trường quốc doanh, tổ chức rà soát, cân đối quỹ đất nông, lâm trường để giao đủ đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương (thực hiện theo Nghị quyết 28/NQ-BCT về đổi mới nông, lâm trường quốc doanh ...).
- Hỗ trợ khai khoang, cải tạo đất sản xuất. Đặc biệt là nơi có khả năng khai hoang và tạo ruộng bậc thang theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (nâng mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất từ 10 triệu đồng/ha lên 15 triệu/ha);
2. Hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp đối với các dân tộc rất ít người:
- Rà soát, cân đối đất rừng giao cho các hộ gia đỉnh, cá nhân, cộng đồng dân tộc rất ít người tham gia bảo vệ và trồng mới rừng theo quy định cùa pháp luật, đồng thời giao trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc các tổ chức có năng lực hướng dẫn và giúp đồng bào tổ chức bảo vệ rừng;
- Thực hiện Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, mức đề nghị hỗ trợ cho hộ dân tộc rất ít người nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ là 200.000 đồng/ha/năm;
- Sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất phù hợp, có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi những diện tích đang canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trong thời gian rừng chưa phát huy hiệu quả kinh tế.
3. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đối với các dân tộc rất ít người:
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu từng vùng; có chính sách đầu tư hỗ trợ đặc thù cho các dân tộc rất ít người chuyển diện tích trồng lúa bấp bênh sang cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng cỏ chăn nuôi, phát triển các cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao và có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết của từng vùng;
- Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện hạn, úng, rét, nóng vào sản xuất. Đặc biệt, là cấp trực tiếp các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị, công cụ sản xuất cho các hộ dân tộc rất ít người (theo định mức của chương trình 30a);
- Ưu tiên bố trí và triển khai các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về nông, lâm, ngư nghiệp và khuyến khích các cơ sở nghiên cứu khoa học tăng cường liên kết với các chương trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất cho vùng có các dân tộc rất ít người sinh sống.
4. Về quy hoạch bố trí dân cư và xây dựng nông thôn mới
- Rà soát quy hoạch, thực hiện sắp xếp lại dân cư, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn về giao thông, thiếu nước sản xuất nước và sinh hoạt, thiếu đất ở, những nơi có nguy cơ bị sạt lở cao trong tầm ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, gắn với việc bố trí sắp xếp lại nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại, vườn, công trình cấp nước, đảm bảo các điều kiện về sản xuất, đời sống và văn hóa truyền thống của đồng bào phù hợp với các tiêu chí xây nông thôn mới;
- Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng; đặc biệt chú ý đến hiệu quả của các công trình, khả năng tiếp cận và sử dụng của đồng bào với các công trình đó, tính phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc;
- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt và hạ tầng phục vụ sản xuất trong vùng có các dân tộc ít người sinh sống đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; ưu tiên các dự án quy hoạch và bố trí dân cư tập trung cho các dân tộc rất ít người.
V. KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ:
- Giao cho Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan cân đối bố trí đủ vốn đầu tư thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển các dân tộc rất ít người theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án đặc thù phát triển KT - XH đối với các dân tộc rất ít người, trong đó cần tập trung hỗ trợ phát triển cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
2. Đối với UBND các tỉnh có các dân tộc ít người sinh sống:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã có các dân tộc rất ít người sinh sống tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chính sách của Đảng, Quốc hội, Nhà nước về các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH đối với đồng bào dân tộc rất ít người;
- Chủ động đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, nhằm tập trung phát triển KT-XH vùng có các dân tộc rất ít người sinh sống. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Trên đây là báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đối với các dân tộc rất ít người; thực trạng và giải pháp giai đoạn 2013 - 2020./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 782/BNN-KTHT năm 2014 tổng hợp, rà soát chính sách về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng đồng bào dân tộc và miền núi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 57/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1178/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1179/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 08/2009/TT-BNN hướng dẫn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Thông tư 06/2009/TT-BNN hướng dẫn xây dựng quy hoạch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, bố trí dân cư đối với 61 huyện nghèo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8 Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 162/2008/QĐ-TTg về chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Thông tư 79/2007/TT-BNN sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BNN hưóng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11 Thông tư 01/2007/TT-BNN hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc và miền núi thuộc chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 12 Quyết định 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Chính trị ban hành