TỔ CÔNG TÁC CHUYÊN TRÁCH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 475/BC-CCTTHC | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010 |
BÁO CÁO
GIAO BAN THÁNG 9 NĂM 2010 VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 30 TẠI CÁC BỘ, NGÀNH
I. VỀ THỰC THI NGHỊ QUYẾT SỐ 25/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 02 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên. Theo đó, đối với các nội dung đơn giản hóa không liên quan đến sửa đổi Luật, Pháp lệnh để thực thi phương án đơn giản hóa thì trước ngày 31 tháng 7 năm 2010, các Bộ, ngành phải trình Chính phủ 14 dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ 1 dự thảo Quyết định; ký ban hành 39 Thông tư, Thông tư liên tịch và 04 Quyết định của Bộ trưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này các bộ, ngành mới trình Chính phủ ban hành được 02 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư và 01 Quyết định của Bộ trưởng, đang trình Chính phủ xem xét 04 Nghị định để ban hành trong tháng 10 năm 2010.
Ngoài một số bộ, ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Bên cạnh đó vẫn còn nhiều Bộ, ngành tiến độ thực thi vẫn còn rất chậm như Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp … đến thời điểm này vẫn còn báo cáo là đang dự thảo văn bản thực thi.
Đối với một số bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch… có kiến nghị lùi thời gian thực thi Nghị quyết số 25/NQ-CP đối với một số thủ tục hành chính để thực thi cùng với Nghị quyết sau (để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về các nội dung phương án đơn giản hoá), Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết và có ý kiến chỉ đạo.
II. VỀ TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 08 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Theo chỉ đạo của Thủ tướng (Công văn số 1064/TTg-TCCV ngày 23 tháng 6 năm 2010), Văn phòng Chính phủ đã chủ động triển khai một số nhiệm vụ để thực thi Nghị định, cụ thể là:
- Đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ sẽ sớm gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14 tháng 10 năm 2010.
- Đã chủ trì dự thảo Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (đến thời điểm này Bộ Nội vụ vẫn chưa có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ), Văn phòng Chính phủ sẽ hoàn chỉnh dự thảo để trình Lãnh đạo 02 Bộ ký, ban hành trước ngày 14 tháng 10 năm 2010 để kịp cho các bộ, ngành, địa phương triển khai.
- Đã phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Tuy nhiên nội dung dự thảo cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể là dự thảo chưa hướng dẫn đối với các hoạt động duy trì và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm phục vụ các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; về tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; về chi cho các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, mức chi tối đa như dự thảo Thông tư là quá thấp, khó thu hút được các chuyên gia có chất lượng và nhiều kinh nghiệm. Văn phòng Chính phủ sẽ có ý kiến tham gia cụ thể gửi Bộ Tài chính để hoàn chỉnh dự thảo Thông tư này.
- Đặc biệt, để bảo đảm tốt các điều kiện cho việc triển khai thi hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1722/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay một số nhiệm vụ về tập huấn triển khai; về tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ, mục tiêu; về tổ chức, nhân sự; về duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; về kiểm soát thủ tục hành chính. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và các đơn vị pháp chế của bộ, ngành, Sở Tư pháp không thẩm định đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính khi chưa có ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính.
III. VỀ PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HOÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
- Thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 577/TTg-TCCV ngày 12 tháng 4 năm 2010), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới các đồng chí thành viên Chính phủ: Phiếu lấy ý kiến về Phương án đơn giản hóa và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành (tổng cộng là 24 Nghị quyết kèm theo phương án).
- Theo yêu cầu về thời hạn thì các đồng chí thành viên Chính phủ trước ngày 20, 25, 30 tháng 10 năm 2010 có ý kiến gửi về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp hoàn chỉnh Nghị quyết trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 10 năm 2010. Qua tổng hợp nhanh kết quả ý kiến các thành viên Chính phủ, hầu hết các đồng chí đều nhất trí với phương án đơn giản hóa và dự thảo Nghị quyết do Tổ công tác chuyên trách đề xuất. Đối với một số ý kiến khác, Tổ công tác chuyên trách sẽ nghiên cứu, hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với một số hồ sơ xin ý kiến thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, hợp lệ (thiếu ý kiến đối với một số thủ tục hành chính, không đồng ý nhưng không nêu rõ lý do, thiếu chữ ký trên Phương án đơn giản hóa hoặc ký nhưng không ghi rõ họ tên, đánh dấu bằng bút chì…), đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ.
- Theo tính toán của Tổ công tác chuyên trách, nếu được Chính phủ thông qua 24 Nghị quyết về phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cụ thể là trên tổng số 5.421 thủ tục được rà soát sẽ sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, thay thế 192 thủ tục, bãi bỏ, huỷ bỏ 480 thủ tục, qua đó hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là gần 30.000 tỷ đồng để tái đầu tư (chưa tính chi phí tiết kiệm từ chi phí cơ hội và chi phí hành chính của cơ quan nhà nước).
Đồng thời, theo tổng hợp của Tổ công tác chuyên trách, để thực thi các phương án đơn giản hóa nêu trên thì Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành theo thẩm quyền các văn bản (theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản) để sửa đổi, bổ sung một số điều có quy định về thủ tục hành chính được quy định tại 48 Luật, 12 Pháp lệnh, 183 Nghị định, 37 Quyết định của Thủ tướng, 336 Thông tư hoặc Thông tư liên tịch, 313 Quyết định của Bộ trưởng và 93 văn bản khác (Công văn, Chỉ thị, Thông báo…). Có thể nói đây là nhiệm vụ cực kỳ to lớn Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới nhằm hiện thực hoá quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phục vụ nhân dân.
IV. KHÓ KHĂN VÀ KIẾN NGHỊ
- Hiện nay Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ chưa ban hành Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trong khi thời hạn có hiệu lực của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP sắp đến, do vậy sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức và bố trí nhân sự tại bộ, ngành, địa phương.
- Nhiệm vụ của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP mặc dù đem lại lợi ích lớn về kinh tế, chính trị, xã hội nhưng tính chất công việc lại có áp lực cao, thường xuyên va chạm với đơn vị khác nhưng cơ chế đãi ngộ chưa có, không đủ hấp dẫn để thu hút cán bộ có đủ tiêu chuẩn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 1722/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010) về làm việc. Do vậy, các bộ, ngành đề xuất Chính phủ cần sớm có cơ chế đặc thù để khuyến khích, động viên cán bộ về làm việc tại bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính.
V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRƯỚC NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2010
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 30 cũng như chuẩn bị các điều kiện khi Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì từ nay đến trước ngày 14 tháng 10 năm 2010, các bộ ngành và Tổ công tác chuyên trách cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Về phía Bộ, ngành
- Chủ động cũng như phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, cụ thể là:
+ Bộ Nội vụ sớm có ý kiến tham gia về dự thảo Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính. Hiện nay chỉ còn thiếu ý kiến của Bộ Nội vụ, đề nghị Tổ công tác 30 của Bộ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
+ Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ sớm có ý kiến thẩm định về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính (sau khi nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ).
+ Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để hoàn chỉnh và ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trong đầu tháng 10 năm 2010. Các bộ, ngành gửi ý kiến tham gia về Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 9 năm 2010.
+ Các bộ, ngành chuẩn bị nhân lực, điều kiện làm việc để bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính đi vào hoạt động ngay khi Nghị định có hiệu lực thi hành (ngày 14 tháng 10 năm 2010) để kiểm soát có hiệu quả các quy định về thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo cũng như tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ).
- Giúp các thành viên Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính và gửi lại Văn phòng Chính phủ trong ngày 30 tháng 9 năm 2010 để tổng hợp, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 1722/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về phía Văn phòng Chính phủ
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ để Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo.
- Gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính trong đầu tháng 10 năm 2010.
- Cùng với Bộ Nội vụ ban hành trong đầu tháng 10 năm 2010 Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành; phối hợp với các bộ, ngành để hoàn chỉnh hồ sơ xin ý kiến thành viên Chính phủ đối với các hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trên đây là báo cáo giao ban tháng 9 năm 2010 của Tổ công tác chuyên trách, đề nghị các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại báo cáo./.
Nơi nhận: | TỔ TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 1722/CT-TTg năm 2010 tổ chức triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 1064/TTg-TCCV thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính
- 4 Nghị quyết 25/NQ-CP năm 2010 về đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành do Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 577/TTg-TCCV nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 20/2008/NĐ-CP về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính