Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 984/BC-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2015

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN, THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN GỬI ĐẾN QUỐC HỘI

Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 885/NQ-UBTVQH13 ngày 14/02/2015 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến khọp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội Khóa XIII; giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội”; tổ chức các Đoàn công tác làm việc tại 08 tỉnh1 và với một số cơ quan2 về kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến; tổ chức giám sát việc giải quyết 14 vụ việc khiếu nại kéo dài; tổng hợp kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội các địa phương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo Quốc hội kết quả giám sát như sau:

I. KẾT QUẢ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ TỔ CHỨC GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN, THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN GỬI ĐẾN QUỐC HỘI

1. Tình hình đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi Quốc hội

Trong năm 2015, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận 26.033 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tăng 27,69% so với năm 2014; Ủy ban Tư pháp tiếp nhận nhiều nhất với 13.855 đơn, thư; tiếp đến là Ủy ban Kinh tế với 5.882 đơn, thư; Ủy ban Pháp luật với 2.745 đơn, thư; Ủy ban Về các vấn đề xã hội với 2.057 đơn, thư 3... Trong đó, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 18.629 đơn, thư; tiến hành nghiên cứu sơ bộ và phân loại, chuyển đến các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu để xử lý theo lĩnh vực phụ trách 16.434 đơn, thư. Các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 15.026 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào các nội dung:

Đơn khiếu nại về hành chính chủ yếu là về đất đai liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ, nổi lên là việc thu hồi đất để xây dựng chợ, trung tâm thương mại; về tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công, an sinh xã hội; gần đây xuất hiện một số vụ việc liên quan đến thực hiện chính sách tôn giáo.

Đơn tố cáo chủ yếu liên quan đến cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; đáng chú ý là có nhiều trường hợp, bản chất nội dung tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng do kết quả giải quyết chưa đáp ứng được yêu cầu của cá nhân người khiếu nại nên chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại.

Đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp có xu hướng gia tăng: số đơn, thư gửi đến Tòa án nhân dân các cấp tăng 10%; số đơn thư gửi đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng 6,5%; số đơn, thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự giảm 8,52%; đáng lưu ý là có nhiều đơn gửi vượt cấp; số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chiếm phần lớn, trong đó, khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hình sự và dân sự, nhất là khiếu nại đối với các vụ án về tranh chấp nhà, đất, thừa kế, hợp đồng, hôn nhân và gia đình; nhiều vụ việc đã được giải quyết qua nhiều cấp, nhiều lần nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại; đơn tố cáo cán bộ các cơ quan tư pháp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án chủ yếu phát sinh sau khi vụ án được xét xử nhưng không đáp ứng được yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo.

2. Kết quả xử lý đơn, thư và tổ chức giám sát của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội

Sau khi nghiên cứu, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển 1.751 đơn/11.398 đơn đủ điều kiện xử lý đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết4 (đạt tỷ lệ 15,36%) và nhận được 895 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 51,11% so với đơn đã chuyển); hướng dẫn, thông báo trả lời công dân đối với 241 trường hợp (đạt tỷ lệ 2,11%).

Các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã chuyển 5.030 đơn/15.026 đơn tiếp nhận đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt tỷ lệ 33,47%); nhận được 2.808 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 55,82% so với số đơn thư đã chuyển); nghiên cứu, hướng dẫn và trả lời cho công dân đối với 1.976 đơn (đạt tỷ lệ 13,15%).

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, kết hợp giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với giám sát chuyên đề, giám sát thông qua việc xem xét báo cáo của các bộ, ngành về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách. Kết quả: các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức được 05 cuộc giám sát chuyên đề và giám sát 32 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể5 (đạt tỷ lệ 1,82% so với tổng số đơn, thư đã chuyển).

Nhìn chung, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có sự quan tâm, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tổ chức triển khai giám sát việc giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể; một số Đoàn lồng ghép nội dung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vào giám sát chuyên đề về kinh tế, xã hội ở địa phương. Một số đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc giải quyết. Kết quả: trong số 63 Đoàn đại biểu Quốc hội có 23/63 Đoàn tổ chức được 63 cuộc giám sát chuyên đề, có sự lồng ghép6 với giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; có 24/63 Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát được 98 vụ khiếu nại, tố cáo cụ thể7 (đạt tỷ lệ 1,95% số đơn đã chuyển). So với cùng kỳ năm trước thì số cuộc giám sát chuyên đề và lồng ghép tăng nhưng không đáng kể (tăng 04 cuộc), nhưng giám sát vụ việc lại giảm (giảm 10 vụ việc).

II. KẾT QUẢ GIÁM SÁT ĐỐI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN, THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN DO CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, CƠ QUAN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYỂN ĐẾN CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

Trong kỳ giám sát, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã chuyển đến 05 bộ ngành và 08 tỉnh 1.292 đơn khiếu nại, tố cáo. Sau khi tiếp nhận đơn, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động nghiên cứu, xử lý và giải quyết được 664/1.292 đơn, đạt tỷ lệ 51,4%. Qua xem xét Báo cáo, làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương chịu sự giám sát, cho thấy kết quả như sau:

1. Kết quả giám sát đối với 5 Bộ, ngành:

- Văn phòng Chính phủ: Đã xem xét, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết đối với 6/6 vụ việc nhận được do Ban Dân nguyện chuyển8 (đạt 100%); trong đó, 03 vụ việc giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường9, 01 vụ việc giao cho Bộ Công thương10, 02 vụ việc giao Thanh tra Chính phủ11. Đến nay, có 04 vụ việc đã được Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị giải quyết của các bộ, ngành.

Theo Báo cáo của Chính phủ12, 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Lạng Sơn, Yên Bái, Gia Lai, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Bình, Bình Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Long) và 3 Bộ (Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế) báo cáo đã giải quyết được 576/810 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến; còn lại 243 vụ việc (riêng thành phố Hà Nội còn 216 vụ việc) đang tiếp tục giải quyết.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đã xem xét giải quyết được 6/8 vụ việc; trong đó, Bộ đã có văn bản hướng dẫn, chuyển 05 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, có quyết định giải quyết 01 vụ việc13; còn 02 vụ việc Bộ đang rà soát thẩm tra, xác minh để giải quyết14.

- Thanh tra Chính phủ: Đã xem xét giải quyết được 6/13 vụ việc; trong đó 05 vụ việc đã giải quyết và có thông báo trả lời, 01 vụ việc có văn bản báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; còn 07/13 vụ việc Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục xem xét, đôn đốc và tập trung giải quyết (trong đó, có 03 vụ việc đã thành lập Đoàn kiểm tra15; 04 vụ việc đang phối hợp với Thanh tra Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh16 để kiểm tra, rà soát và thống nhất phương án giải quyết dứt điểm trong thời gian tới).

- Tòa án nhân dân tối cao: Đã giải quyết được 290/549 đơn (có 460 đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và 89 đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức Tòa án), đạt tỷ lệ 52,82%, trong đó: Đối với 460 đơn có nội dung đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: Đã giải quyết được 239/460 đơn, đạt tỷ lệ 52%, với 135 đơn không có căn cứ kháng nghị đã trả lời đương sự, 104 đơn được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm 54 vụ); 221 đơn còn lại đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm và đang được tiếp tục xem xét theo quy định của pháp luật. Đối với 89 đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức Tòa án: Đã giải quyết được 51/89 đơn, đạt tỷ lệ 57,3%; trong đó, có 37 đơn khiếu nại liên quan đến hoạt động tố tụng, 14 đơn tố cáo cán bộ, công chức Tòa án; còn lại 38 đơn đang xem xét, giải quyết.

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Đã xem xét giải quyết được 181/498 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đạt tỷ lệ 36,4%. Cụ thể: Đối với đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: Đã giải quyết 135/413 đơn đã thụ lý (đạt 32,6%). Trong đó, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 19 bản án và Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử chấp nhận kháng nghị 16/19 kháng nghị (đạt 84,2%); ban hành văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với 77 trường hợp17; ban hành kết luận 38 vụ do Tòa án nhân dân tối cao có kháng nghị và đưa ra xét xử18. Còn lại 278 đơn đang trong thời hạn giải quyết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật, trong đó đã ban hành 85 văn bản thông báo tới công dân và các cơ quan chuyển đơn về tiến độ giải quyết. Đối với đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý 39 đơn về 36 vụ việc, đã giải quyết 15 vụ (41,7%) và đang giải quyết đối với 21 vụ việc. Đối với đơn tố cáo liên quan đến cán bộ trong ngành kiểm sát nhân dân: Đã thụ lý 12 đơn về 11 vụ việc, Viện kiểm sát nhân dân đã giải quyết 04 vụ việc (36,4%) và đang tập trung giải quyết 07 vụ việc còn lại. Viện kiểm sát nhân dân địa phương thụ lý 32 đơn/32 vụ việc, đã nghiên cứu, giải quyết 27 vụ việc, trong đó có 17 khiếu nại, 05 tố cáo và 05 đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Kết quả giám sát đối với 08 tỉnh, thành phố

Trên cơ sở nghiên cứu các vụ việc cụ thể, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển đến các cơ quan chức năng của 08 tỉnh nơi Đoàn đến giám sát 28 vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền19 (các cơ quan của Quốc hội chuyển 02 đơn; Ban Dân nguyện chuyển 26 đơn).

Qua làm việc tại các tỉnh, ngoài nghe báo cáo về tình hình và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung trên địa bàn, nghe kết quả chung về việc giải quyết các vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đơn, Đoàn giám sát còn yêu cầu và nghe các cấp, các ngành trong tỉnh báo cáo việc giải quyết một số vụ việc cụ thể mà công dân có khiếu nại gay gắt, kéo dài, phức tạp và đã được xem xét, giải quyết nhiều lần. Từ kết quả nghiên cứu và trao đổi, thảo luận, Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với kết quả giải quyết đối với 06/28 vụ việc; kiến nghị các cơ quan chức năng tập trung giải quyết 11 vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền của địa phương xem xét, thụ lý còn trong thời hạn giải quyết và quá trình tố tụng; đề nghị cung cấp hồ sơ 04 vụ việc để tiếp tục nghiên cứu và sẽ có kiến nghị cụ thể; tiếp thu ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để làm căn cứ giải quyết 01 vụ việc; 01 vụ việc đã được giải quyết theo kiến nghị của Đoàn. Qua xem xét các vụ việc trên, Đoàn cũng lưu ý rút kinh nghiệm với địa phương về một số vụ việc mà trong quá trình giải quyết còn có những thiết sót như: chưa kịp thời tham tra, xác minh để giải quyết; chưa lập luận chặt chẽ trong quyết định giải quyết; có vụ việc trong áp dụng pháp luật để giải quyết còn chưa phù hợp...

Đối với 05 vụ việc khiếu nại phức tạp, Đoàn giám sát đã phân tích, đánh giá, yêu cầu địa phương giải trình về những nội dung mà báo cáo kết quả giải quyết chưa rõ, chưa đúng nội dung công dân khiếu nại, qua đó, Đoàn đã đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương thẩm tra, xác minh và rà soát, bổ sung, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, tiến hành đối thoại và làm rõ nội dung khiếu nại của công dân và sớm ban hành quyết định giải quyết theo kiến nghị của Đoàn nhằm chấm dứt khiếu nại, không để tồn đọng kéo dài và trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật20.

Theo báo cáo của 08 tỉnh, thành phố, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương đã tiếp nhận 190 đơn khiếu nại, tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội các địa phương chuyển đến; đến nay đã giải quyết xong 149 đơn, đạt tỷ lệ 78,4%; còn lại 41 đơn chiếm tỷ lệ 21,6% đang tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật. Đoàn giám sát đã đề nghị các địa phương sớm thẩm tra, xác minh và giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết cho Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn.

Tổng hợp kết quả giám sát tại 08 tỉnh cho thấy: các cấp, các ngành của các tỉnh này đã giải quyết được 5.651/ 6.187 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 91,33%; trong quá trình giải quyết, có 337 vụ việc công dân rút đơn khiếu nại, tố cáo sau khi được giải thích, hòa giải thành; còn 5.314 vụ việc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Qua phân tích kết quả giải quyết cho thấy: số vụ việc khiếu nại, tố cáo đúng là 649/5.314 vụ việc (chiếm 12,2%); số vụ việc khiếu nại, tố cáo đúng một phần là 1.195/5.314 vụ việc (chiếm 22,5%); số vụ việc khiếu nại, tố cáo không đúng là 3.470/5.314 vụ việc (chiếm 65,3%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã thu hồi cho nhà nước 5.036.016.000 đồng và 20.086 m2 đất; thu hồi trả lại cho cá nhân 3.134.966.000 đồng và 16.093 m2 đất. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, đồng thời phát hiện và xử lý đối với những sai phạm nhằm đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

3. Kết quả giám sát đối với việc giải quyết 14 vụ việc khiếu nại kéo dài

3.1. Các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết21:

3.1.1. Vụ việc khiếu nại của bà Đoàn Thị Minh Phương, nguyên quán: xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang trú tại: 64 Trần Văn Kỷ, Phường 14, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị Quốc hội giám sát, yêu cầu các cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận Liệt sỹ cho mẹ của bà là bà La Thị Thước, đã hi sinh khi làm nhiệm vụ sơ tán dân về địa phương, bị địch phục kích bắn chết trong chiến tranh. Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, ngày 03/02/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Tờ trình số 649/TTr-UBND kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, trình Chính phủ công nhận liệt sĩ và tặng Bằng Tổ quốc ghi công đối với bà La Thị Thước.

3.1.2. Vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Mùi, trú tại xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam về việc đề nghị Quốc hội xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Đức Toàn. Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, ngày 8/6/2015, Cục chính sách, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã có Công văn số 1056/CS-TBLS xác định quân nhân Nguyễn Đức Toàn đủ điều kiện để đề nghị công nhận liệt sĩ, đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và cấp ủy, chính quyền địa phương có văn bản đề nghị Cục người có công, Bộ LĐ-TB&XH cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Hiện địa phương đã tổ chức Lễ truy điệu và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.

3.1.3. Vụ việc khiếu nại của bà Phùng Thị Kim Oanh, trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai về việc đề nghị xem xét, giải quyết minh oan và bồi thường oan sai cho em bà là Phùng Trọng Hùng bị khởi tố bắt giam từ năm 1984 đến nay. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 769/VKSND-QĐ ngày 01/7/2015 về việc bồi thường đối với ông Phùng Trọng Hùng, theo đó ông Hùng được bồi thường 650.000.000 đồng.

3.1.4. Vụ việc khiếu nại của bà Trầm Thị Thùy Linh, trú tại 69/29 Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Cần thơ về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 150/2013/DSPT ngày 11/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ. Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, Tòa án nhân dân tối cao đã có Quyết định số 75/2015/KN-DS ngày 01/4/2015 kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 150/2013/DSPT ngày 11/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, theo đó đã “Đề nghị Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao xét xử hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 48/2013/DSST ngày 12/6/2013 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.”

3.2. Các vụ việc đã ban hành kết luận, kiến nghị22

3.2.1. Vụ việc khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất xây dựng Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak thuộc tỉnh Gia Lai của các công dân: Trần Công Hiển, Mông Văn Bổn, Nguyễn Thị Vinh, Huỳnh Công Dinh, Đặng Văn Phước và Trần Cự ở thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xem xét các nội dung mà Tổ công tác đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát; ban hành văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc xử lý, thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền biết để làm căn cứ trả lời công dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục nghiên cứu, xem xét, có giải pháp phù hợp về chính sách nhằm hỗ trợ bổ sung cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo như văn bản trả lời cử tri của Bộ Công thương; tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, vận động, thuyết phục số công dân nêu trên chấp thuận kết quả giải quyết và giám sát việc giải quyết, chấm dứt khiếu nại, tố cáo.

3.2.2. Vụ việc khiếu nại từ năm 1980 đến nay về việc đề nghị trả lại phần nhà đất mà Nhà nước để lại khi thực hiện chính sách cải tạo của gia đình ông Tạ Tuyên ở 38 Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trên cơ sở kết quả giám sát, căn cứ vào Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11 của Quốc hội, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 127/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng quy định tại các Điều: 3, 5, 8 Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11, Điều 8 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP , xem xét lại Quyết định số 1818/QĐ-UB ngày 04/11/2008 giải quyết khiếu nại của gia đình ông Tạ Tuyên về sử dụng cổng vào nhà phía mặt ngõ Hàng Giầy và toàn bộ phần diện tích sân còn lại của nhà số 38 Hàng Giầy mà Nhà nước không có văn bản quản lý, bố trí sử dụng khi thực hiện chính sách cải tạo về nhà đất, hiện đang sử dụng chung. Đồng thời, xem xét lại Quyết định số 4152/QĐ-UB ngày 18/7/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước Công ty Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm thành Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm, trong đó đưa diện tích nhà phụ 2 tầng nhà 38 Hàng Giầy là tài sản đang tranh chấp vào tài sản cổ phần hóa. Từ đó xác định lối đi lưu thông chung của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm theo như đề xuất của Sở Xây dựng tại báo cáo số 6944/SXD-QLN ngày 15/9/2014.

3.2.3. Vụ việc khiếu nại về tranh chấp đất đai từ năm 1992 đến nay giữa ông Huỳnh Cạnh và ông Tôn Thất Thiện ở tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra, rà soát lại một lần nữa việc giải quyết và có giải pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại của ông Huỳnh Cạnh (ủy quyền cho con là Huỳnh Thị Xuân).

3.2.4. Vụ việc khiếu nại từ năm 2005 đến nay về việc giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Văn Khảm (nguyên đơn) và ông Trương Văn Sánh (bị đơn) của bà Nguyễn Thị Anh Thư (con gái ông Nguyễn Văn Khảm), trú tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trên cơ sở xem xét, đánh giá phán quyết của Tòa án các cấp, Đoàn giám sát đã kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, xem xét lại Kháng nghị giám đốc thẩm số 217/2015/KN-DS ngày 24/7/2015 để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, khi xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm cần quan tâm nghiên cứu, xem xét kỹ những nội dung mà Đoàn giám sát đã phân tích, làm rõ; căn cứ vào Điều 298 của Bộ luật tố tụng dân sự để ra bản án, quyết định đúng pháp luật, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự theo quy định của pháp luật, sớm chấm dứt được khiếu nại dai dẳng, kéo dài của các bên đương sự.

3.3. Các vụ việc đang tiến hành giám sát23

3.3.1. Vụ việc khiếu nại kéo dài từ năm 1994 đến nay của ông Nguyễn Xuân Phương ở tỉnh Long An về việc bị buộc thôi việc, sau đó bị bắt giam; cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường oan sai nhưng việc giải quyết khiếu nại về việc bị buộc thôi việc đang có sự đùn đẩy về thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và Tòa án, giữa cơ quan hành chính và doanh nghiệp;

3.3.2 và 3.3.3. Hai vụ việc khiếu nại về tranh chấp đất đai kéo dài từ năm 2000 đến nay (vụ ông Ngô Văn Kiệp và vụ ông Huỳnh Văn Kiệp), là 2 vụ việc đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Khóa XII giám sát, kiến nghị nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận giải quyết theo kiến nghị;

3.3.4. Vụ việc khiếu nại bị oan, sai kéo dài từ năm 2011 đến nay của bà Nguyễn Thị Bính ở Hà Nội về việc bà tố cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Văn, huyện Nam Từ Liêm vi phạm pháp luật nhưng việc tố cáo không được giải quyết; bị Ủy ban Kiểm tra huyện ủy kiểm tra vi phạm, sau đó bị khai trừ Đảng; bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn;

3.3.5. Vụ việc khiếu nại của ông Hồ Thanh Hải ở thành phố Hồ Chí Minh về việc năm 2004 bị khởi tố, điều tra, bị bắt giam 3 năm; đã 6 lần Viện kiểm sát truy tố, Tòa án trả lại hồ sơ do thiếu chứng cứ; Tòa án không xét xử được nhưng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lại đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự;

3.3.6. Vụ việc khiếu nại kéo dài từ năm 2003 đến nay của bà Phan Thị Kim Phụng và Phan Thị Tuyết Loan ở tỉnh Đồng Tháp về việc bị thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bị khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố xét xử về tội "Chống người thi hành công vụ"; mặc dù cơ quan hành chính nhà nước đã kết luận việc thu hồi đất trước đây là sai và đã giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ năm 2012; cơ quan điều tra đã thu hồi Quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự và đã ban hành Quyết định đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm vào tháng 01/2013, nhưng cơ quan Tòa án lại thành lập Đoàn để kiểm tra lại vụ việc, chưa giải quyết việc khiếu nại về bồi thường thiệt hại do bị oan.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Qua Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát theo Nghị quyết số 885/NQ-UBTVQH13 ngày 14/02/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy:

- Thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2015 các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền luôn coi trọng, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm sâu sát, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết dứt điểm từng trường hợp khiếu kiện phức tạp, kéo dài và khiếu kiện đông người, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực; cơ bản đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đảm bảo về thời hạn, thời hiệu, đúng thẩm quyền, công khai, khách quan trong thẩm tra, xác minh; việc đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại đã được chú trọng hơn. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có sự linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở; đặc biệt là công tác hòa giải đã phát huy được tác dụng thiết thực, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, cũng như các vụ việc, những mâu thuẫn mới phát sinh trong nhân dân. Nhiều vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở không để phát sinh thành “điểm nóng”.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung nhất là pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo nói riêng được đặc biệt quan tâm đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa các cơ quan Trung ương với địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, nhất là trong việc kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài nhằm chấm dứt khiếu nại, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Các địa phương đã chú trọng quan tâm đến việc thường xuyên trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tạo sự thống nhất trong quan điểm giải quyết, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.

2. Tồn tại, hạn chế

- Việc xử lý đơn, thư và giám sát còn nhiều hạn chế. Số lượng đơn, thư được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đạt tỉ lệ thấp; việc theo dõi, đôn đốc các vụ việc đã chuyển và tổ chức giám sát việc giải quyết đối với các cơ quan có thẩm quyền chưa nhiều, chưa được cải thiện so với các năm trước. Công tác quản lý, thống kê tình trạng đơn, thư nhận được chưa đầy đủ nên gây khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo.

- Công tác tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết vụ việc khiếu nại, tranh chấp hoặc giải quyết đơn không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo xảy ra còn nhiều như: không ban hành kết luận (đối với đơn tố cáo) hoặc quyết định (đối với đơn khiếu nại), mà ban hành công văn, thông báo để trả lời nên công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật ở một số địa phương, đơn vị có trường hợp chưa nghiêm túc, thiếu kiểm tra, đôn đốc nên kết quả còn hạn chế.

Nhiều vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm, xem xét, vận dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tổ chức vận động, thuyết phục nhiều lần, có thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng công dân không chấp hành, các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tìm giải pháp để xử lý triệt để.

- Việc theo dõi, lập hồ sơ giải quyết đơn, thư do các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử chuyển đến chưa đầy đủ, kịp thời, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo; chậm thông báo tiến độ giải quyết đến cơ quan chuyển đơn. Tỷ lệ số vụ việc do Quốc hội chuyển đến đã được giải quyết còn thấp, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012.

- Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa triển khai sâu, rộng đến cơ sở, chưa đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy, một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ về quyền, nghĩa, vụ của người khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nên còn tình trạng gửi đơn, thư vượt cấp, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc gửi đến nhiều nơi.

3. Nguyên nhân

- Hầu hết đơn, thư khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài, có tính lịch sử, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó có một số vụ việc đã được kiểm tra, rà soát và chỉ đạo giải quyết nhưng công dân không đồng tình nên tiếp tục khiếu nại, vì vậy, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, cần có thời gian để kiểm tra, xem xét việc giải quyết từ cơ sở và cần có sự phối hợp của địa phương khi tiến hành xem xét, giải quyết.

- Chính sách, pháp luật về đất đai đến nay tuy đã cơ bản được hoàn thiện nhưng do trong thời gian dài còn nhiều bất cập nên việc áp dụng pháp luật để giải quyết khiếu nại chưa nhận được sự đồng tình của người dân. Trong đó nổi lên là các quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Chính sách bồi thường thường xuyên thay đổi, năm sau cao hơn năm trước, ngày càng có lợi cho người dân dẫn đến những trường hợp trước đây đã được bồi thường nay tiếp tục đòi áp dụng chính sách mới làm cho khiếu nại kéo dài mặc dù khi bồi thường giải phóng mặt bằng, cơ quan có thẩm quyền đã tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập dẫn đến khiếu nại, tố cáo phát sinh nhiều; có vụ việc trải qua các thời kỳ thực hiện chính sách đất đai, hồ sơ tài liệu phân tán, hiện trạng đất thay đổi, không có người biết rõ vụ việc, khó xác định thời gian, diễn biến quá trình sử dụng, nên gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chưa được quan tâm thường xuyên, sát sao nên khi phát sinh khiếu nại không kịp thời giải quyết để công dân khiếu kiện vượt cấp, phát sinh vụ việc khiếu nại đông người. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn chậm.

Một số cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn yếu về chuyên môn, chưa nắm vững các quy định của pháp luật. Vì vậy, việc phân loại, xử lý và tham mưu trong việc giải quyết đơn thư còn chưa chính xác dẫn đến tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, giải quyết không đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, quy định của pháp luật dẫn đến khiếu kiện kéo dài, không được giải quyết dứt điểm.

- Việc dành thời gian để tổ chức, thực hiện điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của một số cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 trong năm 2015 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

IV. KIẾN NGHỊ

Qua giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị:

1. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao trách nhiệm trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới;

2. Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện Luật khiếu nại, trong đó có việc thực hiện quy định về đối thoại, khắc phục mâu thuẫn giữa Luật khiếu nại và Thông tư hướng dẫn về chủ thể đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2, nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội năm 2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiến nghị về nội dung này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, gây khó khăn cho việc thi hành tại các địa phương. Đồng thời, sớm ban hành văn bản hướng dẫn một số vướng mắc trong các quy định của Luật đất đai, nhất là các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp đất như: thẩm quyền giải quyết, thủ tục hòa giải tranh chấp, trình tự giải quyết tranh chấp và cưỡng chế thi hành các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực; quy định trình tự, thủ tục giải quyết việc đòi lại đất cũ; rà soát về việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan do một số Bộ, ngành và địa phương có kiến nghị trong quá trình giám sát24;

3. Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, nhất là Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm tra, rà soát lại các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài;

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật; tổ chức đối thoại, gặp gỡ với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, có biện pháp nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã trong việc giải quyết khiếu nại của công dân, hạn chế việc công dân khiếu nại vượt cấp; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để đảm bảo công tác này được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bố trí, sắp xếp công chức có năng lực, có chuyên môn, có tâm và trung thực để thực hiện công tác tham mưu cho lãnh đạo trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả nhằm giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài và khiếu nại vượt cấp;

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kịp thời giải quyết và thông báo kết quả giải quyết các đơn, thư do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến. Các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, kịp thời giải quyết những vụ việc cụ thể và báo cáo kết quả giải quyết với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

6. Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, nhất là những cán bộ đang làm công tác thanh tra được điều động về làm công tác tiếp công dân; nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh.

Trên đây kết quả giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trân trọng báo cáo Quốc hội./.

 

 

Nơi nhận:
- Các vị ĐBQH;
- Đ/c Chủ tịch QH (để b/c);
- UBTVQH;
- Thường trực HĐDT, UB của Quốc hội;
- VPCP, Bộ TN và MT, TTCP, VKSNDTC, TANDTC;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Lưu: HC, TP.
- Epas: 75098

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
ỦY VIÊN




Nguyễn Đức Hiền

 

PHỤ LỤC I

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT 28 ĐƠN, THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỤ THỂ TẠI 8 TỈNH, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Báo cáo số 984/BC-UBTVQH13 ngày 05 tháng 11 năm 2015 của UBTVQH)

STT

NGƯỜI KN, TC

NỘI DUNG KN,TC

NHẬN XÉT VÀ Ý KIẾN CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT

1

Ông Đặng Văn Đỏ, Đặng Văn Côi, trú tại tổ 11, Lương Quán, Thủy Biều, tỉnh Thừa Thiên Huế

Khiếu nại về việc không được đền bù đối với diện tích 3.135 m2 đất do gia đình ông đang canh tác tại thửa số T19 tọa lạc tại bãi bồi Biên Ngạn, phường Thủy Biều, thành phố Huế

Việc giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Đỏ chưa có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân thành phố Huế; việc mới chỉ có công văn trả lời đơn của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế (số 57/TTPTQĐ-GPMB) là chưa đúng quy định của Luật khiếu nại. Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xem xét, thẩm tra, xác minh và ban hành quyết định giải quyết theo đúng quy định; trong quá trình xem xét cần bám sát nội dung khiếu nại của ông Đặng Văn Đỏ và giải quyết đảm bảo thấu tình, đạt lý, để người dân ổn định cuộc sống.

2

Bà Nguyễn Thị Tân, trú tại khu phố 5, phường Long Phước, thị xã Phước Long, Bình Phước

Khiếu nại Quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 23/5/2014 của Ủy ban nhân dân thị xã Phước Long về việc cưỡng chế giải tỏa nhà, vật kiến trúc, tài sản và cây trồng, vật nuôi trên diện tích 4.604,1m2 đất tại sân bay Phước Bình; khiếu nại việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng khu Trung tâm hành chính và Khu đô thị mới thị xã Phước Long nhưng không có quyết định thu hồi đối với bà; yêu cầu bồi thường, hỗ trợ 300m2 đất ở đô thị và cấp đất tái định cư không thu tiền sử dụng đất.

Đối với nội dung khiếu nại Quyết định số 645/QĐ-UBND , cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành Quyết định giải quyết, vì vậy Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Phước Long tiến hành thẩm tra, xác minh và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với Quyết định cưỡng chế nêu trên, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khiếu nại;

Đối với khiếu nại về việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng khu Trung tâm hành chính và Khu đô thị mới thị xã Phước Long, Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ cho công dân bị thu hồi đất và không còn đất sản xuất; đồng thời xem xét có giải pháp kết hợp với chính sách an sinh xã hội để đảm bảo ổn định đời sống của công dân và chấm dứt khiếu nại.

3

Bà Ung Thị Thủy (đại diện cho 35 hộ dân) trú tại ấp Bình Thắng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Khiếu nại Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 17/9/2009 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thanh lý rừng trồng theo Chương trình 327, thu hồi 1.916 ha đất để bàn giao cho Công ty cao su Bình Phước nhưng bồi thường cho người bị thu hồi đất không thỏa đáng, không phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời tiếp tục cho các hộ nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Đoàn giám sát cho rằng, quá trình xử lý vụ việc, cấp có thẩm quyền của địa phương chưa ban hành quyết định giải quyết việc khiếu nại của bà Thủy đối với việc Nhà nước thu hồi và giao đất cho chủ thể khác. Để giải quyết dứt điểm, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh tổ chức mời bà Thủy đến làm việc và làm rõ những nội dung còn khiếu nại; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thẩm tra, xác minh lại các nội dung khiếu nại của bà Thủy và các hộ dân, đề xuất hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi của công dân, sau đó báo cáo kết quả lên UBND tỉnh, trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết đối với khiếu nại của bà Thủy.

4

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa ở Ấp Bà Núi, xã Bình An,huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

Khiếu nại bị cưỡng chế nhà và thu hồi 2.700m2 đất bà đang sử dụng không nằm trong phạm vi thu hồi để giao cho Công ty liên doanh xi măng Sao Mai theo GCN QSD đất số A 042156 và đề nghị giải quyết quyền lợi đối với việc thu hồi 167.300 m2 đất nuôi trồng thủy hải sản nhưng không có quyết định, không bồi thường thiệt hại.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, số diện tích đất thu hồi nằm trong khu vực rừng phòng hộ, do vậy việc trả lời không có căn cứ bồi thường thiệt hại của UBND tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật. Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại vụ việc trên và ban hành quyết định giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân theo quy định của pháp luật. Về đề nghị giải quyết quyền lợi đối với việc thu hồi 167.300 m2 đất nuôi trồng thủy hải sản nhưng không có quyết định, không bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh cần giao cho các cơ quan chức năng rà soát, xác minh quá trình khai phá, tôn tạo đất của bà Hoa để xem xét, giải quyết hỗ trợ công tôn tạo đất theo quy định.

5

Bà Bùi Thị Lang trú tại nhà số 5/1, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương

Khiếu nại Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 6/10/2009 của UBND huyện Phú Quốc về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M980103, đứng tên Bùi Thị Lang, diện tích 6.300m2, số thửa 129-b, tờ bản đồ số 1, thị trấn Dương Đông.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã xem xét, kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến sau khi có báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, với kết quả xác minh các các cơ quan này, Đoàn giám sát nhận thấy, có thể khẳng định việc bà Bùi Thị Lang khiếu nại về việc thu hồi GCNQSDĐ là có cơ sở và không có căn cứ để cho rằng bà Trần Kim Anh nhận chuyển nhượng đất và nhờ bà Bùi Thị Lang đứng tên trên GCNQSDĐ. Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo hướng công nhận khiếu nại của bà Lang là có cơ sở, thu hồi Quyết định 2423/QĐ-UBND ngày 6/10/2009 và công nhận quyền sử dụng 6.300m2 đất cho bà Bùi Thị Lang.

6

Ông Nguyễn Viết Dũng, thôn Hưng Long, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Khiếu nại đòi lại thửa đất số hiệu T460 tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại thôn Hưng Long, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền

Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết, trả lời công dân.

7

Bà Lê Thị Em, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế

Đề nghị phân chia đất đai thừa kế của gia đình tại thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo để giải quyết vụ việc đúng thời hạn quy định của pháp luật.

8

Bà Đoàn Thị Minh Phương, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang trú tại: 64 Trần Văn Kỷ, Phường 14, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh

Đề nghị xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận Liệt sỹ cho mẹ của bà là bà La Thị Thước, đã hi sinh khi làm nhiệm vụ sơ tán dân về địa phương, bị địch phục kích bắn chết trong chiến tranh.

Vụ việc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, trên cơ sở thẩm tra, xác minh của các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có tờ trình số 649/TTr-UBND ngày 03/02/2015 kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sỹ và truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” đối với bà La Thị Phước.

 Đoàn giám sát nhất trí với nội dung giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Ông Huỳnh Thanh Hải (được ông Huỳnh Văn Kiệp ủy quyền), ngụ tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 04/02/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh giải quyết tranh chấp đất giữa ông Huỳnh Văn Kiệp với ông Nguyễn Văn Thuận, ông Lê Hoàng Thạnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã tiến hành giám sát việc giải quyết từ năm 2009 và có kiến nghị tại Báo cáo số 01/BC-ĐĐBQH ngày 06/01/2010; ngày 24/02/2010, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tiếp tục có Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh kiến nghị việc giải quyết; ngày 01/11/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến chỉ đạo đối với Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tại Văn bản số 7823 của VPCP.

Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh cung cấp hồ sơ giải quyết vụ việc để giám sát. Hiện đang hoàn thiện Báo cáo giám sát đối với vụ việc này.

9

Ông Ngô Văn Kiệp, ngụ tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 09/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh giải quyết tranh chấp đất giữa ông Ngô Văn Kiệp và ông Nguyễn Phương Án.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đã tiến hành giám sát việc giải quyết từ năm 2009 và có kiến nghị tại Báo cáo số 10/BC-ĐĐBQH ngày 27/5/2009; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định giải quyết.

Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh cung cấp hồ sơ giải quyết vụ việc để giám sát và đang hoàn thiện Báo cáo giám sát đối với vụ việc này.

10

Bà Trần Thị Đẹp, trú tại 49 Lê Lợi, khóm 9, phường 4, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại Sở Xây dựng ngụy tạo đơn xin thuê nhà, gây cản trở và làm khó dễ việc đăng ký quyền sử dụng đất ở và nhà ở.

UBND tỉnh Trà Vinh báo cáo đã giao Sở Xây dựng. Sở Xây dựng đang xem xét, đề xuất phương án xử lý.

Đoàn giám sát đề nghị cần chỉ đạo sát sao và sớm có kết quả giải quyết, trả lời công dân.

11

Ông Trương Văn Trình, trú tại ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại Công văn phúc đáp số 192/UBND-NC ngày 14/02/2014 của UBND huyện Châu Thành

UBND tỉnh Trà Vinh báo cáo vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, chưa có kết quả giải quyết.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo địa phương tập trung giải quyết và ban hành quyết định đúng theo quy định của pháp luật, trả lời cho công dân.

12

Ông Trương Kim Hạnh, trú tại số 61, đường Phạm Ngũ Lão, khóm 3, phường 1, TP. TRà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Tố cáo ông Huỳnh Anh Quốc, ông Dương Ngọc Vân Tùng – công chức UBND phường 1, thành phố Trà Vinh; ông Trần Thanh Sơn – công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Trà Vinh, ông Quách Văn Màng – công chức Phòng Quản lý đô thị thành phố Trà Vinh, về việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vụ việc đang được Thanh tra tỉnh thẩm tra, xác minh. Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo, đôn đốc và sớm xem xét kết quả thẩm tra của Thanh tra tỉnh.

13

Ông Đoàn Thanh Liêm, trú tại số 259/46, khóm 2, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh

Đề nghị xem xét về thời gian hoạt động công tác từ năm 1970 đến năm 1990 và việc giải quyết chế độ, chính sách của ông Liêm, sau khi ông Liêm nghỉ chờ việc và chờ giải quyết chế độ từ năm 1990 đến nay vẫn chưa được hưởng quyền lợi.

Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội tỉnh; chưa có kết quả giải quyết.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc

14

Bà Huỳnh Thị Xuân (Xinh), trú tại thôn 6A xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk

Khiếu nại quyết định số 278/QĐ-UBND ngày 26/01/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lắk về việc giải quyết tranh chấp đất giữa bố bà (ông Huỳnh Cạnh) với ông Thôn Thất Thiện.

Đây là vụ việc khiếu nại dai dẳng, kéo dài, vụ việc có 03 lần Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, kết luận, tuy nhiên giữa các đoàn kiểm tra có kết quả giải quyết khác nhau, có những đề xuất giải pháp giải quyết khác nhau nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của UBND tỉnh và sẽ tiến hành giám sát theo trình tự, thủ tục giám sát vụ việc, khi nào có kết quả giám sát sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và UBND tỉnh.

15

Các ông bà: Nguyễn Văn Hoàn, Lê Văn Nghiêm, Lê Duy Thanh, Lê Văn Khênh, Lê Đức Tiến, Lê Văn Quyền, Nguyễn Long Xuyên, Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn Thị Thơ, Nguyễn Văn Đại, Trần Văn Hải, Trần Văn Nhân, Võ Văn Hùng, Dương Đình Hùng, Từ Văn Đoàn và Nguyễn Đình Tài cùng trú tại thôn 18, xã Eaning, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk

Vụ khiếu nại của của các hộ dân huyện Cư Kuin liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý của Công ty cà phê thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam

Do UBND tỉnh đã có ý kiến về dự thảo Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên Đoàn giám sát ghi nhận báo cáo của UBND tỉnh, nghiên cứu hồ sơ, tổ chức buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đôn đốc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, khi có kết quả sẽ thông báo kết quả đến UBND tỉnh sau.

16

Ông Nguyễn Văn Mén ở Phú Quốc; ông Danh Diệt ở huyện Gò Quao; bà Đỗ Thị Tư ở huyện Hòn Đất; ông Huỳnh Công Quờn ở huyện Châu Thành; bà Thạch Ngọc Xuân ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Nội dung các khiếu nại: Tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Văn Mén và ông Phạm Thành Lập ở Phú Quốc; tranh chấp đất giữa ông Danh Diệt và ông Danh Chuột ở huyện Gò Quao; tranh chấp đất giữa bà Đỗ Thị Tư và ông Bùi Văn Tú ở huyện Hòn Đất; khiếu nại đòi quyền lợi đối với 1.000m2 đất của ông Huỳnh Công Quờn có nguồn gốc của gia đình ông ở huyện Châu Thành; vụ việc đòi bồi thường thiệt hại đối với 9.560 m2 đất có nguồn gốc của gia đình bà Thạch Ngọc Xuân ở thành phố Rạch Giá mà chính quyền địa phương đã trưng dụng từ năm 1983 để xây dựng Nhà văn hóa tỉnh.

Về cơ bản, Đoàn giám sát thống nhất với những nội dung, hướng giải quyết của UBND tỉnh và của các cơ quan chức năng về 05 vụ việc tranh chấp, khiếu nại quyết định hành chính. Đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của địa phương giải thích, trả lời để các công dân rõ, nếu công dân tiếp khiếu đề nghị có văn bản thông báo từ chối thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

17

Trần Thị Gái, Trần Thị Ba, Thị Bê ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang; ông Trần Văn Hội, trú tại ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

Khiếu nại của các bà Trần Thị Gái, Trần Thị Ba, Thị Bê ở huyện Giang Thành đối với các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Rạch Giá khởi tố, truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng; vụ việc tranh chấp hợp đồng cho thuê đất giữa ông Trần Văn Hội, trú tại ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành với Xí nghiệp xây dựng thủy lợi Bá Phúc.

Đoàn giám sát đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo sớm hoàn thiện hồ sơ và đưa các vụ án trên ra xét xử sơ thẩm, đảm bảo việc giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

18

Ông Danh Út trụ trì Chùa Thôn Dâu, tỉnh Kiên Giang

Kiến nghị của ông Danh Út trụ trì Chùa Thôn Dâu về việc chuyển nhượng 4.129,5 m2 đất trồng lúa có nguồn gốc do tín đồ của Chùa Thôn Dâu hiến tặng.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 đã quy định đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà không phải do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho… Đây là một vấn đề mới mà Luật Đất đai 2013 chưa quy định nhưng trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan chuyên môn nên đã được Bộ Tài nguyên Môi trường đưa vào nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn Luật Đất đai. Do đó, việc đề nghị chuyển nhượng đất của ông Danh Út chưa thực hiện được.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, trong đó có nội dung trên để cá nhân, tổ chức có thể thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với đất đai theo quy định của pháp luật.

19

Ông Huỳnh Văn Đỡ và 37 công dân ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

Vụ việc nằm trong số rà soát theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ từ năm 2013. Khiếu nại, tố cáo phát sinh sau khi thực hiện chủ trương thoát lũ Miền Tây, khu vực đất công dân khiếu nại, đòi quyền lợi (Vùng tứ giác Long Xuyên) được cải tạo, hết nhiễm phèn, và đã được giao cho Công ty Quốc Tế Kiên Tài trồng cây làm vùng nguyên liệu giấy vào năm 1993 và đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho dân vào năm 1996 theo quy định.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh cần rà soát lại việc quản lý, sử dụng đất tại địa phương để thu hồi lại một phần đất đã giao cho tổ chức sử dụng trái mục đích, sử dụng không hiệu quả để tạo quỹ đất giao lại cho người dân thiếu đất canh tác trong khu vực theo chính sách chung. Nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp toàn diện, đồng bộ về chính sách đất đai kết hợp với chính sách an sinh xã hội, tránh bùng phát khiếu kiện, giữ ổn định tình hình địa phương, đảm bảo quyền lợi cho công dân cũng như đối với những hộ gia đình đã được giao đất có công tôn tạo đất. Trong quá trình giải quyết cần quan tâm hơn đối với những hộ còn thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.

20

Ông Nguyễn Hoàng Em ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Khiếu nại Quyết định số 1927/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc không thừa nhận việc đòi bồi thường thiệt hại đối với 09 ha đất canh tác tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất đã thu hồi từ năm 1993 để giao cho Công ty Quốc tế Kiên Tài.

Đoàn giám sát nhận thấy việc giải quyết của UBND huyện Hòn Đất, UBND tỉnh Kiên Giang không thừa nhận khiếu nại đòi lại đất và bồi thường 09 ha đất của ông Nguyễn Hoàng Em là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho rằng căn cứ để bác đơn nêu trong Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh là chưa phù hợp, do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp, ban hành Quyết định giải quyết với căn cứ bác đơn đúng với kết quả đã thẩm tra, xác minh.

21

Bà Dương Thị Nhung, ngụ tại khu phố Phú Xuân, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Bà Nhung đề nghị ban hành quyết định giải quyết cho gia đình bà được áp giá bồi thường đối với nhà cấp IV C; yêu cầu đền bù cho gia đình bà phần diện tích đất còn thiếu so với diện tích kê khai (kê khai 788m2 nhưng chỉ được xét đền bù 491,4 m2), đồng thời đề nghị cấp đất ở cho gia đình bà để ổn định cuộc sống.

 Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục vận động, thuyết phục đối với bà Nhung, đặc biệt làm rõ nội dung bà khiếu nại về phần diện tích đất được bồi thường không đúng với diện tích kê khai ban đầu để bà Nhung chấp nhận với phương án bồi thường của Nhà nước và chấm dứt khiếu kiện.

22

Ông Nguyễn Văn Ngọc, ngụ tại tổ 2, khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

 Khiếu nại về việc bị thu hồi đất và yêu cầu bồi thường diện tích đất Nhà nước thu hồi để xây dựng trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và làm đường Lê Duẩn.

 Đoàn giám sát nhận thấy, việc UBND các cấp bác khiếu nại của ông Ngọc là đúng, tuy nhiên UBND tỉnh cũng cần có chỉ đạo về phương án giải quyết đối với những khiếu nại tương tự để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình thu hồi đất thực hiện các dự án, tránh tình trạng thu hồi với mục đích công cộng sau đó lại giao cho doanh nghiệp để kinh doanh, dẫn đến hoài nghi không đáng có của công dân đối với cơ quan có thẩm quyền.

23

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường có trụ sở tại khu phố 1, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

Khiếu nại Công văn 1795/UBND-NLN ngày 21/9/2009 của UBND tỉnh Yên Bái. Bà Hường đề nghị UBND tỉnh Yên Bái xem xét, hỗ trợ thiệt hại nêu trên cho Công ty theo quyết định 719/2008/QĐ-TTg ngày 5/6/2008 và Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Yên Bái cần chỉ đạo một cách sát sao và quyết liệt để các cơ quan ban, ngành chức năng của tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm và quan tâm, chú trọng hơn tới công tác kiểm dịch, nhất là khi nhập trâu, bò về các trại giống trong tỉnh và cả sau khi xuất đàn từ trại giống cung cấp cho các hộ dân nuôi cũng phải kiểm dịch một cách nghiêm ngặt, để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh ở gia súc gia cầm, vật nuôi... tránh được thiệt hại về kinh tế cho địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm soát khi phát hiện ổ dịch, phân vùng và xác định mức độ đối tượng phải tiêu hủy để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Đề nghị UBND huyện Văn Chấn có biện pháp giúp đỡ Công ty TNHH Thẩm Hường trong việc thu hồi công nợ của người dân đã nhận trâu, bò theo dự án.

Đề nghị UBND tỉnh rút kinh nghiệm về việc sử dụng cụm từ “giết mổ bắt buộc” trong văn bản chỉ đạo chưa chuẩn xác so với quy định tại Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN về việc ban hành quy định Phòng chống bệnh LMLM gia súc vì theo quyết định này, đối với trâu bò không thuộc diện tiêu hủy bắt buộc thì khuyến khích tiêu hủy hoặc có thể nuôi giữ, được giết mổ tiêu thụ tại xã theo hướng dẫn của thú y, không có quy định về việc giết mổ bắt buộc. Khi nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân cần sớm nghiên cứu giải quyết, trả lời và thông báo cho cơ quan chuyển đơn biết kết quả giải quyết, tránh tình trạng phải chuyển đơn nhiều lần hoặc phải đôn đốc trả lời đơn.

24

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường có trụ sở tại khu phố 1, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

 Tố cáo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án khi bà tố cáo bà Lê Thị Anh Đào là Phó Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Minh Trí là Kế toán của Công ty đã cùng với cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên có hành vi vi phạm pháp luật trong việc cho vay, thu nợ, sử dụng giấy ủy nhiệm giả mạo để rút tiền, khi rút về không giao lại cho Công ty, làm thiệt hại và chiếm đoạt của Công ty trong thời gian dài với tổng số tiền là 35.161.000.000đ.

Đoàn giám sát nhận thấy vụ việc hiện đang thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Yên Bái nên đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái cần quan tâm, chú ý thực hiện trách nhiệm kiểm sát điều tra của mình, xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân, kết luận và xử lý theo thẩm quyền pháp luật quy định, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan chuyển đơn biết.

25

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường có trụ sở tại khu phố 1, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

Tố cáo VKSND tỉnh Yên Bái không thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đoàn giám sát nhận thấy vụ việc đang thuộc thẩm quyền của địa phương nên đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh cần tiếp tục thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật; xem xét thận trọng vụ án nhằm bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

26

Ông Su A Tự, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện cho tập thể xã viên Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát, địa chỉ: thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Khiếu nại Công văn số 2062/UBND-CT ngày 05/6/2014 của UBND tỉnh Lào Cai về việc chấm dứt hoạt động neo đậu phương tiện thủy, xếp dỡ mặt hàng gạo xuất khẩu của HTX và thu hồi đăng ký phương tiện lao động của bà con xã viên. Ông Tự đề nghị cho HTX Thuận Phát được tiếp tục hoạt động để gia đình ông và bà con xã viên có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đoàn giám sát nhận thấy tỉnh Lào Cai đã quan tâm giải quyết đơn của công dân nhưng chưa kịp thời thông báo kết quả giải quyết đơn cho cơ quan chuyển đơn; Đoàn giám sát đã đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hành chính cần làm rõ những nội dung công dân khiếu kiện, giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đề nghị UBND huyện Bảo Thắng và UBND tỉnh Lào Cai trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với HTX cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết dứt điểm tranh chấp trong nội bộ HTX Thuận Phát để ngăn ngừa các khiếu nại, tố cáo có thể tiếp tục xảy ra.

27

Bà Phạm Thị Hồng Nhung, trú tại: Số 36 Đặng Trần Côn, tổ 42, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Khiếu nại về việc chồng bà là ông Nguyễn Hữu Dũng bị các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Qua trao đổi và nghe báo cáo, Đoàn giám sát nhận thấy, việc ông Nguyễn Hữu Dũng khiếu nại “bị điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù là oan sai” chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật. Đoàn giám sát đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, theo thẩm quyền của mình, kiểm tra, xem xét, làm rõ đơn kêu oan của ông Nguyễn Hữu Dũng, kết luận rõ có oan hay không và việc đình chỉ điều tra miễn trách nhiệm hình sự có đúng quy định của pháp luật không?

 

PHỤ LỤC II

KẾT QUẢ GIÁM SÁT ĐỐI VỚI MỘT SỐ VỤ VIỆC PHỨC TẠP, KÉO DÀI
(Kèm theo Báo cáo số 984/BC-UBTVQH13 ngày 05 tháng 11 năm 2015 của UBTVQH)

I. Các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết

1. Vụ việc khiếu nại của của bà Đoàn Thị Minh Phương, nguyên quán: xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang trú tại: 64 Trần Văn Kỷ, Phường 14, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị Quốc hội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận Liệt sỹ cho mẹ của bà là bà La Thị Thước, đã hi sinh khi làm nhiệm vụ sơ tán dân về địa phương, bị địch phục kích bắn chết trong chiến tranh.

Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cho thấy: năm 2004 bà Phương đã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phú Vang để làm hồ sơ, thủ tục công nhận Liệt sỹ cho mẹ bà là La Thị Thước theo quy định. Đến năm 2006, Phòng LĐ-TBXH làm thất lạc hồ sơ của mẹ bà khi di dời trụ sở, sau đó bà đề nghị xin trích lục “Giấy báo tử và đề nghị công nhận liệt sỹ” đối với mẹ bà của UBND huyện Phú Vang gửi Bộ LĐ-TBXH nhưng được trả lời là hồ sơ gốc đã bị thất lạc. Năm 2013, bà liên hệ lại với Phòng LĐ-TBXH huyện Phú Vang để được hướng dẫn làm lại thủ tục thì được trả lời là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ giải quyết những hồ sơ trước năm 1994. Đoàn giám sát nhận thấy: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công; ngày 22/10/2013, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP:“Hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không có giấy tờ”; ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015”. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng, trước hết là ngành LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, thực hiện để giải quyết đúng chế độ, chính sách đối với người có công nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng vụ việc khiếu nại của bà Phương chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm. Vì vậy, Ban Dân nguyện đã có công văn số 117/BDN ngày 21/3/2014 chuyển đơn, yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TBXH và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

 Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, ngày 03/02/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Tờ trình số 649/TTr-UBND kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, trình Chính phủ công nhận liệt sĩ và tặng Bằng Tổ quốc ghi công đối với bà La Thị Thước.

2. Vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Mùi, trú tại xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam về việc đề nghị Quốc hội xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Đức Toàn.

Qua nghiên cứu đơn và hồ sơ vụ việc do công dân cung cấp cho thấy: ông Nguyễn Đức Toàn, quê quán ở xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nhập ngũ tháng 4/1962, sau ngày 30/4/1975 không có tin tức; năm 1998, gia đình đã đề nghị và được Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã Thụy Lôi đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Nguyễn Đức Toàn nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết. Trong quá trình thực hiện kế hoạch rà soát việc thực hiện chính sách đối với gia đình thương binh – liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phát hiện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam Ninh đã cấp giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn nhưng ngày 27/3/2002, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam lại có công văn số 80/CV-LĐTB&XH gửi Cục chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với nội dung: đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên liệt sĩ đối với ông Nguyễn Đức Toàn vì cho rằng quân nhân Nguyễn Đức Toàn đã đầu hàng địch tại Long An.

Đoàn giám sát đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam làm việc với UBND huyện Kim Bảng, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam, sau đó tổ chức buổi làm việc với Cục chính sách, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Hà Nam. Qua giám sát, Đoàn nhận thấy: việc đề nghị thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn trong khi chưa tiến hành xác minh làm rõ, hồ sơ có nhiều sai lệch về tên đệm, độ tuổi, thời gian nhập ngũ và hy sinh với thời gian đầu hàng địch, sai lệnh về cấp bậc; đặc biệt quan trọng là sai lệnh về phiên hiệu đơn vị chiến đấu và địa điểm chiến trường nơi liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn hy sinh (theo giấy báo tử) và nơi đầu hàng địch (theo hồ sơ chiêu hồi tại Phiếu xác minh số 76 ngày 5/7/1979) nhưng tất cả các vấn đề này đều không được các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ. Vì vậy, việc đề nghị thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn là thiếu căn cứ. Đoàn giám sát đã kiến nghị với các cơ quan xác minh, làm rõ và có Quyết định giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Nguyễn Văn Mùi.

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, ngày 8/6/2015, Cục chính sách, Tổng cục Chính trị đã có Công văn số 1056/CS-TBLS, theo đó, quân nhân Nguyễn Đức Toàn đủ điều kiện để đề nghị công nhận liệt sĩ và chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và cấp ủy, chính quyền địa phương có văn bản đề nghị Cục người có công, Bộ LĐ-TB&XH cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.

3. Vụ việc khiếu nại của bà Phùng Thị Kim Oanh, trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai về việc đề nghị xem xét, giải quyết minh oan và bồi thường oan sai cho em bà là Phùng Trọng Hùng bị khởi tố bắt giam từ năm 1984 đến nay:

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc cho thấy: đây là vụ việc khiếu nại dai dẳng, kéo dài từ năm 1984 đến nay của bà Phùng Thị Kim Oanh về việc yêu cầu minh oan và bồi thường thiệt hại cho bố là ông Phùng Văn Cung, em là ông Phùng Trọng Hùng do bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai trong vụ án hình sự chống người thi hành công vụ. Vụ án hình sự này xuất phát từ việc thi hành Bản án dân sự về tranh chấp việc mua bán nhà số 14 Hoàng Văn Thụ, thành phố Pleiku giữa bà Nguyễn Thị Lộc (nguyên đơn) và ông Phùng Văn Cung (bị đơn). Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử, buộc Phùng Văn Cung phải trả lại khung nhà nêu trên cho bà Nguyễn Thị Lộc. Do ông Phùng Văn Cung không thi hành giao nhà nên Tòa án nhân dân thị xã Pleiku đã cưỡng chế thu hồi và giao cho bà Lộc ngôi nhà, còn Viện kiểm sát nhân dân thị xã Pleiku thì ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 04/KSĐT ngày 14/2/1984 và khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Phùng Văn Cung. Khi Công an đến nhà thi hành lệnh bắt ông Phùng Văn Cung thì gia đình ông Cung, trong đó có con là Phùng Trọng Hùng đã có hành động ngăn cản nên Viện kiểm sát nhân dân thị xã Pleiku đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phùng Trọng Hùng. Ngày 15/6/1985, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai truy tố ông Phùng Văn Cung và ban hành Quyết định số 15/KSĐT về việc miễn tố đối với Phùng Trọng Hùng. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum đã xét xử sơ thẩm và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm, xử phạt ông Phùng Văn Cung 03 năm tù về tội “Chống đối việc thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, chống đối cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, Bản án giám đốc thẩm số 42/UBTP ngày 29/8/1987 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên bố Phùng Văn Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội theo bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Sau khi có Bản án giám đốc thẩm, bà Phùng Thị Kim Oanh liên tục đến cơ quan có thẩm quyền của tỉnh để khiếu nại về việc thi hành án và bắt giam oan sai. Do có hành vi quá khích trong quá trình khiếu nại, bà Oanh đã bị khởi tố, bắt giam nhưng sau đó không truy tố, xét xử. Bà Phùng Thị Kim Oanh tiếp tục khiếu nại, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Gia Lai đã xem xét giải quyết và bồi thường oan sai đối với bà và ông Phùng Văn Cung nhưng không chấp nhận giải quyết bồi thường oan sai đối với Phùng Trọng Hùng vì cho rằng ông Phùng Trọng Hùng thuộc trường hợp miễn tố nên không được bồi thường. Về nội dung khiếu nại việc Bản án tuyên ông Phùng Văn Cung trả lại khung nhà cho bà Nguyễn Thị Lộc nhưng khi thi hành án vào năm 1984 lại cưỡng chế buộc ông Phùng Văn Cung giao ngôi nhà cho bà Nguyễn Thị Lộc, hiện các cơ quan có thẩm quyền đang tiếp tục xem xét, giải quyết và trả lời theo pháp luật quy định.

Đoàn giám sát đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai xem xét, đánh giá việc giải quyết vụ việc đòi bồi thường oan sai đối với ông Phùng Trọng Hùng thì thấy: việc khởi tố, bắt tạm giam Phùng Trọng Hùng xuất phát từ việc thực hiện lệnh bắt đối với ông Phùng Văn Cung, nay Bản án giám đốc thẩm đã tuyên bố ông Phùng Văn Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi đã bị xét xử; ông Cung đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là oan và được bồi thường thì Phùng Trọng Hùng cũng phải được xác định là oan và phải được bồi thường; bên cạnh đó, Lệnh tạm giam Phùng Trọng Hùng đến ngày 18/4/1984 là hết thời hạn nhưng mãi đến ngày 10/5/1984 mới được tạm tha (quá 22 ngày) nên việc khiếu nại của bà Phùng Thị Kim Oanh là có cơ sở; cần kiến nghị xem xét lại việc chỉ đạo giải quyết không bồi thường của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, Đoàn giám sát đã tổ chức buổi làm việc với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trao đổi, thảo luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Phùng Thị Kim Oanh đối với việc đòi bồi thường oan sai cho ông Phùng Trọng Hùng.

Tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân địa phương giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 01/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 769/VKSND-QĐ về việc bồi thường đối với ông Phùng Trọng Hùng, theo đó ông Hùng được bồi thường 650.000.000 đồng.

4. Vụ việc khiếu nại của bà Trầm Thị Thùy Linh, trú tại 69/29 Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Cần thơ về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 150/2013/DSPT ngày 11/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc cho thấy: đây là vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng cho thuê mặt bằng và nhà ở” giữa nguyên đơn là UBND quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với bị đơn là bà Trầm Thị Thùy Linh và ông Trần Xuân Kiệp. Bản án dân sự sơ thẩm số 48/2013/DSST ngày 12/6/2013 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều và bản án dân sự phúc thẩm số 150/ 2013/DSPT ngày 11/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đều quyết định: buộc bà Trầm Thị Thùy Linh và ông Trần Xuân Kiệp phải tháo dỡ căn nhà, trả lại phần đất tọa lạc tại số 69/29 Cách Mạng Tháng Tám; UBND quận Ninh Kiều phải hỗ trợ cho bị đơn 10.000.000 đồng tiền chi phí di dời; ông Kiệp, bà Linh được lưu cư trong thời hạn 05 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực.

Qua xem xét, đánh giá, Đoàn giám sát nhận thấy: gia đình bà Trầm Thị Thùy Linh đã thuê căn nhà tại địa chỉ nêu trên từ trước năm 1993. Đến năm 2009, UBND phường An Hòa mới ký Hợp đồng cho thuê mặt bằng và nhà ở với gia đình bà Linh. Trong quá trình thuê nhà, do năm 1993 nhà nước mở rộng đường Trần Việt Châu nên diện tích nhà bị thu hẹp từ 36m2 xuống còn 24 m2 nên gia đình bà Linh đã phải sửa chữa, nâng cấp nhà mới có thể tiếp tục được sử dụng. Khi nâng cấp, sửa chữa nhà, gia đình bà Linh có thông báo với UBND phường An Hòa nhưng UBND phường An Hòa cũng không yêu cầu gia đình dừng việc sửa chữa. Việc Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét yêu cầu nguyên đơn về việc bảo đảm quyền có nhà ở, chỉ yêu cầu UBND phường An Hòa phải thanh toán giá trị phần sửa chữa, cải tạo nhà cho gia đình bà Linh là chưa phù hợp vì gia đình bà Linh ngoài chỗ ở này không có nơi ở khác. Theo bà Linh thì việc UBND phường An Hòa yêu cầu trả lại nhà là không thỏa đáng vì đây là trường hợp thu lại nhà để rồi lại cấp cho người khác làm nhà ở. Tòa án nhân dân hai cấp khi thụ lý, xét xử chưa điều tra làm rõ mục đích thu hồi nhà của UBND quận Ninh Kiều; chưa xem xét đến việc gia đình bà Linh có được hưởng chính sách nhà ở theo Nghị định 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hay không? nếu không thì phải kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ nền đất tái định cư và đền bù, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Ban Dân nguyện đã có công văn số 188/BDN ngày 12/6/2014 chuyển đơn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; ngày 31/3/2015, tiếp tục có công văn số 90/BDN đôn đốc việc giải quyết khiếu nại của bà Trầm Thị Thùy Linh.

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, Tòa án nhân dân tối cao đã có Quyết định số 75/2015/KN-DS ngày 01/4//2015 kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 150/2013/DSPT ngày 11/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ, theo đó: “Đề nghị Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao xét xử hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 48/2013/DSST ngày 12/6/2013 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.”

II. Các vụ việc đã tiến hành giám sát và ban hành kết luận, kiến nghị:

1.Vụ việc khiếu nại, tố cáo của các công dân: Trần Công Hiển, Mông Văn Bổn, Nguyễn Thị Vinh, Huỳnh Công Dinh, Đặng Văn Phước, Trần Cự ở thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, khiếu nại từ năm 2006 đến nay về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất xây dựng Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak thuộc tỉnh Gia Lai.

 Đây là vụ việc do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát (Công văn số 367/ĐĐBQH-CTĐB ngày 15/5/2013). Ngày 19/3/2014, Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Đoàn giám sát đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, nghe báo cáo và thu thập hồ sơ vụ việc để nghiên cứu, giám sát. Ngày 05/8/2015, Đoàn giám sát đã tổ chức họp, nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo giám sát việc giải quyết; ngày 22/9/2015, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có Văn bản số 1064/ĐĐBQH-CTĐB gửi Đoàn giám sát, góp ý kiến của Đoàn và các cơ quan hữu quan của tỉnh đối với dự thảo báo cáo giám sát.

Qua xem xét, đánh giá quá trình giải quyết, Đoàn giám sát nhận thấy: Công trình thủy điện An Khê – Ka Nak là dự án phải thu hồi đất của 2.057 hộ dân với diện tích đất thu hồi trên 3.109 ha; tuyệt đại đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi đất chấp nhận kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, không khiếu nại, chỉ kiến nghị có chính sách hỗ trợ thêm để bảo đảm sản xuất và đời sống; chỉ có 6 công dân khiếu nại gay gắt, dai dẳng, kéo dài mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, được Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cùng với UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát và UBND tỉnh Gia Lai đã trả lời chấm dứt việc thụ lý, giải quyết, nhưng số công dân nêu trên vẫn không nhất trí, liên tục đến các buổi tiếp công dân của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và nhiều lần ra Trụ sở tiếp công dân Trung ương để khiếu nại, yêu cầu giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của họ. Tuy đã đề nghị UBTVQH giám sát nhưng Thường trực HĐND vẫn chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát và đã kết luận, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền của địa phương là đúng quy định của pháp luật. (TB số 46/TB-HĐND ngày 30/3/ 2015 của Thường trực HĐND tỉnh); vụ việc này cũng đã được Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cùng với UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát; UBND tỉnh đã trả lời công dân, chấm dứt thụ lý, giải quyết nhưng cho đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa ban hành Kết luận thanh tra gửi các cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân bị thu hồi đất làm công trình thủy điện, hiện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cùng với UBND tỉnh Gia Lai xem xét, tìm giải pháp nhằm hỗ trợ thêm cho người dân có đất bị thu hồi.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xem xét các nội dung mà Tổ công tác đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, rà soát; ban hành Kết luận thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc xử lý, thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền biết để làm căn cứ trả lời công dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục nghiên cứu, xem xét, có giải pháp phù hợp về chính sách nhằm hỗ trợ bổ sung cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo như văn bản trả lời cử tri của Bộ Công thương; tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, vận động, thuyết phục số công dân nêu trên chấp thuận kết quả giải quyết và giám sát việc giải quyết, chấm dứt khiếu nại, tố cáo. (Theo Báo cáo kết quả giám sát số 976/BC-ĐGS ngày 28/10/2015)

2. Vụ việc khiếu nại của gia đình ông Tạ Tuyên ở 38 Hàng Giầy, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội từ năm 1980 đến nay về việc đề nghị trả lại phần nhà đất mà Nhà nước để lại cho gia đình ở khi thực hiện chính sách cải tạo:

Gia đình ông Tạ Tuyên khiếu nại với nội dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lại phần nhà đất mà nhà nước để lại cho gia đình ông sử dụng để ở trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo về nhà đất từ năm 1980; vụ việc đã được Sở Nhà đất chỉ đạo giải quyết từ năm 1983 nhưng không được thực hiện; ngày 04/11/2008 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giải quyết số 1818/QĐ-UBND ; Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã giám sát, kiến nghị giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Ngày 28/8/2014, Đoàn giám sát nghe UBND thành phố Hà Nội báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mà Ban Dân nguyện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn; theo báo cáo thì Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo phải giải quyết xong vụ việc này trước ngày 30/9/2014. Tuy nhiên, đến hết năm 2014, vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm nên ngày 20/1/2015, Đoàn giám sát đã nghe UBND thành phố Hà Nội báo cáo việc giải quyết. Sau khi nghe báo cáo, Đoàn giám sát đã phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Hoàn Kiếm trực tiếp khảo sát hiện trạng quản lý, sử dụng nhà số 38 Hàng Giầy; tổ chức cuộc họp với Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để trao đổi, thảo luận và có Công văn đề nghị Bộ Xây dựng trả lời về căn cứ pháp luật áp dụng để giải quyết khiếu nại. Ngày 5/8/2015, Đoàn giám sát đã tổ chức cuộc họp để nghe, thảo luận, cho ý kiến về dư thảo Báo cáo kết quả giám sát; ngày 04/9/2015, Bộ Xây dựng có Công văn số 08/BXD-TTr gửi Đoàn giám sát về việc xử lý vụ việc nhà 38 Hàng Giầy, thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở xem xét,đánh giá, Đoàn giám sát nhận thấy: đây là vụ việc đề nghị trả lại quyền sử dụng đối với phần nhà đất mà nhà nước để lại cho chủ sở hữu ở sau cải tạo phát sinh từ năm 1980, vì vậy, việc phân định rõ ràng ranh giới nhà đất cho các bên sử dụng, tránh va chạm là cần thiết; do chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc phân định này nên việc giải quyết phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử và hiện trạng quản lý, sử dụng nhà của cả 2 bên; nội dung quyết định phải trên cơ sở quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà là gia đình ông Tạ Tuyên và các cổ đông của Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm là đơn vị được giao một phần diện tích nhà đất 38 Hàng Giầy (khi thực hiện chính sách cải tạo là Công ty Ăn uống Đồng Xuân). Xem xét lịch sử, hiện trạng quản lý, sử dụng nhà cho thấy: nhà 38 Hàng Giầy là nhà liền tường nhà 36 Hàng Giầy, 2 nhà có cùng cấu trúc xây dựng tương tự nhau, nhà 2 tầng phía trước và nhà phụ 2 tầng phía sau; khi thực hiện chính sách cải tạo, nhà 36 Hàng Giầy là nhà vắng chủ, Nhà nước giao cho Công ty Ăn uống Đồng Xuân quản lý, sử dụng toàn bộ căn nhà này; nhà 38 Hàng Giầy là nhà cải tạo, Nhà nước chỉ quản lý và bố trí cho Công ty Ăn uống Đồng Xuân sử dụng 3 phòng tầng 1, còn lại toàn bộ tầng 2 và sân, nhà phụ 2 tầng phía sau Nhà nước không quản lý mà để lại cho gia đình ông Tạ Tuyên sử dụng; quá trình quản lý, sử dụng nhà 36 và nhà 38 Hàng Giầy, Công ty Ăn uống Đồng Xuân đã cải tạo liên thông tầng 1 của cả 2 nhà để làm cửa hàng kinh doanh ăn uống và tự ý cải tạo liên thông nhà phụ 2 tầng phía sau nhà 38 và nhà 36 Hàng Giầy thành nhà làm việc độc lập của mình; Công ty sử dụng nhà để kinh doanh buôn bán, còn gia đình ông Tạ Tuyên sử dụng nhà để ở; khi cổ phần hóa, Công ty đã kê khai đưa vào tài sản cổ phần hóa ngôi nhà phụ 2 tầng mà Nhà nước để lại cho gia đình ông Tạ Tuyên; tại Quyết định số 4152/QĐ-UB ngày 18/7/2003 về việc cổ phần hóa, UBND thành phố Hà Nội đã chấp nhận kê khai của Công ty, xác định ngôi nhà phụ 2 tầng là tài sản cổ phần hóa; mặc dù chưa đúng quy định về xác định tài sản cổ phần hóa và ban hành sau ngày 01/7/1991 nhưng Quyết định này lại trước thời điểm Nghị quyết 23/2003/NQ-QH11 của Quốc hội có hiệu lực thi hành. Sau khi ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 về việc giải quyết khiếu nại, các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội đã trình nhiều phương án phân định diện tích nhà đất tranh chấp cho các bên nhưng không được chấp thuận; tại Công văn số 9409/UBND-TNMT ngày 02/12/2014, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết phân bổ các diện tích phụ, sân chung của số nhà 38 phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm cho các bên sử dụng theo tỷ lệ diện tích thuê trong hợp đồng thuê nhà trước đây... Phương án phân bổ phải đảm bảo cho Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm có một lối đi rộng tối thiểu 01m từ diện tích tầng 1 phía ngoài, đi qua sân chung hiện tại để vào diện tích nhà 2 tầng do Công ty đang quản lý, sử dụng hiện nay. Các bên phải di chuyển công trình, tài sản trên đất về phạm vi diện tích được phân bổ của mình. Theo chỉ đạo này thì gia đình ông Tạ Tuyên phải phá bỏ cầu thang mà gia đình sử dụng riêng từ sau cải tạo đến nay để cho Công ty cổ phần làm lối đi.

Trên cơ sở kết quả giám sát, căn cứ vào Nghị quyết số 23/2003/ NQ-QH11 của Quốc hội, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH và Nghị định số 127/2005/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11 và Nghị quyết số 755/2005/ NQ-UBTVQH11, Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội áp dụng quy định tại các Điều: 3, 5, 8 Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 , Điều 8 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP , xem xét lại Quyết định số 1818/QĐ-UB ngày 04/11/2008 giải quyết khiếu nại của gia đình ông Tạ Tuyên về sử dụng cổng vào nhà phía mặt ngõ Hàng Giầy và toàn bộ phần diện tích sân còn lại của nhà số 38 Hàng Giầy mà Nhà nước không có văn bản quản lý, bố trí sử dụng khi thực hiện chính sách cải tạo về nhà đất, hiện đang sử dụng chung. Đồng thời, xem xét lại Quyết định số 4152/QĐ-UB ngày 18/7/2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước Công ty Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm thành Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm, trong đó đưa diện tích nhà phụ 2 tầng nhà 38 Hàng Giầy là tài sản đang tranh chấp vào tài sản cổ phần hóa. Từ đó xác định lối đi lưu thông chung của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hoàn Kiếm theo như đề xuất của Sở Xây dựng tại báo cáo số 6944/SXD-QLN ngày 15/9/2014.(Theo Báo cáo kết quả giám sát số 977/BC-ĐGS ngày 28/10/2015).

3. Vụ việc khiếu nại về tranh chấp đất đai từ năm 1992 đến nay giữa ông Huỳnh Cạnh và ông Tôn Thất Thiện ở tỉnh Đắk Lắk

Ông Huỳnh Cạnh (ủy quyền cho con gái là bà Huỳnh Thị Xuân, trú tại thôn 6A xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk) khiếu nại các Quyết định giải quyết giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện Krông Pắc và của UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành từ năm 1996 đến nay (QĐ số 254/QĐ-UB ngày 25/12/1996, số 193/QĐ-UB ngày 16/5/2000 của UBND huyện; QĐ số 678/QĐ-UB ngày 11/4/1997, số 724/QĐ-UB ngày 26/4/2000 và số 278/QĐ-UBND ngày 26/01/2006 của UBND tỉnh). Về vụ việc khiếu nại này, Thủ tướng Chính phủ đã 03 lần giao cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận và giải quyết nhưng do kết quả kiểm tra, kiến nghị giải quyết khác nhau, nên công dân tiếp khiếu với thái độ hết sức gay gắt, thường xuyên ở khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng và Trụ sở tiếp công dân của Trung ương; UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có nhiều giải pháp để giải quyết nhưng chưa dứt điểm.

Qua nghiên cứu, đánh giá việc giải quyết, Đoàn giám sát nhận thấy nguyên nhân công dân khiếu nại dai dẳng, kéo dài là do có một số tình tiết, nhận định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết và kết quả xác minh, kết luận của Tổng cục Địa chính và Thanh tra Chính phủ trước đây khác với xác minh của Công an tỉnh vào năm 2012, cụ thể như sau:

Về việc Hợp tác xã nông nghiệp Hòa An 3 giao đất cho ông Thiện: Ông Tôn Thất Thiện sinh năm 1940, trước đây ở nơi khác, đến tháng 3/1982 mới chuyển về ở tại thôn 6A, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, ngày 04/4/1986 mới làm đơn, được Công an huyện nhập hộ khẩu ngày 25/12/1986; ngày 15/7/1987 làm đơn, được UBND xã Hòa An xác nhận ngày 07/8/1987 đã thường trú tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa An 3 từ tháng 3/1982. Căn cứ vào diễn biến nhập hộ khẩu như nêu trên thì việc Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa An 3 xác nhận đã giao đất cho ông Thiện vào năm 1983, là thời điểm chưa có hộ khẩu ở địa phương, chưa là xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa An 3 cần phải được xem xét lại;

 Về việc giao đất cho gia đình bà Xuân và ông Thiện: Các bên tranh chấp đều đưa ra nhân chứng khẳng định việc Tập đoàn, Hợp tác xã giao đất cho mình nhưng qua nghiên cứu hồ sơ và hiện trạng thửa đất tranh chấp cho thấy: gia đình bà Xuân được các cán bộ quản lý Tập đoàn sản xuất 2 xác nhận giao đất năm 1977-1978 và có xác nhận tứ cận kéo dài đến giáp Quốc lộ 26 (nay là 21); trong khi đó ông Thiện được cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa An 3 xác nhận giao đất từ năm 1982 giáp mặt đường Quốc lộ 26 (sau khi giải thể Tập đoàn); Tập đoàn 2 và Hợp tác xã nông nghiệp 3 đều là đơn vị được nhà nước giao quản lý đất đai vào thời điểm trước khi phát sinh tranh chấp, xét về lý và logic của vụ việc, nếu cả 2 trường hợp giao đất đều có thật thì việc giao đất của Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa An 3 là giao đất trùng với đất mà Tập đoàn sản xuất 2 đã giao cho gia đình bà Xuân sử dụng trước đó.

 Về số diện tích đất HTX Nông nghiệp Hòa An 3 giao cho ông Thiện: Theo lời chứng của ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hòa An thời điểm năm 1992 thì khu đất hiện ông Thiện đang ở nguyên trước đây là đất bỏ hoang, có nhiều cỏ sậy cao quá đầu người và là vùng trũng. Ông Thiện được Hợp tác xã cấp cho diện tích đất nhỏ để ở và làm nghề gò hàn tại vị trí ông Liên làm máy xay xát trước kia (4 x 5 = 20 m2), trong quá trình sử dụng ông Thiện đã tự khai phá thêm. Vì vậy, việc ông Thiện trình bày được Hợp tác nông nghiệp 3 Hòa An giao 400 m2 đất là không phù hợp với lờ khai nhân chứng.

 Về việc bà Võ Thị Duyệt cho ông Thiện 261 m2 đất: Khu đất bà Duyệt khai cho ông Thiện là vùng trũng, thường xuyên bị ngập nước, nằm xen kẽ giữa đất của gia đình bà Xuân với Quốc lộ 26 và liền kề với đất của bà Duyệt. Theo lời khai của cán bộ Tập đoàn sản xuất 2 thì gia đình bà Duyệt cũng như gia đình bà Xuân đều được Tập đoàn giao đất như nhau và cùng giáp Quốc lộ 21. Do đó việc bà Duyệt khai số diện tích 261 m2 đất (có chiều rộng khoảng 25 m, sát mặt đường Quốc lộ 21, chiều sâu khoảng 10 m) mà bà cho ông Thiện sử dụng là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất.

Từ kết quả xem xét, đánh giá như nêu trên, Đoàn giám sát đã kiến nghị với đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Đăk Lăk tiến hành kiểm tra, rà soát lại một lần nữa việc giải quyết và có giải pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại của bà Huỳnh Thị Xuân. (Theo Báo cáo kết quả giám sát số 972/BC-ĐGS ngày 28/10/2015).

4. Vụ việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Anh Thư (con gái ông Nguyễn Văn Khảm) từ năm 2005 đến nay về việc giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Văn Khảm (nguyên đơn) và ông Trương Văn Sánh (bị đơn), cùng trú tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội:

Đây là vụ án dân sự đã được xét xử qua 2 vòng sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng có các phán quyết rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau [1] nên công dân tiếp tục khiếu nại. Quyết định của án phúc thẩm lần 3 đã làm cho gia đình ông Khảm mất hoàn toàn quyền sử dụng đất, trong khi trước đó gia đình ông đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai vào năm 1956.

Đoàn giám sát nhận thấy nguyên nhân Tòa án nhân dân các cấp có phán quyết khác nhau là do nhận định, đánh giá khác nhau về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trương Văn Sánh. Vì vây Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện Thanh Trì để yêu cầu xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau buổi làm việc, UBND huyện Thanh Trì đã có báo cáo số 18/BC-UBND ngày 30/1/2015 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trương văn Sánh, theo báo cáo này thì: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trương Văn Sánh … là chưa đúng về số thửa, chủ sử dụng và đã cấp cả phần đất công do UBND xã Tân Triều quản lý cho ông Trương Văn Sánh. Do vậy, cần thu hồi lại, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 174867 ngày 22/8/1991 đã cấp cho ông Trương Văn Sánh. Văn bản số 2080/UBND-TN&MT ngày 25/9/2014 của UBND huyện có nội dung khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Trương Văn Sánh là đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật là chưa đủ cơ sở vì hiện nay không còn lưu trữ đầy đủ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trương Văn Sánh để kiểm tra, đối chiếu với các quy định pháp luật thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền cho ông Trương Văn Sánh”. Ngày 30/1/2015, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định số 204/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Anh Thư, theo đó đã quyết định: “Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A174867 ngày 22/8/1991 đã cấp cho ông Trương Văn Sánh.” Ngày 24/7/2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có Kháng nghị giám đốc thẩm số 217/2015/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm lần 3, số 81/2014/DSPT ngày 23/4/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Đoàn giám sát cho rằng: sở dĩ Tòa án thụ lý vụ án dân sự về tranh chấp đất đai nêu trên là do nguyên đơn và bị đơn đều cho rằng UBND huyện Thanh Trì đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất đang tranh chấp cho ông Sánh. Vì vậy, để phán quyết ai là người có quyền sử dụng đất đang tranh chấp trước hết cần phải xem xét, đánh giá việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sánh có đúng quy định của pháp luật không? Trong vụ việc này, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trương Văn Sánh vào thời điểm năm 1991, trong lúc ông Sánh không phải là người đang sử dụng đất đã được chính cơ quan cấp giấy thanh tra, kết luận là không đúng quy định của pháp luật nên đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, phù hợp với nhận định của bản án sơ thẩm lần 1 và bản án phúc thẩm lần 2 khi phán quyết chia đôi thửa đất tranh chấp, giao cho ông Khảm và ông Sánh mỗi người được quyền sử dụng một nửa. Theo phán quyết của chính Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội khi xét xử về tranh chấp quyền sử dụng đối với phần đất ông Khảm và ông Ngọ đổi cho nhau ở 2 vụ án khác nhau thì ông Khảm là người có đất thổ cư (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) đổi cho ông Ngọ, ông Ngọ thì được công nhận quyền sử dụng thửa đất đổi, còn ông Khảm thì không được quyền sử dụng đất đổi từ ông Ngọ, mặc dù ông Khảm đã sử dụng đất đổi từ năm 1983, (đã được cơ quan quản lý đất đai công nhận) đến thời điểm phát sinh tranh chấp. Kết luận trong Bản án dân sự phúc thẩm số số 81/2014/ DS-PT ngày 23/4/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; không xem xét, đề cập đến các tình tiết trong Bản án phúc thẩm số 144/DSPT ngày 25/6/2004 đã có hiệu lực pháp luật trước đó. Trong khi đó, một trong những căn cứ mà Tòa án sử dụng để công nhận quyền sử dụng đất tranh chấp cho ông Sánh là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hiện đã được chính cơ quan có thẩm quyền cấp giấy kết luận là cấp sai và đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Từ nhận xét, đánh giá các phán quyết của các cấp Tòa án, căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân theo quy định của pháp luật, Đoàn giám sát đã kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại Kháng nghị giám đốc thẩm số 217/2015/KN-DS nêu trên; đồng thời kiến nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, khi xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm cần quan tâm nghiên cứu, xem xét kỹ những nội dung mà Đoàn giám sát đã phân tích, làm rõ; căn cứ vào Điều 298 của Bộ luật tố tụng dân sự để ra bản án, quyết định đúng pháp luật, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự theo quy định của pháp luật, sớm chấm dứt được khiếu nại dai dẳng, kéo dài của các bên đương sự. (Theo Báo cáo kết quả giám sát số 974/BC-ĐGS ngày 28/10/2015)

 

PHỤ LỤC III

CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐANG ĐƯỢC NGHIÊN CỨU, GIÁM SÁT
(Kèm theo Báo cáo số 984/BC-UBTVQH13 ngày 05 tháng 11 năm 2015 của UBTVQH)

STT

NGƯỜI KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

NỘI DUNG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

GHI CHÚ

1

Ông Nguyễn Xuân Phương

Trú tại: tỉnh Long An

Khiếu nại về việc bị buộc thôi việc, sau đó bị bắt giam oan, sai từ năm 1994 đến nay,

Về việc bị bị bắt giam oan sai, cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường, nhưng việc giải quyết khiếu nại về việc bị buộc thôi việc đang có sự đùn đẩy về thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và Tòa án, giữa cơ quan hành chính và doanh nghiệp. Do đó ông Phương tiếp tục có đơn khiếu nại. Vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

2

Ông Ngô Văn Kiệp

Trú tại: tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại về việc giải quyết tranh chấp đất đai ở tỉnh Trà Vinh kéo dài từ năm 2000 đến nay.

Vụ việc đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Khóa XII giám sát, kiến nghị nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận giải quyết theo kiến nghị. Hiện ông Ngô Văn Kiệp tiếp tục có đơn khiếu nại. Vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

3

Ông Huỳnh Văn Kiệp

Trú tại: tỉnh Trà Vinh

Khiếu nại về việc giải quyết tranh chấp đất đai ở tỉnh Trà Vinh kéo dài từ năm 2000 đến nay

Vụ việc đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Khóa XII giám sát, kiến nghị nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận giải quyết theo kiến nghị. Ông Huỳnh Văn Kiệp tiếp tục có đơn khiếu nại. Hiện vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

4

Bà Nguyễn Thị Bính

Trú tại: Hà Nội

Khiếu nại về việc bị cơ quan tiến hành tố tụng quận Nam Từ Liêm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Bà Nguyễn Thị Bính cho rằng do tố cáo Chủ tịch UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm có hành vi phạm pháp luật, bà lại bị Ủy ban kiểm tra Đảng Quận ủy kiểm tra vi phạm, sau đó bị khai trừ Đảng; đồng thời, bị cơ quan tiến hành tố tụng quận Nam từ Liêm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn. Bà Bính đã có đơn khiếu nại gửi tới Quốc hội, Vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

5

Ông Hồ Thanh Hải

Trú tại: thành phố Hồ Chí Minh

Khiếu nại về việc bị khởi tố, bắt tạm giam, điều tra, truy tố oan sai, không đúng pháp luật từ năm 2004.

Vụ việc đã 6 lần Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án đều trả lại hồ sơ, không xét xử được. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát lại vụ việc, khi có kết quả sẽ báo cáo UBTVQH. Vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

6

Bà Phan Thị Kim Phụng và Phan Thị Tuyết Loan

Trú tại tỉnh Đồng Tháp

Khiếu nại về việc bị thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ năm 2003 đến nay; bị khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ” oan.

Vụ việc đã được cơ quan hành chính nhà nước kết luận việc thu hồi đất trước đây là sai và đã giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng cơ quan Tòa án chưa giải quyết xong việc khiếu nại đòi bồi thường oan sai về hình sự, trong khi đó cơ quan điều tra đã thu hồi Quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự vào năm 2003 và ban hành Quyết định đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm vào tháng 01/2013. Bà Phan Thị Kim Phụng và Phan Thị Tuyết Loan tiếp tục có đơn khiếu nại. Vụ việc đang được ĐGS của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

 

PHỤ LỤC IV

KIẾN NGHỊ CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
(Kèm theo Báo cáo số 984/BC-UBTVQH13 ngày 05 tháng 11 năm 2015 của UBTVQH)

STT

NỘI DUNG KIẾN NGHỊ

ĐỊA PHƯƠNG, CƠ QUAN

I. Luật khiếu nại

1.

Về việc xác định khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng không được giải quyết thì khi giải quyết được xác định là giải quyết lần đầu hay giải quyết lần hai:

Tại Đoạn 2, Khoản 1, Điều 7 quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu…”. Đồng thời tại Điều 18, Điều 19 và Điều 21 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai như sau: “Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng cơ quan hành chính cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng không được giải quyết”. Như vậy, theo quy định tại các điều khoản trên, khi khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn mà không được giải quyết thì người khiếu nại phải thực hiện thủ tục khiếu nại lần hai và người có thẩm quyền phải thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai.

Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 31 quy định: “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại”, Đoạn 2, Khoản 1, Điều 33 quy định: “Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai”. Thực tế cho thấy, quy định này chỉ đúng trong trường hợp khiếu nại lần đầu được thụ lý giải quyết, còn trong trường hợp người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại lần hai với lý do “khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng không được giải quyết” thì không thể thực hiện theo quy định tại Điều 31 và Điều 33 được, bởi lẽ các khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì không thể có quyết định giải quyết lần đầu để gửi kèm theo đơn khiếu nại lần hai. Mặt khác, việc quy định “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại” cũng sẽ dẫn đến cách hiểu: nếu khiếu nại lần đầu chưa hề được xem xét, giải quyết thì không thể ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và cũng không thể coi là khiếu nại đã được giải quyết.

Với những quy định khác nhau của các điều khoản trên dẫn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai không thể xác định các trường hợp khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn giải quyết nhưng không được giải quyết là giải quyết lần đầu hay giải quyết lần hai, bởi vì: nếu xác định là giải quyết lần hai thì mâu thuẫn với Điều 31 và Điều 33.

Yên Bái

2.

Về vấn đề người đại diện:

Tại Khoản 5, Điều 8 về hình thức khiếu nại quy định: “Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này.”

Vậy nên hiểu quy định này như thế nào? Nếu hiểu Khoản 5 là việc đại diện trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung được quy định tại Khoản 4, Điều 5 thì không phù hợp vì Điều 6, Nghị định 75 hướng dẫn thực hiện Luật Khiếu nại quy định: “1. Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại theo quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 4, Điều 8 của Luật Khiếu nại và được thể hiện bằng văn bản. 2. Văn bản cử người đại diện khiếu nại phải có những nội dung sau: …3. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện”.

Còn nếu hiểu Khoản 5 là việc đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật thì việc quy định “người đại diện phải là một trong những người khiếu nại” là không phù hợp bởi lúc này người đại diện chỉ là người thực hiện các trình tự, thủ tục khiếu nại thay cho người khiếu nại chứ họ không thể là người khiếu nại. Đề nghị giải thích rõ hơn nội dung này.

Yên Bái

3

Về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:

Điều 37, Luật Khiếu nại quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.” Đối với một số trường hợp vụ việc phức tạp (ví dụ như phải thuê đơn vị xác định lại giá đất cụ thể để bồi thường về đất), thời  hạn trên không đủ thời gian để giải quyết.

Yên Bái

4

Về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại:

Đề nghị có Nghị định quy định chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, không nên quy định chung như hiện nay tại các Điều 67, 68 của Luật Khiếu nại do rất khó áp dụng trong thực tế.

Kiên Giang

III. Luật tố cáo

1

Về việc thụ lý giải quyết đơn tố cáo:

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Luật Tố cáo quy định người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo khi “Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”. Quy định như vậy cũng rất khó khăn trong thực tế bởi vì người giải quyết tố cáo phải có quá trình kiểm tra, xác minh thì mới có thể kết luận được chính xác người vi phạm, hành vi vi phạm mà muốn kiểm tra, xác minh thì phải thụ lý giải quyết, chứ không thể phán đoán một cách chủ quan về nội dung và thông tin mà người tố cáo cung cấp.

Yên Bái

2

Về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo:

Đề nghị có Nghị định quy định chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về tố cáo, không nên quy định chung như hiện nay tại các Điều 46, 47, 48 của Luật Tố cáo do rất khó áp dụng trong thực tế.

Kiên Giang

II. Luật tiếp công dân

 

Đề nghị ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, huyện nhằm thống nhất và hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban tiếp công dân các cấp.

Thừa Thiên Huế

IV. Luật đất đai

1

Về xác định diện tích đất ở trước năm 1980:

Đề nghị có quy định cụ thể hơn về việc xác định diện tích đất ở, đối với diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất đang có nhà ở, sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980 (quy định tại Điều 103, Luật Đất đai, Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, cụ thể:

+ Đối với đất vườn, ao trong cùng một thửa đất đang có nhà ở, được hình thành trước ngày 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất trong giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm bắt đầu sử dụng thì có được áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 21, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (xác nhận của UBND cấp xã và khu dân cư) để xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất hay không.

+ Theo quy định tại Khoản 6, Điều 103, Luật Đất đai: Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì xác định mục đích sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng đất. Nếu theo hiện trạng sử dụng đất, phần diện tích đất còn lại đó đang có nhà ở thì có được xác định là đất ở hay không.

+ Đối với đất vườn, ao trong cùng một thửa đất đang có nhà ở, được hình thành trước ngày 18/12/1980. Nếu chủ sử dụng đất trước đó đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác sau ngày 18/12/1980, người nhận quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay xác định lại diện tích đất ở thì người nhận quyền sử dụng đất có được tính theo thời điểm bắt đầu sử dụng đất của chủ cũ là từ trước ngày 18/12/1980 hay không.

Trên địa bàn huyện Sa Pa, trước năm 1990 thì các hộ không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Trong những năm 1990 – 1992, UBND huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhưng không ghi rõ diện tích đất ở. Pháp luật về đất đai hiện nay không quy định việc xác định lại diện tích đất ở, đối với trường hợp người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 100, Luật Đất đai và Điều 18, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP , nên vướng mắc khi thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Lào Cai (Sa Pa)

2

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư:

- Tại Điều 16, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đề nghị bổ sung vào Điểm b, khoản 3, cụm từ “sạt lở, sụt lún” như sau: “Doanh nghiệp chi trả trong trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún có nguy cơ đe dọa tính mạng con người do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản thì tiền bồi thường, hỗ trợ do ngân sách nhà nước chi trả”.

- Đối với các trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ quy định tại Khoản 2, Điều 86, Luật Đất đai.

Nội dung này chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 472014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Vì vậy, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn không xác định được giá đất cụ thể theo quy định.

Đề nghị bổ sung thêm 01 điều quy định xác định giá định giá đất đối với trường hợp được bố trí tái định cư tại chỗ vào Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Lào Cai (Sa Pa)

3

Về khiếu nại đòi lại đất:

Đề nghị có quy định về thời hiệu khiếu nại đòi lại đất, đồng thời hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai các thời kỳ.

Kiên Giang

V. Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành hành chính

1.

Về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thời gian giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo:

Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự theo hướng tăng thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thời gian giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

2

Về hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến việc giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm:

+ Quy định về hình thức văn bản đề nghị xem theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự mới chỉ quy định về hình thức văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 284) mà chưa quy định về vấn đề này trong thủ tục tái thẩm. Để quy định thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, đề nghị bổ sung quy định về hình thức văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm trong Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định về hình thức văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong Luật Tố tụng Hành chính và Bộ luật Tố tụng Hình sự.

+ Quy định chặt chẽ về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của người gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm:

Để tạo hành lang pháp lý cần thiết và đầy đủ cho thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và hạn chế những bất cập hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự theo hướng có thể thu hẹp đối tượng được quyền yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và cùng với quyền cần có quy định về nghĩa vụ của người có đơn đề nghị (như lệ phí nộp đơn, nghĩa vụ chứng minh của đương sự khi đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật); nếu có căn cứ và bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà đương sự khiếu nại hoặc bị người có thẩm quyền kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chấp nhận kháng nghị thì họ được trả lại khoản tiền tạm ứng đã nộp.

+ Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm:

Với quy định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm không được quyền sửa bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà chỉ được quyền hủy bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án để xét xử lại như hiệu nay chưa thực sự hợp lý, làm kéo dài quá trình tố tụng (có những vụ án quy nhiều lần xét xử giám đốc thẩm, kéo dài trên 10 năm chưa kết thúc), gây tốn kém công sức và thời gian của người dân, tổ chức, cơ quan nhà nước…, gây tình trạng bất an trong nhân dân; đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng số lượng đơn giám đốc thẩm tăng nhiều, kéo dài và bức xúc như hiện nay.

Đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án cấp dưới. Tuy nhiên, cần phải có quy định cụ thể về các điều kiện khi Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, ví dụ: các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ, rõ ràng; có căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; vi phạm thủ tục tố tụng của Tòa án cấp dưới không nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; khắc phục ngay được sai lầm của Tòa án cấp dưới trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ, nhận định, kết luận về vụ án và bảo đảm giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích hợp pháp của đương sự và không ảnh hưởng đến người thứ ba.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung về giới hạn của việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo hướng quy định: Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng.

Có như vậy mới rút ngắn thời gian tố tụng vụ án; đồng thời, góp phần làm giảm bớt số lượng đơn đề nghị Tòa án xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

+ Bổ sung quy định ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm trong trường hợp người đã kháng nghị lại rút lại kháng nghị:

Việc rút kháng nghị của người đã kháng nghị là căn cứ pháp lý để chấm dứt phiên tòa giám đốc thẩm nên pháp luật tố tụng cần quy định Hội đồng giám đốc thẩm ra văn bản tố tụng để thể hiện ý chí của Hội đồng đối với việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa của người đã kháng nghị. Do đó, đề nghị bổ sung, sửa đổi các Điều 217 Luật Tố tụng hành chính, Điều 289, Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự với nội dung là: Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm trong trường hợp người kháng nghị đã rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm.

Tòa án nhân dân tối cao

VI. Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ

 

Tại Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 06/2013/TT-TTCP hướng dẫn quy trình giải quyết tố cáo quy định: “1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp … b) Đối với tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo phải tiếp tục giải quyết tố cáo đó theo thẩm quyền. c) Khi phát hiện một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 2 Điều này thì phải thụ lý, giải quyết lại tố cáo đó. Trình tự, thủ tục giải quyết lại tố cáo được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.”

Trên thực tế, để xem xét có dấu hiệu vi phạm hay không thì phải xác minh lại nhưng Thông tư lại không quy định việc xác minh trong trường hợp này. Hơn nữa, trong vòng 10 ngày không đủ thời gian để xem xét lại việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới là có dấu hiệu vi phạm hay không.

Yên Bái

VII. Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ

 

Đề nghị xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013, cụ thể: Việc tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 vì tại Điểm a, khoản 1, Điều 21 của Thông tư quy định: “… Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại…”. Nhưng tại Điểm c, Khoản 2, Điều 15 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người giải quyết lần hai có nghĩa vụ: “Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Như vậy, Thông tư số 07/2013/TT-TTCP quy định người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại là chưa thống nhất với quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 15 Luật Khiếu nại năm 2011.

Đắk Lắk

VIII. Vấn đề khác

 

Đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình giải quyết đối với đơn thư kiến nghị, đề nghị, phản ánh

Lào Cai

 



1 Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Trà Vinh, Kiên Giang, Bình Phước, Lào Cai, Yên Bái

2 Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

3 Ủy ban VHGD, TN, TM & NĐ tiếp nhận 222 đơn, thư; Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp nhận 50 đơn, thư; Ủy ban Tài chính và Ngân sách tiếp nhận 43 đơn, thư; Hội đồng Dân tộc tiếp nhận 42 đơn, thư; Ủy ban Đối ngoại tiếp nhận 30 đơn thư; Ban Công tác đại biểu tiếp nhận 54 đơn, thư.

4 Hội đồng Dân tộc chuyển 02 đơn, thư; Ủy ban Pháp luật chuyển 22 đơn, thư; Ủy ban Tư pháp chuyển 368 đơn, thư; Ủy ban Về các vấn đề xã hội chuyển 227 đơn thư; Ủy ban Tài chính và Ngân sách chuyển 05 đơn thư; Ủy ban Quốc phòng và An ninh chuyển 16 đơn thư; Ủy ban Đối ngoại chuyển 02 đơn thư; Ban Công tác đại biểu chuyển 06 đơn thư; Ban Dân nguyện chuyển 911 đơn, thư.

5 Ủy ban Tư pháp giám sát 01 chuyên đề và 16 vụ việc cụ thể; Ủy ban Kinh tế giám sát 02 chuyên đề; Ủy ban Về các vấn đề xã hội giám sát 01 vụ việc cụ thể; Ủy ban Đối ngoại giám sát 01 chuyên đề; Ban Công tác đại biểu giúp UBTVQH giám sát 01 vụ việc cụ thể; Ban Dân nguyện giúp UBTVQH giám sát 01 chuyên đề và 14 vụ việc cụ thể.

6 Các Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát chuyên đề và lồng ghép gồm: Bắc Giang (2), Bắc Cạn (1), Bến Tre (3), Bình Định (2), Bình Phước (2), Bình Thuận (3), Cà Mau (5), Đăk Nông (2), Hải Dương (3), Hải Phòng (3), Hòa Bình (1), Lai Châu (1), Lâm Đồng (6), Ninh Bình (1), Quảng Nam (1), Quảng Ninh (5), Sơn La (4), Thái Bình (1), Thái Nguyên (5), Thanh Hóa (2), Trà Vinh (5), Vĩnh Long (4), Vĩnh Phúc (1).

7 Các Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát vụ việc cụ thể gồm: Bạc Liêu (4), Bắc Giang (1), Bình Định (1), Bình Thuận (6), Cà Mau (3), Cần Thơ (6), Đà Nẵng (7), Điện Biên (2), Đồng Nai (7), Gia Lai (2), Hà Nội (26), Khánh Hòa (1), Lai Châu (5), Lào Cai (1), Ninh Bình (3), Ninh Thuận (2), Phú Thọ (3), Phú Yên (1), Quảng Ninh (8), Quảng Trị (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (4), Tiền Giang (2), Trà Vinh (1)

8 Không có số liệu chuyển đơn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH

9 (1) Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Sơn ở tp Cần Thơ khiếu nại việc bị thu hồi GCNQSD đất (vụ việc được Ban Dân nguyện giúp UBTVQH giám sát và kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường); (2) Vụ việc ông Huỳnh Ngọc Ánh và 50 hộ giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu (tp Đà Nẵng) khiếu nại việc thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và đề nghị được tái định cư tại chỗ (UBND tp Đà Nẵng đã rà soát, báo cáo và đang chờ ý kiến của Phó Thủ tướng); (3) Vụ việc ông Nguyễn Văn Doanh tại tổ 16, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội khiếu nại giải quyết tranh chấp QSD 676m2 đất ao (thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ TN và MT đã hướng dẫn việc xác định diện tích đất và đề nghị UBND tp Hà Nội công nhận cho bà Na (mẹ ông Doanh) 103,7m2 đất. Hiện, UBND tp chưa có báo cáo kết quả).

10 Vụ việc của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị giao cho các đơn vị cơ khí thuộc Hiệp hội được tham gia thực hiện một số phần việc xây dựng các dự án nhiệt điện trong quy hoạch điện VII.

11 (1) Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Du lịch Đại Nam tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Thanh tra Chính phủ đã làm việc trực tiếp và ông Dũng đã rút đơn tố cáo, đề nghị các cơ quan không tiến hành xem xét, giải quyết; (2) Bà Nguyễn Thị Lang ở ấp La Ghì, xã Vinh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long khiếu nại đòi quyền sử dụng đất, TTCP đã báo cáo và VPCP đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng đồng ý kiến nghị về việc chấm dứt xem xét và khẳng định không có cơ sở giải quyết, hiện nay, công dân tiếp tục khiếu nại, VPCP đã giao UBND tỉnh Vĩnh Long kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch của TTCP.

12 Báo cáo số 455/BC-CP ngày 23/9/2015 của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

13 Ông Vũ Văn Lâm trú tại thôn Dương Đê, Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh khiếu nại Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ đã thẩm tra, xác minh và ban hành Quyết định giải quyết thống nhất với nội dung giải quyết của tỉnh.

14 (1) Ông Phạm Thư (bà Mai Thị Vìa trú tại 213/7-9 Nguyễn Thiện Thuật, P.1, Q.3, tp Hồ Chí Minh ủy quyền) yêu cầu Nông trường Hòa Bình I bồi thường 272.929m2 đất tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ đang chuẩn bị cử đoàn công tác để thẩm tra, xác minh; (2) Ông Nguyễn Năng Định, trú tại P. Tân Hồng, tx Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khiếu nại Quyết định giải quyết lần hai của tỉnh Bắc Ninh về việc ông đề nghị trả lại đất gia đình ông cho HTX Đại Đình mượn từ 1967. Hiện Bộ đang xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vụ việc.

15 (1) Nguyễn Ngọc Ánh ở tp Hồ Chí Minh khiếu nại Quyết định của tỉnh An Giang bác yêu cầu đòi lại 269,67m2 đất; (2) Bà Nguyễn Thị Ngọc ở An Giang không đồng ý thông báo chấm dứt thụ lý khiếu nại liên quan đến thu hồi đất và bồi thường trong thực hiện Dự án tuyến dân cư Kênh 24 Cây Dầu và Khu nhà mồ tt Ba Chúc; (3) 09 công dân ở An Giang (Huỳnh Thị Cảnh, Nguyễn Thị Thu Hương...) phản ánh về việc chưa có kết quả rà soát;

16 (1) Bà Đỗ Thị Tư ở Kiên Giang khiếu nại việc giải quyết tranh chấp đất với bà Bùi Thị Nga; (2) Bà Nguyễn Thị Tư ở Bình Định khiếu nại việc bồi thường, thu hồi đất thực hiện Dự án Khu dân cư Kênh Bàu; (3) Ông Đoàn Tấn Dũng ở Bình Dương đề nghị xem xét lại các Quyết định của tỉnh Sông Bé (trước đây); (4) Bà Huỳnh Thị Hoa, Đỗ Thị Hoa khiếu nại việc giải quyết tranh chấp đất với bà Phạm Thu Thủy.

17 Có 50 văn bản về hình sự, 18 văn bản về dân sự và 09 văn bản về hành chính.

18 Có 03 văn bản về hình sự, 33 văn bản về dân sự và 02 văn bản về hành chính.

19 Xin xem Phụ lục I.

20 05 vụ việc khiếu nại phức tạp: ông Đặng Văn Đỏ ở Thừa Thiên Huế; Nguyễn Thị Tân ở Bình Phước, Ung Thị Thủy ở Bình Dương (vụ việc khiếu nại ở Bình Phước); Nguyễn Thị Kim Hoa ở Kiên Giang; Bùi Thị Lang ở tỉnh Bình Dương (vụ việc tranh chấp đất ở Kiên Giang).

21 Xin xem Phụ lục II

22 Xin xem Phụ lục II

23 Xin xem Phụ lục III

24 Xin xem Phụ lục IV

[1] Án sơ thẩm lần 1 phán quyết chia đôi thửa đất, mỗi bên được quyền sử dụng một nửa; án phúc thẩm lần 1 phán quyết ông Khảm được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất; Án sơ thẩm lần 2 phán quyết ông Sánh được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất; án phúc thẩm lần 2 phán quyết chia đôi thửa đất, mỗi bên được quyền sử dụng một nửa như bản án sơ thẩm lần 1; Án phúc thẩm lần 3 phán quyết ông Sánh được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất như án sơ thẩm lần 2.