CÁC NGUYÊN TẮC VÀ HƯỚNG DẪN CƠ BẢN
VỀ QUYỀN ĐƯỢC KHÔI PHỤC VÀ BỒI THƯỜNG CỦA CÁC NẠN NHÂN CỦA NHỮNG VI PHẠM LUẬT NHÂN QUYỀN VÀ LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ, 2006
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo nghị quyết số 60/147 ngày 21/3/2006).
Đại Hội đồng,
Được hướng dẫn bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, các Công ước quốc tế về quyền con người, các văn kiện quyền con người khác và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên.
Khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề khôi phục và bồi thường cho các nạn nhân của vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế một cách có hệ thống và thấu đáo theo các cấp độ quốc gia và quốc tế.
Công nhận rằng, trong khi vinh danh quyền của các nạn nhân được hưởng lợi từ sự khôi phục và bồi thường, cộng đồng quốc tế phải trung thành với lời cam kết đối với hoàn cảnh của các nạn nhân, những người sống sót và các thế hệ tương lai và tái khẳng định luật pháp quốc tế trên lĩnh vực này.
Nhắc lại việc thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản về quyền được khôi phục và bồi thường cho các nạn nhân của sự vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế theo Nghị quyết số 2005/35 ngày 19/4/2005 của ủy ban Quyền con người và Nghị quyết 2005/30 ngày 25/7/2005 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội theo nghị quyết số 2005/30 ngày 25/7/2005, theo đó Hội đồng khuyến nghị Đại Hội đồng thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản.
1. Thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản về quyền được khôi phục và bồi thường cho các nạn nhân của sự vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế đính kèm nghị quyết này;
2. Khuyến nghị rằng các quốc gia cân nhắc các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản, thúc đẩy sự tôn trọng các nguyên tắc và hướng dẫn và lưu ý của các thành viên của các cơ quan hành pháp của chính phủ, đặc biệt cán bộ thực thi pháp luật và lực lượng quân sự và an ninh, các cơ quan lập pháp, tư pháp, các nạn nhân và đại diện của họ, các nhà bảo vệ quyền con người và luật sư, báo chí và công chúng nói chung, về tài liệu này;
3. Yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp để bảo đảm phổ biến rộng rãi nhất có thể về các Nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản bằng các ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc, bao gồm truyền đạt tài liệu này đến các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ và công bố các nguyên tắc và Hướng dẫn cơ bản trong ấn phẩm của Liên Hợp Quốc với tiêu đề Quyền con người: Tập hợp các văn kiện quốc tế.
PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 64
Ngày 16 tháng 12 năm 2005
Phụ lục
Các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản về quyền được khôi phục và bồi thường cho các nạn nhân của sự vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế.
Lời nói đầu
Đại Hội đồng,
Nhắc lại các quy định về quyền được khôi phục cho các nạn nhân của các vi phạm nghiêm trọng về luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người có thể tìm thấy trong nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là tại Điều 8 của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, tại Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, tại Điều 6 của Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, tại Điều 11 của Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm và tại Điều 39 của Công ước về quyền trẻ em, và luật nhân đạo quốc tế như Điều 3 của Công ước La-hay về tôn trọng các Luật và Tập quán Chiến tranh trên đất liền ngày 18/10/1907 (Công ước IV), Điều 91 của Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949, và liên quan tới bảo vệ các nạn nhân của xung đột vũ trang (Nghị định thư I) ngày 8 tháng 6 năm 1977 và Điều 68 và 75 của Quy chế Tòa án Hình sự.
Nhắc lại các quy định về quyền được khôi phục cho các nạn nhân của các vi phạm về luật quốc tế về quyền con người được quy định trong các Công ước khu vực, đặc biệt là tại Điều 7 của Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc, tại Điều 25 của Công ước châu Mỹ về quyền con người và tại Điều 13 của Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Nhắc lại Tuyên ngôn về các nguyên tắc công lý cơ bản đối với các nạn nhân của tội phạm và sự lạm dụng quyền lực được xây dựng trên các ý kiến tranh luận tại Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về ngăn ngừa tội phạm và sự đối xử với người phạm tội và Nghị quyết 40/34 ngày 29/11/1985 trong đó Đại Hội đồng đã thông qua văn bản Tuyên ngôn được Hội nghị khuyến nghị.
Tái khẳng định các nguyên tắc đã được cụ thể hóa trong Tuyên ngôn, những nguyên tắc công lý cơ bản đối với các nạn nhân của tội phạm và sự lạm dụng quyền lực, bao gồm: các nạn nhân nên được đối xử với tình thương và tôn trọng phẩm giá của họ, họ được tôn trọng đầy đủ quyền tiếp cận công lý và các cơ chế bồi thường và rằng việc thiết lập, đẩy mạnh và mở rộng các quỹ quốc gia cho việc đền bù cho các nạn nhân nên được khuyến khích, cùng với sự phát triển nhanh chóng các quyền và các biện pháp xử lý thích hợp đối với các nạn nhân.
Lưu ý rằng, Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế yêu cầu thiết lập "những nguyên tắc về đền bù hoặc liên quan đến đền bù cho các nạn nhân, bao gồm sự phục hồi, sự bồi thường và cải tạo" yêu cầu Hội đồng của các Quốc gia thành viên thành lập một quỹ ủy thác vì lợi ích của các nạn nhân của các tội phạm thuộc thẩm quyền tài phán của Tòa án và vì lợi ích của các gia đình nạn nhân, và trao quyền cho Tòa án "bảo vệ sự an toàn, sức khỏe tâm lý và thể chất, phẩm giá và đời tư của các nạn nhân" và cho phép sự tham gia của các nạn nhân ở tất cả "các giai đoạn tố tụng được Tòa án quyết định là thích hợp".
Khẳng định rằng, các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản dưới đây hướng tới các vi phạm nghiêm trọng về luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế mà bởi tính chất rất nghiêm trọng, tạo rạ sự lăng mạ tới nhân phẩm con người.
Nhấn mạnh rằng các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản quy định dưới đây không tạo ra các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hay quốc gia mới về chất, mà xác định cơ chế, phương thức, thủ tục và các phương pháp để thực hiện các nghĩa vụ pháp lý hiện hành theo luật nhân đạo quốc tế và luật quốc tế về quyền con người bổ sung thông qua sự khác nhau trong các quy phạm pháp luật.
Nhắc lại rằng luật quốc tế chứa đựng nghĩa vụ truy tố người phạm tội ác quốc tế nhất định phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Quốc gia và yêu cầu của pháp luật trong nước hoặc được quy định trong quy chế của các cơ chế xét xử quốc tế, và rằng nghĩa vụ truy tố nhấn mạnh nghĩa vụ pháp lý quốc tế phải được thực hiện phù hợp với yêu cầu và thủ tục trong pháp luật quốc gia và nghĩa vụ đó ủng hộ quan niệm về vai trò bổ sung của pháp luật trong nước cho luật pháp quốc tế.
Lưu ý rằng, các hình thức hiện thời của sự ngược đãi, trong khi về cơ bản là hướng đến các đối tượng là cá nhân, tuy nhiên cũng vẫn có thể hướng tới đối tượng là tập thể, một nhóm người.
Thừa nhận rằng, trong khi tôn trọng quyền lợi của các nạn nhân được hưởng lợi từ các biện pháp xử lý và bồi thường thiệt hại, cộng đồng quốc tế vẫn duy trì niềm tin và sự đoàn kết đối với các nạn nhân, những người sống sót và những thế hệ trong tương lai, và tái khẳng định nguyên tắc của luật quốc tế về tính chịu trách nhiệm, công lý và nguyên tắc pháp quyền.
Tin tưởng rằng, bằng việc áp dụng cách tiếp cận hướng đến nạn nhân, cộng đồng quốc tế, khẳng định tình đoàn kết nhân loại đối với các nạn nhân của các vi phạm luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người cũng như với cả nhân loại nói chung, theo các nguyên tắc và các hướng dẫn cơ bản.
Thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản:
I. NGHĨA VỤ TÔN TRỌNG, ĐẢM BẢO SỰ TÔN TRỌNG VÀ THI HÀNH LUẬT NHÂN ĐẠO VÀ LUẬT QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
1. Nghĩa vụ tôn trọng, đảm bảo sự tôn trọng và thi hành các nguyên tắc của luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người, như được quy định theo các luật tương ứng xuất phát từ:
a. Các điều ước quốc tế mà Quốc gia là thành viên;
b. Luật tập quán quốc tế;
c. Pháp luật của mỗi nước.
2. Nhằm mục đích đó, nếu Quốc gia chưa thực hiện, luật pháp quốc tế yêu cầu Quốc gia phải bảo đảm rằng pháp luật trong nước phù hợp với nghĩa vụ luật pháp quốc tế bằng cách:
a. Nội luật hóa các quy tắc của luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người vào trong luật trong nước, hoặc áp dụng chúng trong hệ thống pháp luật trong nước;
b. Thông qua các thủ tục hành chính, tư pháp thích hợp và có hiệu quả cùng với các biện pháp thích hợp khác để cung cấp sự tiếp cận luật pháp công bằng, hiệu quả và nhanh chóng;
c. Cung cấp biện pháp khắc phục đầy đủ, có hiệu quả và nhanh chóng như được xác định ở dưới đây;
d. Bảo đảm rằng luật trong nước của họ quy định, ít nhất ở mức độ tương tự để bảo vệ nạn nhân như quy định theo các nghĩa vụ quốc tế của quốc gia.
II. PHẠM VI CỦA NGHĨA VỤ
3. Nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm sự tôn trọng và thực thi luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người được quy định trong các bộ luật tương ứng bao gồm, không kể những cái khác, trách nhiệm của quốc gia phải:
a. Tiến hành các biện pháp lập pháp, hành chính và các biện pháp thích hợp khác để ngăn ngừa sự vi phạm;
b. Điều tra các vi phạm có hiệu quả, nhanh chóng, kỹ lưỡng và không thiên vị, và nếu thích hợp, thực hiện hành động chống lại những người được xác định có trách nhiệm phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế;
c. Cung cấp cho các nạn nhân của vi phạm quyền con người và luật nhân đạo sự tiếp cận công lý công bằng và hiệu quả, như được quy định dưới đây, bất kể người đó có thể là người chịu trách nhiệm cuối cùng về những vi phạm;
d. Cung cấp biện pháp phục hồi hiệu quả, gồm cả bồi thường, như được quy định dưới đây.
III. CÁC VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LUẬT NHÂN ĐẠO VÀ LUẬT QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI CẤU THÀNH TỘI PHẠM THEO LUẬT QUỐC TẾ
4. Trong trường hợp các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người cấu thành tội phạm theo luật quốc tế, Quốc gia có nghĩa vụ điều tra và nếu có đủ bằng chứng, đưa ra truy tố những người bị cáo buộc là đã gây ra những vi phạm này, và nếu tội phạm đã được chứng minh, thì Quốc gia có trách nhiệm trừng phạt thủ phạm. Hơn nữa, trong các trường hợp này, Quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế, hợp tác với nhau và trợ giúp các cơ quan tư pháp quốc tế có thẩm quyền trong điều tra và truy tố những vi phạm này.
5. Để đạt được mục đích này, trong trường hợp điều ước hoặc nghĩa vụ theo luật quốc tế có quy định, các quốc gia sẽ nội luật hóa hoặc áp dụng vào pháp luật quốc gia các quy định thích hợp về thẩm quyền tài phán quốc tế. Hơn nữa, khi điều ước quốc tế hoặc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế khác có quy định, các quốc gia phải tạo điều kiện cho việc dẫn độ hoặc giao nộp người vi phạm cho các quốc gia khác và các cơ chế tài phán quốc tế, phải cung cấp sự trợ giúp về tư pháp và các hình thức hợp tác khác trong quá trình theo đuổi công lý quốc tế, bao gồm sự trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và nhân chứng, phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý về luật quốc tế về quyền con người và các đòi hỏi của pháp lý quốc tế như liên quan tới cấm tra tấn hay các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.
IV. QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU
6. Nếu điều ước quốc tế hoặc nghĩa vụ pháp lý quốc tế có quy định, thời hiệu truy tố sẽ không được áp dụng đối với việc truy tố các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người.
7. Quy định về thời hiệu theo luật trong nước về những loại vi phạm mà không cấu thành tội phạm theo luật quốc tế, bao gồm thời hiệu áp dụng cả đối với những khiếu nại dân sự và các thủ tục khác, không nên mang tính chất giới hạn không thích đáng.
V. NẠN NHÂN CỦA CÁC VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LUẬT NHÂN ĐẠO VÀ LUẬT QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
8. Nhằm mục đích của văn kiện này, nạn nhân là những cá nhân hoặc tập thể, khi mà, là kết quả của các hành động hoặc không hành động mà tạo thành vi phạm hàng loạt luật nhân đạo hoặc các vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người, người đó đã chịu sự tổn hại, bao gồm sự tổn thương về thể chất và tinh thần, chịu đựng sự mất mát về xúc cảm, thiệt hại kinh tế hay làm hư hại đến các quyền pháp lý cơ bản của người đó. Bất cứ khi nào thích hợp và phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, thuật ngữ "nạn nhân" cũng có thể là một gia đình trực hệ hoặc những người phụ thuộc của nạn nhân trực tiếp và những người mà do can thiệp để trợ giúp nạn nhân đang gặp khó khăn hoặc ngăn chặn sự vi phạm xảy ra nên đã phải chịu đựng tổn thất.
9. Địa vị của một người là "nạn nhân không phụ thuộc vào việc thủ phạm đã được nhận dạng, bị bắt, bị truy tố hoặc đã bị kết tội hay chưa và bất kể mối quan hệ có thể tồn tại hay có thể đã tồn tại giữa nạn nhân và thủ phạm.
VI. ĐỐI XỬ VỚI CÁC NẠN NHÂN
10. Nạn nhân nên được quốc gia và, nếu thích hợp, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân đối xử với lòng nhân đạo, tôn trọng phẩm giá và quyền con người của họ, và các biện pháp thích hợp nên được thực hiện để bảo đảm an toàn cuộc sống riêng tư của nạn nhân cũng như của gia đình nạn nhân. Quốc gia nên bảo đảm rằng pháp luật trong nước, ở mức độ có thể, quy định nạn nhân, người mà đã chịu đựng bạo lực hay chấn thương tâm lý, nên được hưởng lợi từ sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt nhằm ngăn ngừa chấn thương trở lại trong quá trình tiến hành thủ tục hành chính và pháp lý nhằm cung cấp công lý và sự đền bù.
VII. QUYỀN ĐƯỢC CÓ BIỆN PHÁP KHÔI PHỤC CỦA NẠN NHÂN
11. Biện pháp khôi phục đối với vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người bao gồm quyền của nạn nhân như được quy định trong luật quốc tế dưới đây:
a. Tiếp cận công lý bình đẳng và hiệu quả;
b. Được bồi thường nhanh chóng, hiệu quả và bình đẳng về các thiệt hại đã phải chịu;
c. Tiếp cận thông tin thực tế liên quan đến vi phạm và các cơ chế bồi thường.
VIII. QUYỀN TIẾP CẬN CÔNG LÝ
12. Nạn nhân của những vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế có quyền được tiếp cận bình đẳng tới một cơ quan tư pháp hữu hiệu như được quy định theo luật quốc tế. Các biện pháp khắc phục khác được cung cấp cho nạn nhân bao gồm việc tiếp cận các cơ quan hành chính và các cơ quan khác, cũng như các cơ chế, phương thức và các thủ tục tố tụng được tiến hành theo pháp luật quốc gia. Những nghĩa vụ phát sinh theo luật quốc tế nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận công lý và các thủ tục tố tụng công bằng và khách quan phải được quy định trong pháp luật trong nước. Nhằm mục tiêu đó các quốc gia nên:
a. Phổ biến, thông qua những cơ chế công và tư, thông tin về tất cả những biện pháp khắc phục sẵn có đối với các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người;
b. Thực hiện những biện pháp giảm thiểu nhất sự phiền hà đối với các nạn nhân và đại diện của họ, bảo vệ cuộc sống riêng tư của họ một cách thích hợp khỏi sự can thiệp bất hợp pháp và đảm bảo an toàn cho họ cũng như gia đình họ và các nhân chứng khỏi sự đe dọa, trả thù, trước, trong và sau khi thực hiện các thủ tục xét xử, hành chính hay các thủ tục khác mà ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân;
c. Cung cấp trợ giúp thích hợp cho các nạn nhân mong muốn tiếp cận công lý;
d. Cung cấp tất cả các biện pháp pháp lý, ngoại giao và lãnh sự thích hợp để đảm bảo rằng các nạn nhân có thể thực hiện các quyền được có biện pháp khắc phục đối với các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người.
13. Bên cạnh quyền cá nhân được tiếp cận công lý, Quốc gia nên cố gắng xây dựng các thủ tục cho phép nhóm các nạn nhân đưa ra khiếu nại tập thể đòi bồi thường và nhận bồi thường tập thể, nếu thích hợp.
14. Biện pháp khắc phục đầy đủ, hiệu quả và nhanh chóng đối với các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người nên bao gồm tất cả những thủ tục pháp lý quốc tế sẵn có và thích hợp, trong đó cá nhân có thể có địa vị pháp lý và các biện pháp xử lý đó không nên ảnh hưởng đến bất kỳ biện pháp khắc phục trong nước nào khác.
IX. BỒI THƯỜNG TỔN THẤT
15. Sự bồi thường thiệt hại đầy đủ, hiệu quả và nhanh chóng nhằm mục đích thúc đẩy công lý bằng cách đền bù cho các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người. Sự bồi thường nên cân xứng với tính nghiêm trọng của vi phạm và thiệt hại xảy ra. Phù hợp với pháp luật trong nước và các trách nhiệm pháp lý quốc tế, quốc gia phải cung cấp sự bồi thường cho các nạn nhân đối với hành động hoặc không hành động của Quốc gia mà cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người. Trong những trường hợp thể nhân, pháp nhân hoặc thực thể khác được phát hiện là chịu trách nhiệm đối với sự vi phạm, bên đó nên cung cấp sự bồi thường cho nạn nhân hoặc cho quốc gia nếu quốc gia đã cung cấp sự bồi thường cho nạn nhân.
16. Các quốc gia nên cố gắng thiết lập các chương trình quốc gia về bồi thường và các trợ giúp khác cho các nạn nhân trong trường hợp các bên có trách nhiệm về những thiệt hại không thể hoặc không sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của họ.
17. Liên quan đến các khiếu nại của các nạn nhân, Quốc gia phải thi hành các phán quyết trong nước về bồi thường đối với các cá nhân hay thực thể chịu trách nhiệm về các thiệt hại và cố gắng thi hành các phán quyết của tòa án nước ngoài có hiệu lực về bồi thường theo luật quốc gia và các nghĩa vụ pháp lý quốc tế. Để đạt được mục đích này, Quốc gia nên quy định trong pháp luật trong nước các cơ chế một cách hiệu quả để thi hành các phán quyết về bồi thường.
18. Phù hợp với pháp luật trong nước và nghĩa vụ quốc tế và có tính đến những hoàn cảnh riêng, các nạn nhân của vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người, bất kỳ khi nào thích hợp và tương xứng với mức độ vi phạm và hoàn cảnh của mỗi trường hợp, nên được cung cấp sự bồi thường đầy đủ và hiệu quả như được quy định tại các nguyên tắc từ 19 đến 23, bao gồm những hình thức bồi thường sau: phục hồi, đền bù, cải tạo, tái hòa nhập, thỏa mãn và bảo đảm không tái diễn.
19. Phục hồi, bất cứ khi nào có thể, nên phục hồi lại cho nạn nhân trạng thái ban đầu như trước khi xảy ra vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người. Phục hồi bao gồm: khôi phục lại quyền tự do, hưởng thụ quyền con người, nhận dạng, cuộc sống gia đình và quyền công dân; trở lại nơi cư trú, khôi phục công việc và trả lại tài sản.
20. Đền bù nên được quy định đối với bất cứ thiệt hại nào về kinh tế có để đánh giá được, phù hợp và tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm và hoàn cảnh của từng vụ việc, là kết quả của các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người, như:
a. Thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần;
b. Mất các cơ hội, kể cả cơ hội việc làm, giáo dục và các lợi ích xã hội;
c. Thiệt hại về vật chất và mất các khoản kiếm được, kể cả mất khả năng kiếm tiền;
d. Tổn hại đến đạo đức;
e. Chi phí đối với sự trợ giúp pháp lý hay chuyên gia, các dịch vụ thuốc thang và y tế, dịch vụ tâm lý và xã hội.
21. Tái hòa nhập nên bao gồm sự chăm sóc về mặt tâm lý và y tế cũng như dịch vụ pháp lý và xã hội.
22. Thỏa mãn nên gồm, khi thích hợp, một số hay tất cả như:
a. Biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt sự tiếp tục vi phạm;
b. Xác minh sự thật và công khai đầy đủ về sự thật tới một mức độ mà sự công khai đó không gây ra tổn hại hơn nữa hoặc đe dọa sự an toàn và lợi ích của nạn nhân, họ hàng của nạn nhân, nhân chứng hoặc những người khác đã can thiệp nhằm trợ giúp nạn nhân hoặc ngăn ngừa xảy ra các vi phạm khác;
c. Tìm kiếm địa điểm của người mất tích, nhận dạng trẻ em bị bắt cóc, và tìm kiếm thi thể của người bị giết, và trợ giúp trong việc phục hồi, nhận dạng và cải táng các thi thể phù hợp với nguyện vọng rõ ràng hoặc được cho là của các nạn nhân hoặc thực tiễn văn hóa của gia đình và cộng đồng;
d. Tuyên bố chính thức hoặc quyết định của tòa án khôi phục lại phẩm giá, danh tiếng và các quyền về pháp lý và xã hội của nạn nhân và những người thân có liên quan đến nạn nhân;
e. Xin lỗi công khai, bao gồm sự thừa nhận sự thật và công nhận trách nhiệm;
f. Các hình phạt pháp lý và hành chính đối với những người chịu trách nhiệm về sự vi phạm;
g. Các hoạt động và đồ vật tưởng niệm cho các nạn nhân;
h. Ghi chép chính xác về các vi phạm đã xảy ra trong tài liệu giáo dục và đào tạo về luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người ở tất cả các cấp học.
23. Bảo đảm không có sự tái diễn nên bao gồm, nếu thích hợp, một số hoặc tất cả như sau:
a. Đảm bảo sự kiểm soát dân sự hiệu quả đối với các lực lượng quân đội và an ninh;
b. Bảo đảm rằng tất cả các thủ tục dân sự và quân sự phải tuân thủ các chuẩn mực tố tụng quốc tế, công bằng và khách quan;
c. Tăng cường sự độc lập của bộ máy tư pháp;
d. Bảo vệ những người hành nghề pháp lý, y tế và chăm sóc sức khỏe, các phương tiện truyền thông đại chúng và các nghề nghiệp có liên quan khác, và những người bảo vệ quyền con người;
e. Tiến hành, trên cơ sở ưu tiên và liên tục, việc đào tạo cho tất cả các nhóm xã hội và đào tạo cho các nhân viên thực thi pháp luật cũng như lực lượng quân đội và an ninh về luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người.
f. Thúc đẩy sự tuân thủ các quy tắc ứng xử và các nguyên tắc đạo đức đặc biệt là các tiêu chuẩn quốc tế, bởi các công chức nhà nước, bao gồm các nhân viên thực thi pháp luật, cải tạo những người làm truyền thông, y học, tâm lý học, dịch vụ xã hội và người trong lực lượng vũ trang, cũng như nhân viên của các doanh nghiệp kinh tế;
g. Thúc đẩy các cơ chế giám sát và ngăn ngừa việc giải quyết xung đột xã hội và giải pháp;
h. Sửa đổi và đổi mới luật đã góp phần và cho phép các vi phạm nghiêm trọng về luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế.
X. TIẾP CẬN THÔNG TIN THÍCH HỢP CÓ LIÊN QUAN TỚI VI PHẠM VÀ CƠ CHẾ BỒI THƯỜNG
24. Các quốc gia nên phát triển các phương tiện thông báo cho công chúng và đặc biệt các nạn nhân của các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người về các quyền và biện pháp xử lý được áp dụng theo các nguyên tắc và hướng dẫn này và về tất cả các dịch vụ pháp lý, y tế, tâm lý, xã hội, hành chính và tất cả các dịch vụ khác mà các nạn nhân có thể có quyền tiếp cận. Hơn nữa, nạn nhân và đại diện của họ phải có quyền tìm kiếm và có được thông tin về những nguyên nhân dẫn tới sự trừng phạt và về những nguyên nhân và các điều kiện liên quan tới những vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế và tìm hiểu sự thật về các vi phạm này.
XI. KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ
25. Việc áp dụng và giải thích các nguyên tắc và hướng dẫn này phải phù hợp với luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế và không có sự bất kỳ sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức hoặc dựa trên nguồn gốc nào và không có ngoại lệ.
XII. KHÔNG LÀM TRÁI
29. Không có bất cứ quy định nào trong các nguyên tắc và Hướng dẫn này sẽ được giải thích như giới hạn hoặc làm trái với các quyền hoặc nghĩa vụ phát sinh nào theo pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế. Đặc biệt, cần phải hiểu rằng các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản không làm phương hại đến quyền được có biện pháp khắc phục và bồi thường cho các nạn nhân của những vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế. Cũng cần hiểu rằng các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản cũng không làm phương hại đến các nguyên tắc đặc biệt của luật pháp quốc tế.
XIII. QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
27. Không quy định nào trong tài liệu này được giải thích trái với các quyền của những người khác đã được quốc gia và quốc tế bảo vệ, đặc biệt quyền của người bị buộc tội được hưởng lợi ích theo các chuẩn mực áp dụng trong quá trình tố tụng.
- 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 2 Tuyên ngôn về các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, 1985
- 3 Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, 1984
- 4 Nguyên tắc về đạo đức y học liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc, trong việc bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ chống lại sự tra tấn hay đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, 1982
- 5 Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác, 1975
- 6 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
- 7 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
- 8 Hiến Chương Liên hợp quốc 1945
- 1 Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác, 1975
- 2 Nguyên tắc về đạo đức y học liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc, trong việc bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ chống lại sự tra tấn hay đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, 1982