ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2001/CT.UBNDT | Sóc Trăng, ngày22 tháng 02 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN LÀM THỦY LỢI - GIAO THÔNG NÔNG THÔN.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nhiều tiền của và công sức cùng với Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sinh khí mới làm thay đổi một bước bộ mặt nông thôn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh hiện nay vẫn còn thấp kém so với các tỉnh trong khu vực, trong khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, không thể đáp ứng đầu tư cho nhu cầu phát triển.
Nhằm tiếp tục ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất toàn diện, xây dựng nông thôn tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì việc duy trì huy động sức dân cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là hết sức cần thiết, cần được phát huy, đồng thời để công tác thuỷ lợi giao thông nông thôn thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, hằng năm thực hiện đạt kết quả cao, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, Quyết định số 104/2000/QĐ.UBNDT, ngày 24/8/2000 của UBND tỉnh Sóc Trăng quy định mức đóng góp tiền thay cho một ngày công lao động công ích, Nghị quyết số 05/2001/NQ.HĐNDT.6, ngày 16/01/2001 của Hội đồng nhân tỉnh và Quyết định số 79/2001/QĐ.UBNDT, ngày 21/02/2001 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc quy định mức đóng góp Quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND các huyện, thị cần quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng thủy lợi - giao thông nông thôn mùa khô. Phải xem đây là công tác trọng tâm trong quý I, quý II hằng năm và là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm “, phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đa dạng hoá hình thức vận động nguồn lực của dân: bằng ngày công lao động, bằng tiền, vật tư, bằng giá trị đất đai cho giải phóng mặt bằng công trình, bằng công trình cụ thể .v.v.. để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
2. Các địa phương khẩn trương tổ chức tổng kết tình hình, kết quả ra quân làm thuỷ lợi - giao thông nông thôn trong thời gian qua để rút kinh nghiệm đề ra kế hoạch thực hiện trong năm tiếp theo hết sức cụ thể, sát thực, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tập trung đẩy mạnh làm thuỷ lợi nội đồng hoàn chỉnh, đảm bảo thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu, cấp thoát nước cho những vùng có yêu cầu bức xúc về sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và vùng úng, hạn cục bộ, thường xuyên gặp rủi ro trong sản xuất.
3. UBND huyện, thị, xã, phường, thị trấn phải tập trung vận động nhân dân tự đầu tư xây dựng cầu, đường bê tông hoặc đường rải đá, sỏi trước phần đất, nhà của mình theo qui cách đã được xác định thống nhất. Phấn đấu từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nông thôn xã liền xã, ấp liền ấp, đảm bảo xe hai bánh, bốn bánh có thể lưu thông được trong mùa mưa. Trong quá trình vận động nhân dân tự đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, làm cầu qua kênh rạch bằng nguồn vốn thu lao động công ích, Quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn các địa phương cần phải thường xuyên chỉ đạo kiểm tra xây dựng theo tiêu chuẩn quy định thống nhất, đảm bảo tính đồng bộ, thi công tuyến nào phải dứt điểm tuyến đó để đưa vào sử dụng được ngay.
Cần chú ý quy hoạch mở rộng tuyến giao thông, nếu xét thấy chưa đủ khả năng thi công theo quy hoạch thì có thể vận động nhân dân thi công mặt đường nhỏ hơn quy hoạch, nhưng nền đường vẫn phải đảm bảo đủ yếu tố mở rộng đúng quy hoạch khi có điều kiện. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xây dựng quy cách, quy định tối thiểu cho từng loại đường giao thông nông thôn (xã liền xã, ấp liền ấp) để địa phương vận động nhân dân tự đầu tư xây dựng các đường bê tông, rải đá, sỏi trước phần đất, nhà của mỗi hộ gia đình.
4. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thuỷ sản, Đoàn Thanh niên CS.HCM phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban ngành, các đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị chỉ đạo tốt phong trào vận động nhân dân làm thủy lợi - giao thông nông thôn đồng thời tổ chức thực hiện tốt các công trình do tỉnh quản lý trên địa bàn các huyện, thị nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ tốt sản xuất, đời sống nhân dân và thúc đẩy phong trào ra quân làm thuỷ lợi - giao thông mùa khô của địa phương.
5. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn cần khẩn trương đề ra kế hoạch, biện pháp sát hợp và tổ chức thực hiện thắng lợi chiến dịch thuỷ lợi - giao thông nông thôn hàng năm với quyết tâm cao nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005) của tỉnh.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thuỷ sản, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này của các địa phương; đồng thời thường xuyên báo cáo, phản ánh tình hình, kết quả về UBND tỉnh để được chỉ đạo và uốn nắn, bổ sung kịp thời.
Nơi nhận : | TM . UBND TỈNH SÓC TRĂNG |
- 1 Quyết định 2532/2008/QĐ-UBND về cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2008 – 2012
- 2 Quyết định 432/2005/QĐ-UB về cơ chế khuyến khích phát triển đường giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2005 đến năm 2009
- 3 Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 1999
- 4 Quyết định 99-TTg năm 1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thuỷ lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành