ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Đà Nẵng, ngày 08 tháng 01 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Trong những năm qua, các cấp, các ngành và đoàn thể địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động vận tải thủy nội địa như đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các chủ bến, chủ phương tiện; chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa…. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được thường xuyên, tình trạng phương tiện chở quá trọng tải cho phép, phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không bằng, chứng chỉ chuyên môn... nhưng vẫn tham gia hoạt động vận tải thủy nội địa; một số bến thủy nội địa chưa có giấy phép mở bến vẫn hoạt động, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, cơ sở chưa được chú trọng đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, hạn chế và giảm đến mức thấp nhất vi phạm và tai nạn giao thông đường thủy, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị:
1. Sở Giao thông vận tải
a) Kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo, phao báo hiệu ngã ba, luồng lạch, địa hình, địa vật, đá ngầm, bãi bồi, cọc ngầm... lập kế hoạch lắp đặt đầy đủ báo hiệu trên các tuyến sông theo quy định;
b) Phối hợp với các ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định phân cấp đăng ký theo từng đối tượng đối với các quận, huyện;
c) Tổ chức triển khai công tác khảo sát, đăng ký quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
d) Đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện ở nhiều địa điểm thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia;
đ) Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an thành phố, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;
e) Chỉ đạo Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng thực hiện lưu giữ phương tiện giao thông đường thủy vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố do cơ quan chức năng tạm giữ đưa về chờ xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Công an thành phố
a) Lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, kịp thời ngăn chặn các trường hợp dễ gây tai nạn giao thông đường thủy;
b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt là phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, phương tiện chở quá số lượng người, quá tải trọng cho phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định (trong đó cần lưu ý các phương tiện chuyên chở người từ thuyền đánh cá vào bờ);
c) Tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông thủy nội địa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình trạng khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông trên địa bàn thành phố; đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác đối với luồng chạy tàu và hiện tượng sạt lở bờ sông;
b) Chủ trì phối hợp các ngành chức năng liên quan đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng sạt lở bờ sông do khai thác cát, sỏi sông trên các tuyến sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì khảo sát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố cho phép xây dựng kè chắn những đoạn sông bị sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng và đất sản xuất hai bên bờ sông;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép trên kênh, sông, vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy;
c) Tổ chức triển khai lắp đặt và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa đối với các công trình thủy lợi và thanh thải kịp thời các công trình thủy lợi không còn sử dụng có ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng;
d) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục về Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác đến các nhà trường có học sinh đi thường xuyên đi học bằng phương tiện đò ngang để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
6. UBND các quận, huyện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trong các tầng lớp nhân dân của địa phương bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng;
b) Thống kê, rà soát và lập nhu cầu về đào tạo bằng lái, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người điều khiển phương tiện trên địa bàn; gửi nhu cầu về Sở Giao thông vận tải để có kế hoạch đào tạo, cấp các chứng chỉ, bằng lái theo luật định;
c) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông quận, huyện, các ngành chức năng liên quan ở địa phương và UBND phường, xã tăng cường công tác thường xuyên tổ chức kiểm tra các bến đò ngang sông và các phương tiện đò ngang; kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các bến đò không có giấy phép; phương tiện không có đăng kiểm, đăng ký theo quy định, không trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ khi cần thiết; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; chở quá số lượng người, quá tải trọng cho phép;
d) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc dỡ bỏ, giải tỏa các công trình đăng đáy, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vị trí khai thác cát, sỏi, sạn hoặc khoáng sản khác trái phép trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng;
đ) Tại các khu vực trọng điểm về an toàn giao thông đường thủy nội địa, chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp phương tiện vận tải, khai thác khoáng sản trên sông không có đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm điều kiện kinh doanh, điều kiện hành nghề theo quy định;
e) Chỉ đạo UBND các phường, xã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý công trình giao thông có biện pháp bảo vệ tốt các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa;
g) Triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 159/2005/QĐ-UBND ngày 03/11/2005 Quy định phân cấp quản lý trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 46/2006/QĐ-UBND ngày 17/5/2006 Quy định quản lý hoạt động khảo sát, tham dò, khai thác, chế biến và kinh doanh cát, sỏi sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 29/01/2007 Quy định về quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu vực vùng nước đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 22/3/2007 quy định về hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy nội địa của UBND thành phố Đà Nẵng và các văn bản khác có liên quan.
7. Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đôn đốc, kiểm tra các địa phương, sở, ban, ngành liên quan thực hiện Chỉ thị này.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này, đình kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải tổng hợp để báo cáo UBND thành phố./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 22/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Quyết định 10/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực vùng nước đường thuỷ nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 3 Chỉ thị 48/2006/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4 Chỉ thị 33/2006/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xếp dỡ hàng hóa rau củ quả, trái cây các loại và thủy hải sản tại các cảng, bến thủy nội địa dọc 04 tuyến giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5 Chỉ thị 47/2006/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 6 Quyết định 46/2006/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh cát, sỏi sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 7 Quyết định 159/2005/QĐ-UBND về Quy định phân cấp quản lý trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 1 Chỉ thị 48/2006/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Chỉ thị 33/2006/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động xếp dỡ hàng hóa rau củ quả, trái cây các loại và thủy hải sản tại các cảng, bến thủy nội địa dọc 04 tuyến giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Chỉ thị 47/2006/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa do tỉnh Ninh Thuận ban hành