ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Phú Thọ, ngày 22 tháng 01 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống giảm nhẹ tác hại do nước gây ra đã đạt được những kết quả nhất định; nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh về tài nguyên nước từng bước được nâng lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh và công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước còn tồn tại những bất cập, như nguy cơ làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến; một số tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép hành nghề. Chất lượng các nguồn nước đang bị suy giảm ngày càng nghiệm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Việc khai thác trái phép nước khoáng nóng trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ đang diễn ra rất phức tạp, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước khoáng nóng, thu hẹp diện tích, ranh giới mỏ, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khoáng và nước ngầm trong khu vực. Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước hiện nay với số lượng còn thấp so với yêu cầu thực tế, chủ yếu chỉ tập trung ở việc xem xét hồ sơ trên cơ sở khai báo, đăng ký của các tổ chức, cá nhân.
Nguyên nhân là do nhận thức chưa đúng của một số tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển bền vững; chưa nhận thức đầy đủ vị trí, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Bộ máy tổ chức, năng lực quản lý tài nguyên nước chưa đáp ứng được yêu cầu có nơi còn buông lỏng nhất là ở cấp cơ sở; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu, rộng. Cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý còn thiếu. Để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhận dân tỉnh yêu cầu:
1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước, của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất (trừ những trường hợp không phải xin cấp giấy phép theo quy định) đều phải có giấy phép.
Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái với quy định của pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
- Tham mưu soạn thảo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản cụ thể hóa quy định của Chỉnh phủ, các bộ, ngành Trung ương về tài nguyên nước phù hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực làm cơ sở lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phục vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới.
- Phối hợp các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh chưa có giấy phép phải đăng ký, lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định.
- Định kỳ tổ chức điều tra, thống kê và phân loại giếng khoan khai thác, giếng khoan quan trắc không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ, các giếng trong vùng cấm khai thác để có biện pháp xử lý, trám lấp theo quy định nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm.
- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý tài nguyên ở các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn về công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước. Phối hợp các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và cơ quan báo, đài trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức và cá nhân trong tỉnh biết, chấp hành.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn.
- Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định Luật Tài nguyên nước.
- Chỉ đạo các địa phương yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi lập và trình duyệt quy trình vận hành điều tiết hồ chứa, phương án bảo vệ đập của hồ chứa nước, phương án xác định và cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phương án bảo vệ công trình, phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập và các công tác khác nhằm đảm bảo công tác quản lý an toàn các công trình thủy lợi theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật về sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.
4. Sở Y tế có trách nhiệm: Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định cuả pháp luật. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước khai thác cho mục đích sinh hoạt đối với các đơn vị kinh doanh nước sạch trong tỉnh; nếu chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, phải hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
5. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có trách nhiệm:
- Khi tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng nước và xả nước thải phải phối hợp, lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về phương án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án về tài nguyên nước và các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.
6. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tại các khu dân cư chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung và cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nước sạch hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác nước và thực hiện nghiêm các quy định trong giấy phép đã được cấp.
7. Công an tỉnh có trách nhiệm: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
8. Ban Quản lý các khu Công nghiệp có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, đấu nối hệ thống thoát nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung tại các Khu, cụm công nghiệp để xử lý nước thải ổn định và đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Đôn đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp theo dõi, giám sát hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ vào hệ thống thoát nước thải chung Khu Công nghiệp theo đúng cam kết đấu nối xả nước thải.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tài nguyên nước, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong việc nắm tình hình và phát hiện doanh nghiệp vi phạm, báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị có trách nhiệm:
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan, xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải nông thôn, đặc biệt là nước thải của các làng nghề trên địa bàn.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn; phân loại các đơn vị hoạt động có giấy phép, không có giấy phép; xử lý theo thẩm quyền và lập báo cáo tổng hợp về Sở Tài nguyên và Môi trường, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
- Tổ chức điều tra, thống kê và phân loại các giếng phải trám lấp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; kiểm tra, giám sát và xác nhận việc trám lấp giếng khai thác nước dưới đất khi không còn sử dụng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng hoặc các giếng buộc phải trám lấp để bảo vệ tầng nước dưới đất.
- Tổ chức tiếp nhận, đăng ký và theo dõi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo thẩm quyền.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; trong trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thường xuyên chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
10. Báo Phú Thọ, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh các huyện, thành, thị, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng thời lượng phát sóng, phát thanh, tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước. Nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
11. Các sở, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp phối hợp với ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tự giác thực hiện và tăng cường giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái với quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhận dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện nghiêm Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 37/2014/QĐ-UBND Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 2 Chỉ thị 08/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 4 Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2012 tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 5 Luật tài nguyên nước 2012
- 6 Chỉ thị 01/2012/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7 Chỉ thị 13/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 8 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 9 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 1 Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2012 tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 3 Chỉ thị 01/2012/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 4 Chỉ thị 08/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 5 Quyết định 37/2014/QĐ-UBND Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 6 Chỉ thị 13/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn