Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/1999/CT-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN.

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18 tháng 02 năm 1998 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ, Chỉ thị số 38/1998/CT-TTg ngày 11 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 10/TCCP-TCCB ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ về triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị các ngành, các cấp, các cơ quan của thành phố tổ chức thực hiện như sau :

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU :

1. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất, năng lực, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, ngăn chặn và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

2. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức gắn liền với việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở cơ quan, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chế độ thủ trưởng trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật ; đồng thời phải kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, cản trở việc thi hành công vụ ở cơ quan, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan.

3. Các tổ chức, cơ quan và cán bộ, công chức đều phải nghiêm chỉnh thực hiện Quy chế dân chủ của cơ quan.

II.- NỘI DUNG THỰC HIỆN QUY CHẾ :

1. Tổ chức nghiên cứu quán triệt Chỉ thị, Nghị định và văn bản hướng dẫn :

1.1- Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 38/1998/CT-TTg ngày 11-11-1998 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ-Ngành có liên quan.

1.2- Các sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan nội dung các Chỉ thị, Nghị định, các văn bản hướng dẫn triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Thủ trưởng, cán bộ, công chức ở mỗi cơ quan hành chánh Nhà nước đều phải nắm vững nội dung quy chế, nhận thức rõ mục đích và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy chế.

2. Xây dựng kế hoạch triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chánh Nhà nước :

2.1- Thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, giao cho Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện căn cứ Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan (ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP) để xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan thật thiết thực, phù hợp với tính chất hoạt động của cơ quan. Quy chế phải thể hiện những nội dung chủ yếu :

+ Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ;

+ Trách nhiệm của cán bộ, công chức ;

+ Mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính Nhà nước với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện ;

+ Mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính Nhà nước với Đảng ủy cơ quan, các Đoàn thể chính trị - xã hội cơ quan, Ban thanh tra ;

+ Những công việc cần công khai cho cán bộ, công chức biết, những việc cán bộ, công chức cần tham gia góp ý và những việc phải được sự kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức.

2.2- Thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan và tổ chức, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cấp thành phố và quận-huyện căn cứ vào nội dung cải tiến thủ tục hành chính của cơ quan, xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh và niêm yết tại thường trực cơ quan :

+ Nội quy làm việc của cơ quan, thời gian làm việc, có sơ đồ chỉ dẫn các bộ phận công tác của cơ quan có liên quan giải quyết công việc với công dân, cơ quan và tổ chức.

+ Đối với các cơ quan có quan hệ thường xuyên giải quyết công việc của công dân thì phải niêm yết rõ :

- Tên bộ phận và công chức chịu trách nhiệm giải quyết công việc, địa điểm tiếp và giải quyết công việc với công dân, cơ quan và tổ chức ;

- Thủ tục hành chính cần thiết để giải quyết công việc ;

- Mẫu đơn, hồ sơ từng loại công việc ;

- Mức thu lệ phí (nếu có) và hóa đơn, chứng từ thu lệ phí để giải quyết công việc theo quy định của Nhà nước.

- Giá bán các mẫu đơn, hồ sơ, dịch vụ trợ giúp (sao chụp, đánh máy, dịch tài liệu,...) ;

- Những điều cấm công chức không được làm khi tiếp xúc với công dân, cơ quan và tổ chức.

+ Các công chức trong giờ làm việc tại cơ quan phải đeo thẻ công chức để tiện cho việc tiếp xúc, làm việc với công dân, cơ quan và tổ chức.

3. Xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan sự nghiệp :

Đối với các cơ quan sự nghiệp như Bệnh viện, Trường học, Viện, Trung tâm,... khi các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hướng dẫn theo Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan sự nghiệp thì Thủ trưởng các Sở quản lý ngành, lĩnh vực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan sự nghiệp xây dựng Quy chế phù hợp với tình hình, đặc điểm, tính chất hoạt động của từng cơ quan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, định rõ thời gian và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định của cơ quan mình trái với Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

2. Thanh tra Nhà nước thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn việc kiện toàn củng cố tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan hành chính và sự nghiệp theo quy định của Pháp lệnh thanh tra, Nghị định số 241/HĐBT ngày 05-8-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Cơ quan nào chưa lập Ban Thanh tra nhân dân thì phải lập ngay.

3. Sở Tài chính-Vật giá thành phố hướng dẫn thực hiện các quy định về công khai tài chính.

4. Ban Tổ chức Chính quyền thành phố triển khai thực hiện Quy chế đánh giá công chức hàng năm (ban hành kèm theo Quyết định số 11/1998/TCCP-CCVC ngày 05 tháng 12 năm 1998 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức cơ quan ; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan trực thuộc thành phố thực hiện Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, định kỳ báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố việc thực hiện Quy chế.

5. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan và triển khai Chỉ thị này của Ủy ban nhân dân thành phố đến tất cả cán bộ, công chức xong trong tháng 02/1999, xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan xong trước tháng 4 năm 1999.

Định kỳ hàng quý, sáu tháng và cuối năm các sở-ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận-huyện báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố việc thực hiện Quy chế (qua Ban Tổ chức Chính quyền thành phố).

6- Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức của mình ở sở-ngành, quận-huyện phối hợp với sở-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện để thực hiện tốt Quy chế của Chính phủ đã ban hành./.

 

 

Nơi nhận : 
- Văn phòng Chính phủ
- Ban TCCB Chính phủ
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- TTUB : CT, các PCT, UV
- Các Sở-Ngành thành phố
- UBND các Quận-Huyện
- UBMTTQVN.TP, các Đoàn thể
- Viện Kiểm sát nhân dân TP
- Ban TCCQ thành phố (3b)
- VPUB : CPVP, các Tổ NCTH
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải