Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2010/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 13 tháng 5 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và các văn bản qui phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành do Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ban hành, nên công tác quản lý hoạt động giao thông vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả như: đã hoàn tất việc tổng điều tra thống kê phương tiện thủy nội địa; cơ bản hoàn tất công tác kiểm tra cấp giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; cấp đăng ký biển số cho phương tiện thủy nội địa và tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ lái tàu thuyền cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa; đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn an toàn đối với phương tiện thủy thô sơ. Hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tuy nhiên công tác quản lý giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: do đặc điểm về điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy nội địa nên thời gian qua các địa phương và các sở ngành có liên quan còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa thực hiện chưa thường xuyên liên tục, hiệu quả chưa cao; các địa phương có hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa chưa bố trí, phân công cán bộ chuyên trách trong các cơ quan chuyên môn và lực lượng thanh tra, kiểm tra nên hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa cao.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tư pháp và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cùng với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn UBND các huyện, thành phố về nội dung, phương pháp và hỗ trợ cung cấp tài liệu để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật giao thông thủy nội địa đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức khảo sát, lập qui hoạch sắp xếp các bến đò; tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế cụ thể, phù hợp để khuyến khích đầu tư xây dựng khai thác, trang bị phương tiện bảo đảm điều kiện an toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

b) Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý phương tiện và người lái để đảm bảo tất cả các phương tiện thủy nội địa tham gia hoạt động đều được đăng ký, đăng kiểm và người lái có chứng chỉ phù hợp với loại phương tiện điều khiển.

c) Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trực thuộc thực hiện kiểm tra các phương tiện giao thông thuỷ nội địa, trọng tâm là các phương tiện chở khách, đặc biệt là đò ngang, đò dọc phải được đăng kiểm theo đúng Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và hoàn thành việc này trước mùa mưa bão hàng năm.

d) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm về quản lý, hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định hiện hành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình, Báo Lâm Đồng thường xuyên phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chuyên mục thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng của ngành Công an, Giao thông vận tải kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trên đường thuỷ, xử lý các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thuỷ sản huỷ hoại môi sinh, môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

5. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông bố trí, phân công cán bộ chuyên trách về quản lý giao thông đường thủy nội địa để phối hợp với các lực lựơng chức năng có liên quan và công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt:

a) Tổ chức thực hiện các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa bàn do mình quản lý.

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý phương tiện thuỷ không phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và quy định ban hành kèm theo Quyết định số 56/2008/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về điều kiện an toàn đối với hoạt động của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè, kiên quyết ngăn chặn không để các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn tham gia giao thông.

c) Tổ chức quản lý các công trình giao thông đường thủy nội địa tại địa phương (trừ công trình giao thông đường thủy nội địa trong các khu, điểm du lịch mà Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao cho đơn vị trực tiếp khai thác quản lý).

7. Ban An toàn giao thông tỉnh:

a) Phối hợp với các tổ chức đoàn thể kêu gọi, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh để cấp cho người hoạt động trên phương tiện thuỷ, đặc biệt ưu tiên cho các cháu học sinh thường xuyên đi đến trường bằng phương tiện thuỷ hoặc qua đò ngang.

b) Phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện cuộc vận động “mặc áo phao khi đi đò” đến các địa phương mà nhân dân có sử dụng đò, thuyền để đi lại.

c) Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành địa phương trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện những khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các sở, ngành thuộc tỉnh, các địa phương, các tổ chức cá nhân có tham gia hoạt động giao thông thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Các TV UBND tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lãnh đạo, các CV VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, GT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa