Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN, HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG DO XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong năm 2014, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tốt, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông và đua xe trái phép không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên số người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, tai nạn giao thông do xe mô tô, xe gắn máy gây ra chiếm tỷ lệ cao (chiếm 78%) và có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến Tỉnh lộ đến khu vực nông thôn, thời gian xảy ra nhiều là từ 17 giờ đến 24 giờ, nạn nhân tai nạn phần lớn là những người có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn do xe môtô, xe gắn máy gây ra nhưng chủ yếu là do ý thức người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, vi phạm quy định tốc độ, chở quá số người quy định, sử dụng rượu, bia, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, không có ý thức tự bảo vệ mình và mọi người khi tham gia giao thông; ngoài ra, những bất cập trong công tác tổ chức thi công và bảo đảm an toàn giao thông trên công trường,…là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Để phòng ngừa tai nạn giao thông do xe môtô, xe gắn máy gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền về nguy cơ, hiểm họa tai nạn giao thông, các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn giao thông do xe môtô, xe gắn máy gây ra; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện an toàn giao thông và ứng xử văn hóa giao thông.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các hội viên, đoàn viên để tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, giám sát công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến từng gia đình, từng người dân.

- Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề phát huy hơn nữa công tác phối hợp giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, trước mắt tập trung vào thanh thiếu niên trường học. Kiên quyết chấn chỉnh có hiệu quả các biểu hiện học sinh, sinh viên không chấp hành quy tắc giao thông; xây dựng các mô hình học sinh, sinh viên gương mẫu, tích cực về thực hiện an toàn giao thông và văn hóa giao thông để phát huy, nhân rộng trong thanh thiếu niên toàn tỉnh.

- Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải, chú trọng chỉ đạo các trường dạy nghề lái xe, các doanh nghiệp vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe trước khi sát hạch cấp Giấy phép lái xe. Phối hợp với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, Quốc lộ 1D thi công phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông.

- Các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ, thường xuyên các chương trình tuyên truyền và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động khi tham gia giao thông và coi đây là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng.

2. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, huy động thêm lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông; mở đợt cao điểm xử lý các vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; chở quá số người quy định, vi phạm về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức tuần tra, kiểm tra 24/24h xử lý theo chuyên đề để ngăn chặn tai nạn xe mô tô, xe gắn máy gây ra. Tăng cường công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Kiên quyết đấu tranh, xử lý có hiệu quả các trường hợp chống người thi hành công vụ; chỉ đạo tăng cường thanh tra chống tiêu cực trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đăng ký, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Khi xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông phải tổ chức thông báo đến Công an cơ sở nơi người vi phạm có hộ khẩu để chuyển đến thủ trưởng cơ quan, trường học, khu dân cư kiểm điểm, giáo dục có hiệu quả; phối hợp Viện Kiểm sát, Tòa án kịp thời đưa ra xét xử các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

3. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông, phương tiện, người lái xe:

a. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về quản lý hạ tầng giao thông chủ động phối hợp với đơn vị quản lý các Quốc lộ và chính quyền địa phương ở các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục các “điểm đen” tai nạn giao thông; nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, rà soát, bổ sung các biển báo giao thông đường bộ và sơn kẻ mặt đường; Tăng cường công tác quản lý an toàn kỹ thuật các phương tiện cơ giới đường bộ, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

b. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động đề ra các phương án chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt gây mất an toàn giao thông; chủ động kiểm tra và xử lý kịp thời các bất cập về hạ tầng giao thông không bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. Giải quyết triệt để các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, họp chợ.

4. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh có kế hoạch sơ cấp cứu kịp thời và tích cực điều trị các trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; tích cực phối hợp các lực lượng chức năng xác định nồng độ cồn của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh vận động đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện, kịp thời đáp ứng nhu cầu cần máu của bệnh viện để chữa trị bệnh nhân, trong đó có người bị tai nạn giao thông.

6. Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện cho Ban An toàn giao thông tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh ./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng