Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay bệnh lở mồm long móng gia súc đã phát sinh và lây lan tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai và Yên Bái, với tổng số gia súc mắc bệnh đến nay 480 con; bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Ngãi và Trà Vinh. Nguyên nhân là do một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật chưa được thực hiện tốt, người chăn nuôi còn nhận thức chưa đầy đủ về tính chất nguy hại của dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút tồn tại, phát tán và lây lan.

Mặt khác, theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút cúm gia cầm khác nhau cả trên người và động vật (H7N3, H7N2, H7N9, H5N1, H5N2, H5N3, H5N6, H5N8) xảy ra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước giáp biên giới với Việt Nam.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Chi cục Thú y Thành phố, tình hình kinh doanh gia cầm sống trái phép tại các địa phương chưa được xử lý triệt để, vẫn còn tồn tại 27 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên các tuyến đường trọng điểm tại 07 quận, huyện. Đồng thời, việc giết mổ kinh doanh gia cầm sống trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình dịch tễ đàn gia súc, gia cầm và sức khỏe người dân trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 09 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Công văn số 10000/BNN-TY ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông về triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 3 năm 2014; Công điện số 10091/CĐ-BNN-TY ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng; đồng thời để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn Thành phố, nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015 trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

- Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn; đôn đốc việc chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc; tăng cường tần suất kiểm tra tình hình vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, nhất là việc nhập xuất động vật, sản phẩm động vật trong thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.

- Bố trí lực lượng chốt chặn thường xuyên tại các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn, không để tồn tại các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép, kể cả tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh.

- Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ chủ động tiêu độc, khử trùng thường xuyên theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y; tăng cường kiểm soát, tuyên truyền cho các tiểu thương chỉ kinh doanh các sản phẩm động vật an toàn, đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ đã được kiểm dịch của cơ quan Thú y.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ động phối hợp với các quận, huyện tổ chức kiểm tra về công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

- Chỉ đạo Chi Cục Thú y:

+ Đôn đốc các quận, huyện, các lực lượng có liên quan xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015 trên địa bàn Thành phố, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt trong tháng 01 năm 2015 đê báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Triển khai việc tiêm phòng ngay từ đầu năm 2015; giám sát tình hình lưu hành vi rút trên gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhằm đảm bảo tình hình dịch tễ, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân Thành phố.

+ Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật vào Thành phố tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển không đúng quy định, nhất là trong đợt cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2015.

+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn; triển khai thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi" theo nội dung Công văn số 10000/BNN-TY ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông về triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 3 năm 2014; kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của ngành thú y trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, các yêu cầu về giống vật nuôi nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi phục vụ Tết.

+ Phối hợp với Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt đê đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.

+ Tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Chi Cục Thú y các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

3. Giám đốc Sở Y tế

- Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất tại các cơ sở chế biến, các điểm kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2015, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân Thành phố.

- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

4. Giám đốc Sở Công Thương

- Hoàn chỉnh Quy chế phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt trong tháng 01 năm 2015.

- Chủ trì Đoàn liên ngành về phòng, chống dịch cúm gia cầm của Thành phố và quận, huyện tăng mật độ kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật, đảm bảo giám sát chặt chẽ nguồn hàng hóa chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015.

5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện nghiêm túc thực hiện quy định không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các phương tiện vận tải hành khách đường bộ lẫn đường thủy.

6. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức lựa chọn các sản phẩm an toàn đã được kiểm định bởi các cơ quan chuyên môn trong sinh hoạt gia đình vào các dịp Tết, Lễ hội.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp nêu trên, kịp thời báo cáo đề xuất giải quyết các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị xã hội của Thành phố./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm